Lạc đường/Chương VI
Thằng Hiệp ra khỏi nhà nhằm lúc nửa đêm, nên ngoài đường vắng hoe, không có một người qua lại. Tuy vậy mà trên trời mặt trăng vừa lướt qua khỏi cụm mây nên ánh sáng dọi xuống đường, chiếu cỏ cây tỏ rõ như ban ngày. Cảnh thú dường ấy dễ làm cho người đi đường phải cảm xúc. Tiếc vì thằng Hiệp còn mang cái khối giận mẹ ghẻ ở trong lòng canh cánh, nên nó lầm lũi đi xuống phía Xóm-Chiếu, không cảm được cái cảnh ìm-lìm, không thưởng thức được vừng trăng tỏ rạng.
Vì nó không nhứt định phải đi đâu, nên xuống tới chợ Xóm-Chiếu nó đứng dụ-dự một chút, rồi men-men lên cầu mống mà qua Bến-Thành. Đi ngang qua nhà ga xe điển ở gần chợ cũ, nó sực nhớ đến anh em bạn của nó, có nhiều đứa ban đêm thường hay ngủ tại đó, nó mới ghé lại mà coi có đứa nào. Bước vô ga xe điển nó thấy có ba đứa nhỏ một trang với nó đương nằm ngủ trên cái bàn dài lót dựa vách tường. Nó cúi xuống dòm mặt từ đứa thì là thằng Hai, thằng Cao với thằng Cứ đều là bạn bán nhựt-trình như nó. Nó bèn lúc lắc mà kêu thằng Cao dậy.
Thằng Cao ban đầu hất tay rồi day vô vách không chịu dậy, bị thằng Hìệp cứ theo phá hoài, cực chẳng đã nó phải ngồi dậy, lấy tay giụi mắt và nói lầm bầm rằng: “Ở trong rạp hát về mới ngủ có một chút, cứ theo phá hoài”.
Thằng Hiệp nói rằng: “Mầy dậy cho tao nói chuyện riêng một chút mà”.
Thằng Cao mở mắt thấy thằng Hiệp thì hỏi:
- Mầy đi đâu qua bên nây chừng nầy vậy mậy?
- Dì ghẻ tao đuổi, không cho tao ở nhà của ba tao nữa.
- Sao mà ngang vậy? Nhà của ba mầy thì mầy ở, có phép nào mà đuổi mầy được.
- Dầu không đuổi, tao cũng đi chớ không thế nào ở đó nữa được.
- Mầy ngu quá. Có nhà mà không chịu ở chớ. Mầy không thấy thân tao đây hay sao? Vì không nhà nên đụng đâu ngủ đó, muỗi cắn có ghẻ cùng mình, qua tháng gió bấc lạnh rút ruột teo gan, mầy tưởng sướng lắm hay sao?
- Thà là tao chịu cực, chớ ở nhà tao thấy dì ghẻ của tao, sao ghét lắm.
- Dì ghẻ nào cũng vậy, bao giờ mà có dì ghẻ dễ thương đâu mậy.
- Phải. Dì ghẻ thương sao được. Nhưng mà dì ghẻ của người ta thì dễ chịu, còn dì ghẻ của tao khốn nạn quá chịu không đặng.
- Trông thế mầy bị bả đào[1] hả, nên mầy oán mầy nói xấu bả đây chớ gì.
- Không phải vậy. Thuở nay tao thương dì tao lắm chớ. Có khi tao kỳ khôi, dỉ cũng đánh chưởi tao mà tao có phiền đâu. Mấy năm nay đi bán nhựt-trình mỗi bữa tao đem về đưa cho dì tao hai cắc luôn luôn. Từ hôm ba tao bị ở tù tới nay, tao càng thương dì tao nhiều hơn nữa, tao lo hết sức, bán nhựt trình bao nhiêu tao không dám ăn xài, tao đem về đưa hết cho dỉ đặng mua gạo mà ăn. Tao ở với dì tao như vậy mà dì tao khốn nạn lắm, không biết thương ba tao...
Thằng Hiệp nói tới đó rồi nó khóc. Thằng Cao chưa rõ tâm sự của nó nên nói pha lửng rằng:
- Có thương cũng để bụng, chớ ba mầy mắc ở tù mà làm sao?
