Luật Thi hành án hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2019/Chương X
Chương X
THI HÀNH BIỆN PHÁP TƯ PHÁP
Mục 1
QUY ĐỊNH CHUNG VỀ THI HÀNH BIỆN PHÁP TƯ PHÁP
Điều 132. Quyết định áp dụng biện pháp tư pháp
1. Quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bao gồm:
a) Quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát về áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh;
b) Bản án, quyết định của Tòa án về áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.
2. Quyết định áp dụng biện pháp tư pháp phải ghi rõ tên cơ quan, họ, tên, chức vụ người ra quyết định; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người chấp hành biện pháp tư pháp; tên cơ quan có nhiệm vụ thi hành.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định, cơ quan ra quyết định phải gửi quyết định đó cho cá nhân, cơ quan sau đây:
a) Người chấp hành biện pháp tư pháp, người đại diện của người đó;
b) Viện kiểm sát cùng cấp trong trường hợp Tòa án ra quyết định;
c) Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành biện pháp tư pháp cư trú;
d) Cơ sở chữa bệnh tâm thần trong trường hợp bắt buộc chữa bệnh;
đ) Cơ quan đề nghị Tòa án, Viện kiểm sát áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh.
Điều 133. Cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thi hành biện pháp tư pháp
1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được giao nhiệm vụ bắt buộc chữa bệnh tâm thần có nhiệm vụ thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh cho người bị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh.
2. Trường giáo dưỡng có nhiệm vụ thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Điều 134. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong thi hành biện pháp tư pháp
1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong việc áp dụng và thi hành các biện pháp tư pháp được thực hiện theo quy định tại Chương này.
2. Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thi hành biện pháp tư pháp theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 135. Bảo đảm điều kiện thi hành các biện pháp tư pháp
1. Nhà nước bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí để thi hành các biện pháp tư pháp.
2. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình tham gia vào việc giáo dục người phải chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Mục 2
THI HÀNH BIỆN PHÁP TƯ PHÁP BẮT BUỘC CHỮA BỆNH
Điều 136. Thẩm quyền đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, hồ sơ đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh
1. Thẩm quyền đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh được quy định như sau:
a) Cơ quan đang thụ lý giải quyết vụ án trong giai đoạn điều tra có quyền đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp;
b) Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh trong giai đoạn thi hành án có quyền đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu nơi phạm nhân chấp hành án.
2. Cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh có trách nhiệm lập hồ sơ đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh. Hồ sơ bao gồm:
a) Quyết định của Viện kiểm sát hoặc Tòa án về áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh;
b) Kết luận của Hội đồng giám định pháp y tâm thần;
c) Lý lịch cá nhân của người chấp hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh;
d) Tài liệu khác có liên quan.
3. Trường hợp Viện kiểm sát, Tòa án tự mình quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh thì Viện kiểm sát, Tòa án đã ra quyết định có trách nhiệm lập hồ sơ và đề nghị cơ quan đang thụ lý giải quyết vụ án trong giai đoạn điều tra hoặc trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trong giai đoạn thi hành án đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh.
Điều 137. Đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh
1. Ngay sau khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, cơ quan đang giải quyết vụ án trong giai đoạn điều tra hoặc trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trong giai đoạn thi hành án có nhiệm vụ giao người bị bắt buộc chữa bệnh và hồ sơ kèm theo cho cơ sở chữa bệnh tâm thần được chỉ định theo quyết định của Viện kiểm sát hoặc quyết định của Tòa án, đồng thời sao gửi quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
2. Cơ sở chữa bệnh tâm thần được Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ định có trách nhiệm tiếp nhận người bị bắt buộc chữa bệnh và hồ sơ kèm theo, lập biên bản giao nhận. Cơ quan có trách nhiệm đưa người vào cơ sở chữa bệnh tâm thần phải thông báo cho gia đình hoặc thân nhân của người bị bắt buộc chữa bệnh về nơi người đó đang chữa bệnh.
Điều 138. Tổ chức điều trị cho người bị bắt buộc chữa bệnh
1. Cơ sở chữa bệnh tâm thần có trách nhiệm quản lý, tổ chức điều trị bệnh cho người bị bắt buộc chữa bệnh và không được phân biệt đối xử.
2. Trong thời gian bắt buộc chữa bệnh, thân nhân của người bị bắt buộc chữa bệnh được gặp và phối hợp chăm sóc người bị bắt buộc chữa bệnh và phải chấp hành đúng quy định về thăm gặp, chăm sóc của cơ sở chữa bệnh tâm thần.
3. Trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh bỏ trốn, cơ sở chữa bệnh tâm thần phải lập biên bản và thông báo ngay cho cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh và gia đình của người đó biết để phối hợp truy tìm, đưa người đó trở lại cơ sở chữa bệnh tâm thần.
4. Kinh phí điều trị do cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh hoặc Viện kiểm sát, Tòa án tự mình quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước.
Điều 139. Đình chỉ thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh
1. Khi người bị bắt buộc chữa bệnh đã khỏi bệnh, thủ trưởng cơ sở chữa bệnh tâm thần thông báo cho cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh để yêu cầu Hội đồng giám định y khoa tiến hành giám định về tình trạng bệnh của người đó.
Căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định y khoa về việc người đó đã khỏi bệnh, cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh đề nghị Tòa án hoặc Viện kiểm sát đã ra quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh ra quyết định đình chỉ việc thi hành biện pháp này.
2. Tòa án hoặc Viện kiểm sát đã ra quyết định đình chỉ thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh có trách nhiệm gửi quyết định cho cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh để thông báo cho cơ sở chữa bệnh tâm thần và thân nhân của người đó.
3. Sau khi nhận được quyết định đình chỉ, cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh phải đến nhận người bị bắt buộc chữa bệnh. Việc giao nhận phải lập biên bản, trong đó ghi rõ thời gian chữa bệnh tại cơ sở chữa bệnh tâm thần.
Điều 140. Giải quyết trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh chết
1. Trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh chết, thủ trưởng cơ sở chữa bệnh tâm thần phải báo ngay cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền để xác định nguyên nhân chết, thông báo cho thân nhân của người chết, cơ quan quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 136 của Luật này.
2. Sau khi được cơ quan điều tra và Viện kiểm sát có thẩm quyền cho phép, cơ sở chữa bệnh tâm thần có trách nhiệm mai táng. Kinh phí cho việc mai táng do ngân sách nhà nước cấp. Trường hợp thân nhân của người chết đề nghị nhận tử thi để mai táng và tự chịu chi phí thì cơ sở chữa bệnh tâm thần giao cho họ thực hiện. Việc tổ chức mai táng phải bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường.
Mục 3
THI HÀNH BIỆN PHÁP TƯ PHÁP GIÁO DỤC TẠI TRƯỜNG GIÁO DƯỠNG
Điều 141. Thủ tục thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng
1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra bản án, quyết định áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, Tòa án phải gửi bản án, quyết định cho người đó, người đại diện của người đó và cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người dưới 18 tuổi cư trú.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người dưới 18 tuổi cư trú phải báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an để ra quyết định đưa người dưới 18 tuổi vào trường giáo dưỡng.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an ra quyết định đưa người dưới 18 tuổi vào trường giáo dưỡng và gửi cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.
4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải lập hồ sơ và bàn giao người dưới 18 tuổi vào trường giáo dưỡng. Hồ sơ bao gồm:
a) Bản sao bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;
b) Quyết định đưa người dưới 18 tuổi vào trường giáo dưỡng;
c) Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã;
d) Danh bản;
đ) Tài liệu khác có liên quan.
5. Khi tiếp nhận người phải chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng (sau đây gọi là học sinh), Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải kiểm tra hồ sơ và lập biên bản giao nhận, tổ chức khám sức khỏe cho học sinh. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận học sinh, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải thông báo việc đã tiếp nhận học sinh cho người đại diện của người đó.
Điều 142. Hoãn, tạm đình chỉ chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng
1. Người dưới 18 tuổi có thể được hoãn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng trong trường hợp sau đây:
a) Bị bệnh nặng, đang cấp cứu hoặc vì lý do sức khỏe khác mà không thể đi lại được và được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp huyện trở lên xác nhận;
b) Có lý do chính đáng khác được Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xác nhận.
2. Đối với trường hợp hoãn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có nhiệm vụ làm thủ tục đề nghị Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng xem xét, quyết định hoãn. Hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị của người phải chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc của người đại diện của họ;
b) Kết luận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên về tình trạng bệnh của người phải chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;
c) Giấy bảo lãnh của người đại diện của người phải chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, có xác nhận của chính quyền địa phương.
3. Trường hợp học sinh trường giáo dưỡng bị bệnh nặng thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng lập hồ sơ và có văn bản đề nghị Tòa án cấp huyện nơi có trường giáo dưỡng xem xét, quyết định tạm đình chỉ. Hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Chánh án Tòa án cấp huyện phải xem xét, quyết định.
5. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định về việc hoãn, tạm đình chỉ chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, Tòa án đã ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ phải gửi quyết định đó cho cá nhân, cơ quan sau đây:
a) Người phải chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, người đại diện của người đó;
b) Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đã đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;
c) Viện kiểm sát cùng cấp;
d) Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng trong trường hợp tạm đình chỉ.
6. Khi không còn lý do hoãn, tạm đình chỉ, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng cư trú phải thông báo cho Tòa án đã ra quyết định và đưa người đó vào trường giáo dưỡng.
Điều 143. Giải quyết trường hợp người phải chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng bỏ trốn
1. Trường hợp người đã có quyết định áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng bỏ trốn thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người đó cư trú phải ra quyết định truy tìm, đưa người đó vào trường giáo dưỡng và báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an.
2. Khi phát hiện người phải chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng bỏ trốn đang bị truy tìm thì cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm báo cho cơ quan công an hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất hoặc bắt giữ và đưa đến các cơ quan này. Khi tiếp nhận, lưu giữ người đó, cơ quan công an phải lập biên bản và đưa ngay họ vào trường giáo dưỡng.
Điều 144. Chế độ quản lý học sinh
1. Học sinh phải chịu sự giám sát, quản lý của cán bộ, giáo viên trường giáo dưỡng và chấp hành nghiêm chỉnh nội quy của nhà trường.
2. Căn cứ vào độ tuổi, giới tính, sức khỏe, trình độ học vấn, tính chất và mức độ vi phạm, trường giáo dưỡng bố trí học sinh thành các đội, lớp, tổ, nhóm và phân công giáo viên trực tiếp phụ trách.
3. Trường hợp học sinh bỏ trốn thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng ra quyết định và tổ chức truy tìm. Thời gian học sinh bỏ trốn không được tính vào thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng. Khi bắt giữ mà học sinh có hành vi chống đối thì được áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân và cơ quan công an các cấp có trách nhiệm phối hợp trong việc truy tìm, bắt giữ học sinh bỏ trốn. Khi phát hiện người bị truy tìm, người phát hiện có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan công an, Ủy ban nhân dân nơi gần nhất hoặc bắt giữ và đưa đến các cơ quan này.
Khi bắt được người bỏ trốn hoặc nhận bàn giao người đó, cơ quan công an phải lập biên bản, lấy lời khai, lưu giữ và quản lý người bỏ trốn, thông báo ngay cho trường giáo dưỡng đã ra quyết định truy tìm. Khi nhận được thông báo, trường giáo dưỡng đã ra quyết định truy tìm phải cử người đến ngay để nhận và đưa học sinh bỏ trốn về trường giáo dưỡng. Việc giao, nhận học sinh bỏ trốn phải lập biên bản. Thời gian lưu giữ được tính vào thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Điều 145. Thực hiện lệnh trích xuất học sinh
1. Khi có văn bản yêu cầu của cơ quan, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền về việc trích xuất học sinh thì cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an ra lệnh trích xuất.
2. Trường hợp cần trích xuất học sinh phục vụ yêu cầu giáo dục hoặc khám bệnh, chữa bệnh thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng ra lệnh trích xuất.
3. Nội dung lệnh trích xuất thực hiện theo quy định khoản 4 Điều 40 của Luật này.
4. Cơ quan yêu cầu trích xuất chịu trách nhiệm đưa và trả học sinh được trích xuất đến trường giáo dưỡng đúng thời gian đã ghi trong lệnh trích xuất; khi giao nhận phải lập biên bản. Chi phí cho việc đi lại, ăn, ở của học sinh được trích xuất do ngân sách nhà nước bảo đảm, trừ trường hợp học sinh được đưa về gia đình chữa bệnh quy định tại khoản 2 Điều 151 của Luật này.
Thời gian trích xuất được tính vào thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Điều 146. Chế độ học văn hóa, giáo dục hướng nghiệp, học nghề, lao động
1. Học sinh ở trường giáo dưỡng được học văn hóa, giáo dục hướng nghiệp, học nghề theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đối với học sinh chưa đạt trình độ phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở thì việc học văn hóa là bắt buộc. Đối với học sinh khác thì tùy khả năng, điều kiện thực tế mà tổ chức cho họ học tập phù hợp.
