Luật Các tổ chức tín dụng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2024/Chương III

Chương III
GIẤY PHÉP

Điều 27. Thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung và thu hồi Giấy phép

1. Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung và thu hồi Giấy phép theo quy định của Luật này.

2. Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã.

3. Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Giấy phép thành lập văn phòng đại diện nước ngoài đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện nước ngoài.

4. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định việc thông báo thông tin về cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi Giấy phép; thông tin về việc bổ nhiệm Tổng giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Trưởng văn phòng đại diện nước ngoài và các thông tin có liên quan cho cơ quan đăng ký kinh doanh để cập nhật vào hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã.

Điều 28. Vốn pháp định

1. Chính phủ quy định mức vốn pháp định của từng loại hình tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì giá trị thực của vốn điều lệ hoặc vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định.

3. Giá trị thực của vốn điều lệ hoặc vốn được cấp được xác định bằng vốn điều lệ hoặc vốn được cấp và thặng dư vốn cổ phần, cộng lợi nhuận lũy kế chưa phân phối, trừ lỗ lũy kế chưa xử lý được phản ánh trên sổ sách kế toán.

4. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định việc xử lý trường hợp giá trị thực của vốn điều lệ của tổ chức tín dụng hoặc vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm thấp hơn mức vốn pháp định.

Điều 29. Điều kiện cấp Giấy phép

1. Tổ chức tín dụng được cấp Giấy phép khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Có vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định;

b) Chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập là pháp nhân đang hoạt động hợp pháp và có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn; cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có cam kết đủ khả năng tài chính để góp vốn;

c) Người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 41 của Luật này;

d) Điều lệ phù hợp với quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

đ) Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi, bảo đảm không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng, không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống tổ chức tín dụng.

2. Tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài được cấp Giấy phép khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Tổ chức tín dụng nước ngoài được phép thực hiện hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật của nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài đặt trụ sở chính;

c) Hoạt động dự kiến thực hiện tại Việt Nam phải là hoạt động mà tổ chức tín dụng nước ngoài đang được phép thực hiện tại nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài đặt trụ sở chính;

d) Tổ chức tín dụng nước ngoài đáp ứng các điều kiện về tổng tài sản có và tình hình tài chính theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đáp ứng các quy định về bảo đảm an toàn hoạt động theo quy định của nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài đặt trụ sở chính;

đ) Tổ chức tín dụng nước ngoài phải có văn bản cam kết hỗ trợ về tài chính, công nghệ, quản trị, điều hành, hoạt động cho tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài; bảo đảm tổ chức tín dụng này duy trì giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định và thực hiện các quy định về hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của Luật này;

e) Cơ quan có thẩm quyền của nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài đặt trụ sở chính đã ký kết thỏa thuận với Ngân hàng Nhà nước về thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng, trao đổi thông tin giám sát an toàn ngân hàng và có văn bản cam kết giám sát hợp nhất theo thông lệ quốc tế đối với hoạt động của tổ chức tín dụng nước ngoài.

3. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp Giấy phép khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Có vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định;

b) Các điều kiện quy định tại các điểm b, c và đ khoản 1 và các điểm b, c, d và e khoản 2 Điều này;

c) Ngân hàng nước ngoài phải có văn bản bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; bảo đảm duy trì giá trị thực của vốn được cấp không thấp hơn mức vốn pháp định và thực hiện các quy định về hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của Luật này;

d) Trường hợp đề nghị thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài thứ hai trở lên tại Việt Nam, ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam trong 03 năm liền kề trước năm đề nghị thành lập chi nhánh mới không vi phạm quy định của pháp luật, các tỷ lệ bảo đảm an toàn và có kết quả kinh doanh có lãi.

4. Văn phòng đại diện nước ngoài được cấp Giấy phép khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng là pháp nhân được phép hoạt động ngân hàng ở nước ngoài;

b) Quy định pháp luật của nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng đặt trụ sở chính cho phép tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng được thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.

5. Điều kiện đối với chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và điều kiện cấp Giấy phép đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô do Chính phủ quy định.

Điều 30. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu, cấp đổi Giấy phép.

Điều 31. Thời hạn cấp Giấy phép

1. Trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoặc từ chối cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoặc từ chối cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện nước ngoài.

3. Trường hợp từ chối cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 32. Lệ phí cấp Giấy phép

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài được cấp Giấy phép lần đầu, cấp đổi Giấy phép phải nộp lệ phí cấp Giấy phép theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Điều 33. Công bố thông tin về khai trương hoạt động

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài phải công bố trên 01 phương tiện truyền thông của Ngân hàng Nhà nước và trên 01 tờ báo in trong 03 số liên tiếp hoặc trên 01 báo điện tử của Việt Nam ít nhất 30 ngày trước ngày dự kiến khai trương hoạt động các thông tin sau đây:

1. Tên, địa chỉ trụ sở chính của tổ chức tín dụng; tên, địa chỉ trụ sở của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài;

2. Số, ngày cấp Giấy phép;

3. Vốn điều lệ của tổ chức tín dụng hoặc vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

4. Người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng, Tổng giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Trưởng văn phòng đại diện nước ngoài;

5. Danh sách, tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp tương ứng của cổ đông sáng lập hoặc thành viên góp vốn hoặc chủ sở hữu của tổ chức tín dụng;

6. Ngày dự kiến khai trương hoạt động.

Điều 34. Điều kiện khai trương hoạt động

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài được cấp Giấy phép chỉ được tiến hành hoạt động kể từ ngày khai trương hoạt động.