- Ba tao ở tù, càng thương nhiều hơn mới phải. Chớ thương cái gì mà ba tao mới bị án, thì ở nhà làm đĩ lấy trai.
Thằng Cao chưng hửng, nó ngó thằng Hiệp trân trân rồi chậm rãi nói rằng:
- Mầy nói bất tử, có lý nào mà khốn nạn dữ vậy?
- Thiệt như vậy chớ. Tao thấy rõ ràng, chớ phải tao nghe phong phanh hay sao. Tao mới bắt được hồi nãy đây.
- Bắt ở đâu?
- Tao mắc đi bán nhựt-trình, ở nhà dắt con em tao đi đâu không biết. Đến khuya có một người đờn ông đưa xe về, rồi người ấy ôm dì tao mà hun, tao thấy rõ ràng như vậy.
- Khốn nạn quá! Mầy thấy như vậy sao mầy không chơi thằng cha đó một cái.
- Thình lình quá tao làm không kịp. Mà nó hun rồi xe chạy liền, chớ không có vô nhà.
- Dì mầy hư như vậy, mà sao lại còn đuổi mầy?
- Tao dóa, tao xài dì tao, nên dỉ giận dỉ đuổi tao chớ sao.
- Mầy nói mầy có em gái. Mầy giận mầy đi rồi mầy bỏ nó cho ai nuôi?
- Dì tao nuôi. Con ruột của dì tao mà.
- À! Tao tưởng là em ruột của mầy chớ.
- Nó là con của ba tao chớ, song nó với tao khác mẹ. Dì tao như vậy, tao sợ nó ở với dì tao rồi ít năm nó lớn nó cũng hư nữa.
- Ôi! Chuyện đó còn xa, hơi nào mà lo. Phải lo chuyện gấp bây giờ đây. Tao hỏi thiệt mầy, vậy chớ mầy tính đi ít bữa rồi về nhà hay mầy đi luôn?
- Về làm gì nữa! Về nhà tao gai con mắt rồi sợ có án mạng đa mầy.
- Mầy không về nhà rồi mầy đi đâu mà ở?
- Vậy chớ mầy không có nhà, rồi mầy ở đâu? Không có nhà mà mầy sống được, thì tao cũng sống được chớ. Tao vái trời cho tao sống tới ba tao mãn tù, đặng tao thuật chuyện tao thấy cho ba tao nghe.
- Con nhà nghèo có bao giờ chết đâu mà sợ mậy. Tụi mình phải sống đặng giúp đời chớ. Nếu mình chết rồi ai đi bán nhựt trình cho thiên hạ đọc.
Thằng Hiệp buồn, đương giận mà nghe những lời pha lửng của thằng Cao thì nó bớt buồn. Nó ngó thằng Hai với thằng Cứ rồi nói rằng: “Hai đứa nầy ngủ ngon dữ!” Thằng Cao ngáp và nói rằng: “Thôi, ngủ mầy. Tao buồn ngủ quá. Mầy nằm đầu nầy đây, để tao nằm đầu kia cho. Ngủ đặng sáng có đi bán nhựt-trình”.
Thằng Cao nói chưa dứt lời thì đã nằm chùi trên cái băng. Thằng Hiệp ngồi ngó qua phía bên kia đường, thì thấy một gánh mì để trên lề đường, hai ba người ngồi ăn mì nói chuyện om sòm, lại có mấy chú xa phu kéo xe đi nhởn nhơ gần đó. Nó móc túi mà đếm tiền thì còn được hai cắc rưỡi, vì hồi tối nó về không có Ba Trâm ở nhà, nên nó không nạp tiền. Sợ bỏ túi ngủ rớt mất, nên nó lấy số tiền mà lận trong lưng chắc cứng, rồi day lại mà nói rằng: “Mầy ngủ hay sao Cao?” Không nghe Cao trả lời, nó mới nằm xuống mà nghỉ. Đồng hồ nhà gare chỉ ba giờ.