2. Ngoài giờ học tập, học sinh phải tham gia lao động do trường tổ chức. Trường giáo dưỡng có trách nhiệm sắp xếp công việc phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của học sinh để bảo đảm sự phát triển bình thường về thể chất; không bố trí những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại.
Thời gian lao động của học sinh không được nhiều hơn thời gian học tập. Thời gian học tập và lao động không quá 07 giờ trong 01 ngày và không quá 35 giờ trong 01 tuần.
Kết quả lao động của học sinh được sử dụng phục vụ sinh hoạt, học tập và bổ sung vào quỹ hòa nhập cộng đồng, quỹ khen thưởng của học sinh.
3. Học sinh được nghỉ ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, tết theo quy định của pháp luật.
4. Kinh phí mua sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh do ngân sách nhà nước cấp.
Điều 147. Kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh và tổ chức thi
1. Trường giáo dưỡng có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh và tổ chức thi học kỳ, kết thúc năm học, chuyển cấp, thi tuyển chọn học sinh giỏi hoặc hình thức thi khác.
2. Sổ điểm, học bạ, hồ sơ và các biểu mẫu liên quan đến việc học tập của học sinh phải theo mẫu thống nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Chứng chỉ học văn hóa, học nghề do trường giáo dưỡng cấp cho học sinh có giá trị như chứng chỉ của cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp.
Điều 148. Chế độ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí
Ngoài giờ học văn hóa, học nghề, lao động, học sinh được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, đọc sách báo, xem truyền hình và các hoạt động vui chơi giải trí khác do trường giáo dưỡng tổ chức.
Điều 149. Chế độ ăn, mặc của học sinh
1. Học sinh được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau xanh, thịt, cá, đường, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt, muối, chất đốt.
Ngày lễ, tết theo quy định của pháp luật, học sinh được ăn thêm nhưng mức ăn không quá 05 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.
Học sinh được bảo đảm ăn, uống hợp vệ sinh. Chế độ ăn đối với học sinh ốm đau, bệnh tật, thương tích do y sỹ hoặc bác sỹ chỉ định.
2. Hằng năm, học sinh được cấp quần áo, chăn, chiếu, màn và các đồ dùng sinh hoạt khác; học sinh nữ được cấp thêm đồ dùng cần thiết cho vệ sinh cá nhân.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 150. Chế độ ở và đồ dùng sinh hoạt của học sinh
1. Căn cứ vào giới tính, độ tuổi, đặc điểm nhân thân, tính chất, mức độ phạm tội của học sinh, trường sắp xếp chỗ ở, sinh hoạt phù hợp trong các buồng tập thể. Buồng ở phải bảo đảm thoáng mát về mùa hè, kín gió về mùa đông, hợp vệ sinh môi trường. Diện tích chỗ nằm tối thiểu cho mỗi học sinh là 2,5 m2.
2. Học sinh được bố trí giường hoặc sàn nằm có chiếu trải và được phép sử dụng đồ dùng sinh hoạt cá nhân của mình, trừ những đồ vật bị cấm sử dụng trong trường giáo dưỡng. Đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt của học sinh được trường cho mượn hoặc cấp.
Điều 151. Chế độ chăm sóc y tế đối với học sinh trường giáo dưỡng
1. Học sinh được khám sức khỏe định kỳ; trường hợp học sinh bị ốm đau, bệnh tật, thương tích được điều trị tại cơ sở y tế của trường giáo dưỡng; trường hợp ốm đau, bệnh tật, thương tích nặng vượt quá khả năng điều trị của trường thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng quyết định đưa họ đến điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh do trường giáo dưỡng chi trả.
2. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản 1 Điều này do ngân sách nhà nước cấp. Kinh phí tổ chức cai nghiện ma túy, điều trị HIV/AIDS cho học sinh theo quy định của Bộ Tài chính. Trường hợp học sinh được nghỉ học để đưa về gia đình chữa bệnh thì gia đình học sinh phải chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 152. Thủ tục giải quyết trường hợp học sinh chết
Trường hợp học sinh chết, Hiệu trưởng phải báo ngay cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi có trường giáo dưỡng để xác định nguyên nhân chết; đồng thời phải báo ngay cho thân nhân của người chết biết.
Sau khi được cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cho phép mai táng, trường giáo dưỡng có trách nhiệm tổ chức mai táng, báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an và thông báo cho Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng. Kinh phí cho việc mai táng do ngân sách nhà nước cấp. Trường hợp thân nhân của người chết đề nghị nhận tử thi để mai táng và tự chịu chi phí thì trường giáo dưỡng giao cho thân nhân của người chết thực hiện. Việc tổ chức mai táng phải bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường.
