Luật Thư viện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2019/Chương IV

Luật Thư viện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2019
Chương IV. QUYỀN, NGHĨA VỤ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG THƯ VIỆN

Chương IV
QUYỀN, NGHĨA VỤ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG THƯ VIỆN

Mục 1
QUYỀN, NGHĨA VỤ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA THƯ VIỆN, NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC THƯ VIỆN, NGƯỜI SỬ DỤNG THƯ VIỆN

Điều 38. Quyền của thư viện

1. Xác định nội dung và hình thức hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của thư viện.

2. Trao đổi tài nguyên thông tin, tham gia hệ thống thông tin thư viện trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.

3. Từ chối yêu cầu sử dụng tài nguyên thông tin trái với quy định của pháp luật, quy chế, nội quy thư viện.

4. Thu phí, giá từ việc cung cấp dịch vụ thư viện theo quy định của pháp luật.

5. Nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, thiết lập cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa thư viện.

6. Vận động và tiếp nhận tài trợ, viện trợ, tặng cho, đóng góp cho thư viện theo quy định của pháp luật.

7. Mở rộng phục vụ đối tượng người sử dụng thư viện phù hợp với quy định của pháp luật và quy chế thư viện.

8. Hợp tác quốc tế về thư viện.

9. Xác định hình thức và giá trị bồi thường thiệt hại do người sử dụng thư viện gây ra theo quy định của pháp luật và nội quy thư viện.

10. Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện chuyên ngành của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và thư viện cấp tỉnh được lưu giữ tài nguyên thông tin quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 của Luật này để phục vụ hoạt động nghiên cứu.

Điều 39. Trách nhiệm của thư viện

1. Bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ thư viện được quy định tại Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và quy chế, nội quy thư viện.

2. Sử dụng hiệu quả nguồn lực trong thư viện.

3. Tổ chức hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thư viện theo quy định tại Luật này và hoạt động khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của thư viện.

4. Tổ chức dịch vụ thư viện; bố trí thời gian phục vụ phù hợp với điều kiện sinh hoạt, làm việc, học tập của người sử dụng thư viện.

5. Công bố nội quy, hướng dẫn sử dụng thư viện.

6. Công khai, minh bạch về tài nguyên thông tin và hoạt động của thư viện.

7. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hằng năm và khi được yêu cầu.

8. Quản lý, lưu giữ và tổ chức phục vụ tài nguyên thông tin hạn chế sử dụng theo quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và quy chế, nội quy thư viện.

Điều 40. Quyền của người làm công tác thư viện

1. Được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý thư viện và kỹ năng sử dụng trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật hiện đại ứng dụng trong hoạt động thư viện.

2. Được tham gia nghiên cứu khoa học, sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thư viện.

3. Được hưởng lương; chế độ, chính sách ưu đãi về nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

Điều 41. Nghĩa vụ của người làm công tác thư viện

1. Thực hiện quy định của pháp luật về thư viện và quy định khác của pháp luật có liên quan, quy định về chuyên môn, nghiệp vụ, quy chế, nội quy của cơ quan, tổ chức.

2. Tạo điều kiện để người sử dụng thư viện tiếp cận, sử dụng tài nguyên thông tin và tiện ích thư viện; bảo đảm quyền bình đẳng và các quyền khác của người sử dụng thư viện được quy định tại Luật này.

3. Hỗ trợ, hướng dẫn, trang bị kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin cho người sử dụng thư viện.

4. Học tập để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

5. Thực hiện quy tắc ứng xử nghề nghiệp thư viện.

Điều 42. Quyền của người sử dụng thư viện

1. Được sử dụng thư viện, tiếp cận, sử dụng tài nguyên thông tin và tiện ích thư viện phù hợp với nội quy thư viện, pháp luật về sở hữu trí tuệ, bảo vệ bí mật nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Được miễn phí tại thư viện công lập đối với các hoạt động sau đây:

a) Sử dụng tài nguyên thông tin tại thư viện, mượn theo thời hạn quy định trong nội quy thư viện;

b) Tra cứu thông tin trên không gian mạng; tiếp nhận thông tin về tài nguyên thông tin thông qua hệ thống tra cứu hoặc hình thức tiếp nhận thông tin, tra cứu khác;

c) Được giúp đỡ, tư vấn về tìm kiếm, lựa chọn tài nguyên thông tin phù hợp với yêu cầu;

d) Hoạt động khác theo quy định.

3. Được sử dụng dịch vụ thư viện theo danh mục dịch vụ do thư viện cung cấp.

4. Được hướng dẫn sử dụng thư viện, hỗ trợ, trang bị kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin.

5. Được tham gia các hoạt động dành cho người sử dụng thư viện do thư viện tổ chức.

6. Được lựa chọn thư viện phù hợp với nhu cầu và quy chế, nội quy thư viện.

7. Được khiếu nại, tố cáo về hành vi hạn chế quyền sử dụng thư viện.

