Một vấn đề quan hệ cho cuộc cai trị

Một vấn đề quan hệ cho cuộc cai trị  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6593 (18.11.1931)

Lệ cai trị phải theo thói tục của dân, hay là thói tục của dân phải theo lệ cai trị?

Vấn đề trên đây lẽ phải đã phát ra và đã giải quyết đâu vào đó năm sáu chục năm nay kia, nhưng đến hôm nay mới phát ra và chực giải quyết thì cũng chẳng lấy gì làm muộn.

Hễ là cai trị (administrer) thì bao giờ cũng phải tuỳ theo thói tục của dân mà cai trị, sự đó là lẽ đương nhiên, chẳng có gì thành ra vấn đề. Vì một dân đã sống trên đất lâu đời rồi, thì phải có những luân lý, tập quán, phong tục của họ; sự cai trị chẳng qua ở trong vòng luân lý, tập quán, phong tục ấy mà săn sóc cho được yên dân lợi dân đó thôi. Nếu trái với luân lý, tập quán, phong tục của dân thì cũng trái với cái mục đích cai trị nữa, đó không phải là cai trị.

Tuy vậy, đó là nói về cuộc cai trị tự chủ, nghĩa là dân nào cai trị lấy dân nấy, thì mới dễ dàng như vậy, mới không thành ra vấn đề. Chớ còn một dân bị trị như dân Việt Nam, thì trong việc cai trị tự nhiên phải có điều không được cho dễ dàng. Bởi vì người bị cai trị riêng một luân lý, một tập quán phong tục, người cai trị riêng một luân lý, một tập quán phong tục; hai bên có đôi khi không hiệp nhau và thậm chí đến đỗi trái nhau, cho nên phải thành ra vấn đề.

Chúng tôi đem cái vấn đề nầy nêu ra đây, có ý làm cho lọt tai các quan cai trị người Pháp, thật cũng khí thừa ra quá, bởi vì những điều ấy, các ngài đã biết dư rồi, các ngài còn biết sớm và biết nhiều hơn chúng tôi nữa. Cái nghề đi cai trị thuộc địa là cái nghề riêng của người Pháp, ai cầu chúng tôi điều trần việc ấy làm chi.

Thử mở lịch sử chinh phục Nam kỳ ra mà xem, hồi đầu tuy người Pháp có bợ ngợ trong việc cai trị đôi chút, chớ lần lần về sau mỗi ngày mỗi cải lương hoài. Coi như luật hình luật hộ gì cũng dựa theo luật cũ của triều đình Việt Nam thì đủ biết đối với sự trị dân, người Pháp cẩn thận và tinh tế lắm.

Tuy vậy, trong cuộc cai trị có trăm ngàn vạn việc chớ không phải một việc mà thôi. Vẫn biết là việc nào nhà nước cũng muốn chiếu theo luật mà làm, nhưng không phải là không có những việc còn ở bên ngoài luật. Những việc ấy mới là khó; chính cái vấn đề sanh ra ở đó.

Bây giờ người ta còn truyền lại những chuyện buồn cười năm bảy chục năm về trước, là những chuyện nầy: Thuở đó có làng kia bắt một đám trai gái, là cháu mà lấy cô, đem đến cho một ông quan đồn, nhờ ngài xử, vì chưa có tòa án. Quan đồn thả đi mà nói rằng: Cô cháu nó thì nó thương nhau, mắc mớ chi làng mà làng bắt?

Ngày nay phép cai trị đã tường tế rồi, nhà nước Pháp biết kính trọng luân lý An Nam, hẳn là không còn những việc buồn cười như vậy nữa. Nhưng, nếu nói rằng sự cai trị của chánh phủ Pháp ngày nay là đúng với hết cả thói tục An Nam, thì cũng chưa chắc đâu. Vì rằng những việc buồn cười như trên đó tuy đã hết rồi, mà những việc khác từa tựa như vậy cũng hãy còn, có điều nó không đến nỗi buồn cười lắm, cho nên ít ai để ý tới.

Mới rồi trong việc cấp tiền cho kẻ thất nghiệp, có một điều làm cho người nào mắc phải, phải phàn nàn.

Nguyên ban ủy viên ở dinh Xã Tây mấy bữa nay có phát ra một thứ giấy in cho những người thất nghiệp nào muốn xin trợ cấp thì điền tên họ mình vào và điền luôn các khoản khác theo như trong tờ ấy đã chỉ sẵn. Vậy trong các khoản đó có một khoản kêu là Personnes à sa charge. Khoản ấy nghĩa là bảo người thất nghiệp khai ra mình phải nuôi những người nào, mấy miệng ăn, đặng cho ban uỷ viên điều tra và cấp phát cho. Ngặt một chút là trong khoản đó, chữ personne không có chỉ rõ giới hạn, vợ con thì đã đành rồi, còn như cha mẹ có được khai vào không, người ta không nói rõ. Theo như luân lý, phong tục An Nam, sự nuôi cha mẹ còn coi là trọng hơn nuôi vợ con nữa. Mà sự ấy cũng là hiệp lẽ lắm, vì cha mẹ đã nuôi mình hồi còn nhỏ thì bây giờ lúc cha mẹ già rồi, không tự nuôi được, mình phải nuôi.

Theo như chánh lịnh vua An Nam hồi trước, và nếu cái chế độ gia đình xứ nầy cũng vẫn y nguyên như vầy chưa đổi, thì bề nào những người thất nghiệp cũng được khai cha mẹ vào khoản đó.

Vậy mà chúng tôi nghe quả rằng nhiều người điền cha mẹ vào khoản đó mà bị ban uỷ viên bác đơn đi.

Chỉ có ai khai vợ con thì đơn mới được chấp.

Nếu vậy thì thành ra trái với luân lý phong tục An Nam đi rồi. Mà sự trái nầy có hơi hệ trọng một chút, vì làm vậy khác nào giảm bớt cái lòng hiếu của người làm con đối với cha mẹ?

Cái lệ cai trị đó là theo bên Pháp. Bên Pháp theo chế độ tiểu gia đình (petite famille). Hễ kêu là một gia đình, ấy là chỉ có vợ chồng con cái mà thôi, chớ không có kể cha mẹ vào đó. Mà cái lối tiểu gia đình ấy sở dĩ được đứng vững, lại là nhờ mỗi người được độc lập về kinh tế.

Chớ còn tại Nam kỳ đây, chế độ gia đình chưa đổi, kinh tế của cá nhân chưa được độc lập, ông già bà cả nếu không có của sẵn mà ăn thì xã hội cũng không nuôi, vậy họ không nhờ con họ nuôi thì nhờ ai? Hồi nầy con họ thất nghiệp, nhà nước đã ra ơn cứu giúp, mà còn ngoại họ ra, thì thật là nguy cho họ lắm vậy.

(Kiểm duyệt bỏ)

T.R.