Luân lý giáo khoa thư - Lớp Sơ đẳng/II/23
CHƯƠNG THỨ BẢY
CÚNG-LỄ, HỘI-HÈ
1. — Thờ Thành hoàng.
Đất có Thổ-công, sông có Hà-bá, cảnh-thổ nào có Thành-hoàng ấy, nhân dân thành kính phụng-sự để mong người ủng-hộ cho mọi việc. Nên hiện nay làng nào cũng có thờ một vị Thành-hoàng.
Cũng có nơi thờ những vị thần núi, thần sông, những vị có sự-tích linh-dị, như Đổng-Thiên-Vương, Liễu-Hạnh, những bậc trước có công to[1] với dân, với nước, như Trưng-Nữ-Vương, Trần-Hưng-Đạo, hoặc những bậc đã gây nên một nghề nghiệp gì, như nghề sơn, nghề khảm, nghề đúc đồng, nghề thợ mộc, mà tục gọi[2] là Thánh-sư, Tổ-sư hay là Tiên-sư.
Các vị thần ấy thờ ở đền, miếu (miễu) hay nghè. Còn Thành-hoàng thì thờ ở đình. Đình lại là nơi công-sở để dân làng hội-họp.
Đình, miếu cũng làm theo một kiểu, chỉ khác nhau to[1] nhỏ mà thôi. Đại-để đình, miếu nào cũng có nội-điện là nơi thờ thánh, nhà đại-bái chia làm trung-đình (chánh-gian), tả-gian, hữu-gian và nơi giải-tọa.
Mỗi đình có một người, gọi[2] là thủ-từ, dàn cắt ra ở đấy để coi việc đèn hương, giữ đồ phụng-sự và lau chùi quét-tước cho sạch-sẽ.
Mỗi làng lại phải có tự-điền, tự-trạch, là ruộng-nương hay là hồ ao để lấy hoa lợi cung vào việc tế-tự. Nếu không có tự-điền, tự-trạch, thì dân phải đóng góp với nhau cho đủ khoản công-nhu.
Toát yếu. — Nước Nam ta, làng nào cũng có thờ Thành-hoàng,
Đình thờ Thành-hoàng.
cũng có làng thờ thần núi, thần sông, những vị có sự-tích
linh-dị, hay những bậc có công với nước, có ơn với dân, gây
dựng nên nghề nghiệp gì.
Người ta thờ các vị thần ấy tại miếu, tại nghè hay tại đình. Đình, miếu nào đại-để cũng có nội-điện, nhà đại-bai chia làm trung-đình (chánh-gian), tả-gian, hữu-gian, nơi giải-tọa.
Đình, miếu có người thủ-từ đèn hương quét-tước, có tự-điền, tự-trạch, hoặc tiền đóng, gạo góp để cúng-cấp, tế-tự.
Giải nghĩa. — Thổ-công = thần đất. — Hà-bá = thần sông. — Ủng hộ = giữ gìn, che chở. — Nơi giải-tọa = chỗ quan viên trong làng ngồi. — Công-nhu = dùng về các việc công.
Câu hỏi. — Thành-hoàng là gì? — Người ta thờ thành-hoàng ở đâu? — Đình hay miếu thường làm thế nào? — Người thủ-từ làm gì? — Tự-trạch, tự-điền là gì?