Lịch sử tóc ngắn  (1939) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Ngày nay, Hà Nội, số 149 (15 Fevrier 1939).

CÁI ĐẦU AN NAM KỂ TỪ 1906

Cách đây trên ba mươi năm, một cuộc “cách mệnh” nhóm ở tâm trí một số người muốn đổi mới dân ta về hình thức. Sự đổi mới ấy bắt đầu từ … cái đầu. Và cuộc cách mệnh có một lý tưởng lớn lao này: hô hào cắt bỏ cái búi tóc cố cựu. Bạn đọc hẳn ít người ngờ rằng có một cuộc hành động có tính cách như thế, và hẳn cũng đã muốn biết lịch sử cái đầu húi tóc gọn gàng mới mẻ mà chúng ta sẵn lòng sửa gọt và chải chuốt nhất là trong dịp vui vẻ này. Dưới đây, trong một bài tự truyện kỳ thú vì những hình ảnh và hương vị xưa, ông Phan Khôi thuật lại cho chúng ta biết những trường hợp đượm chút vẻ khôi hài của lịch sử cái đầu tóc ngắn. –  NGÀY NAY

Hớt tóc là một cái biểu hiệu đổi mới của dân An Nam bắt đầu có từ ba mươi năm nay. Vào khoảng 1906 trở về trước, đàn ông chúng ta vẫn để tóc dài và búi lại ở đằng sau hớt  thành một cái đùm. Thành thử, duy có ở Bắc Kỳ, đàn bà chít tóc, nhờ đó có thể phân biệt với đàn ông; đến từ Huế đổ vô, đàn bà cũng búi tóc, gia dĩ kiểu quần áo cũng chẳng khác nhau là mấy, nên nhiều lúc xem sau lưng, đàn bà đàn ông có thể lẫn lộn được.

Ngày nay, hầu hết đàn ông chúng ta không còn có tóc dài nữa. Con trai từ đầy tuổi tôi là hớt tóc thẳng cho tới lớn tới già. Bởi đó, hớt tóc cũng đã thành ra một cái nghề. Không nói ở các thành phố lớn, nghề ấy phát đạt ra sao; cứ kể trong một làng như làng tôi, hiện có tới mười hai tiệm hớt tóc và phỏng sáu bảy mươi thợ vừa làm nghề ở làng, vừa đi ra ngoài. Quả thật một việc bày ra đã giúp cho chúng ta về nhiều phương diện: vệ sinh, mỹ thuật, lại kinh tế nữa, ích lợi biết bao!

Thế nhưng, hồi kỳ thuỷ, một bọn người gây ra sự cải cách ấy cho thành được phong tục, cũng khó khăn lắm, khốn đốn lắm, đáng ghi chép để làm sử liệu.

Chúng ta không nên quên rằng giữa lúc cả thần dân An Nam đương còn để tóc dài ấy thì vua Thành Thái đã cắt cụt từ lâu rồi. Ngài chẳng những tự làm cụt tóc mình mà còn bắt ép các cận thần như thị vệ, cẩn tín đều phải làm như mình nữa. Dù vậy, đối với cái hành vi ấy của vua, người trong nước chẳng có ai cho là phải và bắt chước. Trái lại, họ chê. Năm 1905, giá ngự vào Quảng Nam, khi vua mặc đồ tây, cầm ba-toong, đứng chống nạnh trên chiếc ghe câu qua đò Phương Trà để lên làng Chiêm Sơn, có một bọn sĩ phu đi coi, xầm xì với nhau rằng: “Vọng chi bất tợ!...” Bởi thời đại chưa đến, phong khí chưa mở, nên sự vua Thành Thái hớt tóc đáng lẽ có ảnh hưởng lắm, lại hoá ra chẳng có ảnh hưởng chút nào hết đến xã hội Việt Nam.

Hớt tóc mà thành ra một việc làm có ý nghĩa hay cũng có thể gọi được một cuộc vận động, là từ năm 1906 đến năm 1908, giữa lúc mọi người đều biết có ông Phan Bội Châu ở Nhật Bản và trong nước dấy lên cái phong trào “xuất dương du học”.

