Một cái án điền thổ rất trái lẽ ở Phú Yên

Một cái án điền thổ rất trái lẽ ở Phú Yên  (1935) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng An, Huế, số 29 (7 Juin 1935), trang 1; số 30 (11 Juin 1935), trang 1; số 31 (14 Juin 1935), trang 1

I. QUAN TỈNH LÀM PHÁP LUẬT MẤT CẢ TÍN DỤNG

Từ này còn ai đóng bách phần cầu chứng tại Toà làm chi nữa? Nực cười một điều luật chỉ thi hành cho một người mà thôi!

Tràng An số 16, ở bài xã thuyết, chúng tôi có bàn Nam triều nên thêm một quan giám sát để kiểm điểm lại công việc các bộ các tỉnh đã thi hành.

Cái cơ quan đó hôm nay chúng tôi lại thấy là cần phải có. Vì nếu không có, một việc gì ở tỉnh làm xong, tư về bộ, bộ y theo tỉnh, việc ấy dù trái lẽ đến mấy cũng kể là dứt khoát rồi, không còn có dịp được dở dói ra. Thế rồi việc trái lẽ ấy, quan cứ làm, dân cứ chịu, bọn sĩ phu đứng ngoài cứ thấy mà căm tức, các bậc bề trên không hề biết tới, cứ ngồi đó tưởng là dân ta đã thái bình vô sự!...

Chi bằng có cơ quan giám sát: bất kỳ việc gì tỉnh và bộ làm xong, cơ quan ấy cũng phải soát lại, có thấy chỗ không đúng thì sửa chữa, rồi mọi sự mới được đâu vào đó và lòng người mới được trong ấm ngoài êm…

Cái án điền thổ ở tỉnh Phú Yên mà chúng tôi đem ra thảo luận trong bài này và nhiều bài sau nữa, nó sẽ chỉ cho các ngài thấy, việc quan người ta làm đến bậy bạ, không kiểm soát thì hỏng hết.

Việc dài lắm. Để rồi mấy bài sau sẽ kể rõ. Trong bài đầu này chúng tôi xin rao trước một điều rất hệ trọng là: cái án điền thổ ấy kết xong một cái, làm cho pháp luật của nhà nước  ̶  cả nhà nước Pháp lẫn nhà nước Nam  ̶  mất cả tín dụng đối với dân Phú Yên và lan đến dân mười ba tỉnh Trung Kỳ.

*

* *

Về việc đất ruộng ta vẫn có một câu lệ đầu mồm: Điền thổ dĩ tịch vi định. Chữ “tịch” đó là chỉ cả điền bộ, văn khế và phân thơ chúc từ. Nhưng cứ theo cái án điền thổ mà quan tỉnh Phú Yên đã xử đây, thì những đồ ấy thật chẳng ăn thua vào đâu hết vì người ta đã không thèm kể đến.

Thế đã là trái lẽ, mấy quan tỉnh Phú Yên còn biết làm già hơn nữa kia. Các quan còn làm cho sự đóng bách phần chi ngũ, đăng bộ cầu chứng tại Toà cũng thành ra vô hiệu lực!

Phải, mười mấy năm nay ở Trung Kỳ đã thi hành cái nghị định ấy. Người mua ruộng khi viết văn khế, ký chỉ, áp triện xong mang tới Toà sứ sở tại, theo giá mua đóng cho nhà nước cứ 100 đồng là 5 đồng gọi là tiền “đăng bộ” hay “trước bạ” (enregistrement) mà người Nam kỳ đã kêu quen là “đóng bách phần cầu chứng”. Cái nghị định ấy có buộc một lời rất ngặt: những ruộng mua không có đăng bộ cầu chứng tại Toà, sẽ kể là không đủ thủ tục (formalité), về sau có xảy ra kiện cáo ruộng ấy phải bị coi như là chưa hề mua.

Bởi vậy lâu nay ở Trung Kỳ ai mua ruộng cũng gắng làm cho đủ thủ tục: đóng bách phần cầu chứng. Một trăm đồng bạc mất thêm năm đồng nữa mà họ không tiếc, vì số tiền mất thêm ấy có sức mạnh làm vững chắc đám ruộng mình mới mua, khỏi lo có sự rục rịch gì ở ngày sau.

