Một trang lịch sử: Mấy cuộc quần chúng vận động ở xứ ta

Một trang lịch sử: Mấy cuộc quần chúng vận động ở xứ ta  (1937) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 29 (27 Février 1937), trang 2, 6; số 30 (13 Mars 1937), trang 2, 5; số 31 (20 Mars 1937), trang 2, 4.

Gần nay, trên hầu hết các báo, người ta đã dùng sai nghĩa chữ “quần chúng”. Quần chúng vốn nghĩa là một đám đông người, có trước mắt chúng ta, đúng với tiếng Pháp là la foule; khác với “dân chúng”, tiếng Pháp là la masse, cũng đông người mà không phải một đám có trước mắt. Vậy mà có nhiều ông văn sĩ đã viết nhiều câu như là: “quần chúng làm hậu thuẫn” hay “quần chúng giác ngộ”, thành ra nghĩa nó không khác gì với dân chúng.

Sự dùng sai ấy hình như bây giờ đã thành thói quen, không còn ai biết là sai nữa và cũng không có ai đủ sức đính chánh nữa. Ở đây, tôi cũng không đính chánh; tôi chỉ nói cho bạn đọc biết rằng trong bài nầy tôi dùng chữ “quần chúng” theo nghĩa nguyên của nó là: một đám đông người có trước mắt chúng ta.

Chữ “quần chúng vận động”, tôi dịch ra bởi chữ “mouvement de foules” của tiếng Pháp, cái hàm nghĩa của nó là nói về những cuộc vận động nhân một việc gì, nhắm một mục đích nào, mà trong đó có rất đông người tụ hội và can dự, và vận động là vận động cho cái số rất đông người ấy.

Một đám đông tự động mà nhóm lại, và làm việc gì là vì mình mà làm, như thế, sự tụ hội đó mới gọi được là có ý nghĩa quần chúng. Còn chẳng thế, bởi một mệnh lệnh nào mà nhóm lại, và làm việc chẳng phải vì chính mình đám đông ấy, thì dù có nhiều người tụ họp đến mấy nữa, trong đó cũng chẳng có ý nghĩa quần chúng chút nào. Trong bài nầy tôi chỉ kể cái trước mà không kể cái sau.

Tôi nêu cái phó đề: “Một trang lịch sử”, vì từ trong mấy cuộc vận động ở xứ ta sắp cử ra dưới đây tôi thấy cái vết tiến hóa của dân tộc.

Này là một bài nghiên cứu mà tài liệu rất bủn xỉn, chứng cứ rất yếu đuối, chắc các bậc cao minh, nhất là những người chuyên môn khảo sát về quần chúng, đọc đến không khỏi phì cười. Vẫn biết vậy, nhưng tôi không dám giấu chỗ vụng của mình, vì muốn đưa ra giữa bạn đọc một vấn đề mới, là vấn đề về lịch sử quần chúng.

Kể hết thảy những lần tụ họp của quần chúng trong nước ta xưa nay thì nhiều lắm, không bởi đâu biết cho hết mà kể được. Đây tôi chỉ dứt lấy một quãng 50 năm giở lại đây và những cuộc vận động nào mà tôi biết có chắc chắn và thấy rõ tình hình thì mới kể vào. Bạn đọc nếu đã cho phép tôi làm như vậy, sẽ không trách tôi sao có chưng ra những chuyện ở quê nhà mình nhiều hơn.

Năm 1885, năm Hàm Nghi Ất Dậu, sau Kinh thành thất thủ bao nhiêu ngày đó, ở Quảng Nam xảy ra vụ văn thân lấy tỉnh. Vụ nầy tuy chủ trương bởi văn thân, nhưng cái hôm lấy tỉnh ấy thật là một cuộc vận động của quần chúng, mặc dù cuộc vận động vô ý thức.

Trước đó, trong dân có tiếng đồn rằng ngày ấy ngày khác văn thân sẽ lấy tỉnh. Rồi tới kỳ, không biết người ta ở đâu kéo đến bốn phía thành hằng hà sa số. Từ hồi mờ sáng cho tới trưa, tới xế, mỗi giờ một đông thêm. Bốn cửa thành, trừ cửa tiền không có người, còn ba cửa kia, người khít nhau trên các con đường từ cửa nầy đến cửa khác, đủ cả các hạng, người ta nói có đến mười mấy muôn. Trong đó, cố nhiên có một số thân hào mộ binh sẵn từ nhà kéo tới; nhưng phần đông là những kẻ nghe thì đến với hai tay không, cũng không biết đến để làm gì.

Bấy giờ ông Nguyễn Văn Ngoạn làm Tuần vũ. Được tin báo từ lúc khuya, ông truyền cứ đóng chặt các cửa thành, dù sáng ra cũng không mở. Mặt trời mọc được một sào, trên cửa truyền ống vọi ra rằng: “Tỉnh là tỉnh của anh em, các quan không giữ làm gì, chỉ cần một điều là xin cho biết ông nào làm tướng, các quan sẽ mở cửa thành ra rước”. Ống vọi rao như thế từ sáng đến chiều mà chẳng có ai chịu làm tướng cả. Mãi về sau, Ông Ích Thiện, con trai Ông Ích Khiêm, mới ngót 30 tuổi, xưng mình là Bình Tây Đại tướng quân, vào thành nhận lấy tỉnh của các quan giao cho, không đánh đập gì. Đó rồi quần chúng tự mình giải tán, ai về nhà nấy.

Nhiều người thuật lại chuyện nầy mà lấy làm lạ, không hiểu hôm ấy người ta đến đó làm chi mà đông như thế. Nếu nói đi lấy tỉnh, thì những người đi có quân lính khí giới đã đành; còn phần rất đông đến tay không đó là đến có việc chi. Có lẽ bởi mỗi người đều bị tâm lý của mình kích thích, giục cho phải đi mà mình không tự biết.

Có những người đã nhỡ ra dự vào cuộc tụ hội ấy, sau về kể chuyện, còn ruy rẩy không quên được sự nguy hiểm mình cảm thấy lúc bấy giờ. Hàng vạn người họp lại, tiếng rằng để cử đồ một việc lớn, mà ai nấy đi như đi xem hội, không tổ chức, không dự bị, đến nơi rồi mới thấy cái cơ nguy. Họ nghĩ: nếu trong thành chĩa súng đại bác bắn ra, đừng nói bắn nhằm, nội cái nghe súng rồi tranh nhau mà chạy cũng đủ chết bẹp dưới chân của nhau. Còn, đã đến đó rồi mà trở về, lại sợ mấy tay lãnh tụ ra lệnh chém đi để răn sự thoái sức. Thành ra, có những người khiếp vía, chạy xuống nấp dưới cầu nơi vào cửa thành, rồi đứng sững ở đó cho đến sáng hôm sau.

Xét ra cuộc vận động nầy là riêng của văn thân, không có quần chúng can dự đến mới phải. Đáng lẽ, người nào có bị thúc vào quân ngũ, hãy đi; còn không thì ở nhà. Nhưng, sau khi Kinh thành thất thủ, một cái tin quan hệ như thế kích thích họ, họ phải đi; đi mà không biết để làm gì, thành ra một cuộc vận động vô ý thức.

Sau đó hơn 20 năm, vào năm 1908, tháng hai An Nam, cũng ở tỉnh Quảng Nam, có xảy ra vụ “xin xâu”. Vụ nầy đã gây ra một cái phong trào cuốn cả mười hai tỉnh Trung Kỳ và chính nó sẽ chiếm ít nhiều trang trên lịch sử, là vụ đầy ý nghĩa quần chúng.

Bấy giờ, sau chánh phủ Bảo hộ thẳng tay can thiệp vào nội chánh mười năm, thuế điền thuế đinh đều tăng cao lên và đem nạp ở kho Bảo hộ; dân sự bị bắt đi đào sông đắp đường quanh năm không ngớt; ai nấy than van “xâu cao thuế nặng”, và bốn tiếng ấy đã thành ra như cái khẩu hiệu trong dân. Nhơn trước đây vài năm, từ 1906, sĩ phu trong tỉnh có một bọn hô hào sự cải cách, đề xướng những việc khai thương, lập học, dân chúng nhờ đó có hơi giác ngộ, cho nên hễ gặp cơ hội là họ dấy lên.

Lúc đầu chỉ có mấy mươi dân huyện Đại Lộc đến tòa Công sứ kêu nài về sự ông huyện bắt xâu không công bình thế nào đó, cái tin nầy đồn ra, làm dân cả tỉnh hăng hái kéo nhau đi “xin xâu”.