2. Để khai trương hoạt động, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp Giấy phép phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đã gửi Ngân hàng Nhà nước Điều lệ của tổ chức tín dụng được cấp có thẩm quyền thông qua;

b) Có đủ vốn điều lệ, vốn được cấp; có kho tiền, trụ sở đủ điều kiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;

c) Có cơ cấu tổ chức quản lý, hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ phù hợp với loại hình hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

d) Có hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý, quy mô hoạt động;

đ) Có quy định nội bộ về tổ chức, hoạt động của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), các phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ tại trụ sở chính; quy định nội bộ về quản lý rủi ro; quy định về quản lý mạng lưới hoạt động;

e) Vốn điều lệ, vốn được cấp bằng đồng Việt Nam phải được gửi đầy đủ vào tài khoản phong tỏa không hưởng lãi mở tại Ngân hàng Nhà nước ít nhất 30 ngày trước ngày khai trương hoạt động. Vốn điều lệ, vốn được cấp được giải tỏa khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã khai trương hoạt động;

g) Đã công bố thông tin về khai trương hoạt động theo quy định tại Điều 33 của Luật này.

3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài phải tiến hành khai trương hoạt động trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng; quá thời hạn này mà không khai trương hoạt động thì Giấy phép đã cấp hết hiệu lực. Ngân hàng Nhà nước công bố trên Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước về Giấy phép hết hiệu lực.

4. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp Giấy phép phải thông báo cho Ngân hàng Nhà nước về điều kiện khai trương hoạt động quy định tại khoản 2 Điều này ít nhất 15 ngày trước ngày dự kiến khai trương hoạt động. Ngân hàng Nhà nước đình chỉ việc khai trương hoạt động khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 35. Sử dụng Giấy phép

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài được cấp Giấy phép phải sử dụng đúng tên và hoạt động đúng nội dung quy định trong Giấy phép.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài được cấp Giấy phép không được tẩy xóa, sửa chữa, mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn Giấy phép.

Điều 36. Thu hồi Giấy phép

1. Ngân hàng Nhà nước thu hồi Giấy phép đã cấp trong trường hợp sau đây:

a) Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép có thông tin gian lận để có đủ điều kiện được cấp Giấy phép;

b) Tổ chức tín dụng bị chia, bị sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức pháp lý;

c) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài hoạt động không đúng nội dung quy định trong Giấy phép;

d) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về dự trữ bắt buộc, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động;

đ) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quyết định xử lý của Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng;

e) Tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng có hiện diện thương mại tại Việt Nam bị giải thể, phá sản hoặc bị cơ quan có thẩm quyền của nước nơi tổ chức đó đặt trụ sở chính thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động.

2. Quyết định thu hồi Giấy phép được Ngân hàng Nhà nước công bố trên Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước.

3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị thu hồi Giấy phép phải chấm dứt hoạt động kinh doanh kể từ ngày Quyết định thu hồi Giấy phép của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực.

4. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép.

Điều 37. Những thay đổi phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện thủ tục thay đổi một trong những nội dung sau đây:

a) Tên, địa điểm đặt trụ sở chính của tổ chức tín dụng; tên, địa điểm đặt trụ sở của chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

b) Mức vốn điều lệ, mức vốn được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Địa điểm đặt trụ sở chi nhánh của tổ chức tín dụng;

d) Nội dung, thời hạn hoạt động;

đ) Mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp của chủ sở hữu; mua, bán, chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên góp vốn; mua, nhận chuyển nhượng cổ phần dẫn đến trở thành cổ đông lớn. Chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông, người mua, nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của tổ chức tín dụng có trách nhiệm phối hợp với tổ chức tín dụng thực hiện thủ tục xin chấp thuận đối với nội dung quy định tại điểm này.

Trường hợp mua, bán, nhận chuyển nhượng, chuyển nhượng phần vốn góp của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn, bên mua, nhận chuyển nhượng phải đáp ứng điều kiện đối với chủ sở hữu, thành viên góp vốn quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 29 và khoản 2 Điều 78 của Luật này; thành viên góp vốn phải tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật này;

e) Tạm ngừng giao dịch từ 05 ngày làm việc trở lên, trừ trường hợp tạm ngừng giao dịch do sự kiện bất khả kháng;

g) Niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.

2. Hồ sơ, thủ tục chấp thuận thay đổi quy định tại khoản 1 Điều này và việc sửa đổi, bổ sung Giấy phép thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

3. Việc thay đổi địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân; việc thay đổi mức vốn điều lệ, chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên góp vốn của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

4. Khi được chấp thuận thay đổi nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện thủ tục sau đây:

a) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ của tổ chức tín dụng phù hợp với nội dung thay đổi đã được chấp thuận quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 1 Điều này;

b) Công bố nội dung thay đổi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trên 01 phương tiện truyền thông của Ngân hàng Nhà nước và 01 tờ báo in trong 03 số liên tiếp hoặc trên 01 báo điện tử của Việt Nam.