Luật giáo dục nghề nghiệp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2014/Chương VII

Luật giáo dục nghề nghiệp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2014
Chương VII. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

CHƯƠNG VII
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Điều 71. Trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp;

b) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp;

c) Quy định mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo; tiêu chuẩn nhà giáo; danh mục nghề đào tạo ở các trình độ; tiêu chuẩn cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo; ban hành quy chế tuyển sinh, kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng, chứng chỉ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp;

d) Quy định việc đăng ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp;

đ) Quản lý và tổ chức thực hiện việc kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp;

e) Thực hiện công tác thống kê, thông tin về tổ chức và hoạt động đào tạo nghề nghiệp;

g) Tổ chức bộ máy quản lý giáo dục nghề nghiệp;

h) Quản lý và tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, người dạy các chương trình đào tạo thường xuyên;

i) Huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực để phát triển giáo dục nghề nghiệp;

k) Quản lý, tổ chức công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ; sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về đào tạo nghề nghiệp;

l) Quản lý, tổ chức công tác hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp;

m) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp theo thẩm quyền và trực tiếp quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp của bộ, ngành mình (nếu có) theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp theo phân cấp của Chính phủ; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu nhân lực của địa phương; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục nghề nghiệp của các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức, cá nhân có tham gia giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn theo thẩm quyền; thực hiện xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp tại địa phương.

5. Chính phủ quy định cụ thể thẩm quyền và nội dung quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Điều 72. Thanh tra giáo dục nghề nghiệp

1. Cơ quan được giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về giáo dục nghề nghiệp.

2. Thanh tra chuyên ngành về giáo dục nghề nghiệp có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thanh tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về giáo dục nghề nghiệp;

b) Phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp;

c) Xác minh, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về giáo dục nghề nghiệp;

d) Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thanh tra.

3. Tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành về giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Điều 73. Xử lý vi phạm

1. Người nào có một trong các hành vi sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật:

a) Thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp trái quy định của pháp luật;

b) Vi phạm các quy định về tổ chức, hoạt động của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp;

c) Xuất bản, in, phát hành tài liệu trái quy định của pháp luật;

d) Làm hồ sơ giả, vi phạm quy chế tuyển sinh, kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng, chứng chỉ;

đ) Xâm phạm nhân phẩm, thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; ngược đãi, hành hạ người học;

e) Vi phạm quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp;

g) Gây rối, làm mất an ninh, trật tự trong cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp;

h) Làm thất thoát kinh phí, lợi dụng hoạt động giáo dục nghề nghiệp để thu tiền sai quy định hoặc vì mục đích vụ lợi;

i) Gây thiệt hại về cơ sở vật chất của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp;

k) Các hành vi khác vi phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.

2. Chính phủ quy định cụ thể việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Điều 74. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật.