Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2012
(Đổi hướng từ Luật số 24/2012/QH13)
LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐIỆN LỰC
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực số 28/2004/QH11,
Điều 1
sửaSửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực như sau:
- Bổ sung khoản 17 và khoản 18 vào Điều 3 như sau:
- “17. Giá bán buôn điện là giá bán điện của đơn vị điện lực này bán cho đơn vị điện lực khác để bán lại.
- 18. Giá bán lẻ điện là giá bán điện của đơn vị điện lực bán cho khách hàng sử dụng điện.”
- Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1; sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 4 như sau:
- “1a. Ưu tiên phát triển điện phục vụ nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong hoạt động điện lực, sử dụng điện nhằm tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn năng lượng, bảo vệ môi trường; khuyến khích nghiên cứu, phát triển, sản xuất và sử dụng thiết bị hiện đại phục vụ yêu cầu phát triển điện lực.
- Đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để phát điện; có chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư phát triển nhà máy phát điện sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo.”
- Khoản 1 và khoản 3 Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:
- “1. Quy hoạch phát triển điện lực là quy hoạch chuyên ngành bao gồm quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Quy hoạch phát triển điện lực được lập, phê duyệt để làm cơ sở cho các hoạt động đầu tư phát triển điện lực và được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Quy hoạch phát triển điện lực phải hợp với quy hoạch các nguồn năng lượng sơ cấp cho phát điện gồm cả nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo và có tính đến quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
- . Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được lập trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được lập cho từng giai đoạn mười năm và có định hướng cho mười năm tiếp theo.”
- Bổ sung Điều 8a vào sau Điều 8 như sau:
- “Điều 8a. Nội dung quy hoạch phát triển điện lực
- 1. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia bao gồm những nội dung chính sau đây:
- a) Tổng quan về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hệ thống năng lượng quốc gia trong giai đoạn quy hoạch;
- b) Dự báo nhu cầu điện;
- c) Đánh giá các nguồn năng lượng sơ cấp, khả năng khai thác, khả năng xuất nhập khẩu năng lượng; đánh giá khả năng trao đổi điện giữa các vùng, miền; dự báo giá nhiên liệu cho sản xuất điện;
- d) Chương trình phát triển điện lực quốc gia bao gồm chương trình chi tiết cho phát triển nguồn điện, phát triển lưới điện, liên kết lưới điện với các nước trong khu vực, phát triển điện nông thôn, phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo và các nội dung khác liên quan;
- đ) Tổng hợp khối lượng xây dựng và vốn đầu tư cho chương trình phát triển điện lực quốc gia, phân tích kinh tế - tài chính chương trình phát triển điện lực quốc gia;
- e) Bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai;
- g) Dự kiến quỹ đất cho công trình điện lực;
- h) Cơ chế, chính sách, giải pháp bảo đảm thực hiện chương trình phát triển điện lực quốc gia trong giai đoạn quy hoạch.
- 2. Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bao gồm những nội dung chính sau đây:
- a) Quy hoạch, định hướng và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong giai đoạn quy hoạch;
- b) Dự báo nhu cầu điện chi tiết cho các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trong giai đoạn quy hoạch;
- c) Đánh giá tiềm năng phát triển các nguồn điện tại địa phương bao gồm cả nguồn điện sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; khả năng trao đổi điện năng với các khu vực lân cận;
- d) Đánh giá hiện trạng cung cấp điện tại địa phương, đặc biệt là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- đ) Chương trình phát triển nguồn, lưới điện của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho các giai đoạn lập quy hoạch; thiết kế sơ đồ phát triển lưới điện chi tiết cho các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
- e) Bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai;
- g) Tổng hợp khối lượng xây dựng và vốn đầu tư cho phương án quy hoạch phát triển điện được chọn, phân tích kinh tế - tài chính phương án được chọn;
- h) Dự kiến quỹ đất cho công trình điện lực;
- i) Cơ chế chính sách, giải pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong giai đoạn quy hoạch.”
- Sửa đổi, bổ sung tên Điều 9 và nội dung khoản 1, khoản 2 Điều 9 như sau:
- “Điều 9. Lập, phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực
- 1. Bộ Công thương tổ chức lập quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; công bố và hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt; quy định cụ thể nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực và hướng dẫn lập kế hoạch triển khai thực hiện.
- 2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức lập quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi trình Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt; công bố và hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được phê duyệt.”
- Khoản 1 Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như sau:
- “1. Đầu tư phát triển điện lực phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực. Dự án đầu tư chưa có trong quy hoạch phát triển điện lực chỉ được thực hiện khi cơ quan lập quy hoạch phát triển điện lực trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cho phép.”
- Điểm đ khoản 1 Điều 16 được sửa đổi, bổ sung như sau:
- “đ) Tổ chức kiểm toán năng lượng điện theo định kỳ và thực hiện các giải pháp điều chỉnh sau khi có kết luận kiểm toán theo quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.”
