Một tin quan hệ cho thời cuộc Trung Huê

Một tin quan hệ cho thời cuộc Trung Huê  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6594 (19.11.1931)

Ngô Bội Phu ra lại

Trong các cuộc nội loạn các nước, không có nước nào có cái hiện trạng lạ lùng như nước Tàu. Lạ lùng vì nhân vật trong các đảng phái của họ khi chìm khi nổi, coi cuộc thắng bại cũng như trò chơi; chẳng khác nào giữa rạp hát bộ của ta, mấy ông tướng đánh thua vô buồng, rồi một chặp lại thấy chùi mặt đóng vai khác mà ra nữa.

Các nước đâu có vậy. Thử giở Cách mạng sử nước Pháp ra mà coi, khi đảng nầy lên cầm quyền thì giết hại các yếu nhân của đảng khác; rồi đảng khác nữa mọc lên thì lại giết hại các yếu nhân của đảng mình thay. Vì đó mà bao nhiêu tay cách mạng trọng yếu hồi bấy giờ của các đảng, thảy đều nối nhau lên đoạn đầu đài, chém người ta như chém chuối, bởi vậy mới sản sanh ra thời đợi Khủng bố. Chớ còn nước Tàu thì cũng cách mạng, cũng đảng nầy đạp đổ đảng kia, mà lại không có như vậy, mới lạ cho.

Viên Thế Khải nghịch lại dân chủ, xưng hoàng đế, cả nước hè nhau đánh Viên. Rủi sao nửa chừng Viên chết đi, giá không chết thì rồi cũng đến thối vị là cùng, hẳn người Tàu không giết Viên làm chi vậy. Trước đó, ông Tuyên Thống cũng chỉ thối vị là xong, chớ không đến nỗi bị chặt đầu như ông Louis XVI.

Rồi đến Trương Huân. Anh nầy cử binh phục bích, ấy là việc đại nghịch, phản quốc, chớ phải vừa đâu. Vậy mà miễn dẹp được yên thì thôi, rồi đó Trương Huân cũng vẫn thả đuôi chuột lòng thòng, đi nghêu ngao trong các tô giới ngoại quốc.

Sau cho đến những Tào Côn, Trần Quýnh Minh, lại gần đây như Thạch Hữu Tam, còn nữa không kể xiết, cũng đều là những tay ra cử đồ đại sự mà bất thành, rồi cũng vẫn được toàn thân, không rụng một cái lông của họ. Đừng nói đâu xa, đem mà so với Cách mạng sử nước Pháp thật khác nhau xa.

Trong cửa Khổng có một câu danh ngôn, hay là họ thiệt hành theo câu ấy chăng? Tứ hải chi nội, giai huynh đệ dã. Bao giờ ra mà đối địch với tứ hải chi ngoại, nghĩa là ở ngoài bốn biển kia; chớ còn ở trong bốn biển, trong nước Tàu họ với nhau thì họ phải coi nhau như anh em, không trị nhau đến thẳng cánh làm gì cho thương nhân bại nghĩa!

Hoặc giả cái thói ăn ở trung dung của Thánh nhân cũng biểu hiệu ra trong việc ấy. Họ nghĩ, có đả đảo nhau thì cũng vừa đủ đoạt được cái chánh quyền mà thôi, chớ chẳng hại đến sanh mạng con người làm gì. "Đức Trọng Ni chẳng hề làm việc quá tay (Trọng Ni bất vi dĩ thậm dã).

Nhờ đó mà ông Tú Ngô phen nầy lại lọt ra!

Ngô Bội Phu, năm Dân quốc 15 (1926), đánh nhau với quân Bắc phạt, thua một trận xiểng liểng, từ đó vào ẩn trong núi Kê Công, sanh hoạt theo cái lối Tú tài của mình ngày xưa, nghĩa là ngâm thơ, đọc sách, ăn cơm rau cho qua ngày, chớ không toe rẹt[1] như bọn quân phiệt thất bại khác. Nói cho đúng ra, thì Ngô cũng là người khá lắm vậy.