Tại tòa Công sứ Hội An, thấy nhân dân từ các nơi kéo tới. Người nào cũng quần áo rách rưới, có kẻ lại mang chiếu theo, mang nồi niêu theo, nói sẽ ăn ngủ tại đó, chờ bao giờ xin được mới về. Hôm đầu còn là dăm bảy trăm người, hôm sau đến mấy ngàn người, những hôm sau nữa đến hàng mấy vạn. Họ làm một cuộc biểu tình rất dai dẳng, có lẽ xưa nay đâu đâu cũng chưa hề có. Cứ tốp ấy về, tốp khác đến thay phiên nhau chực chung quanh tòa Sứ, lúc nào cũng có hàng vạn người, như thế gần một tháng.

Theo lời quan sức ra, mỗi tốp đều cử đại biểu vào nói chuyện. Ai ai cũng chỉ có một việc là than vãn sự khốn khổ, xin Nhà nước bớt xâu giảm thuế mà thôi. Quan Công sứ trả lời rằng ngài không có quyền, cứ về mà lo làm ăn đi, đợi ngài đánh điện xin với quan trên rồi sẽ sức chu tri về sau. Nhưng họ không nghe, một hai xin ở đợi cho được tin quan trên đáp phúc mới chịu về.

Nói cho phải, cuộc biểu tình nầy tuy đông người và dài ngày mà chưa hề có làm việc gì trái phép. Suốt gần một tháng, trong tòa Sứ vẫn làm việc như thường, còn ở ngoài, dân cứ lảng vảng đó để đợi. Vẫn có lính tập đàn áp từ ngày đầu, lính chỉ lấy mồm bảo dân dãn ra xa, đừng áp vào tòa Sứ, thì dân đều nghe răm rắp. Nhưng hễ mỗi ngày dân kéo tới đông thêm thì lính cũng đông thêm.

Giá cứ như vậy thì thật khó mà giải tán, vì không có một cớ gì nhỏ mọn cho chánh phủ có thể viện lấy mà dùng đến võ lực. Nhưng, ở tòa Sứ thì quần chúng giữ được trật tự, mà còn ở nhà quê thì họ lại đã bắt đầu làm những việc phi pháp. Nhờ đó, quan Công sứ bèn hạ lệnh cho lính tập dùng roi và báng súng mà giải tán quần chúng cho đến không còn một người nào.

Cuộc quần chúng vận động nào cũng vậy. Ban đầu có lẽ tự ý mỗi người họp lại với nhau, nhưng đến khi đã họp lại đông rồi thì thế nào cũng có những kẻ đứng ra làm lãnh tụ để chỉ huy. Cuộc vận động năm 1908 ở Quảng Nam, có nhiều tay lãnh tụ giỏi lắm, nhưng trong đó cũng có kẻ chủ trương quá khích. Hỏng việc là tại mấy kẻ nầy. Về sau vào trong tù, họ còn trách thiện với nhau về sự ấy mãi.

Trong lúc hằng ngày mấy vạn tụ họp ở chung quanh tòa Sứ đó, thì ở các miền nhà quê cũng luôn luôn có những cuộc tụ họp nhỏ hơn. Họ kéo nhau từng bọn vào nhà người ta mà cưỡng bách phải đi “xin xâu” với họ. Lại khi đi ngoài đường, thấy ai mặc áo quần lành hoặc đẹp thì họ xé đi. Còn có những kẻ khác đè đầu người ta xuống mà hớt tóc.

Những sự ấy không đáng kể vào đâu cả nếu kể đến mấy cuộc họ toan giết người hoặc đã giết người. [HẾT KỲ 1]

Trong vụ “xin xâu” này, về sau, quan tỉnh ghép cho đến hai cái án sát nhân, vì đó có mấy kẻ bị xử chém và đi đày, mặc dù hai người bị sát kia, dư luận vẫn cho là đáng số.

Một là bách tử Đề Sự. ‒ Viên Đề đốc tên Sự, bấy giờ đương coi đắp đường ở Tam Kỳ. Bình nhật, trong công việc làm, ông Đề hay bức sách và hành hạ dân sự lắm. Thừa lúc có phong trào quần chúng, họ dấy lên toan báo phục.