Nhưng từ nay người ta thấy sự cầu chứng ở Toà đã bắt đầu không chắc gì nữa rồi. Hai sở ruộng[1] mua với 2.800$ làm đủ các thủ tục: đóng bách phần, có dấu ký rành rành của quan Công sứ, vậy mà quan tỉnh cũng xử cho mất ruộng được đi, thì còn ai chịu mất tiền cầu chứng nữa làm chi?

Có nên cảm ơn quan tỉnh Phú Yên chăng, nhờ các ngài mà dân tỉnh ấy và dân cả 13 tỉnh Trung Kỳ rày về sau đỡ được món tiền tốn vô ích đó?

*

* *

Này hãy coi đây:

Lá khế thứ nhất: Ngày 30 tháng tám năm Khải Định thứ ba, Võ Quang Tân ở làng Diêm Điền (Phú Yên) bán cho Phạm Nho Chi ở làng Long Uyên một sở ruộng 2 mẫu 9 sào 5 thước về địa bộ làng Ngân Sơn, giá là 1.500$.

Sau chỗ lý trưởng Ngân Sơn nhận thiệt có áp triện và ký, ta nên chú ý mấy giòng chữ Pháp này:

“Enregistré à la Résidence de Sông-cầu le 13 April 1928, folio 82, case 147: reçu 5 50 %: quatre-vingt-deux piastres 60 cents.

P. le Résident et p. o.: L’ administrateur-adjoint:”

Lá khế thứ nhì: Ngày 25 tháng tư năm Khải Định thứ sáu, cũng Võ Quang Tân bán cho Phạm Nho Chi hai sở ruộng 3 mẫu về địa bộ làng Hà Yến, giá là 1.300$.

Sau chỗ lý trưởng Hà Yến nhận thiệt cũng nên chú ý nữa:

“Enregistré à la Résidence de Sông-cầu le 13 April 1928, folio 82, case 146; reçu 5 50 % : Soixante onze piastres 50 cents

P. le Résident et p. o.: L’ administrateur-adjoint:”.

Hai lá khế mua ruộng như thế, thế mà người mua bị kiện. Đây chưa thuật đầu đuôi vụ kiện thế nào. Hẵng xem ngày quan tỉnh xử.

Đây là lược sao tờ biên bản tỉnh kết án vụ kiện ấy:

“Ngày…tháng năm nhuần, năm Bảo Đại thứ năm.

“….., tên Võ Quang Tân tự thiện bán ruộng hương hỏa, nghĩ ưng chiếu luật hội phạt bạc 70$. Còn Phạm Nho Chi mua lầm và xét khế ruộng ấy không có lý trưởng hai làng ký, chiếu lệ không đúng, thời văn khế ruộng ấy nghĩ ưng thâu tiêu, còn ruộng ấy giao cho cha con anh em họ Võ phụng hương hoả không được bán”.

Đó, tờ biên bản của quan tỉnh Phú Yên đã làm cho 6 mẫu ruộng của Phạm Nho Chi đi đời nhà ma, mất toi gần ba ngàn đồng bạc, mặc kệ Phạm Nho Chi đã có đăng bộ tại Toà tốn tất cả hơn 160 đồng bạc!

Vụ kiện này họ đã cố ý để dây dưa, thành ra hồ sơ cả đống, trông vào muốn ngợp người. Tuy vậy, chẳng có gì khó hết, ta chỉ nắm lấy chỗ cốt yếu là cái kết đoán như trên đây và cái lý do của sự kết đoán, tức nhiên biết quan tỉnh đã xử bướng đến mức nào.

Kết đoán: Văn khế thâu tiêu, ruộng giao lại cho cha con anh em họ Võ.

Lý do của sự kết đoán: Khế ruộng không có lý trưởng hai làng ký, chiếu lệ không đúng.

Vả chăng “mua lầm” là thế nào kia chứ cái này chính tên Võ Quang Tân bán, lấy tiền ở tay Phạm Nho Chi về tiêu, thế mà xử Chi phải giao ruộng lại cho Tân, thật quan tỉnh đã làm “ngang quá ghẹ”!

