Luận về quốc học  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 94 (6.8.1931) và Đông tây, Hà Nội, số 96 (12.8.1931); số 97 (19.8.1931)

Cái học của nước ta từ trước có thể gọi là quốc học được không? - Văn học với quốc học. - Ông Lê Dư định biên tập Việt Nam văn học sử hay là Quốc học sử?

I

Quốc học là một danh từ mà cũ và mới có nghĩa khác nhau. Hồi trước ta nói quốc học, tức là cái trường học cho cả nước; như trường Quốc học ở Huế là lấy nghĩa ấy. Còn chữ quốc học ngày nay thường dùng, là chỉ về cái học riêng của một nước, có vẻ đặc biệt, có chỗ khác với nước ngoài. Vậy khi nói quốc học cũng gần giống như nói quốc phục, là đồ y phục riêng của một nước; nói quốc kỳ, là hiệu cờ riêng của một nước.

Chữ quốc học trong bài nầy chuyên nói về nghĩa mới, là nghĩa sau đó.

Người Việt Nam ta bắt đầu dùng chữ quốc học mới từ vài ba năm nay. Ta chớ nên chối rằng sự dùng ấy, ta đã bắt chước người Tàu. Mà người Tàu dùng chữ quốc học theo nghĩa mới nầy cũng chỉ từ vài mươi năm đây trở lại. Muốn nói cho chắc hơn nữa thì từ lúc có cuộc vận động về tân văn hóa, đâu vào năm Dân quốc thứ sáu, khi bấy giờ trong nước họ, một phái thì lo tuyên truyền các học thuyết mới của Âu Mỹ, một phái thì lo chỉnh lý các học thuyết của bách gia chư tử Trung Hoa đời xưa, và cái danh từ quốc học sản sanh ra do phái sau.

Học thuật nước Tàu, không luận hay dở ra sao, chớ nó vẫn có cái vẻ đặc biệt; đem mà so sánh với của các nước Âu Mỹ, nó không giống của nước nào hết. Từ Lão Tử, Khổng Tử, Mặc Tử, Tuân, Mạnh, Trang, Liệt, cho đến các đại nho đời Hán, đời Tống, đời Minh, đời Thanh, mỗi người đều lập thành cái thuyết một nhà.

Chẳng những ba phái lớn hồi cổ thời, là Lão, Khổng, Mặc, tư tưởng khác hẳn nhau; về sau các nho giả, chuyên tôn một họ Khổng mà cũng đều chia ra lưu phái, ai có nền nếp nấy, không ai giống ai cả. Do sự chia rẽ ấy mà trong cõi học nước Tàu mới trình bày ra cái vẻ sầm uất thạnh vượng, đủ mà đối lập với cõi học của các nước ngoài. Bởi vậy họ mới dùng hai chữ quốc học để chỉ về cái học thuật riêng của nước họ. Theo ý riêng tôi, sự dùng ấy thật là xứng đáng, vì cái học của nước họ đủ đại biểu cho cái tư tưởng của một dân tộc, không giống với ai, cũng như y phục và hiệu cờ của nước họ không giống với ai.

Tôi cắt nghĩa chữ quốc học như thế, xin độc giả nghĩ thử có phải không. Ta hẵng định trước cái nghĩa chữ quốc học, rồi ta muốn nói gì mới nói được.

Nói đến nước ta. Tôi muốn đặt ra một câu hỏi: Nước ta có quốc học không? Cái học của nước ta từ trước có thể gọi là quốc học được không?

Cho được trả lời câu hỏi ấy, ông Phạm Quỳnh nói không, ông Trịnh Đình Rư nói không, tôi nói không; ông Lê Dư nói có.

