Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015/Chương V

Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015
Chương V. HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT

Chương V
HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT

Điều 25. Tính chất, mục đích và nguyên tắc giám sát

1. Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc đề nghị các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật.

2. Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang tính xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

3. Hoạt động giám sát được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm phát huy dân chủ, sự tham gia của Nhân dân, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân; thực hiện công khai, minh bạch, không chồng chéo; không làm cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát.

Điều 26. Đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát

1. Đối tượng giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan nhà nước, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức.

2. Nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì giám sát đối với đối tượng, nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc quy định của pháp luật, các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì giám sát đối với đối tượng, nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, quyền và trách nhiệm của tổ chức mình.

Các tổ chức thành viên khác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thực hiện giám sát đối với đối tượng, nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, quyền và trách nhiệm của tổ chức mình.

Điều 27. Hình thức giám sát

1. Nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

2. Tổ chức đoàn giám sát.

3. Thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

4. Tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

5. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành nghị quyết liên tịch quy định chi tiết Điều này.

Điều 28. Quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động giám sát

1. Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng chương trình, nội dung, kế hoạch giám sát; quyết định thành lập đoàn giám sát và tổ chức hoạt động giám sát theo kế hoạch hoặc khi cần thiết.

2. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát báo cáo bằng văn bản, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát.

3. Xem xét khách quan, khoa học những vấn đề liên quan đến nội dung giám sát.

4. Tổ chức đối thoại để làm rõ nội dung kiến nghị sau giám sát khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát.

5. Kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét áp dụng các biện pháp để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân; đề nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

6. Ban hành hoặc phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan ban hành văn bản về kết quả giám sát; chịu trách nhiệm về những nội dung kiến nghị sau giám sát.

7. Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân không giải quyết hoặc giải quyết không đúng quy định của pháp luật.

8. Khen thưởng hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng người có thành tích trong hoạt động giám sát.

Điều 29. Quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát

1. Được thông báo trước về nội dung, kế hoạch giám sát.

2. Báo cáo bằng văn bản theo nội dung giám sát; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát; báo cáo bổ sung, làm rõ những vấn đề liên quan.

3. Trình bày ý kiến về các nội dung liên quan thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

4. Đề nghị xem xét lại kiến nghị sau giám sát, đối thoại để làm rõ nội dung các kiến nghị đó khi cần thiết.

5. Tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện giám sát.

6. Xem xét, giải quyết và trả lời những nội dung kiến nghị sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

7. Thực hiện kết luận, quyết định giải quyết của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành liên quan đến những nội dung kiến nghị giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Điều 30. Trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan

1. Định kỳ 6 tháng, Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nghe Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thông báo kết quả giám sát; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xem xét kiến nghị và đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tạo điều kiện và cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho hoạt động giám sát theo yêu cầu; cử người tham gia giám sát về những nội dung có liên quan; tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện giám sát; xem xét, giải quyết kiến nghị sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Quyền và trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn

1. Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh có quyền đề nghị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương có quyền đề nghị bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân theo quy định của pháp luật.

2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương có quyền kiến nghị với Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu theo quy định của pháp luật.

3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có trách nhiệm tập hợp, tổng hợp đầy đủ, kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm gửi đến Quốc hội, Hội đồng nhân dân trước kỳ họp.