Tuy vậy, chỗ đó hôm nay chưa nói vội. Hôm nay ta hãy vạch ra cái lý do của sự kết đoán của quan tỉnh để cho biết cái mánh khoé của các ngài còn dở quá, đáng nực cười!

Nguyên những điều lệ “bổ nghị” của Nam triều hơn trăm năm nay nó nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Có điều không hề dùng đến mà các quan cũng không biết nữa kia. Lại có điều nghị như thế rồi, năm sau lại xoá đi, bây giờ cũng không ai mà nhớ cho hết được. Lợi dụng một điều bổ nghị khuất vắng ấy, quan tỉnh Phú Yên tưởng có thể cướp được ruộng của người ta!

Ấy là điều bổ nghị về hộ luật:

“Năm Tự Đức thứ 21, định rằng: Phàm những văn khế bán ruộng hễ ở trong làng thì một mình lý trưởng sở tại áp triện và ký tên, còn ở làng khác thì phải có lý trưởng hai làng áp triện và ký tên”.

Theo chúng tôi biết, điều lệ ấy xưa nay chưa hề thi hành. Vì chẳng những ở Phú Yên mà tỉnh nào cũng vậy, khế bán ruộng chỉ một mình lý trưởng làng có đám ruộng nhận thiệt mà thôi, không cần làng nào khác nữa.

Viện điều lệ ấy, trong tờ tư Toà ngày 11 juillet 1933 quan tỉnh bẻ rằng hai lá khế đều thiếu lý trưởng làng Diêm Điền là làng của tên Võ Quang Tân áp ký.

Các quan sao mà lẩm cẩm đến thế! Người ta bán ruộng chớ người ta có bán “người” đâu mà lý trưởng làng Diêm Điền phải nhận thiệt Võ Quang Tân chính là người làng mình?

Nào có phải quan tỉnh lẩm cẩm? Đó là tại các ngài muốn dựt ruộng của Phạm Nho Chi mà không biết lấy cớ gì, thành thử các ngài dẫn bướng điều lệ ấy  ̶   là một điều hoặc đã bị xoá bỏ rồi cũng nên!

Điều lệ đã chết đi đời nào, nay nhờ quan tỉnh Phú Yên làm chủ nó ngo ngoai sống dậy.

Nó sống dậy là bao nhiêu người mua ruộng tỉnh ấy cho đến 13 tỉnh Trung Kỳ đều phải chết! Bởi vì đã lâu rồi ai mua ruộng cũng chỉ lấy ký có một lý trưởng ở làng mà đám ruộng nằm. Nay xử như quan tỉnh Phú Yên thì những ruộng ấy, văn khế của nó đều bị thâu tiêu hết!

Sau cái án ấy kết xong, có hơn 20 người điền chủ Phú Yên làm giấy nhờ viện Dân biểu kêu đến bộ. Bộ trả lời làm sao, hẳn bạn đọc cũng muốn biết lắm chứ.

Chẳng là bộ đã y án tỉnh rồi, cho nên không lẽ dở giáo mà đâm lại tỉnh.

Bộ trả lời cho viện Dân biểu, viện Dân biểu lại trả lời về Phú Yên cho hơn 26 điền chủ yên tâm. Đại khái: một mình Phạm Nho Chi phải chịu thiệt hại bởi điều lệ đó mà thôi, còn kỳ dư, không hề chi hết, nghĩa là dù mua ruộng chỉ một lý trưởng cũng không sao, cứ việc cày!

Hay thiệt! Người ta làm như thế rồi pháp luật của nhà nước nó ra gì, còn ai kể gì nữa?

Xưa nay chưa hề thấy một điều luật đặt ra mà chỉ thi hành cho độc một người; có chăng, lần nầy là một!

Chúng tôi biết chắc pháp luật của nhà nước Nam từ rày mà đi sẽ mất tín dụng đối với dân, nếu cái án điền thổ nầy không cải nghĩ[2] lại.

Quan tỉnh Phú Yên còn làm tổn uy vọng của hai chính phủ nữa, bài sau sẽ nói đến.

