Luân lý giáo khoa thư - Lớp Sơ đẳng/I/18
18. — Sự học-vấn và sự giáo-dục.
Sự học là quí, ai cũng cần phải học. Nhưng đi học mà chỉ vụ lấy biết đọc, biết viết, biết làm văn làm bài, chớ không luyện tập tâm tính thì vẫn là chưa đủ. Có học-vấn, lại phải có giáo-dục nữa mới được.
Giáo-dục là nói chung cả mọi cách để mở-mang trí-tuệ, luyện tập tính-tình, giữ-gìn thân-thể, khiến cho có đủ tư-cách làm một người hoàn-toàn trong xã-hội.
Tiểu dẫn. — Có học phải có hạnh.
Xưa ông Phạm-Đình-Trọng với ông Nguyễn-Hữu-Cầu, hai
người cùng học với nhau một trường. Người nào cũng có khiếu
Phạm-Đình-Trọng bắt được Nguyễn-Hữu-Cầu.
thông-minh, và học giỏi, nhưng tính hạnh thì không giống nhau.
Phạm-Đình-Trọng thì có lễ phép, biết kính trên nhường dưới,
đủ điều hiếu thảo, thực là một người có nết-na, ai thấy cũng khen.
Nguyễn-Hữu-Cầu thì lại vô lễ, vô phép, ở nhà không nghe lời cha mẹ, không hòa-thuận với anh em, ra trường thì lừa thầy dối bạn, thực là một người gian-giáo ngỗ-nghịch. Thầy học thường chê Cầu rằng: « Thằng này có học mà không có hạnh, ngày sau chắc là một đứa gian-nghịch. »
Quả nhiên, về sau Nguyễn-Hữu-Cầu đi làm giặc đánh phá ở đất Hải-dương, mà ông Phạm-Đình-Trọng thì thi đỗ làm quan có danh-vọng tại Triều, phụng mệnh vua đi đánh bắt được Nguyễn-Hữu-Cầu.
Thế mới hay có học-vấn mà không có giáo-dục, thì dù tài giỏi đến đâu cũng không ra gì. Vậy người ta không những cần phải có học-vấn mà lại phải có giáo-dục nữa.
Giải nghĩa. — Học vấn = nói chung cả các sự học. — Hạnh = nết-na.
Câu hỏi. — Học-vấn là thế nào? — Giáo-dục là thế nào? — Phạm-Đình-Trọng và Nguyễn-Hữu-Cầu lúc đi học tính nết thế nào? — Rồi về sau hai người khác nhau thế nào?
Cách-ngôn. — Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.