Một bổn tiểu thuyết rất xuất sắc: Một cô lưu lạc đời nay

Một bổn tiểu thuyết rất xuất sắc: Một cô lưu lạc đời nay  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6468 (19.6.1931)

Độc giả sẽ được đọc nó trong Trung lập[1]

Bổn tiểu thuyết Một cô lưu lạc đời nay chừng mười năm trên đã xuất bản ở Sài Gòn, mới hai cuốn mà chưa hết bộ, in 5000 cuốn mà bán trong mấy tháng hết sạch, rồi đó không in tiếp cuốn thứ ba và cũng không tái bản nữa.

Tác giả bộ tiểu thuyết ấy, Michel Trần Thiện Thành, là một bậc thanh niên, thông minh và có tài mẫn thiệp ở đất nầy. Cứ như lời tác giả nói, bổn tiểu thuyết ấy thiên hạ đương hoan nghinh lắm mà thình lình ngưng đi không in tiếp nữa, là vì có nhiều vị lão thành khuyên ngăn bảo rằng bộ tiểu thuyết ấy nói chuyện kỹ nữ, e có hại cho phong hóa đương thời, mà ông Thành là một vị thanh niên đương xô xố lên[2], hy vọng còn dài, chẳng nên mong nhờ bộ tiểu thuyết ấy mà lưu danh đến hậu thế.

Nhưng tôi, người viết bài nầy, ba năm về trước có đọc qua bộ tiểu thuyết ấy một bận, thì lại lấy làm hay vô cùng. Bấy giờ không biết sao mà nó làm tôi cảm xúc mạnh quá, đến nỗi tôi tự viết lấy một bài phê bình thật có công phu, đem từng lời từng câu trong đó mà phân tích ra, như công việc nhà hóa học thường làm. Nói rằng tôi tự viết lấy, nghĩa là tác giả không hề nhờ tôi viết bài phê bình, chỉ vì cái tánh tọc mạch và cái tình sa mê của tôi đối với bổn tiểu thuyết ấy trong một thời xui tôi làm vậy đó thôi.

Từ hồi Trung lập về tay ông Trần Thiện Quý là anh của tác giả bộ tiểu thuyết ấy đến giờ, tôi từng nói cùng ông Trần xin phép tác giả đem ấn hành vào Trung lập: như vậy, một là để cống hiến cho độc giả một áng văn hay; hai là để ép tác giả viết kế tiếp cho đủ bộ, kẻo nửa chừng lỡ dở. Ông Tổng lý Trung lập cũng bằng lòng làm việc ấy mà nấn ná đợi tới ngày nay mới có dịp làm.

Bởi vậy trước khi đăng bộ Một cô lưu lạc đời nay vào Trung lập, ông Tổng lý nhờ tôi là người bằng lòng đứng làm thầy kiện minh oan cho nó, viết một bài ở đây để phân trần cùng độc giả ít lời. Một cô lưu lạc đời nay đã xuất bản rồi, nay đem đăng lên báo nữa, mà lại phải cần có người giới thiệu: ấy ví cũng như một cô gái có chồng rồi, trong khi chồng chết có bị mang tiếng nầy khác, nay đến ngày cải giá, cũng cần có một ngươi miệng lưỡi đem dâu ra lạy họ để cho có dạn dĩ hơn.

Tiếc phải chi cái bài phê bình của tôi hồi trước còn có bổn thảo ở đây thì đem đăng lên, khỏi phải viết gì cả, mà nhờ nó, bổn tiểu thuyết bị tiếng oan kia sẽ được bộc bạch liền tay. Nay bổn thảo bài ấy lưu lạc đâu kiếm chưa ra, nên tôi phải viết mấy lời nầy.

Theo lời mấy ông già kêu rằng đạo đức, nói bổn tiểu thuyết nầy có hại cho phong hóa, sự đó tôi rất lấy làm kỳ, có lẽ là mấy ông không đọc tới đầu tới đuôi mà chỉ nghe qua rồi nói chăng. Chớ như ai đã đọc qua rồi thì chẳng thấy có gì là hại cả; trái lại, lại có ích.

Như cái tên của nó, bộ tiểu thuyết nầy kể chuyện một cô con gái, là con nhà nghèo, từ nhỏ chỉ lo nồi cơm trách cá, cháo chó rau heo, song sau vì ham hố sự sung sướng ở đời, sự loà lẹt với thế gian, mà thành ra tấm thân phải lưu lạc.

