Luật Giá nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2023/Chương VII

Luật Giá nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2023
Chương VII. THANH TRA CHUYÊN NGÀNH VỀ GIÁ, KIỂM TRA VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT VỀ GIÁ, THẨM ĐỊNH GIÁ

Chương VII
THANH TRA CHUYÊN NGÀNH VỀ GIÁ, KIỂM TRA VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT VỀ GIÁ, THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 67. Mục đích của thanh tra, kiểm tra

1. Mục đích của thanh tra về giá, thẩm định giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

2. Mục đích của kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đem lại tác động tích cực trong công tác quản lý điều hành giá, thẩm định giá; nắm bắt tồn tại, hạn chế để nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về giá, thẩm định giá; phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá.

Điều 68. Nguyên tắc thanh tra, kiểm tra

1. Công tác thanh tra phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc quy định tại pháp luật về thanh tra.

2. Công tác kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá phải bảo đảm nguyên tắc sau đây:

a) Thực hiện theo kế hoạch, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền hoặc khi phát hiện vi phạm, dấu hiệu vi phạm;

b) Không trùng lặp về phạm vi, thời gian với hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, kiểm tra cùng lĩnh vực đối với một đơn vị;

c) Khách quan, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật;

d) Hạn chế cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động của đối tượng được kiểm tra.

Điều 69. Thời hạn thanh tra, kiểm tra

1. Thời hạn thanh tra thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

2. Thời hạn kiểm tra được xác định trong quyết định kiểm tra nhưng không quá 10 ngày và được tính từ ngày công bố quyết định kiểm tra; trường hợp phạm vi kiểm tra lớn, nội dung phức tạp thì có thể gia hạn 01 lần nhưng không quá 10 ngày. Biên bản kiểm tra phải được lập trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày hết thời hạn kiểm tra.

Điều 70. Trách nhiệm thanh tra, kiểm tra

1. Cơ quan thanh tra tài chính thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về giá theo quy định của pháp luật về thanh tra.

2. Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá, giao nhiệm vụ kiểm tra cho các cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc.

Bộ Tài chính quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.

Điều 71. Báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra và trách nhiệm xử lý

1. Báo cáo kết quả thanh tra và trách nhiệm xử lý kết quả thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

2. Báo cáo kết quả kiểm tra phải nêu rõ kết quả công việc kiểm tra; đề xuất những nội dung kiến nghị xử lý về kinh tế, hành chính, pháp luật (nếu có) với đối tượng kiểm tra; đề xuất kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật (nếu có); kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện kết luận kiểm tra, kiến nghị, quyết định xử lý về kiểm tra (nếu có).

Điều 72. Xử lý vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá

1. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật này, ngoài việc bị xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này còn bị đăng tải thông tin vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá trên phương tiện thông tin đại chúng.

3. Chính phủ quy định chi tiết về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, việc đăng tải thông tin vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá trên phương tiện thông tin đại chúng.