54. — Ta nên thương loài vật.

Những loài vật đã giúp việc cho ta mà ta phải thương-xót, là cái nghĩa-vụ của ta. Nhưng đối với các loài cầm thú khác, ta cũng nên có lòng nhân-ái mới phải là đạo làm người. Cầm thú tuy là giống không biết thiện ác và phải trái như người, nhưng nó cũng biết đau, biết khổ như mình. Vì ta cần dùng làm đồ ăn, cho nên mới phải làm thịt con gà, con chim, hoặc con dê, con lợn[1]. Nhưng khi làm thịt, phải giết cho nó chết ngay, đừng làm nó đau-đớn, khổ-sở. Ta thấy có người làm thịt con chim, để sống mà vặt lông, hay làm thịt lợn, thì trói buộc cả ngày, thật là dã-man lắm.

Vậy người có lòng nhân-ái thì không những là chỉ thương-xót đồng-loại mà thôi, lại còn thương-xót đến cả loài vật nữa.

Tiểu dẫn.Không nên bạc đãi loài vật.

Một hôm[2], ông Điền-Tử-Phương đi chơi, trông thấy một
Điền-Tử-Phương hỏi mua ngựa.
con ngựa gầy-gò ốm-yếu thả rong ngoài đồng. Ông đứng lại, hỏi con ngựa ấy của ai. Có một người nói rằng: « Ngựa của ông Chánh không nuôi nữa vì nó già yếu, không làm được việc gì. » Ông Điền-Tử-Phương nói rằng: « Sao lại bất nhân thế! Lúc nó mạnh khỏe, thì bắt làm-lụng khó nhọc, đến lúc nó già yếu, thì lại bỏ, không nuôi. Loài vật cũng biết đau, biết khổ như ta, người có lương-tâm không nỡ làm như vậy. »

Nói đoạn, ông tìm đến nhà ông Chánh, hỏi mua con ngựa, đem về nuôi cho đến lúc nó chết.

Ông Điền-Tử-Phương hiểu rõ cái nghĩa người ta đối với loài vật, thật là một người có lòng nhân.

Giải nghĩa.Dã-man = hung ác, bất nhẫn như mọi rợ. — Đồng-loại = cùng một loài với mình.

Câu hỏi. — Đạo người ta đối với cầm thú phải thế nào? — Khi ta làm thịt con vật, có nên để cho nó đau-đớn không? — Tại làm sao? Ông Điền-Tử-Phương thấy gì? — Ông hỏi một người trả lời làm sao? — Ông nói gì và làm gì?

Cách-ngôn.Nhân cập cầm thú.

  1. heo
  2. bữa kia