Ấy là nhơn tôi đọc bài Câu chuyện đọc thơ ông Trạng của ông Lê Dư đăng trong báo Đông tây ra ngày 18 Juillet vừa rồi mà thấy ra như vậy. Trong bài ấy, ông Lê trách ông Trịnh - cũng trách luôn chúng tôi nữa - sao có bội bạc tiền nhân, vụ nhục nền văn hóa nước nhà; bởi vì trong bài ông Trịnh phê bình Bạch Vân am thi tập của ông Lê biên tập, có một đoạn như vầy: Nước ta từ xưa đến nay chưa từng thấy có cụ nào dựng ra được một học thuyết gì to tát riêng; xét đến lịch sử những nhà học giả Đông Tây mà nghĩ lại đến quốc học nhà, ta tưởng tự lấy làm thẹn. Kế đó ông Lê lại dẫn một đoạn văn đã đăng trong báo Phụ nữ tân văn nầy, không kêu tên tác giả mà chỉ nói là lời của một nhà Tây học, như vầy: Nói đến học thuật chơn chánh thì cổ lai nước ta đã có gì; không dám nói bạc tiền nhân, nhưng thật không có người nào vậy. Tương truyền lý học thâm thúy có cụ Chu An và cụ Trạng Trình, nhưng các cụ phát minh được những điều gì, trứ thuật được những sách gì có ích?…

Đoạn ấy tôi nhớ chắc là lời của ông Phạm Quỳnh. ý chừng ông Lê không muốn rắc rối với ông Phạm làm chi nên chỉ nói là của một nhà Tây học. Nhưng theo tôi tưởng, chúng ta bàn đây là bàn chuyện học, chớ có phải tranh danh đoạt lợi gì mà hòng sợ hiềm khích nhau đến nỗi không muốn kêu tên; bàn chuyện học thì ý kiến của ai, nên nói rõ là của người ấy, mới có đường mà biện luận được chớ; bởi vậy tôi xin nói sáng rằng đoạn văn ấy là của ông Phạm Quỳnh.

Còn tôi, ai khảo mà xưng? Lạy ông tôi ở bụi nầy, cái không những là dại mà là dởm. Nhưng vì nếu tôi có thú khai tôi ra đây thì cái ý nghĩa bài nầy mới càng đích xác hơn vậy.

Cái giọng phủ nhận như ông Trịnh Đình Rư và ông Phạm Quỳnh đó, thưa thiệt, tôi cũng có thốt ra nhiều lần rồi. Một lần sau mới đây, lời càng thống thiết hơn, là trong bài Hán học ở bên Tây đăng ở báo Đông tây cách vài tháng trước. Trong bài ấy đến nỗi tôi muốn nói rằng nước ta từ xưa đến nay không có cái gì đáng gọi là cái học nữa kia. Những cái luận điệu của tôi đó, tưởng ít nữa ông Lê Dư cũng có thấy qua, song ông chừa tôi ra, là vì ông cùng tôi có tình anh em riêng[1], với tôi, ông càng không muốn rắc rối hơn với ông Phạm nữa.

Ông Lê có lòng tốt đối với tôi như vậy, tôi nỡ nào đi phụ cái lòng ấy của ông? Song tôi nghĩ, cái chơn lý giữa cõi học nó bắt phải để riêng cái tình anh em trong một nhà. Bởi vậy, trong việc nầy, tôi phải để mình về bên hai ông Phạm và Trịnh kia, viết bài nầy, cùng ông Lê thương xác lại vấn đề ấy.

*

* *

Theo sở kiến hai ông Phạm và Trịnh thế nào thì không biết. Còn tôi, khi tôi dám hạ một câu kết luận rằng nước ta không có cái học đáng gọi là quốc học, là khi tôi đã do cái định nghĩa của chữ quốc học trên đó mà soát qua những nhà học vấn trong nước ta và sách vở của họ từ xưa đến nay rồi. Đừng nói cái học của ta chỉ ở trong phạm vi cái học của Tàu, thiếu vẻ đặc biệt, không đủ kêu là quốc học; cho đến chịu giống với Tàu đi, là ở nước ta cũng không có một cái học phái nào thành lập hẳn; vậy thì chữ học đã chẳng có, chữ quốc còn nương dựa vào đâu?