PHAN KHÔI

II. QUAN TỈNH LÀM TỔN UY VỌNG CỦA HAI CHÁNH PHỦ

Một cuộc rao bán đấu giá mà cả tỉnh chẳng có ai tới dự đấu! – Ruộng bị xử sung công rồi mà chủ ruộng vẫn cứ thâu hoa lợi!

Bài trước nói đến sự kết đoán của vụ kiện: quan tỉnh xử chủ mua là Phạm Nho Chi phải giao ruộng lại cho chủ bán là Võ Quang Tân. Song về sau, xoay dần với thời gian, cái án đó đổi ra khác kia, chứ không y như thế.

Đổi khác, song Phạm Nho Chi cũng vẫn là mất ruộng, sự tỉnh xử cũng vẫn là trái lẽ.

Số là tỉnh đã làm án Võ Quang Tân về tội bán hương hỏa, phạt bạc 70 đồng, như trong bài trước đã nói. Mà đã lâu, Tân không nạp số bạc phạt ấy, nên đã phải ở tù 8 tháng để khấu trừ. Trong lúc ấy, tỉnh bắt Tân phải nạp số tiền 2.800$ là giá 6 mẫu ruộng cho nhà nước, rồi mới được nhận ruộng ấy từ tay Phạm Nho Chi giao lại.

Tân làm gì có 2.800$ mà nạp được? Tỉnh bèn xoay qua cách khác.

Ngày 20 tháng chạp năm Bảo Đại 9, phủ Tuy Yên tuân lệnh tỉnh sức cho các người trong vụ kiện biết rằng về 6 mẫu ruộng đó sẽ trích ra 1 mẫu 1 sào 10 thước làm hương hỏa họ Võ, còn non 5 mẫu sẽ bị “sung công” và sẽ niêm yết tại nha, định ngày đấu giá phát mãi, lấy tiền bỏ vào kho nhà nước.

Ngày đấu giá định vào ngày rằm tháng hai An-nam vừa rồi, mà đã sức châu tri trước từ tháng chạp năm ngoái. Làm như thế, quan tỉnh có ý để nhân dân biết sớm và khắp hầu đến mà đấu giá cho đông.

Dè đâu, đến ngày đã định, tại nha phủ Tuy Yên chỉ có quan và chức việc các làng trong vụ kiện ngó mặt nhau, còn ngoài ra, không có một người nào đến dự cuộc đấu giá, và chẳng hề có một tiếng nào mặc cả!

Các nhà giàu ở nhà quê có chung một điều tin tưởng: Phàm những tài sản mà trong lúc mua có nhìn thấy sự phi nghĩa, trái với lương tâm, thì họ không chịu mua, vì họ nói: có mua được là giữ cũng không bền! Cuộc đấu giá này không ai chịu dự hết, là vì lẽ ấy, vì họ cho sự bán ruộng Phạm Nho Chi sung công là một sự phi nghĩa.

Phi nghĩa bởi mấy lẽ nầy:

1/ Dù phải là ruộng hương hỏa đi nữa mà chính tay cha con Võ Quang Tân và Võ Quang Kỳ đã viết khế bán, cả hai cha con lại đều cửu phẩm, theo lời khai của họ, bán lấy tiền về sửa mả cha mẹ, tu bổ nhà thờ, chớ có phải “cượng mãi, mưu mãi” gì đâu? Quan mà xử cho phải ra, khi nào Tân có tiền xin chuộc thì Chi phải cho chuộc, như thế cũng đã tử tế rồi, việc gì Chi lại đến mất ruộng?

2/ Đến “sung công” lại càng vô lý. Dù có thi hành điều lệ Tự Đức 24, bẻ cái chỗ thiếu một lý trưởng, điền khế phải thâu tiêu, là đám ruộng cũng vẫn giao về chủ bán theo như điều lệ ấy; chớ nhà nước lấy lẽ gì mà khi không tọa hưởng số tiền 2.800 đồng?

Cái điều phi nghĩa ấy quan tỉnh há lại không thấy đến? Có điều vì cớ gì mà các ngài còn làm như thế thì chúng tôi không biết được; và như có biết cũng không tiện nói ra đây!