Nói riêng về trong tỉnh Quảng Nam chúng tôi. Bấy giờ ở làng Gia Cốc cũng có một nhóm người, bọn các ông Học Tổn, ấm Đôn hớt tóc rồi. Nhưng họ làm mà không rủ người khác cùng làm, nên cũng không ai để ý đến họ.

Mùa đông năm 1906, thình lình ông Phan Châu Trinh đi với ông Nguyễn Bá Trác đến nhà tôi. Đã biết tin ông Phan mới ở Nhật về, tiên quân tôi chào mừng một cách thân mật với câu bông đùa này: “Cửu bất kiến quân, quân dĩ trọc”! Bấy giờ tôi có mặt ở đó, câu ấy khiến tôi phải chú ý xem ngay đầu ông Phan. Thấy không đến trọc, nhưng là một mớ tóc ngắn bờm xờm trong vành khăn nhiễu quấn.

Ở chơi nhà tôi ba hôm, lúc đi, ông Phan rủ tôi cùng đi sang làng Phong Thử, nơi hiệu buôn Diên Phong, là một cơ quan của các đồng chí chúng tôi lúc bấy giờ mới lập được mấy tháng. Tại đó, gặp thêm ông cử Mai Dị nữa, rồi bốn người chúng tôi cùng đi thuyền lên Gia Cốc, thăm ông Học Tổn. Ông này có mở một tiệm buôn và một sở vườn trồng quế trồng chè ở làng An Chánh gần đó, nhân thể mời chúng tôi đến chơi.

Một nếp nhà chòi đóng sơ sài trên đồi, bốn phía cây cối um tùm, giữa mùa đông lạnh và vắng vẻ. Vào nhà rồi, một điều nhận thấy lấy làm lạ mắt nhất: từ chủ đến người làm công, kẻ tôi tớ, cả nhà hết thảy chừng hai chục đầu người đều không có tóc dài như ba chúng tôi.

Giữa bữa cơm sáng đầu tiên, khi ai nấy đã có chén hoặc ít hoặc nhiều, ông Phan mở đầu câu chuyện, nói:

− Người đời, nhất là bọn nhà nho chúng ta, hay có tánh rụt rè, không dám làm việc. Mỗi khi có việc đáng làm, họ thường tìm cớ trách trút, có khi họ nói: Việc nhỏ, không xứng đáng. Trong ý họ, đợi đến việc lớn kia. Nhưng nếu họ đã có ý không muốn làm thì đối với họ việc nào cũng sẽ là nhỏ cả, thành thử cả đời họ không có việc mà làm!...

Ông Phan lúc đó gặp ai cũng hay diễn thuyết. Những câu chuyện luân lý khô khan như thế, mấy hôm nay ông đem nói với bọn tôi hoài, thành thử khi nghe mấy lời trên đó của ông, không ai để ý cho lắm, cứ tưởng là ông phiếm luận.

Thong thả, ông nói tiếp:

− Nếu lấy bề ngoài mà đoán một người là khai thống hay hủ lậu thì trong đám chúng ta ngồi đây duy có ba anh − vừa nói ông vừa chỉ ông Trác, ông Dị và tôi − là hủ lậu hơn hết, vì ba anh còn có cái đùm tóc như đàn bà.

Cả mâm đều cười hé môi. Ba chúng tôi bẽn lẽn. Ông Phan lại nói:

− Nào! Thử “cúp” đi có được không? Đừng nói là việc nhỏ; việc này mà các anh không làm được, tôi đố các anh còn làm được việc gì!

Câu sau đó, ông nói với giọng rất nghiêm, như muốn gây với chúng tôi vậy.

Ông Mai Dị đỏ mặt tía tai:

− Ừ thì cúp chứ sợ chi!

− Thì sợ chi!

− Thì sợ chi!