Vài mươi năm nay, từ khi tôi biết cái học là gì rồi, tôi cố đi tìm cho được cái học của nước ta. Tìm trong ông Chu An, tôi chỉ thấy là một nhà nho khẳng khái; tìm trong ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi chỉ thấy là một nhà thuật số như mấy ông mấy bà tiên tri đời nay. Khi tôi xét đến ông Võ Trường Toản, thấy nói cái học của ông chủ ở thành[2]; khi tôi xét đến ông Chu Doãn Trí, thấy nói cái học của ông chủ ở "bất căng"[3]; nhưng ngoài mấy chữ thành và bất căng đó, tôi không kiếm ra được cái gì khác nữa, chỉ trơ trọi như vậy mà thôi, đâu đủ gọi là học được? Rồi tôi phải đi bòn như bòn vàng đến trong các văn tập, thì như trong tập Vỉ giả[4], thấy có vài bài ngắn ngắn, nói ra giọng lý học của Tống nho, tôi vẫn lấy làm mừng đó chút, song đã phải đâu là cái mục đích sự tìm kiếm của tôi?

Tìm mãi mà không ra, cho đến ngày nay, tôi mới trịnh trọng và quả quyết mà nói rằng không có. Nếu cái câu kết luận của tôi đó là sai, thì duy có một lẽ là tại chỗ sở kiến của tôi còn hẹp, không thấy cho khắp mà đã hạ lời quyết đoán, tôi phải đứng ra mà chịu tội giữa làng nho. Ông Lê Dư trách rằng: Ôi! Sao các ông chưa xét cho kỹ mà dám to gan dạn miệng, bội bạc tiền nhân như vậy! Sao các ông vụ nhục nền văn hóa nước nhà như vậy! Nếu sau nầy chứng quả ra lời chúng tôi là bậy, thì câu ông Lê trách đó cũng còn là nhẹ cho chúng tôi! Nhưng nếu chứng quả như lời chúng tôi, thì lời ấy chỉ là lời thật, chớ có gì đâu mà bội bạc, mà vụ nhục?

Ông Lê nói có, ông lại hứa rồi đây ông sẽ đem chứng cớ ra. Song, chuyện ấy để lát nữa sẽ nói; đây tôi xin tỏ ra cái cớ tại sao mà chúng tôi phải hô lên cho người ta biết rằng nước ta không có quốc học.

Sự học tức là sự tri thức, nó chuyên khuynh hướng về lý trí mà không nên xen vào một chút tình cảm. Đức Khổng cũng dạy rằng cái học của người đời xưa là vị kỷ, và bắt đầu từ thành ý, nghĩa là không dối mình[5]. Khi nói về cái học của một người đã vậy thì khi nói về cái học của một nước cũng vậy. Nếu nước ta quả không có quốc học thì dầu nó là một sự nhục cho mình đi nữa cũng phải chịu, không nên vì tình cảm mà nói có, cho thành ra dối mình. Dối mình là một cái hại lớn lắm, cho người cũng như cho nước. Bởi vì, nếu không mà nói có, ai nấy tin rằng có, sẽ sanh ra lòng tự phụ, mà tự phụ một cách hư ngụy, rồi không lo tu tấn nữa, nhơn đó cõi học trong nước lại càng tối tăm thêm.

Do lẽ ấy, trước khi muốn người nước mình bắt đầu từ ngày nay lập nên một nền học thuật, chúng tôi phải khai thiệt ra cho ai nấy biết cái tình hình trong cõi học nước ta từ trước ra thế nào; thấy không có thì chúng tôi phải nói không có, đó là chỗ trung hậu thành khẩn của chúng tôi, cũng như một nhà kia, ông cha nghèo thì phải khai thiệt là nghèo, không có một cục đất nào thì phải khai thiệt là không có một cục đất, hầu cho con cháu lo mà làm ăn vậy.

Đó, nếu ai đã tin bụng tôi - hoặc chúng tôi, - thì sẽ không trách sự phủ nhận ấy là bội bạc, là vụ nhục nữa; bây giờ đây, cái vấn đề chỉ còn có sự có với không mà thôi. Như ai nói có thì phải đem chứng cớ ra.