Theo mấy lời chung thẩm như trong lá trát ngày 20 tháng chạp Bảo Đại 9 của phủ Tuy Yên vừa nhắc đến trên kia, trong lá trát ấy có sức cho Phạm Nho Chi đến ngày 28 tháng ấy thì đem văn khế hai sở ruộng nạp lại nha hầu để đương đường thâu tiêu; qua mồng 6 tháng giêng năm nay còn sức lần nữa, lại sức cho cha con họ Võ đến nha nhận ruộng của Phạm Nho Chi giao trả.

Trát văn rành rành như thế, mà đến ngày Phạm Nho Chi chỉ đến hầu quan độc cái người của y, không đem văn khế theo, không chịu nạp, không chịu trả ruộng lại cho chủ bán.

Đó là dân không tuân quan ra mặt! Quan phủ Tuy Yên đem sự tình bẩm tỉnh. Tỉnh làm thinh.

Thấy nói trong khoảng thời gian đó, Phạm Nho Chi có gởi cho quan Công sứ Sông Cầu một lá đơn khiếu nại, đại ý nói tỉnh xử như thế ức y quá, y cùng vợ con quyết bôi máu nơi đám ruộng trong khi Võ Quang Tân dám đặt cái cày xuống trên ruộng của y; chứ nhứt định không trả ruộng ra, cũng không nạp văn khế.

Quan tỉnh làm thinh, có lẽ các ngài cũng sợ cho có việc án mạng lớn sẽ xảy ra như trong lá đơn đó mà làm lôi thôi đến các ngài.

Chẳng những thế thôi, từ ngày có lời chung thẩm, lấy 1 mẫu 1 sào 10 thước làm hương hỏa họ Võ, còn bao nhiêu phát mãi sung công, đáng lẽ từ ngày ấy ruộng này về quan rồi mới phải, không thể nào còn ở tay Phạm Nho Chi được, nhưng mà không!...

Không! Ruộng ấy Phạm Nho Chi vẫn cày. Mùa tháng ba vừa rồi, hoa lợi, Phạm Nho Chi vẫn thâu. Không thấy Võ Quang Tân lấp ló đã đành, mà cũng không thấy người của nhà nước đến nói một lời nào làm ngăn trở cả.

Chúng tôi không phải dại, thấy có người không tuân lệnh quan, lại vỗ tay reo cười hay đứng ngoài xúi giục. Có điều việc này là tại quan tỉnh làm trái lẽ, cho nên đến nay dân không tuân mà các ngài không có thể ép, chúng tôi chỉ thấy vậy mà thương hại cho các ngài!

Quan tỉnh là đại biểu cho chánh phủ, chánh phủ Nam triều cũng như chánh phủ Bảo hộ. Nếu các ngài làm việc gì ra mà trái lẽ để đến nỗi nhân dân không tuân, thì thật các ngài đã làm tổn uy vọng của chánh phủ vậy.

Cho được vớt lại cái uy vọng đã tổn, quan tỉnh có thể cưỡng bách người ta phải tuân mình. Song nếu muốn làm như thế thì phải dùng một cái thủ đoạn rất tàn khốc: bắt Phạm Nho Chi bỏ ngục tối hoặc đem lính tập tới đóng tại nhà y cho đến khi nạp văn khế mới thôi thì cũng được; nhưng sợ e quan tỉnh cũng không đủ can đảm mà làm cái điều bạo ngược vô đạo như thế!

Ấy thế mà việc này bây giờ lại quay thuộc về quyền hạn bộ Tư pháp; bài sau chúng tôi sẽ phô bày ra những lẽ mà bộ ấy nên xét đoán lại vụ này.