Nguyên mấy hôm ở Hội An đã có biểu tình rồi, thì các sở đường Tam Kỳ không có phu đắp nữa. Đó thật là một cuộc đình công, nhưng bấy giờ chưa có cái danh từ ấy, người ta chỉ nói rằng dân sự mắc đi xin xâu, không ai đắp. Dù vậy, ông Đề vẫn còn ở đó, thường trú tại phủ nha.

Vào một hôm cuối trung tuần tháng hai ta, chừng ba bốn giờ chiều, thình lình thấy người ta ở đâu kéo tới phủ rất đông. Ban đầu họ đứng trong sân; sau mỗi phút càng đông thêm, họ đứng cả ngoài đường và bao vây chung quanh phủ. Ông Phủ sợ lắm, tưởng là dân đến làm lôi thôi gì với mình, nhưng không phải, họ chỉ xin mời ông Đề ra cho họ nói chuyện.

Ông Đề nghe thấy thế, trốn biệt tăm. Ông Phủ thì cứ nói với họ rằng quan Đề đã đi đâu rồi, không có ở đây.

Người ta nói cuộc tụ họp nầy có từ tám ngàn đến một vạn người. Ông Phủ muốn giải tán họ, nhưng không đủ sức. Còn bên dân, bấy giờ có người bảo cứ ào vào phủ mà lục soát, sẽ thấy ông Đề ở đó, nhưng kẻ khác lại can ngăn không cho.

Hai bên giằng co nhau cho đến tối, đến khuya. Khi ấy ông Phủ mới tìm được một kế giải thoát cho ông Đề.

Ở Tam Kỳ vốn có một đồn lính tập, cai quản bởi một viên đại lý người Pháp, cũng kêu là ông Đồn. Lúc chiều, nghe nói dân họp đông ở phủ, ông Đồn có đến khuyên họ giải tán, nhưng vô hiệu, ông đã về rồi, để lại vài mươi lính tập giữ trật tự.

Vào khoảng chín giờ tối, ông Đại lý lại tới phủ, đi bằng xe kéo. Từ chín đến mười giờ, khi thì ông vào nói chuyện với ông Phủ, khi thì ông ra nói chuyện với dân, cốt bảo họ giải tán, nhưng họ không nghe. Mười giờ rưỡi, ông Đồn trở ra, vừa đi vừa nói: “Thôi, tôi về ngủ!”. Ông bước lên xe, xe chạy như bay.

Từ phủ về đồn non một cây số. Liền đó trong đám đông có kẻ la lên rằng: “Chính ông Đề Sự kéo xe cho ông Đại lý, đã thoát ra rồi!”. Ai nấy rùng rùng đổ ra, chạy theo xe, vừa chạy vừa la: “Ông Đề ở đây! Ông Đề ở đây!”.

Trời sáng trăng mờ mờ. Cái xe ông Đại lý chạy trước đám đông chừng hai trăm thước, chỉ thấy người kéo chạy nước đại chớ không biết đích là ai. Nhưng họ cứ vừa chạy theo vừa la như thế cho tới khi đến cửa đồn.

Ông Đại lý vào rồi, cửa đồn đóng, quần chúng ở ngoài trở nên một đám bơ vơ, chỉ có việc giải tán... Nhưng không ngờ đến hai giờ chiều hôm sau thì ông Đề Sự chết trong đồn.

Thì ra ông Đề kéo xe cho ông Đại lý thật. Đó là ông làm theo một cái kế để thoát thân. Nhưng cả một buổi chiều, ông đã sợ thất thần rồi; kế đến lúc kéo xe, bị đám đông theo sau dọa nạt, nên khi vào đồn xong, buông gọng xe ra, là ông bất tỉnh nhân sự. Thầy thuốc chữa chi cũng không lại; thấy nói ông vỡ phổi ra mà chết.

Không ai hề đụng đến ngón tay ông Đề Sự, thế thì sao lại gọi là bách tử? Nhưng đó là việc khác.

Hai là ngược sát Chánh Quát. ‒ Ông Chánh tổng Trần Quát, ở làng Gia Cốc, huyện Duy Xuyên, vốn là một cường hào thuở nay. Lúc bắt đầu có phong trào xin xâu, ông Chánh Quát đến tỉnh đến toà, nhận chức “hiểu trấp”, quyết ra tay đàn áp dân chúng để dâng công cho chính phủ.

