Luận về phụ nữ tự sát

Luận về phụ nữ tự sát  (1929) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 22 (26.9.1929)

Sát nhân thì kẻ giết chịu lấy trách nhiệm, còn tự sát thì xã hội phải chịu trách nhiệm và phải tìm phương cứu chữa

Gần nay, trong nữ giới ta có xảy ra nhiều vụ tự sát. Thì cách hơn tháng trước, ở Hà Nội, trong một tuần lễ, mà hết bốn năm mạng vừa đàn bà, vừa con gái ; ba mạng thì trầm mình nơi hồ Hoàn Kiếm, còn thì quyên sanh vì ả phù dung. Mới trong tuần đầu tháng chín tây đây, ở Nam Định có cô Trần thị Quế cũng tự tử bằng cách sau đó, nhưng cứu được ; còn ở Sài Gòn cũng có người đàn bà gieo mình xuống sông Thị Nghè, mà đã hơn tuần lễ mới vớt được thây. Ấy là những vụ chúng tôi biết được, hoặc còn nhiều nữa mà chúng tôi không được tin thì chưa kể. Nhưng mới trong vài tháng mà số tự sát đến ngần ấy, cũng đã là nhiều rồi.

Sự tự sát ở nước ta, chừng như không đủ làm cho người ta để ý đến. Chỉ có tử tiết được như các ông Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản, thì trong xã hội mới có hơi rúng động mà thôi ; còn kỳ dư, ai chết thì thiệt thân mình, xã hội chẳng những không nao núng chút nào thì chớ, lại còn nói không sợ ác lỗ miệng mà rằng : “Con chó còn biết sống !...”

Coi các bổn án của tòa án An Nam kết về những vụ tự tử, luôn luôn thấy những chữ “Uý tội khinh sanh”, cùng là “Tự tầm đoản kiến”. Bốn chữ trên, nghĩa là vì sợ tội nên coi nhẹ sự sống ; dưới, nghĩa là tìm lấy cái kiến thức vắn vỏi cho mình. Như vậy, họ coi sự tự tử của đám bình dân là chỉ vì úy khiếp hay là ngu dại.

Đến như đàn bà, họ lại cho là úy khiếp và ngu dại hơn nữa, cho nên đàn bà mà có trầm mình, thắt cổ, uống thuốc độc, chết đi chết lại, đến ba mươi sáu kiếp đi nữa, họ cũng chẳng kể nào !

Thiệt ra thì chẳng có sự tự tử nào là không có giá trị ; lớn, có giá trị đằng lớn ; nhỏ, có giá trị đằng nhỏ. Mà những câu “Uý tội khinh sanh”, “tự tầm đoản kiến” trên kia, người ta dùng quen rồi, tưởng nó có nghĩa, chớ kỳ thiệt là vô nghĩa mà bất thông.

Tôi hỏi ông chớ ở thế gian này ông sợ cái gì hơn hết. Nếu ông đừng dối tôi mà cũng đừng dối lấy ông nữa, thì ông phải trả lời rằng sợ cái chết hơn hết. Vậy thì làm sao ông dám đổ cho người ta rằng úy tội mà khinh sanh ? Chết là hết chuyện ; kiếp chết là kiếp mất. Người ta biết rằng dầu còn có phương thế để giữ lại sự sống mình chăng nữa, nhưng càng sống thì càng bị đầy đọa trong vòng khổ não mà rồi cũng phải chết ; muốn chết, muốn cho hết chuyện, muốn cho mất kiếp, mới quyết lòng tự tử ; ấy là chỗ thấy xa biết rõ của người ta, sao ông dám bảo là tự tầm đoản kiến ?

Có người nói rằng : “Người ta khác với cầm thú chỉ vì biết tự tử”.

Nghĩ kỹ thì câu ấy có lẽ là đúng. Những cái thuyết phân biệt người ta với động vật bởi trí khôn, lẽ phải, và tiếng nói thì chưa đủ ; vì biết đâu động vật không có tiếng nói và trí khôn ? Còn lẽ phải, chẳng qua là cái người ta thấy mà tưởng là có, và nó là đối đích[1], không đủ làm cớ để phân biệt. Sanh tử là lẽ tự nhiên ; chỉ có người ta đủ sức dám nghịch với lẽ tự nhiên, thoát ra ngoài vòng tạo hóa, nên mới có sự tự tử.