PHAN KHÔI

III. BỘ TƯ PHÁP CÓ QUYỀN CẢI NGHĨ CÁI ÁN NẦY DÙ NÓ ĐÃ LÀ CHUNG THẨM

Một vụ kiện không đáng chi, nếu xử cho phải ra thì đã êm ngay từ đầu, vậy mà kéo dài ra tới tám năm, từ Bảo Đại tam đến Bảo Đại thập[3] còn chưa dứt khoát. Đến nay tiếng là đã chung thẩm, nhưng bên người bị thiệt hại vẫn không chịu ký “biện phục văn trạng”, không chịu giao văn khế, không chịu trả ruộng ra, vẫn cứ gởi đơn đi kêu hết cửa này tới cửa khác; còn bên quan tỉnh, thấy trước mặt mình một tên dân bất tuân như vậy, lẽ đáng làm cho nó án “vi lệnh” mà không dám làm, chỉ để vậy mà nhìn! Ôi! Quan thế mà gọi là quan! Án thế mà gọi là án! Chung thẩm thế mà gọi là chung thẩm!

Phải, chung thẩm làm sao mà người thất kiện không tuân thuận, quan không thực hành được y như lời kết đoán của mình, xử rồi cũng như chưa xử, thì sao gọi được là chung thẩm?

Đọc hai bài trong hai số báo vừa rồi, lẽ các ngài cũng nhìn cho sự bất tuân đó không phải tại người dân ngoan ngạnh, nhưng là tại quan xử không công bình.

Một cái án xử không công bình, kẻ có của thình lình bị bóc lột một cách vô lý, rồi kẻ ấy phải đi kêu, đi kêu đến đâu cũng bảo là đã chung thẩm, không còn xử gì nữa thì thật là giết người ta được!

Trước đây có tin đồn rằng ở Huế sắp lập một Viện Thượng thẩm để xử lại những án các tỉnh và bộ Hình đã xử rồi mà còn có sự kêu nài. Giá bây giờ đã có Viện ấy thì vụ này sẽ được đem ra trước mặt nó, không còn ai dìm ém được. Nhưng chưa có Viện Thượng thẩm thì cũng không phải là cái cớ để cho những người mắc oan trong các vụ kiện cả đời cứ phải mắc oan!

Chúng tôi mong cho cái án này sẽ được cải nghĩ[2] và người bị oan trong đó sẽ được minh oan. Nhưng, sự minh oan ấy hiện nay không trông vào đâu được, chúng tôi chỉ trông vào quan Thượng thơ bộ Tư pháp.

Việc này là việc điền thổ, theo lối cũ, thuộc về bộ Hộ xử. Bởi vậy trước đây mỗi lần tỉnh kết án đều có tư về bộ Tài chánh (tức bộ Hộ) và được bộ ấy phúc y. Không hơi nào đi trách bộ về sự phúc y như vậy. Vì thuở giờ quan hộ cứ hay tin cậy ở quan tỉnh, phần nhiều việc xử hay phúc y hơn là bác.

Theo thuở xưa, một vụ kiện về hộ đã được bộ Hộ xử thành án rồi, nếu còn tức, muốn kêu, người ta còn kêu được ở bộ Hình vì thành án rồi thì việc lại thuộc về hình. Vậy thì vụ này sau khi chung thẩm, người thất kiện há không có thể kêu được với bộ Tư pháp tức là bộ Hình thuở trước?

Huống chi cách đây không lâu, đã có Dụ ra chuẩn định từ rày mọi việc thuộc về hộ sẽ giao về cho bộ Tư pháp. Vậy thì, cái điều oan ức người ta kêu ca trong cái án điền thổ này nếu bộ Tư pháp chẳng cải nghĩ mà chân tuyết cho, còn ai?

Chúng tôi rất mong quan Thượng bộ Tư pháp tôn trọng pháp luật hơn là vị nể nhân tình; thương dân, thương kẻ vô cô thọ hại hơn là bảo bọc mấy người ở dưới quyền hành chánh; vớt vạc lại cái uy vọng và cái tín dụng của nhà nước đối với dân hơn là đỡ gạt mấy bạn đồng liêu; ngài nghĩ cho những chỗ đó tất nhiên ngài không còn lấy cớ gì bỏ qua vụ án này mà không xét lại.

Giả sử quan Thượng bộ Tư pháp không chịu nghĩ đến những điều đó đi nữa là một cái án đã chung thẩm rồi mà vô hiệu, chánh phủ không thi hành y như lời kết đoán của quan tỉnh được, thì ngài cũng phải tính làm sao chớ....