- Khoản 2 Điều 18 được sửa đổi, bổ sung như sau:
- “2. Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện, cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực; quy định lộ trình phát triển thị trường điện lực, rà soát và điều chỉnh đẩy nhanh lộ trình phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ.”
- Khoản 6 Điều 23 được sửa đổi, bổ sung như sau:
- “6. Trong trường hợp bên mua điện không trả tiền điện và đã được bên bán điện thông báo hai lần thì sau mười lăm ngày, kể từ ngày thông báo lần đầu tiên, bên bán điện có quyền ngừng cấp điện. Bên bán điện phải thông báo thời điểm ngừng cấp điện cho bên mua điện trước 24 giờ và không chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra.”
- Khoản 2 Điều 24 được sửa đổi, bổ sung như sau:
- “2. Thiết bị đo đếm điện phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đo lường và được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật về đo lường.”
- Sửa đổi, bổ sung tên Điều 25 và nội dung khoản 1, khoản 2 Điều 25 như sau:
- “Điều 25. Kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm thiết bị đo đếm điện
- 1. Chỉ những tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã đăng ký hoặc được chỉ định theo quy định của pháp luật về đo lường mới được phép kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm thiết bị đo đếm điện.
- 2. Bên bán điện có trách nhiệm tổ chức việc kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm thiết bị đo đếm điện theo đúng yêu cầu và thời hạn quy định của pháp luật về đo lường.”
- Điểm c khoản 2 Điều 28 được sửa đổi, bổ sung như sau:
- “c) Không làm tổn hại đến lợi ích của khách hàng sử dụng điện, lợi ích của Nhà nước và an ninh năng lượng quốc gia.”
- Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1; sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 29 như sau:
- “1a. Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
- 3. Thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý đối với các nhóm khách hàng; Nhà nước hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
- 4. Bảo đảm quyền tự quyết định giá mua, bán điện trong khung giá, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định của các đối tượng mua bán điện trên thị trường điện lực.”
- Bổ sung khoản 6 vào Điều 30 như sau:
- “6. Báo cáo tài chính đã được kiểm toán hàng năm của đơn vị điện lực.”
- Các khoản 1, 2 và 3 Điều 31 được sửa đổi, bổ sung như sau:
- “1. Giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 62 của Luật này.
- Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
- Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện phải được thực hiện công khai, minh bạch về sự biến đổi của các yếu tố cấu thành liên quan đến việc điều chỉnh giá. Nhà nước sử dụng các biện pháp để bình ổn giá bán điện phù hợp với quy định của pháp luật về giá.
- 2. Khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng; cơ quan điều tiết điện lực thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt theo sự phân công của Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 62 của Luật này.
- Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp lập khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực.
- 3. Giá phát điện theo hợp đồng mua bán điện có thời hạn, giá bán buôn điện do các đơn vị điện lực thỏa thuận nhưng không được vượt quá khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện đã được phê duyệt.”
- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 4; bổ sung khoản 5 vào Điều 32 như sau:
- “1. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép để thực hiện một hoặc nhiều lĩnh vực hoạt động điện lực.
- 4. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện cấp giấy phép đối với từng lĩnh vực hoạt động điện lực.
- 5. Bộ Công thương quy định trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung và thời hạn giấy phép hoạt động điện lực đối với từng lĩnh vực hoạt động điện lực.”
- Điểm a khoản 2 Điều 39 được sửa đổi, bổ sung như sau:
- “a) Tuân thủ quy trình, quy chuẩn kỹ thuật về vận hành nhà máy điện, lưới điện; đối với nhà máy thủy điện còn phải tuân thủ quy định về an toàn đập thủy điện và vận hành hồ chứa nước;”
- Điểm c khoản 1 Điều 44 được sửa đổi, bổ sung như sau:
- “c) Định giá bán trên thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 62 của Luật này.”
- Sửa đổi, bổ sung tên Điều 49; bổ sung khoản 4 vào Điều 49 như sau:
- “Điều 49. Trách nhiệm phối hợp thực hiện khi xây dựng, cải tạo, kết thúc sử dụng công trình điện lực và các công trình khác
- 4. Khi không còn khai thác, sử dụng thì công trình điện lực phải được xử lý, quản lý bảo đảm an toàn theo quy định của Chính phủ.”
- Khoản 1 Điều 54 được sửa đổi, bổ sung như sau:
- “1. Nhà máy điện, trạm phát điện phải được bảo vệ nghiêm ngặt, xung quanh phải có tường rào bảo vệ, biển báo an toàn về điện, về phòng cháy, chữa cháy; những người không có nhiệm vụ không được phép vào nhà máy điện, trạm phát điện.
- Hồ chứa nước, đập thủy điện và các công trình phụ trợ phục vụ nhà máy thủy điện phải được xây dựng, quản lý, bảo vệ bảo đảm an toàn vận hành nhà máy thủy điện và vùng hạ du. Nghiêm cấm các hành vi lấn chiếm đập thủy điện, lòng hồ, làm ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến khả năng phát điện.”