Điều 153. Chế độ gặp thân nhân, liên lạc, nhận quà của học sinh trường giáo dưỡng
1. Học sinh được gặp thân nhân tại nơi tiếp đón của trường giáo dưỡng và phải chấp hành đúng quy định về thăm gặp.
2. Học sinh được gửi và nhận thư, nhận quà là tiền, đồ vật, trừ rượu, bia, thuốc lá, các chất kích thích khác, đồ vật và các loại văn hóa phẩm thuộc danh mục cấm. Trường giáo dưỡng có trách nhiệm kiểm tra thư, quà trước khi học sinh gửi hoặc nhận. Học sinh có tiền hoặc giấy tờ có giá thì phải gửi trường giáo dưỡng để quản lý và sử dụng theo quy định của trường giáo dưỡng.
Điều 154. Chấm dứt trước thời hạn việc chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng
Học sinh đã chấp hành được một phần hai thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, tích cực học tập, tu dưỡng và chấp hành tốt nội quy của trường thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có trường xem xét, quyết định chấm dứt trước thời hạn việc chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng. Tòa án đã ra quyết định chấm dứt trước thời hạn phải gửi quyết định đó cho học sinh, trường giáo dưỡng, Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, người đại diện của học sinh. Ngay sau khi nhận được quyết định, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải làm thủ tục cho học sinh ra trường.
Điều 155. Khen thưởng, xử lý vi phạm đối với học sinh
1. Học sinh chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, nội quy của trường giáo dưỡng, có kết quả học tập đạt từ loại khá trở lên hoặc lập công thì được Hiệu trưởng quyết định khen thưởng bằng một hoặc một số hình thức sau đây:
a) Biểu dương, tặng giấy khen, tặng quà;
b) Cho đi tham quan do trường giáo dưỡng tổ chức.
2. Học sinh vi phạm kỷ luật học tập, lao động hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy của trường giáo dưỡng, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà Hiệu trưởng quyết định xử lý bằng một trong các hình thức sau đây:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Giáo dục cá biệt tại phòng riêng không quá 05 ngày;
Học sinh bị giáo dục cá biệt phải làm bản kiểm điểm và tự kiểm điểm trước tổ hoặc lớp.
3. Quyết định khen thưởng hoặc xử lý vi phạm được lưu vào hồ sơ học sinh.
Điều 156. Thủ tục cho học sinh ra trường
1. Hai tháng trước khi học sinh hết thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú và gia đình họ biết ngày ra trường.
2. Vào ngày cuối cùng của thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng cho học sinh ra trường và gửi giấy chứng nhận này cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú.
3. Học sinh khi ra trường phải trả lại đồ dùng được trường cho mượn; được nhận lại tiền, giấy tờ có giá, tài sản và đồ vật gửi trường quản lý, các chứng chỉ học văn hóa, học nghề; được cấp tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường trở về nơi cư trú. Trường hợp hết thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng mà học sinh vẫn chưa tiến bộ thì Hiệu trưởng phải có bản nhận xét riêng và kiến nghị các biện pháp giáo dục tiếp theo gửi Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người đó về cư trú.
4. Đối với học sinh đã chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng mà không rõ cha, mẹ, nơi cư trú thì trường có trách nhiệm liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trường để đề nghị giúp đỡ, sắp xếp chỗ ăn, ở và tạo việc làm, học tập.
5. Đối với học sinh dưới 16 tuổi hoặc bị ốm đau, bệnh tật đến ngày được ra trường mà không có thân nhân đến đón thì trường giáo dưỡng phải cử người đưa về giao cho gia đình hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú.
6. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra trường, học sinh đã chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng phải trình báo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi về cư trú.
Điều 157. Chi phí tổ chức thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng
1. Chi phí tổ chức thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng do ngân sách nhà nước cấp. Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an có trách nhiệm xây dựng dự toán ngân sách hằng năm chi cho việc thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, tổng hợp vào dự toán ngân sách hằng năm của cơ quan mình để Bộ Công an gửi Bộ Tài chính xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
2. Trường giáo dưỡng được tiếp nhận sự giúp đỡ về vật chất của Ủy ban nhân dân địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, cá nhân và tổ chức nước ngoài để tổ chức dạy văn hóa, giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề, mua sắm đồ dùng học tập và sinh hoạt cho học sinh.