Trong khi cô lưu lạc đó, hết bị người nầy phỉnh đến bị kẻ kia gạt, hình như giữa xã hội nầy người ta bày sẵn ra những hầm những hố, những cạm những bẫy để mà hãm hại lẫn nhau. Cô nọ ở nhà quê ra, đầu xanh tuổi trẻ, ngớ nghết biết chi, cho nên sa sẩy không biết mấy lần mà kể.

Sau lại, cô biết ăn năn mà đi tu. Nhưng xã hội nào có để cô tu cho trót? ở trong chùa tại núi Tây Ninh mấy năm trời, cô cũng lại bị hầm bị hố, bị cạm bị bẫy như ở dưới thế gian là đất Sài Gòn.

Cái nghiệp ở đời đến như vậy, làm cho cô phẫn uất quá, cô mới bỏ chùa xuống núi mà báo thù. Báo thù ai? Cô nầy trẻ người non dạ mặc lòng, mà cái khí cô hung hăng quá. Cô xuống núi báo thù là báo thù xã hội, chớ báo thù ai? Trong bổn Một cô lưu lạc đời nay tôi cho có đoạn văn về khúc hạ san nầy là hay hơn hết thảy. Nội đoạn ấy, biết bao nhiêu là giọng trầm hùng, lời phẫn khích, thiếu điều làm đứt từng đoạn ruột, sa từng giọt lệ của kẻ ở đời mà biết thương tâm!

Báo thù? Báo thù thiệt! Sau khi cô ở Tây Ninh xuống lại về Sài Gòn, cái lòng thiệt thà như đếm hay thương hay nể của cô hồi xưa, biến đi đâu mất hết. Bấy giờ cô hóa ra như con thú dữ. Cô chẳng còn biết cái gì là nhân tình. Gặp người nào thì người ấy phải hư thân, phải sạt nghiệp vì cô. Cô làm vậy, trong ý cô cho là để trả nủa[3] sự người ta hãm hại mình bấy lâu, nhưng cô quên rằng tự mình đã gây ra cho mình đầy một trời tội lỗi.

Truyện mới tới đó thì hết, chớ chưa có thúc kết, chưa biết về sau còn gì nữa chăng. Nhưng, nội chừng nầy đó, tôi đọc mà đã sanh ra cái cảm tưởng láng lai: cái cảm tưởng về xã hội loài người, cái cảm tưởng về phong tục tập quán… cái nào tôi cũng thấy là không tốt cả.

Đọc truyện nầy rồi thấy trong xã hội có lắm sự bất bình. Trong xã hội nầy hình như có luật định sẵn cho người nào thì được giàu sang, người nào thì không được giàu sang. Người nào, xã hội đã bắt nghèo hèn mà đòi giàu sang, thì người ấy sẽ bị xã hội đoán phạt, sẽ bị một vạn cái ngón tay chỉ vào mà nhiếc móc. Đây rồi độc giả sẽ thấy trong truyện có con gái thầy Phó đeo cái kiềng vàng, là người mà xã hội cho phép giàu sang.

Còn cô lưu lạc nầy, lưu lạc một đời, chỉ vì cái kiềng vàng ấy xúi cho, thì là người sắm ra cho xã hội nhiếc móc! Nhưng gẫm kỹ mà xem, bao nhiêu cái tội lỗi của cô lưu lạc nầy đều là xã hội buộc cô phải nhắm mắt mà làm cả. Rồi đến khi cô làm ra, xã hội lại quên mình chính là thủ phạm đi, mà nhè đoán phạt cô.

Nhớ trong bài phê bình của tôi, tôi có nói câu nầy gọn lắm. Tôi nói: Một cô lưu lạc đời nay không phải một bổn tiểu thuyết mà là một lá đơn. Lá đơn kiện cái chế độ xã hội mà!

Tôi viết bài nầy, giới thiệu văn chớ không giới thiệu người. Xin độc giả hãy lược nhớ những lời tôi đây rồi đọc đến bổn tiểu thuyết ấy coi thử có xứng đáng với lời tôi chăng.

Phan Khôi

   




Chú thích

  1. Tiểu thuyết Một cô lưu lạc đời nay của Michel Trần Thiện Thành đăng đều kỳ trên Trung lập từ cuối tháng 6.1931 đến 1.10.1931.
  2. Xô xố: lên nhanh, mạnh mẽ (về cây cỏ), ví dụ lúa lên xố xố = lúa lớn vượt lên ' cỏ mọc xố xố = cỏ mọc xanh um (theo H.T.Paulus Của)
  3. Nủa : oán hận; trả nủa : trả oán, trả hờn (theo H.T.Paulus Của)