Một bộ tiểu thuyết cổ của Nhựt Bổn
Mới rồi trong cuộc tranh biện về quốc học, ông Lê Dư có nói: Văn học nước ta không kém gì các nước, lại khi đem so sánh nước ta với Nhựt Bổn, ông nói lịch sử và diện tích nước ta không kém gì Nhựt thì quốc học nước ta cũng không kém gì họ đâu.
Lời ông Lê nói đó thật khó tin quá. Ai đã đọc qua văn học sử Nhựt Bổn và cũng biết rõ cái chơn tướng văn học của ta từ xưa, thì phải cho lời ông là quá đáng.
Nhựt Bổn từ đời thượng cổ đã có văn học, ấy là kể từ triều Nại Lương về trước, chưa lấy gì làm rực rỡ lắm. Nhưng đến đời trung cổ, sau khi Nho giáo và Phật học đã truyền sang rồi, văn học Nhựt Bổn đã thấy phát đạt đủ đường. Tiểu thuyết chính đã xuất sản trong thời ấy.
Bấy giờ vào đời Hoàn Võ Thiên hoàng, nhà vua đã dời đô về Tây Kinh, tức là kinh đô bây giờ, cũng kêu là Đô Bình An, bởi vậy thời đợi nầy cũng kêu là Bình An thời đợi, vào khoảng 794 sau Giáng sanh.
Đô Bình An là nơi sơn thủy hữu tình, người Nhựt bấy giờ chịu ảnh hưởng của địa thế và tinh thần của thời đợi mà phát ra văn học khác với trước kia. Cái văn học của thời đại nầy là văn học riêng về quý tộc. Trong đó toàn thấy ra những cái vẻ phong lưu xa xỉ.
Tổng quát cả văn học đời ấy, người ta chia ra làm năm thứ, là tiểu thuyết (tiếng Nhựt kêu là vật ngữ: Monogatari), thi ca, tùy bút, nhựt ký và lịch sử.
Nay nói riêng về tiểu thuyết, nội thời đợi Bình An một khoảng thời gian 396 năm, kể từ 794 đến 1190, còn truyền lại những bổn tiểu thuyết nầy:
- Nguyên thị vật ngữ
- Trúc thủ vật ngữ
- Y thế vật ngữ
- Đại hòa vật ngữ
- Võ tân vật ngữ
- Lạc oa vật ngữ
- Hiệp y vật ngữ
- Tân tùng trung nạp ngôn vật ngữ
- Đề trung nạp ngôn vật ngữ
- Gia bán tẩm giác vật ngữ
- Thế hoán vật ngữ
Văn học đời ấy, nhứt là tiểu thuyết, thi ca, tùy bút, chẳng qua đều là tả cái sanh hoạt chốn cung đình của vua, tả sự trai gái yêu nhau cùng là những cách chơi bời hát xướng. Nói riêng về tiểu thuyết thì hầu hết là tiểu thuyết ái tình.
Như bộ tiểu thuyết đứng đầu 11 bộ tiểu thuyết của thời đợi Bình An, tức bộ Nguyên thị vật ngữ[1] trên đây, chính là tả cái ái tình của một tay thanh niên mà sang trọng từ trong trứng.
Nguyên thị là chủ nhân ông trong truyện. Ông ta là con trai của một vị Thiên hoàng mà nhơn vì sự nghi kỵ, đức vua muốn bảo toàn cho, mới truất ông xuống làm hàng bầy tôi mà không được làm con vua nữa, nên vua cho biệt ra một họ mà kêu là Nguyên thị.
Từ lúc 17 tuổi, Nguyên thị sa mê huê nguyệt, hết dan díu với mỹ nhân nầy, đến tròng tréo với mỹ nhân khác, thậm chí nàng hầu của vua cha trong cung mà ông ta cũng không từ.
