Mấy thứ sách về lịch sử sao lại bị cấm ở Trung Kỳ?

Mấy thứ sách về lịch sử sao lại bị cấm ở Trung Kỳ?  (1935) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng an, Huế, số 61 (27 Septembre 1935), trang 1.

Như báo Tràng an đã đăng, bộ Lại vừa rồi có ra lệnh cấm lưu hành ở Trung Kỳ mấy thứ sách về lịch sử như là Đề Thám, Giặc Bãi Sậy, Những cuộc đổ máu...

Những sách ấy đều do người Bắc viết ra, phát hành ở Hà Nội, mà chánh phủ Bắc Kỳ không cấm, lại thấy cấm ở Trung Kỳ, nên chúng tôi cứ chờ xem...

Chờ xem thử có thấy chánh phủ Bắc Kỳ cấm những sách ấy không...

Nhưng mà đã lâu rồi, không thấy.

Đã không thấy cấm mà chúng tôi lại còn thấy người ta rao bán các thứ sách ấy trên các báo Hà Nội như thường.

Sao vậy?

Dân An Nam ở Bắc Kỳ hay ở Trung Kỳ cũng như một, một cuốn sách nếu có hại cho người Trung thì cũng có hại cho người Bắc, thế sao những sách bị cấm ở Trung Kỳ lại không bị cấm ở Bắc Kỳ?

Nếu nói ở Bắc Kỳ, người ta cho những sách ấy là vô hại cho nên không cấm, thì sao ở Trung Kỳ người ta lại cho là có hại mà cấm?

Ấy là một việc như có vẻ huyền bí, chúng tôi không hiểu!

Nhân đó chúng tôi thấy sự “Trung Bắc phân trị” là một sự có ảnh hưởng xấu cho dân tộc An Nam.

Làm sao những sách nói về lịch sử nước nhà mà người ở xứ này được đọc còn người ở xứ kia lại không được đọc?

Làm sao những người sanh sau đẻ muộn ở Bắc Kỳ lại được cái quyền lợi biết những việc đã xảy ra ở nước nhà từ trước, còn chúng tôi đây là bọn hậu sanh ở Trung Kỳ, người ta lại cất cái quyền ấy của chúng tôi?

Người ta hay nói Trung, Bắc Kỳ cũng đều là xứ bảo hộ cả mà Bắc Kỳ là “nghiêm cách bảo hộ”.

Nghiêm cách bảo hộ mà những người dân ở đó lại được có quyền rộng rãi hơn nơi không phải bảo hộ bằng nghiêm cách. Như thế, chúng tôi thà chịu bảo hộ bằng nghiêm cách hay là chịu gì đi nữa còn hơn!...

Quan Thượng bộ Lại mỗi khi ra lệnh cấm sách hay cấm báo không cần phải nói tại sao mà cấm. Vì vậy nên lần này những cuốn sách này bị cấm, chúng tôi cũng không biết được duyên cớ vì đâu.

Có lẽ ngài sợ người Trung Kỳ chúng tôi đọc những sách ấy rồi sinh ra cái cảm tưởng bất hòa đối với người Pháp chăng, vì trong những sách ấy toàn nói chuyện người Pháp giết hại ông cha người An Nam cả.

Nhưng, điều ấy nếu phải là điều đáng sợ thì kẻ nên sợ trước nhất là chính phủ Bảo hộ. Nay chính phủ Bảo hộ Bắc Kỳ đã không sợ điều ấy nên không thèm ra lệnh cấm, thế thì can chi quan Thượng bộ lại mà ngài lại đang tay ngăn lấp sự biết của chúng tôi?

Khắp trong ba kỳ, ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hải Phòng, Hà Nội, hầu hết các con đường phố đều dùng tên những vị tướng sang lấy nước ta mà đặt; vả lại ở các nơi ấy người ta cũng lập đồng tượng cho mấy tay chiến tướng có đại công trong cuộc chinh phục như Gambetta hay Francis Garnier; lại còn cứ ít năm lại có cuộc kỷ niệm của nhà binh để nhắc lại các trận đánh hữu danh ngày xưa như vừa rồi cuộc kỷ niệm ở Thái Nguyên, Sơn Tây chẳng hạn. Những điều đó tỏ ra rằng những việc xung đột của hai giống Pháp - Nam đã thuộc về lịch sử trên miếng đất này, người Pháp chẳng những chẳng giấu đi mà lại còn phô ra cho chúng ta nhớ, thế thì một vài cuốn sách chép lại những sự xung đột ấy cũng đáng coi là việc đồng một khuynh hướng, thôi còn cấm làm gì? Chánh phủ Bảo hộ ở Bắc Kỳ muốn cho người An Nam biết rõ những sự xung đột ấy cho nên không cấm; thì bộ Lại, đáng lẽ còn muốn cho người An Nam biết hơn nữa, cớ sao lại cấm?

Trong các trường tiểu học hiện nay, dạy về môn lịch sử bổn quốc rất sơ sài, về cận đại lại còn sơ sài hơn nữa. Con em các ngài ở trường học chẳng biết một chút gì về việc ông cha hết mà các ngài chẳng thèm để tâm lo. Rồi bây giờ có người làm sách nói về lịch sử cận đại để bồi bổ ít nhiều tri thức cho con em thì các ngài lại cấm!

Quan Thượng thư bộ Giáo dục muốn dạy tiểu học toàn bằng quốc văn, chúng tôi cũng cho đi là một việc thích thời, chỉ hiềm các sách quốc ngữ từ sách giáo khoa của nhà nước cho đến sách ngoài đều đương còn ít quá; huống chi còn thêm một cái nạn là sách nhảm phần nhiều. Trong lúc đó có người làm ra những tiểu thuyết dựa theo lịch sử cho người ta xem, đáng lẽ các ngài khuyến khích cho mới phải, các ngài lại cấm!

Một cái cấm lệnh ban ra dù làm cho dân mình ưng hay không ưng, cũng đều phải có lý. Cái lệnh cấm sách này, chúng tôi chẳng biết cái lý nó ở đâu. Chúng tôi chỉ thấy nó làm ngăn trở cho sự phát triển của nền văn hóa xứ ta rất lớn.

Thật quan Thượng bộ Lại làm những việc như vầy không có ích gì cho mặt nào hết mà chỉ tổ cho cái thuyết trực trị thêm được những luận chứng mạnh mẽ. Đây rồi họ sẽ nói: Đó, thấy không, thà chịu trị thẳng dưới Bảo hộ còn được hưởng đôi chút quyền lợi rộng rãi hơn dưới Triều đình!

PHAN KHÔI