Điều 43. Nghĩa vụ của người sử dụng thư viện

1. Chấp hành quy định của pháp luật và nội quy thư viện.

2. Thanh toán đầy đủ chi phí làm thẻ và sử dụng dịch vụ thư viện theo quy định.

3. Bảo quản tài nguyên thông tin và tài sản khác của thư viện.

4. Bồi thường thiệt hại theo quy định.

Điều 44. Quyền của người sử dụng thư viện đặc thù

1. Người dân tộc thiểu số được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin bằng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình phù hợp với điều kiện của thư viện.

2. Người sử dụng thư viện là người cao tuổi hoặc người khuyết tật mà không thể tới thư viện được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin tại nhà thông qua dịch vụ thư viện lưu động hoặc gửi qua bưu chính, không gian mạng khi có yêu cầu phù hợp với hoạt động của thư viện.

3. Người khiếm thị, người khiếm thính có quyền sử dụng tài nguyên thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều này và được tạo điều kiện sử dụng tài liệu in chữ nổi Braille, tài liệu nghe, nhìn, tài liệu ngôn ngữ ký hiệu hoặc tài liệu đặc biệt khác.

4. Trẻ em được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin phù hợp với lứa tuổi, cấp học tại thư viện cơ sở giáo dục và thư viện công cộng.

5. Trẻ em, người cao tuổi, thương binh, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được miễn các khoản chi phí làm thẻ thư viện.

6. Người đang chấp hành hình phạt tù, học tập, cải tạo tại trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin của thư viện tại nơi giam giữ, học tập và chữa bệnh.

Mục 2
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ LIÊN QUAN

Điều 45. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập thư viện

1. Bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật, kinh phí, nhân sự cho thư viện hoạt động và phát triển theo quy định của pháp luật.

2. Quản lý tổ chức và nhân sự thư viện.

3. Ban hành quy chế về tổ chức và hoạt động của thư viện theo quy định của pháp luật.

4. Thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi về nghề nghiệp cho người làm công tác thư viện.

5. Khuyến khích tổ chức, cá nhân nộp tài liệu học tập, bài giảng, tài liệu tham khảo, khóa luận, đồ án, luận văn, luận án, kết quả nghiên cứu khoa học cho thư viện thuộc cơ sở giáo dục, thư viện thuộc cơ quan, tổ chức nơi học tập, nghiên cứu, công tác.

6. Vận động cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương cung cấp miễn phí cho thư viện tài liệu, xuất bản phẩm, ấn phẩm do cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương xuất bản.

7. Có phương án chuyển giao tài nguyên thông tin và tiện ích thư viện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động của thư viện công lập.

8. Kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động thư viện theo quy định của pháp luật.

9. Thông báo bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 23 của Luật này khi thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động thư viện.

10. Bảo đảm điều kiện về phòng cháy và chữa cháy; bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật.

11. Bảo đảm thư viện trong cơ sở giáo dục có nguồn tài nguyên thông tin phát triển; gắn hoạt động thư viện với chương trình học phù hợp với chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục; phân công lãnh đạo trực tiếp phụ trách thư viện và bố trí người làm công tác thư viện có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với hoạt động thư viện.

12. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập thư viện có trách nhiệm tạo điều kiện cho người lao động Việt Nam làm việc tại thư viện được tham gia các tổ chức, đoàn thể và hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 46. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý thư viện

1. Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động thư viện, phát triển tài nguyên thông tin và phát triển văn hóa đọc.

2. Sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho thư viện.

3. Tạo điều kiện cho người làm công tác thư viện được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

4. Thực hiện chế độ thống kê, thông tin, báo cáo hoạt động thư viện với cơ quan, tổ chức thành lập thư viện và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Tổ chức thực hiện liên thông thư viện với phương thức thích hợp.

Điều 47. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan

1. Cơ quan, tổ chức xuất bản, cơ quan báo chí thực hiện việc nộp xuất bản phẩm, ấn phẩm báo chí cho thư viện theo quy định của pháp luật về xuất bản, báo chí.

2. Người Việt Nam bảo vệ luận án tiến sĩ ở trong nước, nước ngoài; công dân nước ngoài bảo vệ luận án tiến sĩ tại Việt Nam nộp luận án cho Thư viện Quốc gia Việt Nam theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Người dạy trong cơ sở giáo dục phối hợp với người làm công tác thư viện hướng dẫn người học sử dụng tài nguyên thông tin và tiện ích thư viện trong học tập, nghiên cứu.

4. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thư viện được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội có trách nhiệm sau đây:

a) Tham gia phát triển sự nghiệp thư viện;

b) Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật, chính sách, thành tựu về khoa học thư viện trong nước và nước ngoài;

c) Tư vấn xây dựng tiêu chuẩn về thư viện, chất lượng dịch vụ thư viện và phát triển văn hóa đọc;

d) Tham gia xây dựng và vận động hội viên thực hiện quy tắc ứng xử nghề nghiệp thư viện.