Một vài ngu kiến ngỏ cùng Hội báo giới quốc văn sắp lập

Một vài ngu kiến ngỏ cùng Hội báo giới quốc văn sắp lập  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6361 (31.1.1931)

Về việc tôi không đi nhóm bữa hôm anh em trong làng báo họp nhau để bàn việc lập hội thì tôi đã có viết trên tờ Trung lập mà tỏ ý riêng của tôi. Đại ý tôi nói tôi tuy là nhà làm báo mà đối với các anh em khác thì có chỗ quyền lợi không giống nhau, vì vậy nên tôi không đến. Tuy vậy tôi cũng có hứa, hễ sau nầy thấy trong hội ấy tôi có đủ tư cách vào thì tự nhiên tôi xin vào.

Theo tôi thì như vậy là phân minh lắm, chẳng có gì đáng nói đi nói lại; vậy mà hình như cũng còn có một vài anh em không cho tôi là phải, tức như mới rồi, trên tờ Lục tỉnh tân văn, ông Lê Quang Vân viết một bài xã thuyết khá dài, có ý trách tôi, nói rằng vì mấy lời tôi đó mà buồn. Như vậy, tôi thật lấy làm lạ, chẳng biết thế nào hiểu cho được.

Trong sự lập hội lập hè, là sự hệ trọng, có trình Chánh phủ, có đặt chương trình, thì ta nên cứ lý mà nói, chớ không nên vị tình. Cái tình đồng nghiệp đã cố nhiên rồi, mà đã họp nhau thành hội, lập chương trình ra thì bản chương trình ấy tức là tờ giao kèo, phải cho ráo lý, không nên vị tình, vị tình thì hỏng.

Phần nhiều hội của ta lập ra hay hư hay tan, tuy vì có cớ khác, nhưng mà có một phần là tại ta hay tuận tình[1] quá cho nên có khi hại việc. Sự ấy con mắt tôi đã thấy nhiều lần.

Việc ông Lê Quang Vân nói, ấy là theo ý riêng của ông, tôi không cãi, không phải tôi viết bài nầy để đối đáp với ông cho thêm chuyện; nhưng là tôi nhơn đó mà có một vài ngu kiến tỏ cùng hội Báo giới quốc văn sắp lập, nhứt là cùng mấy anh em đứng chủ trương việc nầy.

Thứ nhứt là phải định cái tư cách người vào hội cho phân minh. Bởi vì, đồng thị là nhà làm báo mà có nhiều hạng người. Ngoài các ông rédacteur mỗi ngày đi làm hai buổi ra, còn có người viết báo dạo (như tôi); còn có người làm thông tin, phóng sự (như người ở Sài Gòn mà làm thông tín hay phóng sự cho báo nào ngoài Bắc); còn có người cũng làm trong nhà báo mà không phải rédacteur, như quản lý hay là thơ ký, kế toán và đánh máy chữ, thì những người ấy có được vào hội không?

Kể cho kỹ ra, còn nhiều nữa. Là như mấy ông năm xửa năm xưa làm báo hoặc chủ báo mà bây giờ không phải nữa, thì sao?

Đó, tôi xin hội phải định cái tư cách vào hội cho phân minh và tính làm sao cho đừng sót nước. Những hạng người kể trên nầy ai được vào, ai không được vào, phải nói cho rành mạch. Vả lại, theo ý riêng tôi, những người ấy nếu được vào hội tất cả thì hội cũng phải định các quyền hạn khác nhau, không phải nhứt luật, mới được.

Tôi nói quyền hạn đó tức như quyền phát ngôn và quyền đầu phiếu. Bởi vì những hạng người đó tư cách khác nhau, nếu ai cũng có quyền phát ngôn, quyền đầu phiếu như nhau thì có khi không làm lợi cho hội mà trở làm hại cho hội. Câu cuối cùng trong bài tôi đăng ở Trung lập hôm trước chính là muốn tỏ cái ý đó, vậy mà ông Lê Quang Vân lại nhè chỗ đó bất bình thì lạ cho tôi quá.

Tôi phải nói cho rõ ra. Ví dụ như tôi là kẻ ở nhà viết bài, khỏi phải bắt buộc về thì giờ đi làm. Giá mà cho tôi vào hội, cũng cho tôi có quyền đầu phiếu (bỏ vé) để quyết định mọi việc rồi một ngày kia, trong hội vì cớ nào đó đem vấn đề thì giờ làm việc ra bàn. Bên mấy ông chủ báo ưng mỗi ngày làm 8 giờ, còn mấy ông rédacteur ưng mỗi ngày 6 giờ, hai bên số người bằng nhau. Bấy giờ tôi có bụng xấu, về hùa với mấy ông chủ báo mà bỏ thăm theo phe mấy ông, thành ra mấy ông được thắng lợi. Như vậy có phải là vì tôi mà hại cho mấy ông rédacteurs kia không? Mà cũng là tại hội cho tôi vào rồi lại cho đồng quyền nữa, nhưng tôi là kẻ khỏi đi làm ngày hai buổi, cho nên tôi nhắm sự đó không lợi hại gì cho tôi mà tôi theo phe kia.

Ấy đó, trước kia tôi nói vì quyền lợi bất đồng mà tôi còn rón rén ở ngoài là nghĩa như vậy đó. Như vậy là tôi có lòng vì hội, chớ không phải vì tôi.

Cái ví dụ trên kia là tôi đặt ra đó thôi, hoặc giả hội tương tế thì không có xảy ra những việc ấy chăng? Nhưng đã là một cái hội, thì thể nào cũng có sự lợi hại như việc ấy, xin anh em phải nghĩ đi nghĩ lại cho châu đáo.

Theo tôi, phải định tư cách người vào hội cho rõ ràng, và nếu có nhiều đấng người thì quyền hạn phải khác nhau, là sự cần yếu lắm. Xin anh em nghĩ chỗ đó, chớ đừng trách tôi như ông Vân làm chi.

Phan Khôi

   




Chú thích

  1. Tuận tình : H.T.Paulus Của giải "tuận" là theo; vậy tuận tình tức là "theo tình", "vị tình"