Một cái quái trạng trong việc giáo dục

Một cái quái trạng trong việc giáo dục  (1936) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 17 (21 Novembre 1936), trang 1.

Trên không liên, dưới không tiếp, Hán tự lù lù ở chặng giữa mọc lên

Nhân trong một số trước có đăng bức thư ngỏ của một người học sinh trường trung học Khải Định xin quan thủ hiến Nha Học chánh bỏ khoa Anh ngữ, dạy khoa Hán tự trong trường ấy mà chúng tôi thấy ra một cái quái trạng trong việc giáo dục ở xứ ta hiện thời.

Về sự thỉnh cầu trong bức thư ngỏ đó, ở đây chúng tôi chưa bàn đến. Chúng tôi chỉ nhân đó mà lấy làm lạ rằng sao ở trường trung học lại không dạy khoa Hán văn. Vì theo lẽ, học trò ở cao đẳng tiểu học đã có Hán văn tấp tảnh mấy năm rồi, lên đến trung học nên dạy cho biết thêm mới phải, cớ sao không dạy?

Rồi chúng tôi lại phải lấy làm lạ nữa, vì thấy gần đây người ta còn định bỏ dần dần sự dạy chữ Hán ở các lớp tiểu học.

Mới nghe đến đó, xin bạn đọc khoan trách chúng tôi là tự mình mâu thuẫn với mình. Nếu những ngôn luận của chúng tôi được các ngài chú ý đến thì ai nấy hẳn không quên rằng trong Sông Hương số 10, bài bàn về "Việc học ở xứ ta", chúng tôi có nói: "Trong chương trình học, nên bỏ khoa Hán văn đi mà thêm giờ học quốc ngữ".

Thế thì người ta đã làm như chúng tôi muốn, chúng tôi còn lấy làm lạ gì nữa? Nhưng lạ là lạ ở chỗ định bỏ Hán văn ở các lớp tiểu học, mà lên bậc cao tiểu lại vẫn còn học Hán văn, còn thi Hán văn, nó làm một món bắt buộc trong chương trình.

Cái quái trạng là thế nầy: Hiện nay chữ Hán sắp bị bỏ dần dần trong các lớp tiểu học, và lên trung học cũng không dạy chữ Hán nữa, mà ở cao đẳng tiểu học thì vẫn dạy và thi chữ Hán như thường.

Sự học ở các cấp trên dưới phải liên tiếp nhau, ấy là một cái nguyên tắc trong việc giáo dục. Cứ như chương trình học bây giờ thì khoa Hán tự chỉ độc dạy ở cấp cao tiểu mà thôi, trên không liên, dưới không tiếp, lù lù ở chặng giữa mọc lên như thế, hầu là một việc không có nghĩa.

Xin bạn đọc chớ hiểu lầm rằng chúng tôi chủ trương phải có dạy Hán văn. Sự ấy chúng tôi chưa bàn đến. Chúng tôi chỉ muốn cái gì cho dứt khoát cái ấy: dạy thì cho ra dạy, bỏ thì cho ra bỏ.

Nếu nói rằng dân Việt Nam đẻ ra từ trong cửa chữ Hán, họ phải biết chữ Hán, cần phải dạy chữ Hán cho họ, thì cứ dạy đi. Phỏng nên bắt đầu từ lớp nhì tiểu học dạy dần lên cho đến cao đẳng tiểu học và trung học. Học được bằng ấy năm thì sự biết chữ Hán của họ mới mong hữu dụng.

Còn nếu nói rằng không cần thì thôi, đừng dạy. Người An Nam không biết chữ Hán thì về đường trí thức cũng có thiếu thật, nhưng không đến nỗi là một cái hại.

Đến như làm lỡ dở như bây giờ thì mới là hại: hại cho đám thanh niên. Rồi đây ở tiểu học không còn biết qua cái hình chữ Hán thế nào nữa, mà đến lên cao tiểu lại phải đột ngột làm quen với nó, là một cái khổ. Ở đó cầy cục với nó bốn năm, rồi khi lên trung học lại không được học nữa, như thế, cái biết chữ Hán phỏng có làm được trò gì mà chỉ mất toi thì giờ với nó thôi.

Chúng tôi không biết vì sao trong việc giáo dục lại có sự lạ lùng như thế.

Có lẽ là tại Bộ Giáo dục của Nam triều và Nha Học chánh của Bảo hộ ai làm phần việc nấy mà quên bàn trước với nhau chăng!

Nhân đó sự chia quyền giáo dục làm hai cơ quan như thế sẽ thành ra vấn đề.

Lần khác chúng tôi sẽ bàn đến.

SÔNG HƯƠNG