Mấy tay quân phiệt khác mà thất bại như bọn Đoàn Kỳ Thụy, đều bọc một mớ tiền, chạy ra các tô giới, cất nhà lầu, cưới hầu non, tuy mất quyền bính chớ cũng sung sướng cái xác một đời. Ngô trước sau phản đối những điều ấy, nhứt là sự chạy ra tô giới, Ngô thề không thèm làm. Bởi vậy người Tàu ngày nay rất trọng cái nhân cách của Ngô. Có kẻ phê bình rằng nếu Ngô sanh sớm chừng 50 năm về trước thì đã đứng ngang hàng với Tăng Quốc Phiên, Tả Tôn Đường, sự nghiệp công danh đã lẫy lừng trong một thuở.

Năm ngoái có một lần Ngô phát biểu ý mình ra trên báo, nói muốn xuất dương du lịch. Chánh phủ Nam Kinh bấy giờ liền chụp lấy, gởi thơ mời Ngô về kinh, và hứa sẽ giúp du phí cho. Sự ấy đủ tỏ ra Ngô là người quan hệ lợi hại lắm, cho nên Tưởng Giới Thạch mới toan đưa đi ra ngoại quốc cho rồi, để ở trong đỡ bớt một mũi giặc.

Thế nhưng thỉ chung Ngô cũng không hề đến Nam Kinh mà cũng chẳng xuất dương.

Tuy vậy, sau lúc ấy thì Ngô đã xuống khỏi núi Kê Công và đã ra khỏi tỉnh Tứ Xuyên rồi, nhưng đi đâu thì đi, chớ trờ và không chịu về Nam Kinh, chẳng qua cũng là vì không dám quá tin lời họ Tưởng. Vả như Lý Tế Thâm, Hồ Hán Dân là người trong đảng đó mà Tưởng còn không dung đặng thay, huống chi một viên bại tướng như Ngô, đề phòng là phải.

Mấy lúc đây, lại có tin nói Ngô đi trong hai tỉnh Thiểm Tây và Cam Túc. Hình như quân nhân trong hai tỉnh ấy muốn tôn đới Ngô để có chung mưu việc đại sự gì đây. Có thì lại cũng là việc đảo Tưởng chớ việc gì.

Nhơn đó, dạo nầy Tưởng lại càng để ý đến ông Tú lắm. Sau khi quân Nhựt chiếm lãnh Mãn Châu, Vu Hữu Nhiệm có nói với một nhà viết báo kia rằng chánh phủ Nam Kinh đã đánh điện tín mời Ngô về kinh lập tức đặng có chung lo việc nước. Bởi vậy dư luận đoán rằng bề nào phen nầy Ngô Bội Phu cũng ra lại.

Chắc thế nào lần nầy Ngô cũng hoạt động lại, có điều chưa biết có nhập đảng với Tưởng, có binh vực cho chánh phủ Nam Kinh hay không đó thôi. Thấy nói trong ba tỉnh: Tứ Xuyên, Thiểm Tây và Cam Túc hiện nay các tướng chừng muốn rục rịch, mà bọn họ lại đều khâm phục Ngô lắm, cho nên Tưởng tính phải thành tâm tín dụng Ngô, nhờ đó để trấn áp bọn kia, nếu không thì sợ sẽ có nội biến dấy lên trong lúc nầy. Người còn hăng hái, cơ hội lại đến cho, có lẽ nào Ngô để sẩy mất cơ hội?

Thấy báo Tàu nói, khi Ngô đi tới đâu cũng có đem lính hộ vệ theo chừng hai trăm người. Mà quân của Ngô cứ dùng hiệu cờ ngũ sắc là cờ cũ của Tàu, chớ không hề dùng cờ thanh thiên bạch nhựt. Lại hết thảy trong nước Tàu ngày nay ở đâu cũng dùng cờ thanh thiên bạch nhựt hết, duy có quân của Ngô thì còn giữ cờ ngũ sắc không chịu bỏ mà thôi. Coi đó thì biết Ngô đã phản đối Quốc dân đảng tận gốc rồi.

Ngô Bội Phu không lại ra mà rằng, chớ Ngô mà lại ra, hẳn nước Tàu có lẽ thay đổi cả cuộc diện, chưa biết chừng được. Bởi vì Ngô tuy là về phái cựu, chớ cái tài dụng binh, cái tài chánh trị không phải tầm thường đâu. Trong quốc dân Tàu cũng có một phần đông chúc vọng về người ấy.

T.R.

   




Chú thích

  1. Toe rẹt : có lẽ là "te rẹt", nghĩa là làm bộ khoe khoang (theo H.T.Paulus Của)