Vậy thì bất kỳ sự tự tử nào, ta cũng phải nên để ý đến. Ta chớ nên khinh thường những người tự tử, mà phải coi họ là một hạng người đặc biệt.

Huống chi chẳng có sự tự tử nào là không có mục đích ; hoặc vì mình, hoặc vì người. Vì mình, nghĩa là hoặc chết đi để khỏi lụy đến kẻ khác ; hoặc để cảnh tỉnh người đời, hoặc để cứu vớt chúng sanh. Mà dầu sự tự tử không ích đến ai chăng nữa cũng đủ tỏ ra cái ý chí tự do của mình ; bởi vậy đạo Thiên Chúa, tuy có cấm tự tử mặc lòng, mà Phật giáo và Khổng giáo thì chẳng những không cấm, lại đôi khi biểu đồng tình nữa.

Khoan nói đến mục đích thế nào, chỉ kể một cái ý chí của người tự tử đã làm cho chúng ta phải khâm phục. Vì họ có một là cái lòng bạo dạn ; hai là cái lòng quả quyết.

Người ta hay khinh rẻ cái tự tử của hạng bình dân và phụ nữ, vì cho là hạng không học ; cái đó lầm lắm. Sự tự tử, tôi cho là cái bổn năng (instinct) của loài người, chớ không quan hệ với sự học. Trái lại những người càng học rộng biết nhiều chừng nào, mà nếu không có cái công phu tồn tâm dưỡng khí, thì lại càng nghĩ tới nghĩ lui, lo hơn tính thiệt, làm mất cái bổn năng ấy đi, mà không hay tự tử chừng nấy. Những người ấy họ ngồi trên cao mà phê cho lũ kia những câu “Tự tầm đoản kiến, úy tội khinh sanh” là láo cả ; đến phiên họ, họ sẽ dạn mày dày mặt, sống nhăn răng cho mà coi !

Hồi nhà Minh mất nước, có hai ông quan tại triều hẹn nhau cùng tự tử. Trước giờ chết, ông Giáp sai đầy tớ coi chừng ông Ất làm gì. Về báo rằng ông Ất đương nhắc người nhà cho heo ăn. Ông kia nói rằng : Con heo còn tiếc thay, huống chi cái mạng ! – Rồi chết một mình. Lại khi thành Hà Nội đương chống lại với quân Pháp, quan Tổng đốc Hoàng Diệu ước cùng quan Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng, hễ thành mất thì cùng tử tiết. Sau quan tuần Hoàng nhịn ăn mấy bữa, rồi ăn lại, và sống thẳng đến bảy tám mươi tuổi, làm tới Hiệp biện, về hưu. Kể sơ lại mấy việc này, đủ biết sự tự tử không tương quan với học vấn, và có thể nói rằng những người học thức, thì ít hay tự tử được bằng bọn thất phu thất phụ.

Nay nói riêng về sự phụ nữ tự sát.

Xét lại những cái án tự sát kể trên kia, chỉ có hai cái nguyên nhân : là sự ép uổng trong cuộc hôn nhân và vì cái tình trạng thống khổ chốn gia đình. Kể lấy ba người trong những vụ đó : một nàng thiếu phụ tự trầm ở hồ Gươm, vì cớ người cô ruột ép phải ly hôn ; một người tự tử bằng thuốc phiện vì chồng cờ bạc làm cho cửa nhà tan nát ; còn cô Quế thì bởi chú và thím ép gả làm hầu cho thằng cha đã già sáu mươi tuổi đầu. Gặp những cái cảnh ấy mà biết chết, là cao lắm, là đáng quý lắm : một để lìa khỏi cái cõi trần dơ đục này ; hai để tỏ cái lòng phẫn uất của kẻ bị áp bách ; ba để in vào đầu xã hội những cái vết đau thương, mà làm cho họ nhớ lại mọi sự tội ác của mình.

Ai dám bảo đàn bà là giống yếu đuối ? Yếu đuối sao có được cái tư tưởng cao siêu ấy ? Yếu đuối sao có được cái ý chí cang cường mà quả quyết ấy ? Yếu đuối sao dám coi cái chết như chơi, sao dám tự tử ?