Ông Trác rồi đến tôi lần lượt phù hoạ theo. Khi ấy, trong mâm cười ầm cả lên, mỗi người như có sự đắc ý gì lớn lắm; ông Học Tổn cầm ve rượu rót thêm cho ba chúng tôi và mời: Uống nữa! Uống nữa! Mấy kẻ ở nhà dưới tưởng đã có việc gì xảy ra, chạy lên xem, thấy cười, họ chẳng biết đầu đuôi chi, cũng cười mà trở xuống.

Bữa cơm xong, đã đúng trưa, trời vẫn mưa phùn. Ông Học Tổn bảo người nhà mở cửa cái nhà trại đạp lúa, rủ bức mành che bớt gió, và đặt ở đó mấy cái ghế cho chúng tôi. Người em ruột ông ấm Đôn cầm kéo. Ông Phan Châu Trinh ngồi một ghế như thị thiềng.

Ông Mai Dị được hớt trước rồi đến hai chúng tôi. Mỗi người đều đầy ý quả quyết và tin nhau lắm, chẳng hề sợ ai nửa chừng thoái thác. Hớt xong, những tóc của ba cái đầu bỏ đầy một thúng; có mấy người đàn bà ở cạnh xóm đến tranh nhau xin về làm trang. Về sau tôi mới biết ra rằng lần hớt này thật vụng quá, chỉ cắt ngắn đi thôi chứ không theo kiểu mẫu gì cả; thế mà lúc đó ông Phan cứ trầm trồ khen mãi: “Cúp khéo đấy! Coi đẹp đấy!”

Tối hôm đó còn ở lại An Chánh một đêm, cái đêm tôi ngủ chẳng yên, cứ giật mình, mở mắt, chốc chốc lại mó lên đầu, trong lòng thổn thức!

Chuyến đi này chỉ là đi chơi trong mấy hôm rồi còn về nhà nữa, chứ không phải đi bỏ xứ! Về nhà mà mang cái đầu này về, dễ chịu làm sao? Nhà mình còn có cha, còn có bà nội − nhất là bà nội − sao mình lại tự tiện quá thế này? Nhưng, không làm thế này sao được? Mình là người định làm việc lớn kia mà! Thế mà trước mặt cái ông đi Nhật Bản về kia, mình không làm nổi việc nhỏ thì bé lắm! − Đó là những điều tráo trở qua lại trong đầu óc tôi trong đêm ấy và luôn mấy đêm sau, trước khi về đến nhà. Có một điều tỏ ra tôi bấy giờ thật thà mà ngây thơ quá: nghĩ gì thì nghĩ, chứ không hề nghĩ đến mình làm việc ấy là bị khích bởi ông Phan!

Ở Gia Cốc về, chúng tôi chưa về nhà vội, còn định trú lại Diên Phong mấy ngày. Ở đó, chúng tôi yêu cầu các ông Phan Thúc Duyện, Phan Thành Tài, Lê Dư cũng làm như chúng tôi; luôn với năm, sáu mươi vừa người làm công, vừa học trò, đều cúp trong một ngày. Rồi hễ có vị thân sĩ nào đến chơi là chúng tôi cao hứng lên diễn thuyết, cổ động, khuyến họ cúp thảy cả. Trong số đó có ông tiến sĩ Trần Quý Cáp, thầy chúng tôi và các ông tú Hữu, tú Bân, tú Nhự, còn nhiều không kể hết. Ít hôm sau, ông Huỳnh Thúc Kháng ở Hà Đông ra, cũng cúp tại đó, chính tay ông Lê Dư cầm kéo hớt cho ông Huỳnh dù ông Lê chưa hề biết qua nghề hớt là gì.

Hôm ở Diên Phong về nhà, tôi phải viện ông Lê Dư đi về với. Thấy hai chúng tôi, cả nhà ai nấy dửng dưng. − Trước tôi mảng tưởng về nhà chắc bị quở dữ lắm, nhưng không, thầy tôi tảng lờ đi, bà tôi càng lạnh lùng hơn nữa, chỉ ba chặp lại nhìn cái đầu tôi mà chặc lưỡi. Dò xem ý bà tôi, hẳn cho rằng tôi đã ra như thế là quá lắm, không còn chỗ nói!...

