Mấy cái quái trong sách và báo ta

Mấy cái quái trong sách và báo ta  (1928) 
của Phan Khôi

Bài đăng trong mục Câu chuyện hằng ngày, Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, số 714 (1.5.1928)

Chắc các độc giả còn nhớ, trong một số báo Đ.P., cũng nơi mục Câu chuyện hằng ngày nầy, có bài đề là Mấy cái quái trong các báo Tây, ông Q.C. trích ra bao nhiêu cái sai lầm của người Tây về lịch sử ta.

Ông Q.C.[1] cho là quái, song có lẽ mấy người Tây ấy không tự lấy làm quái, vì theo cách "nhồi sọ" thì họ nói như vậy là phải. Phép nhồi sọ buộc ông Albert de Pouvourville phải nói rằng "tổ tiên An Nam mời người Pháp sang bảo hộ" thì ông cứ việc nói, chứ có quái gì?

Người An Nam mà cũng không chịu xét kỹ lịch sử An Nam, cũng nói ra những câu giống như mấy người Tây đó, thì mới thật là quái cho!

Đọc báo Tiếng dân số 68, ra ngày 7 Avril mới rồi, trong bài xã thuyết cột thứ nhì, có một câu rằng: "... Đương thời kỳ Gia Long bôn ba, đã phái người sang đến Âu châu cầu viện, sau nhờ được binh lực nước Pháp mà làm thành cuộc thống nhứt".

Quái thật! Lấy lẽ gì mà nói được rằng nhờ binh lực nước Pháp mà làm thành cuộc thống nhứt?

Đây tác giả chắc muốn nói về việc vua Gia Long sai Đông cung Cảnh và Giám mục D'Adran sang cầu viện bên nước Pháp.

Song cứ theo các sử thì lúc bấy giờ Đông cung Cảnh và Giám mục D'Adran ở Pháp đến ba năm, rồi vua Pháp có định điều ước hứa giúp cho vua An Nam, nhưng khi D'Adran trở về, ghé bàn với tổng đốc Pháp ở Ấn Độ thì người không thuận, nên không rút quân Pháp ở Ấn Độ sang đây được. Quân Pháp đã không sang đây được, thế thì sao lại nói được rằng nhờ binh lực của nước Pháp?

Có chăng là Giám mục D'Adran có mộ được đôi mươi người Pháp sang giúp vua Gia Long, tức như người mình quen gọi là chúa tàu Long, chúa tàu Phụng hồi bấy giờ. Song đó cũng chẳng qua là người riêng của nước Pháp giúp, chứ không phải chính nước Pháp giúp. Thế thì sao lại nói được rằng nhờ binh lực của nước Pháp?

Khi nào mới nói được rằng nhờ binh lực của nước Pháp? Là như khi nước ấy đã giúp cho nước Mỹ đánh nhau với nước Anh để giành lại quyền độc lập kia.

Tuy vậy, xét kỹ thì cái lỗi ấy chẳng qua là tại tác giả nhớ sách lù mù và đặt ra lời văn không được tách bạch, nên cũng còn có thể lượng thứ được.

Đến như cái lỗi của ông Trần Huy Liệu, tác giả của sách Một bầu tâm sự kia thì thiệt là nặng quá.

Trong sách Một bầu tâm sự, trương 5, hàng 17-20, ông ấy nói rằng:

"Trào Gia Long, sai hoàng tử Cảnh đi cầu cứu Pháp quốc để về đánh nhau với Tây Sơn, Pháp quốc giúp cho hai cái tàu và một ít súng thần công, về sau tàu thì bỏ chìm ở ngoài cửa bể, còn súng thần công thì chôn ở cửa thành..."

"Pháp quốc giúp cho hai cái tàu và một ít súng thần công"! "Pháp quốc giúp cho hai cái tàu và một ít súng thần công"! Chuyện ấy cứ vào đâu? Thấy ra trong sách nào?

Tôi xin hỏi lại tác giả một lần nữa rằng: Chuyện ấy cứ vào đâu? Thấy ra trong sách nào?

Sự nước Pháp tặng tàu và súng cho nước ta là ở về triều vua Tự Đức sau khi nước Nam đã hòa với nước Pháp rồi kia, ta không nên lầm lạc đến thế!

Nhiều người Pháp đã kể công với ta rằng nước Pháp đã giúp cho nước Nam trước đây một trăm năm, song họ nói vậy chớ không có bằng cớ gì cả. Bây giờ có ông Trần Huy Liệu viết rõ chuyện ấy vào trong sách để dựng chứng lên! Nếu sách của ông Trần mà không bị cấm, được lưu hành tự do, chắc sau này sẽ có người Pháp khác viện chứng ở sách của ông mà cho sự nước Pháp giúp nước Nam là có thật, làm cho lịch sử Việt Nam rối loạn là ngần nào! Cho nên sách ông bị cấm mà chúng ta cực chẳng đã phải lấy làm hân hạnh...

Dầu vậy mặc lòng, chúng tôi cũng thiệt tình tin rằng các ông vì sơ suất mà lỗi lầm, chớ không dám ngờ cho các ông rằng cũng muốn nói quấy nói quá để nhồi sọ đồng bào ta....

Chúng tôi chỉ xin các ông về sau nên thận trọng trong khi viết một chút. Một bộ Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim tưởng các ngài cũng đừng nên xem khinh mà không chịu khó đọc qua để cho biết rõ việc cận đại của nước nhà vậy.

C.D.

   




Chú thích

  1. Q.C. nói ở đây là Quán Chi, một trong những bút danh của nhà báo Đào Trinh Nhất (1900-1951)