Một điều vô lý trong việc đạc điền xin chánh phủ sửa lại

Một điều vô lý trong việc đạc điền xin chánh phủ sửa lại  (1935) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng An, Huế, số 17 (26 Avril 1935), trang 1.

Hiện nay trong việc đạc điền[1] ở các tỉnh Trung Kỳ có một điều người ta làm vô lý quá, dân sự đâu đâu cũng kêu van, nhưng người ta vẫn cứ làm.

Điều vô lý ấy là: một sở ruộng không cứ bao nhiêu mẫu sào, hễ chia ra nhiều khoảnh, dù chỉ một lá khế,[2] người ta cũng làm riêng mỗi khoảnh một cái trích lục mà phát cho nghiệp chủ.

Vậy như có một sở ruộng 6 sào 5 thước mà chia làm 4 khoảnh nhỏ, ấy là phải lãnh mỗi khoảnh một cái trích lục: 4 khoảnh đến 4 cái trích lục.

Mỗi cái trích lục nghiệp chủ phải nộp 0$25. Càng nhiều trích lục chừng nào, nhà nước càng lấy tiền của dân nhiều chừng nấy.

Lại nghe trong khi ruộng chia từng khoảnh như thế, muốn cho chẵn, dễ tính, cứ mấy tấc cũng kể làm một thước, mấy thước cũng kể làm một sào, thành thử số sào mẫu phú lên.

Dân gian đồn rằng hồi đầu cứ ruộng một lá khế làm một trích lục; sau có ông Tây nào đó bày ra cách này để làm lợi cho nhà nước.

Nếu chỉ vì muốn lấy tiền ở dân cho được nhiều mà làm như thế thì thật vô lý quá, rồi làm gì mà chẳng được!

Vả chăng ruộng ở Trung Kỳ ít chỗ được bằng phẳng như ruộng ở Nam, Bắc Kỳ, chia ra nhiều khoảnh là vì phải theo chiều đất cao và thấp. Thế thì một sở ruộng chỉ một lá khế mà chia nhiều khoảnh, cho dễ làm, chứ có phải nhiều sở đâu mà cần có nhiều trích lục làm chi?

Trung Kỳ có một thứ ruộng gọi bằng “ruộng sạ”. Có khi chỉ là một đám lớn mà người ta đắp bờ ngăn làm nhiều khoảnh để chứa nước cho lúa, lúc mùa đông nhiều mưa, kẻo để nguyên thì nước cứ nhè chỗ thấp trong đám ruộng mà đọng lại. Đám ruộng ấy gặt xong, người ta trồng thứ khác, lại phá những bờ ngăn ấy đi. Những ruộng sạ có nhiều bờ ngăn ấy nếu gặp trong lúc đạc điền[1] cũng phải chịu nhiều trích lục, thật là chịu oan không biết ngần nào.

Dân sự họ kêu rêu về việc này lắm. Họ cho là nhà nước làm ngang, vô lý quá, chỉ vụ lấy được nhiều tiền của dân mà thôi, chứ không kể đáng cùng chẳng đáng. Thế là việc này chỉ do một ông Tây nào đó bày ra mà để cho nhà nước mang tiếng.

Vậy chúng tôi xin chánh phủ kíp kíp sửa lại cách làm trích lục này. Hễ một sở ruộng, một lá khế, thì làm một trích lục mà thôi. Miễn là trong trích lục ghi sở ruộng ấy có bao nhiêu khoảnh là được rồi. Làm như thế, dân sẽ khỏi mất nhiều tiền vì một việc vô lối; mà trích lục ít đi chừng nào thì trong tủ giấy mực của sở địa chánh cũng đõ bớt sự bề bộn rộn ràng đi chừng nấy. Có phải là lợi cả hai bên không?

Dân tỉnh nào cũng đương kêu ca về việc này lắm, xin chánh phủ bắt bỏ ngay cách đương làm mà làm như chúng tôi nói đó.

T. A.

   




Chú thích

  1. a ă đạc điền: đo ruộng (công việc của ngành địa chính)
  2. lá khế: khế: chứng chỉ về sự sở hữu, mua bán, vay mượn nói chung; ở đây lá khế trỏ giấy chứng chỉ về sở hữu ruộng đất.