Thằng Hiệp nằm suy nghĩ đến phận của nó từ nay không còn cha mẹ, bà con, anh em gì nữa hết thì tủi trong lòng, nên nó ứa nước mắt. Đã biết thuở nay nó cũng không sung-sướng gì hơn bây giờ, nhưng mà sớm mơi đi, chiều tối về thành thói quen, bây giờ bước vô cái đời vô gia-đình, vô thân-tộc, là cái đời chẳng hề tính tới bao giờ, thì tự nhiên nó phải lo buồn, phải ái ngại. Nó nghĩ phận nó rồi nó nghĩ tới thân cha nó nữa. Cha nó bây giờ ở đâu? Người ta nói tội bị án trên 5 năm thì bị đày ra Côn-Nôn. Vậy thì cha nó đã đi Côn-Nôn rồi hay còn ở Khám Lớn? Sự ấy nó không biết được. Mà dầu ở tù chỗ nào, thân cha nó cũng phải chịu cực khổ đáo để cho đến 10 năm. Nghĩ quanh nghĩ quất, mệt trí nên nằm ngủ quên.
Gần 5 giờ sáng, xe điển sửa soạn chạy chuyến nhứt, người ta qua lại trong nhà gare lộn-xộn làm cho thằng Hai giựt mình thức dậy. Nó kéo chân, kéo tay mà kêu mấy đứa kia, chừng lại đến chỗ thằng Hiệp nằm, nó thấy thằng nọ thì nó chưng hửng, nên hỏi rằng: “Thức dậy mầy Hiệp, mầy lại đây hồi nào?”.
Thằng Hiệp lồm cồm ngồi dậy, vừa dụi mắt vừa đáp rằng:
- Tao lại hồi khuya.
- Mầy coi hát cọp[2] rồi mầy lại đây ngủ cọp nửa hả?
- Không mà. Tao ở nhà tao ra đây chớ.
- Có nhà sao không ngủ nhà, lại ra đây mà ngủ chực[3]? Mầy phạm luật rồi. Tao nói cho mầy biết, mấy đứa tao không có nhà, nên mấy đứa tao độc quyền ngủ nhà gare với hàng ba các căn phố trống ở Sàigòn này. Mầy có nhà, mầy không được phép giựt quyền của mấy đứa tao. Tao sẽ kêu lính bắt mầy giải đi Ông Yệm[4] bây giờ.
Thằng Cao chận lại mà nói rằng: “Đừng nói nhiều chuyện mầy. Nó có nhà mà nó bị dì ghẻ nó không cho nó ở nữa, nên nó ra đây chớ sao ...”.
Thằng Cứ chạy lại nói rằng: “Té ra thằng Hiệp bây giờ cũng ra như tụi mình rồi hả? Được lắm. Nhập tụi thêm đông vậy mới vui”.
Thằng Hai nguýt một cái rồi bỏ đi ra đường, vừa đi vừa nói: “Vậy nó mới hết làm phách, chớ không thì bữa nào hễ chiều rủ nó đi lại rạp hát kiếm giấy coi cọp chơi, nó cứ nói: “Mắc về nhà, mắc về nhà”, nghe ghét quá”.
Xe điển rút chạy, bốn đứa dắt nhau đi lại fontaine[5] ở ngã tư gần đó mà rửa mặt. Thằng Hiệp mắc rửa chân rửa tay nữa nên lâu, thằng Hai với thằng Cứ đi trước qua phía chợ cũ Bến-Thành. Thằng Cao đứng chờ nó, thấy lâu thì thúc rằng: “Ê, mau mau, mầy Hiệp. Mầy muốn tắm hay sao?”
Thằng Hiệp vừa đi vừa đáp rằng:
- Còn sớm mà. Nhựt-trình chưa ra đâu mà lật đật.
- Hai đứa mình vô chợ mới kiếm mua đồ ăn rồi sẽ lại nhật trình. Dì mầy đuổi mầy, vậy mà từ ngày rày sấp lên mỗi bữa mầy phải đem về nạp hai cắc nữa hay không?
- Nạp giống gì nữa mậy. Dì tao lấy trai thì để trai nạp cho dì tao ăn.
- Vậy từ nay sắp lên mầy xài sướng lắm.
- Phải. Tao kiếm được bao nhiêu, tao xài bấy nhiêu, khỏi nuôi ai nữa hết.
Thằng Hiệp nói như vậy mà sắc mặt nó buồn hiu, không biết nó buồn là tại nó mất thói quen, hay là tại nó còn thương dì ghẻ với em nó.
Hai đứa vô chợ mới mua xôi ăn rồi lại đi kiếm Cặp-rằng lãnh nhật trình đi bán. Trước khi rẽ ra, hai đứa hẹn nhau chiều lại chợ mới đặng gặp nhau rồi đi ăn cơm một lượt.
