Lai lịch bức thơ của Nguyễn Văn Tường

Lai lịch bức thơ của Nguyễn Văn Tường  (1935) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng An, Huế, số 38 (9 Juillet 1935), trang 1. 

Trong hai số Tràng an vừa rồi, chúng tôi có rao về bức thơ của ông Nguyễn Văn Tường mà chúng tôi mới tìm được, sắp dịch đăng lên báo. Nay chúng tôi cho bạn đọc biết bức thơ ấy là bức thơ gì và tìm được ở đâu.

Bức thơ ấy của ông Nguyễn Văn Tường viết cho một ông quan ba người Pháp ở Tahiti, trong thơ nói là quan Nguyên súy mà không nói tên gì. Trong số trước chúng tôi nói viết cho ông De Courey là nói lộn.

Trong lúc làm số đặc biệt về ngày 23 tháng 5 thất thủ Kinh đô, chúng tôi đi tìm tài liệu, chưa biết đến bức thơ này. Sau đó vài ngày, chúng tôi được hầu chuyện cụ Thượng …, cụ cho xem bộ …[1] của cụ thì chúng tôi gặp được bức thơ này ở trong đó.

Theo lời cụ Thượng, lúc quan tài ông Nguyễn Văn Tường chở về đây, người ta có chở theo một hòm những giấy má sách vở của ông ấy và giao cho người nhà giữ lấy. Trong đó có bức thơ này. Một người cháu ông Tường sao cho cụ một bản nên cụ lấy mà đem vào sách của mình.

Một nhà làm sử khi gặp được một cái tài liệu trước hết là phải xét nó thật hay giả.

Theo chúng tôi, bức thơ này là thật, quả là của tay ông Nguyễn Văn Tường viết ra. Vì trong đó, những chỗ kể chuyện và tỏ tâm sự chỉ cho ta thấy rằng duy có chính người trong cuộc là ông Tường thì mới viết ra được mà thôi.[2]

Số báo tới đây, chúng tôi sẽ cho bức thơ ấy ra đời.

   




Chú thích

  1. Chỗ này để chấm lửng, có lẽ vì tòa soạn Tràng an không muốn nêu họ tên vị cựu Thượng thư, tên bộ sách và nhất là bản sao bức thư của Nguyễn Văn Tường mà người ấy đang có.
  2. Tuy vậy, không ít nhà nghiên cứu xem đây là tài liệu giả, do phía những người thuộc phái “chủ hòa” trong giới quan lại đương thời làm ra, nhằm biến Nguyễn Văn Tường (vốn là người “chủ chiến” và hợp tác chặt chẽ với các hành động của Tôn Thất Thuyết) thành người “chủ hòa”, nhằm biện minh cho sự ứng xử của phái mình. Ví dụ xem: Trần Xuân An (2006), Nguyễn Văn Tường, một người trung nghĩa. Khảo luận một vài khía cạnh sử học. Hà Nội: Nxb. Thanh niên, 2006, tr. 155 – 159.