Liếc qua nội dung tờ Việt – Hoa thương ước
NGƯỜI TÀU ĐƯỢC LỢI ÍCH NHIỀU HƠN
CHÁNH PHỦ NAM KINH SẼ ĐẶT LÃNH SỰ Ở SÀI GÒN VÀ HÀ NỘI
Bản thương ước Tàu với ta từ năm 1930 hết hạn rồi không lập ước mới khác cho đến bây giờ. Từ năm 1930 đến nay, ở trong khoảng thời kỳ “vô ước” ấy, việc buôn bán giữa hai nước có nhiều điều rắc rối mà bên nào cũng thấy sự bất tiện.
Biết thương ước thế nào cũng phải có, lâu nay hai chánh phủ Đông Pháp và Nam Kinh nhiều lần thương lượng cùng nhau lập ước mới, nhưng cứ bàn nửa chừng lại bỏ dở. Vừa rồi, ngày 4 Mai, mới có tin thương ước mới đã ký xong tại Nam Kinh như bản báo đã đăng.
Ông F. Genaud là người đại biểu cho quan Toàn quyền Robin phái sang Nam Kinh hiệp đồng với ông Công sứ Pháp ở đó biện lý việc lập thương ước, đã từ Nam Kinh trở về Hà Nội, có ghé Hồng Kông ngày 22 Mai.
Có nhà báo Tàu đi phỏng vấn ông F. Genaud cho biết nội dung của ước mới thế nào, nhưng vì hai chánh phủ chưa công bố nên ông F. Genaud từ chối không chịu phát biểu.
Tuy vậy người ta cũng cố tìm cho được ít nhiều điều cốt yếu về nội dung của nó. Một tờ báo Tàu ở Hồng Kông đã phát biểu những điều ấy với những câu văn đắc ý vui mừng.
1/ Thuế nhập khẩu hàng Tàu được giảm nhẹ. Từ ngày thương ước cũ chưa mãn hạn, nghĩa là năm 1930 về trước, thuế hàng Tàu nhập khẩu xứ ta rất nhẹ. Mà về sau, thuế ấy càng ngày càng tăng: có thứ hàng so với trước tăng gấp ba bốn lần. Thương ước ký ngày 4 Mai vừa rồi quy định thuế hàng Tàu nhập khẩu các cửa biển An Nam rất nhẹ, xấp xỉ với giá thuế của ước cũ.
2/ Thuế thân Hoa kiều cũng được giảm. Hiện nay Hoa kiều ở xứ ta mỗi người phải nạp thuế thân 30$ một năm. Theo thương ước mới, món thuế này sẽ giảm còn chừng phần nửa. Về sau này thuế thân của Hoa kiều có lẽ còn nhẹ hơn thuế các người ngoại quốc như người Anh người Nhật trú ngụ ở đây phải nạp hằng năm.
3/ Tàu sẽ đặt lãnh sự ở xứ ta. Từ trước kiều dân Tàu ở đây chịu dưới quyền thống suất của các bang trưởng họ hay của các phòng thương mãi họ. Nay theo ước mới, chánh phủ Tàu được đặt lãnh sự quán ở Sài Gòn và Hà Nội, phái qua một viên Tổng lãnh sự với hai viên lãnh sự để coi sóc Hoa kiều.
4/ Thuế gạo ta sang Tàu sẽ được nhẹ hơn một ít thôi. Sản vật của xứ ta bán sang Tàu nhiều nhất là gạo. Hiện nay gạo ta chở sang bên ấy mỗi trăm ki-lô đánh thuế nhập cảng 1$65. Theo ước mới, giá thuế 1$65 ấy sẽ hạ xuống 1$50, chỉ bớt được có 0$15 mà thôi.
Đó là mấy điều cốt yếu về nội dung của bản thương ước mới. Một tờ báo Tàu ở Hồng Kông đăng mấy đoạn đó lên bằng thứ chữ lớn rồi kết luận rằng: “Bản thương ước mới này cho chúng ta được phần lợi ích nhiều hơn!”
Chính ông F. Genaud cũng có nói ra một câu rất thật thà khi ông còn ở đất Tàu mà cũng thấy đăng trên tờ báo ấy, rằng: “Bản thương ước này lập nên, phương diện người Hoa thật đã chiếm phần thắng lợi. Nhưng, xứ An Nam nếu không có mấy chục vạn người Tàu ở đó thì cũng chẳng có được sự phồn thịnh như bây giờ!...”
Câu nói của ông F. Genaud chừng như muốn công nhận rằng người Tàu từng có công lớn trong cuộc tấn bộ của xứ ta thì họ đáng được quyền lợi lớn như trong thương ước mới.
Đây chúng tôi không phê bình câu nói ấy có đúng thật không, chúng tôi chỉ thuật lại và khen ông F. Genaud đã khéo tìm lời để đỡ gạt cho công việc sứ bộ của mình.
Một nước đính lập điều ước với một nước khác mà có nhiều khoản nhượng bộ như bản thương ước Việt – Hoa vừa ký xong, thường thường là vì đánh nhau mà bị thua, không thì vì cái thế lực chánh trị của nước kia nó dọa nạt. Nhưng nước Pháp đối với Trung Hoa hiển nhiên là không vì hai lẽ ấy, thì sao lại có được bản thương ước chịu thiệt này?
Đó là, có kẻ bảo rằng, cái chánh sách khoan hồng của nước Pháp, muốn lấy bình đẳng đãi nước Tàu, chớ không gì lạ. Tôn Văn hồi gần chết, có di chúc cho đồng chí mình làm thế nào mau mau phế trừ các điều ước bất bình đẳng, thì nước Pháp ngày nay cũng giúp vào một tay để làm hoàn thành cái điều nguyện vọng của họ Tôn!
Có lẽ mà thế thật. Chứ nước Tàu trong giờ này vẫn còn yếu lắm, kiều dân họ đương bị ngược đãi ở Ấn Độ - Hòa Lan, ở Xiêm La, thì nước Pháp, nước có thế lực lớn ở Thái Bình Dương, can gì lại phải thụt lùi ba bước để ký với họ những khoản điều ước này?
Sau hết, ta cũng nên bàn sơ qua về sự lợi hay hại cho dân ta bởi bản thương ước Việt – Hoa này.
Trong mấy khoản kể trên đó duy có khoản thuế gạo là có lợi cho sự xuất cảng gạo của ta, nhưng lợi chẳng bao nhiêu. Còn các khoản kia, sau này tất vì nó mà làm cho sổ dự toán Đông Pháp sụt ngạch. Khi nào sổ dự toán hụt cũng phải có cái gì để bù vào. Cái để bù ấy nếu lại lấy ở lưng dân ta thì sự đảm phụ của người mình e có một ngày còn thêm nặng nữa. Nhiều sản vật của ta bấy lâu bị đình trệ. Có người bảo tại thuế nhập cảng nặng quá, người Tàu không đem hàng của họ sang bán cho ta được nên cũng không mua được sản vật của ta. Bây giờ thuế nhập cảng nhẹ rồi, hàng Tàu bán vào được, may khi sản vật ta cũng sẽ được bán ra. Ta chỉ hy vọng có chút đó mà thôi. Ôi, cái hy vọng bủn xỉn thay!
PHAN KHÔI