Y như lời hẹn, gần năm giờ chiều, Hiệp lại trước chợ mới thì đã thấy thằng Cao đứng chờ nó tại đó. Hiệp hỏi Cao rằng:
- Bữa nay mầy kiếm đặng bao nhiêu?
- Bốn cắc rưỡi, còn mầy?
- Tao kiếm được có bốn cắc hai.
- Từ sớm mơi tới giờ mầy xài hết bao nhiêu?
- Hết một cắc hai.
- Vậy thì mầy còn ba cắc; mà mầy khỏi nạp cho dì mầy thì mầy còn dư tiền nhiều lắm.
- Hôm qua tao còn dư hai cắc rưỡi nữa.
- Ồ! Nếu vậy thì bây giờ trong lưng mầy có tới năm cắc rưỡi.
- Ừ.
- Mầy giàu lớn rồi, xài sao cho hết.
- Có năm cắc rưỡi bạc mà giàu giống gì mầy.
- Tao nói chơi, chớ tụi mình giàu giống gì cho được. Xài như trời mà.
- Nè Cao, tao muốn nói với mầy một chuyện.
- Chuyện gì?
- Mầy có tật ăn hàng lung quá.
- Ủa! Làm thì phải ăn chớ; không ăn thì làm làm chi.
- Tao nói cho mầy nghe, tụi mình không có cha mẹ bà con. Mỗi bữa ăn cơm ăn bánh rồi, còn dư được bao nhiêu mình phải để dành mới được.
- Thôi đi cha! Để dành rồi chỗ đâu mà cất. Gởi cho họ thì họ giựt mà ăn. Năm ngoái tao để dành được năm đồng bạc, tao gởi cho họ rồi họ đoạt hết đó, tao có nói chuyện cho mầy nghe rồi mà.
- Phải. Mầy có nói chuyện đó cho tao nghe. Thiên hạ xấu lắm, thôi thì mình đừng có gởi cho ai hết, mình giữ trong lưng mình.
- Trời ơi, không được. Tiền để trong lưng tao chịu sao nổi. Hễ có tiền thì thấy vật gì tao cũng thèm hết thảy.
- Phải nhịn chớ.
- Tội gì có tiền lại phải nhịn đói mà để dành?
- Phải để dành tiền đặng rủi khi đau ốm mình mua thuốc mà uống chớ.
- Cần gì mậy. Đau thì có nhà thương đó chi. Nhà nước lập nhà thương là có ý để nuôi tụi mình đó đa, mầy không biết hay sao?
- Biết. Thôi, đau thì có nhà thương đã đành, còn quần áo nữa chi?
- Quần áo gì?
- Phải sắm quần áo mà bận, chớ bận đồ rách rưới dơ dáy, coi khốn nạn quá.
- Mầy nói bậy quá. Tụi mình phải bận đồ rách rưới dơ dáy, chớ bận đồ tốt thì sái luật còn gì.
- Sao mà sái luật?
- Để tao cắt nghĩa cho mầy nghe. Mình bận đồ tốt có hai cái trái: thứ nhứt là người ta tưởng mình là con của ông nầy bà kia, mà mình đi bán nhựt-trình, thì hư danh giá của mấy ông bà tử tế hết; thứ nhì, hễ mình bận đồ tốt thì mình phải lên hạng như ngựa đua vậy, lên hạng trên mà mình không có học, không có xu, nghĩa là mình chạy dưới chân người ta thì khổ quá. Vậy thì thà mình ở hạng bét mà dẫn đầu, còn hay hơn lên hạng trên mà chạy chót.
- Mầy nói giọng trường đua quá!
- Trời ơi! Tao bảnh lắm mà, mầy không biết hay sao? Có hai ba nhà báo cậy tao chấp bút về mục “Bàn ngựa”, mà tao còn dục-dặc tao chưa chịu đó đa mậy.
- Nói dóc quá! Nếu có nhà báo cậy mầy bàn ngựa mà sao mầy còn dục-dặc?
Thằng Cao cười ngất, nắm vai thằng Hiệp mà đẩy nó đi và nói rằng: “Sợ bàn bậy, họ đánh theo, họ thua tiền rồi họ rầy chớ sao. Thôi, thả xuống chợ cũ ăn cơm, đói bụng rồi”.
