Luật Sở hữu trí tuệ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2005 (sửa đổi, bổ sung 2019)/Phần V/Chương XVI

Phần V
BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Chương XVI
QUY ĐỊNH CHUNG VỀ BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Điều 198. Quyền tự bảo vệ

1. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:

a) Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;

c) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

d) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

2. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự quy định tại Điều 202 của Luật này và các biện pháp hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

4.[1] Tổ chức, cá nhân là bị đơn trong vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu được Tòa án kết luận là không thực hiện hành vi xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án buộc nguyên đơn thanh toán cho mình chi phí hợp lý để thuê luật sư hoặc các chi phí khác theo quy định của pháp luật.

5.[2] Tổ chức, cá nhân lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì tổ chức, cá nhân bị thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên lạm dụng thủ tục đó phải bồi thường cho những thiệt hại do việc lạm dụng gây ra, trong đó bao gồm chi phí hợp lý để thuê luật sư. Hành vi lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bao gồm hành vi cố ý vượt quá phạm vi hoặc mục tiêu của thủ tục này.

Điều 199. Biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, ­­có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.

2. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 200. Thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

2. Việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

3. Việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Ủy ban nhân dân các cấp. Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan này có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

4. Việc áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan.

Điều 201. Giám định về sở hữu trí tuệ[3]

1. Giám định về sở hữu trí tuệ là việc tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.

2. Doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư, trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam đáp ứng các điều kiện sau đây được thực hiện hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ:

a) Có nhân lực, cơ sở vật chất - kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động giám định theo quy định của pháp luật;

b) Có chức năng thực hiện hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động;

c) Người đứng đầu tổ chức hoặc người được người đứng đầu tổ chức ủy quyền có Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ.

3. Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ:

a) Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Thường trú tại Việt Nam;

c) Có phẩm chất đạo đức tốt;

d) Có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực đề nghị cấp thẻ giám định, đã qua thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực đó từ năm năm trở lên và đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ về giám định.

4. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có quyền trưng cầu giám định về sở hữu trí tuệ khi giải quyết vụ việc mà mình đang thụ lý.

5. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và tổ chức, cá nhân khác có liên quan có quyền yêu cầu giám định về sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

6. Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ.

  1. Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 10 Điều 2 của Luật số 42/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2019.
  2. Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 10 Điều 2 của Luật số 42/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2019.
  3. Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 26 Điều 1 của Luật số 36/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2010.