Bộ tiểu thuyết cọng có 54 hồi, theo tiếng Nhựt kêu là 54 thiếp, toàn là nói chuyện hội ngộ trước gió dưới trăng, chuyện tương tư năm canh sáu khắc, ngoài ra chẳng có gì khác hết. Tuy vậy, có nhà phê bình phân tích trong đó ra mà cho rằng đã tả đủ được cái tâm lý luyến ái vậy.
Ấy là:
- a) Tả cái tình tử biệt đối với người thương;
- b) Tả cái tình sanh biệt đối với người thương;
- c) Tả sự luyến ái với người nữ nhỏ tuổi;
- d) Tả sự luyến ái với người nữ lớn tuổi;
- e) Tả sự luyến ái con gái của kẻ phản đối mình;
- f) Tả sự phiền não bởi sự luyến ái không toại;
- g) Tả cái ái tình của người nữ đa tình;
- h) Tả cái ái tình chẳng chịu day động;
- i) Tả người nữ giữ mình;
- j) Tả người nữ lung tánh;
- k) Tả sự giành nhau về ái tình;
- l) Tả sự luyến ái về nhục thân.
Người ta cho bộ tiểu thuyết nầy hay, là tại trong đó dầu nói toàn những sự luyến ái mà không hề có một chỗ nào ló ra sự dâm dục tục tằn. Đến như những bài thơ, bài ca trong đó, vì ái tình mà làm ra, thì lại đều là bài kiệt tác hết.
Cả bộ 54 hồi, chia làm 54 cuốn, hiệp lại thành một bộ tiểu thuyết trường thiên đúng đắn. Song le nếu chia riêng ra thì lại 54 cuốn, mỗi cuốn độc lập một chuyện, có thể gọi được là đoản thiên tiểu thuyết. Chỗ đó đủ thấy cái khéo về sự kết cấu của tác giả.
Tác giả bộ tiểu thuyết ấy là một vị nữ sĩ, tên là Tử Thức Bộ[2]. Nhơn vì vị nữ sĩ nầy có vào ra trong cung vua, nên mới kiếm được những tài liệu mà làm ra sách ấy.
Có nhiều nhà văn học đời nay công nhận cho bộ Nguyên thị vật ngữ là một bộ sách có giá trị trong thế giới. Ở bên Âu châu, nước Anh, nước Đức đều có bổn dịch, và họ có giới thiệu cho các nước bên ấy. Duy có ở Đông phương thì còn ít ai biết tới, ít ai nói tới đó thôi.
Lại có nhà phê bình nói bộ tiểu thuyết nầy sở dĩ có cái sanh mạng bất hủ, chẳng những vì nó có cái tánh chất lịch sử, xem nó đủ biết cái phong tục xã hội về thời đợi Bình An thế nào, mà chính là vì trong nó có tỉa vẽ ra đủ các cái trạng thái của luyến ái nhơn loại. Nhơn đó nó có cái tánh chất phổ biến và có giá trị trên thế giới vậy.
Chúng ta thử xem một bộ sách làm từ hơn một ngàn rưỡi năm trước mà có kết cấu lớn lao, văn chương lại mỹ diệu, đến nỗi các nhà văn học thế giới cũng công nhận là có giá trị, thì chúng ta phải biết cái nghệ thuật của họ từ xưa đã phát đạt đến bực nào.
Xét lại nước mình trong mấy chục thế kỷ trước đây đã có được một bổn tiểu thuyết nào dám đem mà sánh với bộ Nguyên thị vật ngữ ấy chưa? Quả nhiên không có một bộ nào hết. Kể cho đến bên ngoài tiểu thuyết cũng chẳng có đồ trứ thuật gì bằng của họ nữa. Thế mà nói văn học nước ta không kém gì các nước, không kém gì Nhựt Bổn, thật tôi chẳng tin.
C.D.
Chú thích
- ▲ Tức Truyện kể Genji
- ▲ Tức Murasaki Shikibu