Hai đứa dắt nhau đi xuống chợ cũ. Đi dọc đường, thằng Hiệp vịn vai Cao mà nói rằng:
- Tao nói thiệt mà mầy giễu cợt hoài.
- Tao giễu cợt hồi nào? Mầy nói thiệt, tao cũng nói thiệt vậy chớ. Mầy muốn nói chuyện gì?
- Tao muốn nói chuyện để dành tiền.
- Nữa! Cứ bao nhiêu đó nói hoài. Tao nói tiền lận trong lưng để dành khó lắm mầy ơi!
- Tao tính như vầy thì được lắm.
- Tính sao?
- Mình xin với nhà nước lập trong mỗi quartier một cái kho Tiết-Kiệm, để cho con nhà nghèo có thể gởi tiền mà để dành được bền, lập tại Khánh-Hội một cái, tại Cầu Ông-Lãnh một cái, tại Chợ-Đũi một cái, tại Đa-Kao một cái, tại Tân-Định một cái; cho phép có năm đồng xu gởi cũng được, thì dễ cho mình biết chừng nào.
- Nếu được như vậy thì tao chịu, chớ gởi cho người ngoài thì tao chạy ngay, thà để tao ăn hàng cho sướng hơn là giao cho họ xài.
- Để bữa nào tao với mầy đi với mấy ông chủ-bút nhựt-báo và nói với mấy ông Hội-Đồng Thành-Phố, cậy mấy ổng, người thì viết báo, người thì vô giữa Hội-Đồng, kêu nài xin cho được việc ấy.
- Thôi đi mầy! Mấy ổng mắc những việc lớn lao, có giờ đâu mà lo cho mình mỗi ngày có thể gởi năm bảy xu mà để dành. Mà lập cái đó tao coi khó lắm, tụi mình gởi vô, đứa rút ra lộn-xộn, tính sao được.
- Sao lại không được. Thiên hạ kể có năm ba ngàn người, kẻ đánh con ngựa nầy, người đánh con ngựa kia, rồi con về nhứt, con về nhì, lộn xộn, mà người ta còn tính được đó sao.
- Còn cái nầy khó nữa, như mầy biết chữ mầy ký tên được, còn có nhiều đứa không biết chữ, rồi chừng muốn rút tiền ra mới làm sao? Nếu hết tiền, xin rút tiền ra mà phải chờ năm bảy ngày thì chết đói ngủm[6] cù-đèo.
- Có khó gì. Mình gởi tiền thì họ phát cho mình một cuốn sổ, trong sổ dán hình của mình. Chừng mình muốn lấy tiền ra, mình cứ trình cuốn sổ hình, họ coi hình phải của mình thì họ phát tiền, có chi đâu mà khó.
- Mầy giỏi thì mầy xin đi.
- Tao có quen một ông Hội-Đồng, bữa nào ổng cũng mua nhựt-trình của tao, tao sẽ nói với ổng.
Hai đứa ra đại lộ La Somme, thì thấy thằng Hai với thằng Cứ đương ngồi dựa lề đường mà ăn cơm với nhiều người lao-động khác. Chúng nó lựa một chỗ trống mà ngồi, rồi mua một tô canh ba xu, một dĩa thịt ba xu, với hai tô cơm mỗi tô hai xu mà ăn chung với nhau, chỗ ngồi hèn hạ, đồ ăn không quí, mà chúng nó ăn ngon lắm.
Thằng Hiệp liếc mắt ngó thằng Hai, thì thấy thằng nọ nghiêm chỉnh, chớ không phải liến xáo như mấy bữa trước. Chừng ăn cơm rồi nó với thằng Cao trả tiền đứng dậy thì thằng Cứ đã đi đâu mất, còn thằng Hai thì đứng dựa gốc cây mà chờ. Hai đứa đi ngang qua lộ thì thấy thằng Hai đi theo, chừng đi khỏi đám đông người nó mới móc trong túi lấy ra một cái đồng-hồ nhỏ, rồi đưa cho thằng Cao coi mà nói rằng:
- Đồng hồ nầy tốt hay không mậy?
- Mầy làm gì có đồng hồ.
- Tao mua năm đồng bạc đó mầy. Rẻ không?
- Mầy nói dóc. Mầy làm gì có tới năm đồng bạc mà mua? Thế thì mầy ăn cắp chớ gì?