Lặp lại một lần nữa, cái tự sát của họ là có mục đích : một là vì mình, hai là vì người. Những người đàn bà con gái ấy họ biết sự áp bách mà họ đã chịu là nặng nề quá, nếu tham sống thì cứ chịu lấy cả đời, duy có liều mình một chết thì họa may mới tranh lại được với cái lễ giáo, cái chế độ có thể giết người ấy mà thôi ; thân mình đã khỏi bị nó dày vò, mà may ra thì đoàn em út sau nầy cũng nhờ mình mà được nó nới tay ra một ít. Vong hồn các bà các cô ! Tôi biết lấy lời gì mà ca tụng bây giờ ? Cái từ tâm ấy cái khổ hạnh ấy, tôi nhìn rằng nếu chẳng phải của bậc thánh triết, thì cũng là của trong chí sĩ nhân nhân !

“Sát nhân giả tử”, kẻ giết người thì phải chịu lấy cái trách nhiệm giết người, “máu sẽ lại đổ trên đầu kẻ ấy”. Còn tự sát, trách nhiệm về ai ?

Không có luật nước nào hỏi và trả lời câu đó. Một người bất đắc kỳ tử, mà khám ra không phải bị ai giết, đủ tang chứng là người ấy tự giết lấy mình, thì thôi, cứ việc cho chôn, luật không hỏi gì lôi thôi nữa, ở nước nào cũng vậy.

Luật như vậy. Song theo luân lý – nếu trên đời này còn có cái gọi là luân lý – thì phải hỏi.

Thường tình ai cũng ưa sống mà sợ chết, cớ sao lại có người tìm tới cái chết mà bỏ cái sống ? Vậy có phải coi sự chết là sướng mà sự sống là khổ không ? Tại làm sao người ấy lại coi sự sống là khổ ? Nếu người ấy ở đời chỉ một mình, thì thôi ; bằng ở chung với nhiều người thì chúng ta không có thể chối được rằng tại nhiều người khác làm cho người ấy trở nên khổ.

“Nhiều người khác” ấy tức là xã hội. Vậy trong những án tự sát, xã hội tức là kẻ phạm, xã hội phải chịu lấy trách nhiệm sát nhân.

Đổ tội cho xã hội, mới nghe dường như có oan một chút. Vì chính những cái lễ giáo chế độ kia áp bách quá nặng nề, làm cho kẻ bị áp bách coi sự sống là khổ mà phải tìm đến sự chết ; chớ xã hội vốn không có tội tình gì. Nhưng truy nguyên ra thì xã hội là kẻ đã bày đặt và dung dưỡng những cái lễ giáo chế độ ấy, thì phải kể xã hội là thủ phạm.

Xã hội thật có phạm tội mà không có cách “tọa tội”. Chỉ có cách hối cải để chuộc tội, và để lần sau khỏi phạm nữa. Cách ấy là sửa sang hoặc thay đổi những cái lễ giáo và chế độ nặng nề ấy.

Sự nầy không quan hệ đến quyền chánh trị, cho nên tự chúng ta sửa đổi lấy cũng được, chớ không cần phải cậy chánh phủ hay là kẻ có quyền vị nào. Mỗi một gia đình, người gia trưởng phải có kiến thức sâu xa, phải có độ lượng khoan đại, chớ vụ cho thỏa lòng tư dục của mình, mà phải đoái đến cái tương lai của nước nhà, của nòi giống, liệu mà nới bớt trói buộc cho người phụ nữ dưới quyền mình, thì cái họa tự sát lần lần tiêu đi được.

Sự tự sát là đáng quý đáng trọng ; những phụ nữ tự sát là đáng cho ta thương xót và kính phục ; chỉ thế mà thôi, chớ kẻ viết bài nầy không hề có ý cổ động cho cái chủ nghĩa yếm thế và khinh sanh. Chẳng những thế, mà lại muốn cho xã hội tỉnh ngộ ra, hối cải đi, sửa đổi những cái lễ giáo chế độ áp chế phường nữ lưu, hầu cho tiệt cái nguyên nhân tự sát vậy.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Đối đích : tương đối (theo Đào Duy Anh)