Trong nhà ông, lập ra buồng giam, săm các thứ hình cụ, như một chỗ quan nha. Ông sai thủ hạ đi ra bắt những người dân nào có dự cuộc biểu tình ở Hội An trở về mà khảo kẹp tra tấn, làm nhiều việc khích động lòng công phẫn. Bên dân, hình như họ có quyết định sẵn, hẹn ngày kéo đến nhà ông thi hành sự trừng phạt.

Một đêm, dân ở đâu không biết, mỗi người cầm một cái đuốc, kéo đến tại đồng làng Gia Cốc rồi vào nhà ông Chánh Quát. Ban đầu ông định trốn, nhưng sau lại ra mặt. Sau những lời cật trách, quần chúng bắt ông Chánh đi với mình. Mọi vật trong nhà ông, họ không hề đả động tới, chỉ lấy đem theo một thanh gươm của ông thường treo ở chỗ ngồi, trên cột.

Họ dẫn ông ra đến bờ sông. Giữa mấy ngàn con người và mấy ngàn cái đuốc sáng rực cả một góc trời, họ lấy gươm của ông cắt cổ ông, nhưng gươm cùn, không đủ làm cho ông chết. Họ đè ông xuống, lấy đuốc đốt cả râu và tóc cùng lông nơi hạ bộ. Cũng chưa chết, cuối cùng, họ dìm ông xuống nước. Ấy là xong việc, quần chúng giải tán.

Thuật sơ qua hai việc nầy, tôi không lấy gì làm lạ về cái cử chỉ như thế của một đám đông. Vì trong khi cái lòng phẫn uất của công chúng đã lên đến cực điểm rồi, hễ có cơ hội là nó phát ra, không ai có sức nào ngăn cản được. Khôn khéo là chỉ nhờ ở những kẻ cầm đầu một quần chúng, phải biết cách điều hòa khu xử thế nào, đừng cho có những cơ hội ấy xảy ra.

Đã có nhà học giả khảo sát về tâm lý quần chúng, nói từa tựa như vầy: Hễ một đám đông người nhóm lại, dù trong ấy có người hữu học chăng nữa, cái tri thức cũng sụt xuống một mực rất thấp. Cái chỗ sở đoản của tâm lý quần chúng dễ thấy nhất, là sự vầy hùa với nhau. Bởi vậy, mỗi khi giữa đám đông, bất kỳ có một cái mệnh lệnh nào phát ra một cách tích cực và hăng hái, là tức thì được tuân theo và thi hành răm rắp. Cho nên, cái sự đứng ra lãnh đạo một quần chúng là sự rất khó nếu tính làm sao cho trót lọt mọi bề, nhưng cũng là sự rất dễ nếu chỉ làm cho cả đám đều vâng hiệu lệnh.

Mấy lời ấy nếu đáng cho ta tin thì hai việc bách tử và ngược sát của quần chúng ở Quảng Nam năm 1908 kể trên đây, nó đã xảy ra là phải lắm, vì những người lãnh đạo bấy giờ (như Ông Ích Đường, người cầm đầu vụ ngược sát Chánh Quát, sau bị chém), kể cái tri thức lúc bình thời cũng đã chẳng hơn những người tầm thường là mấy. Họ có thể giục quần chúng làm một việc quá đáng mà dù chết cũng chẳng ăn năn, nhưng họ không có thể cầm hãm quần chúng lại, bảo đừng làm việc quá đáng, là việc theo lẽ không nên làm.

Biết lẽ ấy rồi, ta lại có thể đoán quyết rằng trong việc thứ nhất, khi quần chúng vào kiếm ông Đề Sự tại phủ Tam Kỳ mà nếu gặp được chính mình ông ấy thì câu chuyện cũng sẽ xảy ra chẳng khác với việc thứ hai: Nghĩa là ông Đề Sự cũng sẽ bị giết một cách bạo ngược như ông Chánh Quát mà thôi. Nói thế, không phải tôi có ý đi tìm chứng cứ để nhận cho mấy cái án tử hình của các quan tỉnh đã xử về việc ấy là chánh đáng; tôi chỉ muốn nói để bạn đọc biết rằng từ kẻ lãnh đạo quần chúng cho đến quần chúng lúc bấy giờ đều có một tâm lý giống nhau và cách hành động của họ cũng không khác nhau.

