Luật Tài nguyên nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2023/Chương VI

Luật Tài nguyên nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2023
Chương VI. CÔNG CỤ KINH TẾ, CHÍNH SÁCH VÀ NGUỒN LỰC CHO TÀI NGUYÊN NƯỚC

Chương VI
CÔNG CỤ KINH TẾ, CHÍNH SÁCH VÀ NGUỒN LỰC CHO TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 67. Nguồn thu ngân sách nhà nước từ hoạt động tài nguyên nước

1. Thuế tài nguyên và các khoản thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế.

2. Các loại phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

3. Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

4. Tiền bồi thường thiệt hại cho Nhà nước, tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.

Điều 68. Thuế, phí về tài nguyên nước

1. Thuế tài nguyên được áp dụng đối với nước thiên nhiên theo quy định của pháp luật về thuế tài nguyên.

2. Giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế tài nguyên và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa mà việc sử dụng gây tác động xấu đến môi trường hoặc chất ô nhiễm môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế bảo vệ môi trường.

4. Phí về tài nguyên nước bao gồm:

a) Phí khai thác, sử dụng nguồn nước theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí. Mức phí quy định tại điểm này được xác định trên cơ sở tính chất của dịch vụ công, hoạt động thuộc lĩnh vực tài nguyên nước;

b) Phí, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải áp dụng đối với hoạt động xả nước thải ra môi trường theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí và pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 69. Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

1. Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước thuộc trường hợp phải cấp phép khai thác nước mặt, nước dưới đất phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong các trường hợp sau đây:

a) Khai thác nước mặt để phát điện có mục đích thương mại;

b) Khai thác nước mặt, nước dưới đất để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản, cấp cho nông nghiệp, cấp cho sinh hoạt.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước không phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong các trường hợp sau đây:

a) Khai thác nước biển;

b) Khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất công nghiệp, thủy điện, thủy lợi, thể thao, du lịch, kinh doanh, dịch vụ, tạo nguồn, ngăn mặn, chống ngập, tạo cảnh quan quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 52 của Luật này;

c) Khai thác tài nguyên nước cho các mục đích tạo nguồn, ngăn mặn, chống ngập, tạo cảnh quan quy định tại khoản 1 Điều 52 của Luật này.

3. Tổ chức, cá nhân khai thác nước mặt, nước dưới đất theo quy định tại khoản 1 Điều này được miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong các trường hợp sau đây:

a) Khai thác nước để cấp cho sinh hoạt của người dân khu vực biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn;

b) Dự án có hạng mục công trình khai thác nước đã được Chính phủ Việt Nam bảo lãnh theo bảo lãnh Chính phủ;

c) Trong thời gian công trình khai thác nước bị hư hỏng do sự cố bất khả kháng không thể tiếp tục khai thác hoặc phải tạm dừng khai thác.

4. Tổ chức, cá nhân khai thác nước mặt, nước dưới đất theo quy định tại khoản 1 Điều này được giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong các trường hợp sau đây:

a) Công trình khai thác nước phải cắt, giảm lượng nước khai thác khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 42 của Luật này;

b) Khai thác, sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước theo quy định tại khoản 5 Điều 59 của Luật này;

c) Hồ chứa đã vận hành phải điều chỉnh, bổ sung dung tích phòng lũ cho hạ du so với nhiệm vụ của hồ chứa đã được phê duyệt;

d) Khai thác nước cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

5. Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được xác định căn cứ vào lượng nước, chất lượng của nguồn nước, loại nguồn nước, điều kiện khai thác, quy mô, thời gian khai thác, mục đích sử dụng nước.

6. Chính phủ quy định chi tiết việc nộp, miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Điều 70. Dịch vụ về tài nguyên nước

1. Các dịch vụ về tài nguyên nước bao gồm:

a) Dịch vụ hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối tài nguyên nước;

b) Dịch vụ hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa, liên hồ chứa.

2. Tổ chức phải đáp ứng điều kiện sau đây để cung cấp dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này:

a) Có quyết định thành lập tổ chức của cơ quan có thẩm quyền hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;

b) Có hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, thiết bị, phần mềm bảo đảm khả năng thực hiện dịch vụ;

c) Có đội ngũ cán bộ chuyên môn phù hợp thực hiện dịch vụ hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối tài nguyên nước, dịch vụ hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa, liên hồ chứa.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 71. Hạch toán tài nguyên nước

1. Hạch toán tài nguyên nước là quá trình tổng hợp, tính toán, cân đối nguồn nước, xác định giá trị tài nguyên nước trong các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh nguồn nước.

2. Việc hạch toán tài nguyên nước phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Bảo đảm đồng bộ, thống nhất về thông tin số liệu trong quá trình hạch toán;

b) Tích hợp với Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia;

c) Xây dựng theo các nhóm tài khoản về tài nguyên nước.

3. Kết quả hạch toán tài nguyên nước được sử dụng để cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc điều hòa, phân phối và thực hiện các giải pháp quản lý khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức hạch toán tài nguyên nước.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này và lộ trình thực hiện việc hạch toán tài nguyên nước.

Điều 72. Nguồn lực cho quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra

1. Nhà nước bố trí nguồn lực thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Điều tra cơ bản, quy hoạch về tài nguyên nước;

b) Bảo vệ tài nguyên nước; phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; bảo vệ, phát triển rừng;

c) Phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra;

d) Xây dựng Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia;

đ) Xây dựng, phát triển hạ tầng khai thác, sử dụng nước vùng biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước ngọt;

e) Nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao công nghệ nhằm khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả;

g) Phổ biến, tuyên truyền, truyền thông về tài nguyên nước;

h) Hội nhập, hợp tác quốc tế về tài nguyên nước;

i) Kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực tài nguyên nước;

k) Các hoạt động có liên quan đến khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển, tích trữ nước, phục hồi nguồn nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra và các hoạt động khác liên quan đến tài nguyên nước nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước.

2. Nguồn lực để thực hiện các hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Ngân sách nhà nước từ nguồn chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển;

b) Quỹ bảo vệ môi trường;

c) Nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân; nguồn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

3. Ngân sách nhà nước bố trí phù hợp với khả năng ngân sách và yêu cầu nhiệm vụ về bảo vệ, phát triển nguồn nước. Sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường cho các hoạt động bảo vệ tài nguyên nước; phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra.

4. Nhà nước khuyến khích các tổ chức tài chính phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh và các sản phẩm tài chính để hỗ trợ cho việc bảo vệ, phát triển, phục hồi nguồn nước.

5. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, sử dụng hiệu quả phần ngân sách được giao và nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

Điều 73. Ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra

Tổ chức, cá nhân được hưởng ưu đãi, hỗ trợ hoặc miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan khi thực hiện các hoạt động sau đây:

1. Tham gia phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm;

2. Tìm kiếm, thăm dò, khai thác nước để cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân ở các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác;

3. Sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; thu gom, sử dụng nước mưa; xử lý nước biển thành nước ngọt; đầu tư thiết bị, công nghệ tiết kiệm nước;

4. Xây dựng các công trình điều tiết, tích trữ nước ở vùng khan hiếm nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

5. Phát triển công nghệ, thiết bị và sản phẩm phục vụ bảo vệ, phát triển và phục hồi nguồn nước;

6. Xây dựng, vận hành công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất.

Điều 74. Xã hội hóa đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước

1. Nhà nước khuyến khích xã hội hóa các hoạt động sau đây:

a) Phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm;

b) Xây dựng các công trình phát triển, tích trữ nước.

2. Tổ chức, cá nhân đầu tư dự án có hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.