Luật Cảnh sát cơ động nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2022/Chương IV

Luật Cảnh sát cơ động nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2022
Chương IV. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐỐI VỚI CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG

Chương IV
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐỐI VỚI CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG

Điều 28. Nội dung quản lý nhà nước đối với Cảnh sát cơ động

1. Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, pháp luật về Cảnh sát cơ động.

2. Tổ chức, chỉ đạo hoạt động của Cảnh sát cơ động.

3. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Cảnh sát cơ động.

4. Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động.

5. Thực hiện chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động.

6. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; sơ kết, tổng kết, khen thưởng, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động của Cảnh sát cơ động.

7. Hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động.

Điều 29. Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với Cảnh sát cơ động

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với Cảnh sát cơ động.

2. Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với Cảnh sát cơ động.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước đối với Cảnh sát cơ động.

Điều 30. Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Phối hợp với Bộ Công an quy hoạch quỹ đất phù hợp để xây dựng trụ sở đóng quân, thao trường huấn luyện cho Cảnh sát cơ động.

2. Hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động của Cảnh sát cơ động phù hợp với khả năng của địa phương và theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

3. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Cảnh sát cơ động.

4. Ưu tiên thực hiện chính sách về nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật về Cảnh sát cơ động; giám sát việc thực hiện pháp luật về Cảnh sát cơ động; hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ.

Điều 32. Trách nhiệm và chế độ chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát cơ động

1. Cung cấp kịp thời cho người có thẩm quyền thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác của Cảnh sát cơ động.

2. Chấp hành quyết định, yêu cầu của Cảnh sát cơ động theo quy định tại khoản 6 Điều 10 và Điều 16 của Luật này.

3. Nhà nước bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và giữ bí mật thông tin khi có yêu cầu.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn có thành tích thì được khen thưởng; bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù, bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; người bị thương tích, tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì bản thân, gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.