Thật như hai bài trước chúng tôi đã nói, bởi quan tỉnh Phú Yên kết vụ án này, làm cho nhà nước mất cả sự tín dụng của pháp luật, làm cho chánh phủ tổn uy vọng đối với dân.

Ruộng mua có khế, có lý trưởng nhận thiệt, có đóng bách phần cầu chứng mà quan tỉnh nỡ dẫn một điều lệ vô căn làm cho mất ruộng.

Điều lệ ấy, quan tỉnh bảo có từ năm Tự Đức 24, nhưng từ đó đến nay chưa hề đem nó thi hành ở đâu hết, bây giờ chỉ thi hành một lần cho Phạm Nho Chi rồi xóa đi, ̶  còn gì đáng buồn cười hơn?

Quan tỉnh kết một cái án, kết xong, người ta không tuân mà quan tỉnh cũng chẳng dám làm gì, vì mình đã làm trái lẽ, sợ ép riết rủi sinh ra điều chi rồi mình mang cữu.[4] Chánh phủ có quyền cai trị đối với dân, mà nay, tại quan tỉnh làm trái lẽ rồi phải nhịn, hóa ra chánh phủ vô quyền!

Chúng tôi tóm tắt lại những điều trên đó mong quan Thượng xem tới mà nhận cho là những điều không phải nhỏ. Nó quan hệ với chánh phủ rất lớn. Còn chưa kể: nếu y theo cái án ấy, thành ra các quan đi bóc lột nhà giàu mà tụ liễm[5] cho chánh phủ, cái điều đức Khổng Tử bảo phải “đánh trống lên mà kể tội”, cái điều có lẽ làm cho nhà nước mang tai mang tiếng trong ngày có phong trào lao động nổi lên tranh đấu với tư bản là ngày nay.

Còn chúng tôi, sở dĩ đem vụ này lên báo là chỉ bởi chút thành tâm một bên vì dân, một bên vì nhà nước. Dù có ai bảo thế nào mặt kệ; nghĩ là một việc phải, chúng tôi cứ làm.

Muốn sắp sẵn tài liệu kê cứu vụ này cho quan Thượng bộ Tư pháp, từ số sau trở đi sẽ có một bài kể hồ sơ vụ kiện ấy đăng ở trang nhì.[6]

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. sở: Huình Tịnh Paulus Của (sđd.) ghi nhận “sở” như “tiếng kêu kể”, trỏ chỗ, nơi, điều, cái…, như “sở ruộng”, “sở vườn”, “sở nhà”; vậy nói “sở ruộng” cũng như nói “thửa ruộng”.
  2. a ă cải nghĩ: xét xử lại, xét đoán lại.
  3. Bảo Đại tam: năm Bảo Đại thứ 3 (tức năm 1928); Bảo Đại thập: năm Bảo Đại thứ 10 (tức năm 1935).
  4. cữu 咎: tội lỗi
  5. tụ liễm: nhóm góp, thâu góp, thường nói về sự góp liễm của dân mà làm tư lợi (Huình Tịnh Paulus Của: sđd.)
  6. trang nhì: theo cách đánh số trang của báo Tràng an thì trang nhì chính là trang cùng mặt giấy với trang nhất (theo cách đánh số trang của báo chí tiếng Việt ngày nay thì đó chính là trang cuối); ở một tờ báo các nội dung thời sự thường được đặt tại trang nhất và trang nhì; các trang ruột thường để tải các nội dung thông tin thường thức, văn hóa văn nghệ, và để đăng quảng cáo. Báo Tràng an là báo khổ lớn (khổ giấy A2), tức là 1 tờ giấy khổ A1 gập đôi lại, thành 2 tờ 4 trang khổ A2, mở từ phải sang trái: trang nhất chính là cùng mặt giấy với trang nhì; các trang ruột sẽ được đánh số lùi tính từ trang nhì, khi báo gồm 4 trang thì trang 4 chính là mặt sau của trang nhất. Bài về hồ sơ vụ án đất đai này trên báo Tràng an ở những phần sau (đánh số các kỳ tiếp theo là IV, V, VI, VII) đăng ở trang 2 và ký tên M.G.