Cứ theo lẽ phải mà nói, cuộc vận động năm 1908 nếu không có những vụ sát nhân nầy thì nó sẽ quang minh chánh đại đến đâu. Hoặc giả cái kế của nó cũng sẽ khác đi kia, chứ không phải là nhân đó kéo dăm bảy trăm cả thân hào và sĩ dân vào ngục, lại đưa mười hai tỉnh đến trong một thời kỳ khủng bố, có tỉnh, như Bình Định, còn khủng bố gấp mấy Quảng Nam nữa.

Nhưng, theo sự thực thì những việc ấy lại là việc không thế nào tránh khỏi được. Vì, như trên kia đã nói, lòng phẫn uất của công chúng đã lên đến cực điểm.

Dù thế nào nữa, xin bạn đọc đọc lại bài trước, xét xem cuộc quần chúng vận động trong hồi văn thân lấy tỉnh Quảng Nam, rồi đem so sánh với cuộc quần chúng vận động năm 1908 nầy, sẽ thấy một dấu tiến hóa rõ rệt lắm. Quần chúng năm 1885 là một đám đông nhung nhúc, khờ khạo, ngớ nghết, đi mà không biết mình đi đâu, làm mà không biết mình làm gì. Nhưng quần chúng năm 1908 thì đã khôn ngoan lắm, họ biết tự chủ, biết vì chính mình mà vận động, chỉ phải cái hăng quá, không hay cầm hãm lấy mình. [HẾT KỲ 2]

Từ năm 1908 về sau, gần hai mươi năm, cả nước không có cuộc quần chúng vận động nào cả, dù rằng trong khoảng thời gian đó, ở khắp ba kỳ, nơi nào cũng có ít nữa là một cơn biến loạn xảy ra.

Những vụ phá khám lớn ở Sài Gòn, âm mưu của vua Duy Tân ở Huế, dấy loạn ở Thái Nguyên, đều không kể vào đây, vì trong mỗi một việc ấy đều không có cái ý nghĩa quần chúng.

Cái phong trào quần chúng lại dấy lên ở xứ ta, nên kể từ năm 1926, và bắt đầu có tại Sài Gòn.

Xem đến đây, chắc trong trí bạn đọc phải nhớ đến đám táng ông Phan Châu Trinh và cuộc tiếp rước ông Bùi Quang Chiêu. Hai lần nầy tuy không có sự hành động gì to tát, nhưng có lẽ ta nên kể cho cái tánh chất quần chúng Việt Nam được biểu lộ ra một cách rõ rệt và đầy đủ là bắt đầu từ đó.

Ông Bùi Quang Chiêu ở bên Pháp đã làm gì cho dân Việt Nam mà lúc về người ta lại kéo nhau hai vạn người ra đón tại bến tàu? Chính những người đã đi đón ông Bùi lúc đó, bây giờ nghĩ lại có lẽ cũng tự lấy làm buồn cười. Nhưng hồi đó mà không đi đón như người ta, thì những người ấy hẳn lại lấy làm thẹn rằng mình không có lòng ái quốc! Đón là đón, nó không có nghĩa gì cả, hoặc chỉ có nghĩa trong một thời gian. Cái cử động của quần chúng thì bao giờ cũng thế. Nhưng trong việc ấy ta phải nhìn nhận một chỗ khả thủ của mấy tay lãnh đạo.

Giữa hôm đó, tại bến tàu, có một phe người Pháp dự bị sẵn khí giới trong mình, chực khiêu khích hai vạn người kia để gây nên việc lớn. Nhưng, biết trước được sự dự định của họ, bên nầy bảo nhau bằng một cái khẩu hiệu “nhịn”, thành ra trọn một buổi chiều không có xảy ra sự gì đáng tiếc. Sự thành công về phương diện tiêu cực ấy, đã bị nhiều người bỏ qua mà không thèm kể, nhưng nó thật đáng kể. Vì phải là một quần chúng đã có trải qua sự huấn luyện hoặc nhiều hoặc ít thì mới có được cái thành công ấy, chứ chẳng phải dễ gì.

Trước việc nầy, ở Sài Gòn cũng đã có vài cuộc quần chúng vận động nho nhỏ, có lẽ đó là những dịp để mà huấn luyện. Trong khoảng một tháng trước ông Bùi về, có lần sáu trăm người đến dinh Thống đốc thỉnh cầu một việc gì đó; lại một lần nữa, ba ngàn người biểu tình tại Xóm Lách, phản đối một vụ bắt bớ trái luật.