- Bổ sung Điều 59a vào sau Điều 59 như sau:
- “Điều 59a. Xử lý sự cố điện
- 1. Trường hợp xảy ra sự cố điện, đơn vị điện lực trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xử lý theo quy định của pháp luật.
- 2. Trường hợp xảy ra sự cố điện nghiêm trọng đến mức thảm họa lớn thì việc ban bố tình trạng khẩn cấp và áp dụng các biện pháp ứng phó phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.”
- Điều 62 được sửa đổi, bổ sung như sau:
- “Điều 62. Giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo
- 1. Giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực nối lưới điện quốc gia được thực hiện theo quy định tại Điều 31 của Luật này.
- 2. Giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia được thực hiện như sau:
- a) Giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phù hợp với cơ chế hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt tại khu vực này do Thủ tướng Chính phủ quy định;
- b) Các loại giá điện khác do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp đủ chi phí, có lợi nhuận hợp lý cho đơn vị điện lực trên cơ sở tham khảo ý kiến của cơ quan điều tiết điện lực.”
- Sửa đổi, bổ sung các điểm đ, g và k khoản 1; bổ sung điểm m và điểm n khoản 1; sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 66 như sau:
- “đ) Xây dựng khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách về giá điện;
- g) Quy định khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, phê duyệt giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực;
- k) Kiểm tra, giám sát việc điều chỉnh và thực hiện giá điện;
- m) Kiểm tra hợp đồng mua bán điện có thời hạn giữa đơn vị phát điện và đơn vị mua điện, hợp đồng mua bán buôn điện có thời hạn theo quy định của Chính phủ;
- n) Kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực điện lực theo quy định của pháp luật.
- 2. Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tiết điện lực.”
- Điều 67 được sửa đổi, bổ sung như sau:
- “Điều 67. Thanh tra chuyên ngành điện lực
- Thanh tra chuyên ngành điện lực thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.”
Điều 2
sửa- Sửa đổi một số từ ngữ của Luật điện lực như sau:
- a) Thay cụm từ “quy hoạch phát triển điện lực địa phương” bằng cụm từ “quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” tại khoản 2 Điều 10;
- b) Thay cụm từ “phi dịch vụ phụ trợ” bằng cụm từ “giá dịch vụ phụ trợ” tại điểm h khoản 1 Điều 21; thay cụm từ “các loại phí dịch vụ” bằng cụm từ “giá dịch vụ phụ trợ” tại điểm b khoản 2 Điều 21;
- c) Thay cụm từ “phí truyền tải điện” bằng cụm từ “giá truyền tải điện” tại điểm b khoản 1 Điều 40;
- d) Thay từ “quy phạm” bằng cụm từ “quy chuẩn kỹ thuật” tại khoản 4 Điều 11; điểm b khoản 2 Điều 28 khoản 2 Điều 34; điểm đ khoản 1 Điều 39; điểm d khoản 1 Điều 40; điểm đ khoản 1 Điều 41; điểm b khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 45; điểm b khoản 5 và khoản 6 Điều 54; khoản 7 và khoản 8 Điều 55; các khoản 1, 2, 3 và 7 Điều 57; khoản 1 Điều 64;
- đ) Thay cụm từ “quy phạm kỹ thuật” bằng cụm từ “quy chuẩn kỹ thuật” tại khoản 12 Điều 3; khoản 5 Điều 55;
- e) Thay cụm từ “Bộ Công nghiệp” bằng cụm từ “Bộ Công thương” tại khoản 7 Điều 3; khoản 4 Điều 10; khoản 5 Điều 11; khoản 3 Điều 13; khoản 3 Điều 21; điểm b khoản 1 Điều 34; khoản 1 và khoản 2 Điều 38; khoản 1 và khoản 2 Điều 56; khoản 5 Điều 59; khoản 3 Điều 61; khoản 4 Điều 64; khoản 2 và khoản 3 Điều 65.
- Bãi bỏ từ “thứ tự” tại khoản 1 Điều 18; bãi bỏ điểm b khoản 1 Điều 41; điểm e khoản 1 Điều 66 của Luật điện lực.
- Bổ sung từ “minh bạch” vào sau cụm từ “Bảo đảm công khai” tại khoản 1 Điều 17 của Luật điện lực.
- Bổ sung cụm từ “bảo đảm quyền lợi giữa các bên nhưng không trái với quy định của pháp luật” vào sau cụm từ “trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác” tại khoản 1 và khoản 3 Điều 24; vào cuối điểm i khoản 2 Điều 39, điểm e khoản 2 Điều 40 và điểm c khoản 2 Điều 41 của Luật điện lực.
- Bổ sung từ “biên giới” vào sau cụm từ “nông thôn, miền núi” tại tên Chương VIII; tên các điều 60, 61 và 64; các khoản 1, 3 và 4 Điều 60; khoản 4 Điều 61; các khoản 1, 2 và 4 Điều 64 của Luật điện lực.
Điều 3
sửa- Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.
- Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2012.