Luân lý giáo khoa thư - Lớp Đồng ấu/Tựa
TỰA
Sách Luân-lý này (nầy) làm theo chương-trình lớp Đồng-ấu các trường Sơ-đẳng.
Trong sách có ba chương. Chương thứ nhất nói về bổn-phận của đứa trẻ trong gia-đình; chương thứ nhì nói về bổn-phận của đứa trẻ ở học-đường; chương thứ ba nói về những tính tốt, tính xấu của đứa trẻ.
Mỗi bài học có năm phần:
1∘ — Mấy câu đại-cương về bài học;
2∘ — Một bài tiểu dẫn lấy những chuyện thật mà giải cho rõ nghĩa những câu đại-cương ở trên;
3∘ — Một cái tranh vẽ;
4∘ — Một vài chữ khó, cần phải giải nghĩa và những câu hỏi về bài tiểu dẫn;
5∘ – Một câu cách-ngôn tóm cả ý trong bài học.
Đấy là những phần cốt-yếu. Nhưng khi dạy, ông thầy có thể giảng-giải cho rộng thêm ra, hoặc mình tìm lấy, hoặc bảo học-trò tìm những câu thí-dụ khác, cốt cho học-trò hiểu rõ ý nghĩa trong bài.
Những câu đại-cương trên đầu bài, là bao-quát cả những cái ý chung. Nhưng muốn cho thâm-nhập vào tâm não trẻ, ông thầy phải tìm kiếm những việc thiết dụng hằng ngày, quan-hệ về cương-thường đạo-lý, nhất là về gia-tộc luân-lý, mà giảng-giải cho trẻ nghe.
Những câu cách-ngôn thường là những câu phương-ngôn tục-ngữ, lời ít mà tứ nhiều, ông thầy lại càng phải giải nghĩa cho rõ lắm.
Nói rút lại, bất cứ dạy những bổn-phận đối với gia-tộc hay đối với học-đường, ông thầy phải giảng-giải cho minh bạch và kỹ-càng mà dạy cho trẻ biết rằng các bổn-phận ấy tuy chia ra như thế, nhưng thật có liên-lạc với nhau: Đứa con có hiếu trong nhà, ra trường tất là đứa học-trò tốt, ra đường tất là đứa bé nết na.
CHÚ CƯỚC. — Trong sách này (nầy) những tiếng đứng giữa ngoặc đơn là tiếng Trung-kỳ; những tiếng có số ở dưới trang là tiếng Nam-kỳ.