- Đừng nói bậy mậy. Tao mua thiệt chớ. Như mầy muốn, tao bán lại cho mầy.
- Không thèm.
- Tao bán rẻ. Tao bán hai đồng mà thôi.
- Mầy cho không đi nữa, tao cũng không thèm lấy.
- Thôi một đồng đây nè, chịu không?
- Tao nói không thèm, mà cứ nài hoài.
- Đồ ngu quá.
Thằng Hiệp nghe thằng Hai mắng thằng Cao thì nó giận, nên nói rằng:
- Đồ mầy ăn cắp, người ta không thèm, sao mầy lại mắng người ta ngu.
- Mầy nói tao ăn cắp hả?
- Chớ gì.
- Dầu tao ăn cắp đi nữa cũng còn khá hơn ba mầy chận đường cướp giựt người ta, nên mới bị đày đó.
Thằng Hiệp nghe mấy lời nói ấy thì nó lùng bùng lỗ tai, chóa lòa con mắt, nghẹn cứng họng, đứng trân trân không nói được nữa.
Thằng Hai bỏ đi lộn trở lại.
Thằng Cao bèn cập tay thằng Hiệp dắt đi và nói rằng: “Thằng Hai gian giảo lắm, mình chơi với nó có ngày mình mang họa. Thôi mình thả vô rạp hát Việt-Nam lập thế coi hát cọp chơi, chừng buồn ngủ mình lên gare Taberd mà ngủ êm hơn, đừng ngủ với thằng Hai nữa”.
Thằng Hiệp lưu linh trót một tháng, tuy trong lưng nó có tiền luôn luôn, không bữa nào bị đói khát, nhưng mà ban đêm, hễ nó nhớ đến thân cha nó bị ở tù, nhứt là nhớ tới lời của thằng Hai mắng nó, thì nó đau đớn trong lòng, không muốn sống chút nào hết.
Một bữa, nó nhớ cha nó quá, nên ban đêm nó lén trở về cái xóm nó ở hồi trước, đặng thấy cái nhà là cái dấu tích của cha nó. Mà chừng đi ngang qua nhà, nó thấy cửa đóng, trong nhà không đèn, nó tin chắc dì ghẻ nó đã dắt em nó mà đi chơi với trai, thì nó uất ức trong lòng, vừa buồn rầu, vừa oán hận vô cùng.
Một buổi sớm mơi, nó đi bán nhựt trình, có một cô đã trộng tuổi, ngồi trên xe hơi, kêu nó đem lại mua hai số báo. Cô trả tiền rồi cô hỏi nó có cha mẹ hay không. Nó nói không có. Cô mới hỏi nó muốn ở thì cô mướn nó ở bồi, mỗi tháng cô trả cho nó năm đồng bạc.
Thằng Hiệp chán ngán vì nỗi mẹ ghẻ lấy trai, mà lại đau đớn vì nỗi chúng bạn ngạo báng, nên đã có ý bỏ xứ Sàigòn mà đi, ngặt sợ đến xứ khác không nghề làm ăn rồi phải đói khát. Nay nó nghe cô nầy mướn nó, thì nó hỏi rằng:
- Bẩm cô, nhà cô ở đâu?
- Qua có lập vườn cao su ngoài phía núi Chứa-chan.
- Xa quá há?
- Không xa bao nhiêu. Qua muốn mướn em là vì qua cần dùng một đứa nhỏ lanh lợi đặng năm ba bữa qua sai đi xe lửa xuống Sàigòn một lần mà mua đồ. Còn công việc trong nhà thì có bồi khác, chớ không phải một mình em đâu.
Thằng Hiệp suy nghĩ một hồi rồi chịu đi. Cô biểu nó leo lên xe hơi, chạy lại nhà Cặp-rằng mà trả nhựt trình, rồi mới chở nó về Chứa-chan.
Chú thích
- ▲ Chửi bới (đào ông, đào cha...)
- ▲ Lậu, không trả tiền
- ▲ Chực= trực= đứng sẵn mà đợi (chực sẵn, chực việc, ăn chực, chầu chực)
- ▲ Tên một trại giam trẻ con sống lang thang ngoài đường
- ▲ Tiếng Pháp: vòi nước phun
- ▲ Hay ngỏm: chết