Lời tuyên bố về cuộc Trưng cầu dân ý

Lời Tuyên bố Truyền thanh của Thủ Tướng Chính phủ ngày 22-10-1955 về cuộc Trưng cầu Dân ý  (1955) 
của Ngô Đình Diệm

Lời Tuyên-bố Truyền-thanh của Thủ-Tướng
Chánh-phủ ngày 22-10-1955
về cuộc Trưng-cầu Dân-ý


Quốc dân đồng-bào,

Ngày 23 tháng 10 nầy, lần đầu tiên trong lịch-sử nuớc nhà, đồng-bào nam nữ sẽ xử-dụng một trong những công-quyền căn-bản của nền dân-chủ, là quyền đầu phiếu.

Đồng-bào sẽ toàn-quyền định-đoạt có nên chấm-dứt hay không, trên phương-diện pháp-lý, chức-vụ Quốc-Trưởng của một người mà đồng-bào đã đòi truất-phế.

Suốt mười năm nay, chúng ta đã chịu đựng bao nhiêu gian khổ để thực-hiện công-cuộc cách-mạng. Nếu đồng-bào bỏ phiếu đề cáo-chung chế-độ cũ, ấy là bước quyết-tiến trên đường trật tự, tự-do và danh-dự.

Cách đây 22 năm, khi tôi có trách nhiệm chính quyền quan-trọng, tôi đã đòi thiết-lập một Quốc-Hội dân-cử. Nhưng người và hoàn cảnh hồi đó chống lại ý muốn ấy, nên tôi đã rời bỏ chính quyền.

Ấy vậy, khai-nguyên một chế-độ dân-chủ, chẳng phải chỉ vì tình-thế, mà cũng là việc tôi hằng chủ-trương và tranh-đấu.

Cuộc trưng-cầu dân-ý nầy là dịp đầu tiên để đồng-bào xử-dụng quyền công-dân của một nước tự-do, và sẽ mở đầu cho nhiều cuộc đầu phiếu khác về chánh-trị, nhất là cuộc tổng-tuyển-cử để thành-lập Quốc-Hội.

Quốc dân đồng-bào,

Cùng nhau chúng ta đã vượt qua nhiều giai-đoạn gian-nan, nguy-kịch.

Cùng nhau chúng ta hãy tiếp-tục tranh-đấu xây-dựng dân-chủ, phá tan quỉ kế của Cộng-sản và bọn a dua đốn mạt tìm cách nô-lệ hóa dân-tộc.

Phần tôi, trước sau tôi vẫn nỗ-lực phụng-sự quốc-gia. Nếu đồng-bào công nhận đường lối tôi theo dõi từ khi tôi lãnh-đạo chính-quyền, là đúng, và bỏ phiếu ủy-nhiệm cho tôi trọng trách mới, tất là để cùng nhau xây-dựng một nước Việt-Nam tự-do dân-chủ, để mọi người được đồng quyền, đồng tiến, đồng lợi-lạc.

Chỉ còn đợi quốc-dân định-đoạt, là tôi có thể tuyên-bố thành-lập chính-thể cộng-hòa.

Xin ơn Trên phù hộ nước Việt-Nam.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".