II

Ông Lê Dư nói có. Trong bài Câu chuyện đọc thơ ông Trạng của ông, ông nói để rồi ông tương ra đủ chứng cớ. Điều đó tôi lấy làm mừng lắm chớ! Tôi sẵn lòng chịu tiếng đã dốt lại ngu, còn bội bạc nữa, để được trông thấy nền quốc học của ta từ xưa! Nhưng tôi chỉ ngại một điều, là trong khi ông Lê dợm đem chứng cớ ra, hình như ông đã đánh xô bồ văn học với quốc học làm một!

Bởi cũng trong bài đó, sau khi ông Lê trách chúng tôi, ông có nói rằng: … Chứ đến như của nhà ta thì các ông có biết những gì đâu… Tôi dám nói rằng văn học nước ta không kém gì các nước, đừng kể gì cho nhiều, chỉ lấy cụ Chu An và cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm ra mà nói, đã có sách vở, có học thuyết, có học phái, từ xưa đã có một cái ảnh hưởng to cho nền văn học nước nhà nhiều lắm, nào có kém Vương học với Thiền tông ở Nhựt Bổn đâu! Đọc một đoạn ấy thấy ông Lê hình như còn có cái quan niệm về quốc học chưa được minh xác, hoặc giả do đó mà sự nhận biết của ông chưa đúng chăng.

Tôi xin lược phân cái giới hạn của quốc học và văn học thế nào. Theo chữ quốc học ngày nay người ta thường dùng thì cho là cái học thuật của một nước từ xưa đến nay mà có ảnh hưởng đến sự sanh hoạt của xã hội. Không chắc cho lắm, nhưng hình như nó bao hàm triết học và khoa học (nghĩa rộng) vào trong. Còn đối với văn học thì, theo nghĩa rộng của chữ quốc học, nó có thể bao cả văn học nữa, vì người ta nói được rằng văn học của một nước; nhưng, theo nghĩa hẹp thì nó lại đẩy văn học ra ngoài, vì nếu chuyên về mặt có ảnh hưởng đến xã hội mà nói, thì quốc học có ảnh hưởng trực tiếp, còn văn học có ảnh hưởng gián tiếp. Bởi vậy, như nước Tàu, bọn Châu, Trình, Lục, Vương, người ta đem cho vào Học thuật sử (tức là quốc học sử); còn Khuất Nguyên, Tống Ngọc, Lý Bạch, Đỗ Phủ, thì chỉ cho vào Văn học sử mà thôi.

Xem như trên đó đủ thấy quốc học với văn học là khác nhau. Trong khi thảo luận vấn đề quốc học không nên trộn vào vấn đề văn học. Vậy chúng ta bàn đây, kẻ nói có, người nói không đây, là nói về quốc học, thì cớ sao ông Lê lại bắt quờ qua văn học làm chi? Ông nói rằng: Văn học nước ta không kém gì các nước, và rằng có ảnh hưởng to cho nền văn học nước nhà, những cái khái niệm của ông đó tỏ cho tôi thấy là không minh xác, sợ về sau nầy những chứng cớ của ông đem ra không được chắc chắn chăng.

Để chờ xem những học thuyết và học phái ông sẽ đem ra là thế nào rồi mới đoán định được cái giá trị chữ có của ông. Song ngay từ bây giờ, tôi phải nhắc chừng ông về sự phân biệt ấy.

Về văn học, tôi nhìn cho nước ta là có, song lại nhìn rằng nó chỉ bằng bao nhiêu phần trăm của văn học nước Tàu hoặc nước Pháp mà thôi, chớ không dám nói như ông rằng văn học nước ta không kém gì các nước. Nhưng, sự so sánh nầy để rồi tôi sẽ làm trong một bài khác; còn ở đây, tôi xin lặp lại rằng nước ta có ít nhiều văn học nhưng chưa có quốc học, nếu cượng chỉ cho văn học tức là quốc học đó, ấy cũng là mình tự dối lấy mình.

III

Cho được đem chứng cớ ra, ông Lê hứa rằng sẽ xuất bản quyển Việt Nam Văn học sử và quyển Chu An. Lời hứa ấy không làm cho tôi mười phần mừng hết cả mười.