Người làng đối với việc tôi làm đó, phần công kích nhiều hơn phần tán thành. Đến bọn đàn bà trẻ con thì lại cười ra mặt, mỗi khi gặp tôi ở đường, chúng công nhiên chỉ trỏ và nhe răng ra với nhau. Có đứa trẻ dám chế tôi đội cái vung lên đầu. Tôi mặc kệ tất cả, cứ hằng ngày ngấm ngầm cổ động cho thêm nhiều người làm như mình. Sau đến chính những người phản đối rồi cũng chịu hớt. Trong làng bấy giờ có người tên là Biện Nghệ bắt đầu sắm dao, kéo, tông-đơ hớt lấy tiền.

Qua đầu năm 1907 giở đi, thôi thì cả tỉnh nơi nào cũng có những bạn đồng chí về việc ấy. Ở đâu có trường học theo lối mới thì ở đó là cái ổ cúp tóc. Năm ấy trường Diên Phong cũng mở rộng, học trò đông thêm, người kiểm khán tên là Lê Văn Đoan vừa làm kiểm khán, vừa làm thợ cúp. Lúc này không còn phải cổ động nữa, mà hàng ngày có những người ở đâu không biết, mang cái búi tóc to tướng đến xin hớt cho mình. Bởi một ý đùa, tôi đặt một bài ca dao cho Đoan để mỗi khi hớt cho ai thì ca theo nhịp đó:

“Tay trái cầm lược,
Tay mặt cầm kéo,
Cúp hè! Cúp hè!
Thẳng thẳng cho khéo!
Bỏ cái hèn mầy,
Bỏ cái dại mầy,
Cho khôn, cho mạnh,
Ở với ông Tây!”

v.v…

Giữa lúc đó có lời phao đồn ở Diên Phong, chúng tôi hay cưỡng bách người ta hớt tóc, đến nỗi khuyên không nghe mà rồi đè xuống cắt đi, thì thật là thất thực, không hề có thế bao giờ. Sự cưỡng bách ấy nếu là có trong vụ “xin xâu” năm 1908, do những kẻ cầm đầu đoàn dân thi hành. Tôi vắng mặt trong vụ ấy, nhưng sau nghe nói lại rằng mỗi một đoàn dân kéo đi, giữa đường nếu có ai xin gia nhập thì đều buộc phải hớt tóc; hoặc khi đoàn dân nghỉ ở một cái chợ thì người cầm đầu đứng ra diễn thuyết, bắt đàn ông trong chợ đều phải hớt tóc rồi mới cho nhập bọn đi theo mình. Cũng nhờ vậy mà sau vụ này, thấy số người tóc ngắn tăng giá lên rất nhiều.

Hớt tóc cũng là một cớ buộc tội trong vụ án năm 1908 ở mấy tỉnh Trung Kỳ. Làm người không có việc gì cả, chỉ đã hớt tóc mà cũng bị ghép vào mặt luật bất ưng vi trọng, phải 18 tháng tù. Lại, cuộc phiến loạn năm 1908 ấy, trong các ký tái của người Pháp cũng gọi là “cuộc phiến loạn của đảng hớt tóc” (Révolte des cheveux tondus). Xem đó đủ thấy hớt tóc ở thời đại ấy bị coi là nghiêm trọng dường nào.

Cũng năm 1908, tôi ở Hà Nội, thấy bọn ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn đã mặc Âu phục rồi, nhưng rất nhiều người đàn ông ở thành phố còn có tóc dài. Thì ra duy ở Trung Kỳ có lần vận động ấy mà đến bây giờ cái tục hớt tóc mới lan khắp cả dân gian; còn Bắc Kỳ, Nam Kỳ cũng vậy, vì chưa hề có một phong trào như thế nên ngày nay trong chốn thôn quê vẫn còn nhiều cái búi tóc.

PHAN KHÔI