Gần sáu trăm người kéo đến dinh Thống đốc, do trạng sư Mornin cầm đầu. Đi nửa đường thì gặp viên cảnh sát trưởng bận sắc phục đón đường, nói rằng được quan Thống đốc phái đến tiếp nhận lời thỉnh cầu và xin quần chúng đừng tới dinh ngài làm chi, vì ngài vừa đi vắng. Gặp như thế, người cầm đầu mới đối phó làm sao? Có nên để quần chúng tự giải tán giữa đường chăng? Thật một dịp có lẽ là nguy hiểm. Không khéo sẽ xảy ra sự xung đột giữa đôi bên: bên sáu trăm người đương nóng nảy đi tới mà gặp sự cản trở, với bên viên cảnh sát trưởng là người thi hành sự cản trở, lại có hai mươi lính đi theo.

Tôi phải thuật lại sự đối phó của trạng sư Mornin ra đây để làm một bài học. Được lời viên cảnh sát trưởng, ông ấy trao tờ thỉnh nguyện rồi bảo anh em quay lại, cứ giữ hàng ngũ như trước mà đi về đến nhà báo “Indochine” là chỗ lúc nãy khởi ra đi. Sáu trăm người đứng nơi sân, còn trạng sư lên hiên lầu diễn thuyết một thôi với điệu bộ rất hùng dũng, đại ý nói cuộc biểu tình của anh em hôm nay là đắc thắng, vì thấy cách đối đãi như thế đủ biết quan trên có ý nhượng bộ rồi.

Mấy lời khôn khéo ấy chẳng những vuốt ngực họ cho khỏi tức mà còn làm họ được vui lòng, ai nấy giải tán ra về, quên sự mình định đi đến một nơi kia mà bị có người cản trở.

Lần biểu tình tại Xóm Lách (một quãng đất trống trong thành phố Sài Gòn) về buổi sáng, đến chiều mới có ba người chủ trương bị bắt và đưa vào khám lớn Sài Gòn.

Người ta nói đáng lẽ có đông người bị bắt tại chỗ biểu tình kia nhưng nhờ ở ba ngàn người họp lại mà không có một cái cử chỉ nào hớ cả, nhà chức trách không có cớ gì để tra tay trên họ được, nên mới chỉ bắt có ba người chủ trương ấy ở buổi chiều.

Ai từng dự đám táng ông Tây Hồ mới nhìn thấy cái giá trị thật của quần chúng An Nam. Lúc bấy giờ có mấy tờ báo nói người đi đưa đến mười vạn; nhưng nói thế thì khí quá, cho đi năm vạn mà được như thế cũng đã vẻ vang lắm rồi. Năm vạn người kéo đi, giới nào theo giới ấy, cứ mỗi hàng năm người, không một tiếng động, không một sự ồn. Ôi! Đáng cảm động và đáng phục! Tuy đó là một quần chúng đi đưa đám táng, giữa sự bi ai không lẽ nào còn có điều khiêu khích, nó không có sự gì phải đối phó khó khăn, tự hồ không kể được là một cuộc vận động; nhưng trái lại, đáng kể lắm, vì là đám táng của ông Phan Châu Trinh, lại ở vào một thời kỳ rắc rối.

Xét qua mấy cuộc vận động của quần chúng năm 1926 tại Sài Gòn, cuộc nào cũng thấy có cái vẻ trì trọng và trấn tĩnh. So với trước, lại thấy tiến hóa lên một bậc. Cái điểm yếu của quần chúng là vầy hùa, là xốc nổi, mà đã đổi ra trì trọng, trấn tĩnh, tức là tiến hóa.

Giập tắt đi ba năm, đến năm 1930 về sau, phong triều quần chúng dấy trở lại. Chẳng những Sài Gòn mà ở lục tỉnh nữa, ở Quảng Ngãi và Nghệ Tĩnh nữa, ở các nơi khác nữa, nó đã lan ra thật rộng và cất lên thật cao. Phong triều của lần nầy có nhuộm một màu khác cho nên nó đi tới một cách rất hăng hái, bỏ cái mực tiến hóa trước kia.

