Luật Thanh niên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2020/Chương I

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Thanh niên

Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên; chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức thanh niên, tổ chức khác, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân đối với thanh niên; quản lý nhà nước về thanh niên.

Điều 3. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với thanh niên; cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân.

Điều 4. Vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên

1. Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

2. Thanh niên có quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Điều 5. Nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên

1. Quyền, nghĩa vụ của thanh niên được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

2. Không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp trong thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên.

3. Nhà nước, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện để thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

4. Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên phải bảo đảm mục tiêu phát triển thanh niên; tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và phát huy năng lực; được xây dựng hoặc lồng ghép trong các chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương.

5. Việc xây dựng và thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên phải bảo đảm sự tham gia của thanh niên; tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của thanh niên.

6. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động hướng về Tổ quốc và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

7. Xử lý kịp thời, nghiêm minh cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm theo quy định của Luật này.

Điều 6. Nguồn lực thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên

1. Nhà nước bảo đảm nguồn lực để xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách đối với thanh niên theo quy định của pháp luật.

2. Nguồn tài chính bảo đảm thực hiện chính sách đối với thanh niên gồm ngân sách nhà nước; các khoản ủng hộ, viện trợ, tài trợ và đóng góp hợp pháp khác của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Điều 7. Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam

1. Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Điều 8. Hợp tác quốc tế về thanh niên

1. Hợp tác quốc tế về thanh niên phải bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với pháp luật mỗi nước, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thông lệ quốc tế.

2. Nội dung hợp tác quốc tế về thanh niên bao gồm:

a) Tham gia tổ chức quốc tế; ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về thanh niên; chương trình, dự án hợp tác quốc tế về thanh niên;

b) Trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý và chính sách, pháp luật về thanh niên;

c) Giao lưu giữa thanh niên Việt Nam với thanh niên các nước.

Điều 9. Tháng Thanh niên

1. Tháng 3 hằng năm là Tháng Thanh niên. Tháng Thanh niên được tổ chức nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên để tham gia hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, xã hội và vận động tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển thanh niên.

2. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức hoạt động Tháng Thanh niên.

3. Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, nguồn lực để hỗ trợ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng cấp tổ chức hoạt động Tháng Thanh niên. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tạo điều kiện, hỗ trợ cho thanh niên tham gia hoạt động Tháng Thanh niên.

Điều 10. Đối thoại với thanh niên

1. Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm đối thoại với thanh niên ít nhất mỗi năm một lần về các vấn đề liên quan đến thanh niên; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân có trách nhiệm đối thoại với thanh niên theo yêu cầu của tổ chức thanh niên quy định tại Luật này.

2. Người có trách nhiệm đối thoại với thanh niên quy định tại khoản 1 Điều này chỉ đạo chuẩn bị kế hoạch, chương trình đối thoại và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hoặc niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị chậm nhất là 30 ngày trước ngày tổ chức đối thoại; giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền giải quyết các kiến nghị của thanh niên thông qua hoạt động đối thoại.

3. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày đối thoại, nội dung kết luận đối thoại phải được công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hoặc niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị và gửi đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan; trường hợp nội dung đối thoại phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực thì thời hạn này là 15 ngày.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 11. Áp dụng điều ước quốc tế về quyền trẻ em đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Nhà nước áp dụng điều ước quốc tế về quyền trẻ em mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phù hợp với điều kiện của Việt Nam.