Ông Chu An, ngoài bài sớ thất trảm và cái luận điệu công kích dị đoan ra, nếu còn có cái gì đáng kêu là học thuyết mà ông Lê biết hơn chúng tôi, thì họa may chúng tôi sẽ được thấy trong cuốn sách Chu An ông sẽ xuất bản. Chí như Việt Nam Văn học sử, nó đã là văn học, thì có thể nào nhìn nó là cái bằng chứng quốc học một cách trọn vẹn được ư? Tôi nói thế, nghĩa là tôi muốn ông Lê, nếu cho chúng tôi biết chứng cớ về quốc học thì ngoài cuốn Việt Nam Văn học sử còn phải có cuốn Việt Nam Quốc học sử - hay là Việt Nam học thuật sử kia. Mà thứ sách ấy, ông liệu có tài liệu mà biên tập được không?

Nay hẵng tạm gác sự ấy đi mà nói riêng về văn học sử là gì.

Đại để, phàm làm sách, thuật ra một cái hiện trạng gì từ xưa đến nay hoặc về một thời kỳ nào, mà có nói rõ cái hiện trạng ấy thay đổi ra sao, cho đến cái nhân và cái quả của nó ra sao, thì mới gọi là sử được. Văn học sử của một nước nào, tức là những sự sáng tạo, biến thiên, ảnh hưởng, tóm lại là sự quan hệ về nhân quả của văn học nước ấy. Bởi vậy, một quyển văn học sử, đầu đuôi phải tiếp tục nhau mà không được rời rạc ra từng bài; vả lại, văn học sử nước nào, thì phải suy tìm đến cái ảnh hưởng về sự sanh hoạt của xã hội nước ấy, hoặc nhiều hoặc ít, chớ không thể bỏ qua. Bằng chẳng vậy, gọi gì thì gọi, chớ không gọi là văn học sử được.

Sở dĩ tôi nói đến chỗ nầy là vì trước kia có thấy ông Lê đã xuất bản một cuốn sách kêu bằng Nữ lưu Văn học sử mà không đúng với khuôn phép văn học sử như đã nói trên nầy. Trong sách ấy, ông Lê chép sự tích của những người đàn bà có văn học ở nước ta hồi xưa, dưới mỗi cái sự tích, phụ theo ít nhiều bài trứ thuật của người ấy; cả cuốn sách, đầu đuôi không tiếp tục nhau, không cứ đó mà tìm ra nhân quả được, vậy mà ông gọi ngang là văn học sử được đi! Theo tôi, cuốn sách của ông đó, hết sức chỉ kêu được Việt Nam nữ văn học liệt truyện là cùng, thuê mấy tôi cũng không dám kêu bằng Nữ lưu Văn học sử! Vậy cho biết cái quan niệm chánh danh của người mình dầu đến tay bác học như ông Lê Dư mà cũng còn kém quá! Nếu cuốn Việt Nam Văn học sử ông sẽ đem ra làm chứng cớ đây mà cũng như cuốn Nữ lưu Văn học sử của ông hồi trước, thì trong sự thất vọng chúng tôi lại còn thêm thất vọng, mà nhứt là chính mình tôi!

Vậy tôi viết bài nầy như là nhắc chừng ông Lê trong khi biên tập hai cuốn sách ông đã hứa đó, và hết lòng mong đợi nó ra đời!

Phan Khôi

   




Chú thích

  1. Chị ruột Phan Khôi là vợ Lê Dư
  2. Thấy trong bài bia minh của ông Phan Thanh Giản làm để kỷ niệm ông Võ Trường Toản, phụ in trong Kỳ xuyên văn tập (nguyên chú của Phan Khôi)
  3. Thấy trong bài hạnh trạng ông Chu Doãn Trí do ông Nguyễn Văn Siêu làm, in trong Phương Đình văn tập (nguyên chú của Phan Khôi)
  4. Vỉ giả : có lẽ là Vi Dã hợp tập, bộ toàn tập thơ văn chữ Hán (12 quyển) của Tuy Lý Vương Nguyễn Miên Trinh (1820-1897
  5. Luận ngữ : "Tử viết : cổ chi học giả vị kỷ". Đại học : "Sở vị thành kỳ ý giả, mỗi tự khi dã" (nguyên chú chữ Hán; ở đây ghi phiên âm)