Cứ một đám biểu tình là có năm bảy trăm người hoặc đôi ba ngàn người và cứ cách mấy ngày lại có một đám biểu tình như thế, cũng có khi đồng một ngày mà xảy ra trong mấy chỗ mấy đám biểu tình. Coi đó thì biết những cuộc vận động lần nầy có tổ chức hẳn hoi, chứ không phải do mỗi người tự động, có thể gọi là việc tình cờ như những lần trước. Người ta bảo, đó là sự tổ chức của Đảng cộng sản. Nhưng, trong bài nầy, tôi chẳng thấy cộng sản đâu cả, tôi chỉ biết đó cũng là một cuộc vận động của quần chúng Việt Nam.

Thôi, cái hành động của quần chúng lần nầy không thể nói được nữa! Họ đòi chia thóc chia ruộng. Họ đánh nhau với lính. Họ đốt nhà. Họ giết người. Có chỗ, như ở Nghệ Tĩnh, thật họ đã chối hiệu lệnh của chính phủ mà tự cai trị lấy nhau. Xin bạn đọc mở bài nầy ở số trước ra mà so sánh, họ làm còn hăng hơn quần chúng ở Quảng Nam năm 1908 đến gấp trăm lần!

Tôi không thể tả từng cuộc vận động rõ hơn nữa về lần nầy. Tôi chỉ có thể nói lược qua như thế rồi tóm lại mà xét.

Cái hiện tượng lần nầy không nói là tiến hóa được mà phải kể là biến thái. Đó là cái biến thái của tâm lý quần chúng.

Khi quần chúng có một cái khuynh hướng mới và rập nhau, họ phải biểu thị ra một cách hăng hái, xốc nổi, rất đỗi đến ngang ngược nữa mà họ không tự biết. Khi ấy cái cử động của họ không còn giữ được mực thường, mà nó phải biến.

Thóc và ruộng biết không thể chia được mà họ cứ đòi chia. Lính biết là không nên đánh mà họ cứ đánh. Đốt nhà, biết là sẽ có tội mà họ cứ đốt. Giết người, biết là sẽ bị giết lại mà họ cứ giết. Chưa đủ sức chống lại chính phủ mà họ cứ chống. Hết thảy những điều ấy, người ngoài trông vào có thể bảo họ là dại, không thì là điên. Nhưng không phải, đó là cái biến thái của tâm lý quần chúng, khi đã mất mực thường mà ra biến, thì nó như vậy.

Hết lúc biến đó rồi, nó trở lại mực thường mà đi theo đường tiến hóa là đường trước kia quần chúng đã từng đi. Sự ấy đã bắt đầu có từ cuối năm 1936 và sang đầu năm nay là năm 1937.

Không biết bao nhiêu cuộc đình công suốt đã xảy ra từ Bắc chí Nam nội một mùa đông năm ngoái, trong đó các thợ thuyền phu phen đều tự động mà yêu cầu những điều thiết yếu cho chính mình, giữ được thái độ ôn hòa và có trật tự, thành thử cuộc đình công nào cũng đắc thắng. Rồi đến đầu năm nay, trong hai lần đón rước quan Toàn quyền mới và vị Lao công đại sứ, nơi thì mấy vạn người, nơi thì mấy ngàn người, nơi thì mấy trăm người, họp nhau trong sự nghiêm trang và điềm tĩnh để hô những câu khẩu hiệu mạnh mẽ mà thiết tha. Những người nào chứng kiến cái cử chỉ của quần chúng Việt Nam lần nầy, không có thể tưởng được rằng chính cái quần chúng ấy, năm 1930 - 1931 từng có những cái hành động hung hăng, xốc nổi thậm chí là ngang ngược!

Chúng ta phải nhận thấy là một phen tiến hóa nữa; cái tiến hóa ở sau cái biến thái, ví cũng như con sông qua một khúc cong rồi đi tới mãi cho đến đổ ra biển Đông. Nhân đó, ta lại biết chắc quần chúng Việt Nam còn tiến hóa nữa, chưa thôi.

Sự nghiên cứu của bài nầy dù không được kỹ lắm, chứ đọc qua, cũng đủ cho ai nấy thấy rằng nhờ có sự rèn tập năm mươi năm nay, bây giờ quần chúng ta mới tiến lên đến bực ấy.

PHAN KHÔI