Cách hai tháng sau, các nhựt-báo đều đăng tin Tòa Đại-Hình Sàigòn định ngày nhóm xử, lại cũng đăng luôn chương trình Tòa định ngày nào sẽ xử những vụ nào.

Thằng Hiệp đi bán nhựt-báo, nó đọc chương trình ấy, nó thấy có vụ cha nó và Tám Thiệt bị cáo về tội chém Mái-Chín Cúng mà giựt bạc, nên tối nó về nhà nó thuật lại cho dì ghẻ nó hay.

Ba Trâm, tuy chồng bị giam, song bề ăn ở cũng như thường, nếu ai hỏi thăm Cặp-rằng Mậu thì cô làm bộ buồn, còn ở trong nhà với con thì cô cũng vui vẻ như không có tai họa chi hết.

Cô nghe thằng Hiệp nói cha nó sẽ bị Tòa Đại-Hinh xử, thì cô không lộ sắc lo sợ hay là buồn rầu. Cô chỉ hỏi nó:

- Không biết Tòa Đại-Hình xử, mình đi coi được hay không?

- Được chớ. Ai vô cũng được hết thảy. Tôi đi coi hai ba lần rồi. Dì muốn đi, thì bữa đó tôi dắt dì đi.

- Ừ, bữa đó mầy dắt tao đi với con Hào vô Tòa đặng tao thấy mặt ba mầy một chút. Không biết họ có cho nói chuyện hay không?

- Nói chuyện đâu được!

- Tưởng nói được thì tao nói cho ba mầy hay, ở nhà vợ con no ấm. Không có sao đâu mà lo.

- Mấy tháng nay ba bị giam, không có lãnh lương nữa, rồi làm sao đủ tiền ăn vậy dì?

- Thì mỗi bữa mầy bán nhựt-trình mầy đưa cho tao hai cắc đó, tao mua gạo ăn. Có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít, phải tiện tặn chớ sao; còn bữa nào có thiếu hụt thì tao chạy qua dì Tư mầy bên Cầu Ông-Lãnh tao xin. Xưa rày dì Tư mầy nó giúp cho tao có mấy chục đồng rồi.

- Dì Tư giúp thì chừng ba về ba làm rồi ba trả lại cho dì.

- Biết có về được hay không!

- Sao lại không về. Tôi chắc ba tôi chẳng bao giờ cướp giựt của ai. Cò bót lượm được cái xe máy của ba đó, họ nghi như vậy thôi, thế nào chừng xử, Tòa cũng tha bổng.

- Nếu được như vậy thì nói gì!

- Để bữa xử rồi dì coi.

Tới ngày Tòa xử, thằng Hiệp thức dậy sớm, nó xin dì ghẻ nó sửa soạn đặng nó dắt dì đi. Ba Trâm mặc một cái áo xuyến với một cái quần lãnh mới, tóc bới vẻm vang, răng đánh sạch bốp, con Hào thì bận quần lãnh đen với áo bà ba lụa trắng, đầu có cài lược cài. Còn thằng Hiệp thì nó cũng còn mặc cái quần vải đen cụt với cái áo vải trắng cũ như hồi trước.

Ba mẹ con dắt nhau qua Cầu Ông-Lãnh rồi lên Tòa.

Tuy chưa tới giờ, song biện Tây, Sen-đầm[1] đã đứng bao chung quanh phòng xử và bà con của tội nhơn cùng là chứng và Trạng-sư đều tựu lại đông nức.

Ba Trâm với hai đứa nhỏ lại đứng trong một góc trước phòng xử với nhiều người đờn bà khác, cách chẳng bao lâu lính giải tội nhơn nắm tay nhau mà đi hai hàng, hai bên thì lính theo giữ.

Thằng Hiệp kéo tay dì ghẻ nó và chỉ trong đám tội nhơn mà nói: “Ba kìa, dì”. Ba Trâm gật đầu. Con Hào nói: “Ba bận quần áo sao mà nhàu nhè hết vậy má há? Còn ba cạo đầu trọc lóc chi vậy?”.

Lính dắt tội nhơn vô phòng xử mà sắp cho ngồi có thứ tự rồi đứng chung quanh mà giữ.

Cách một lát, người ta cho phép chứng và bà con của tội nhơn cùng là công chúng vô phòng xử. Mẹ con Ba Trâm đi theo họ vô ngồi một cái băng để gần cửa với nhiều người khác.

Thằng Hiệp ngó đám tội nhơn ngồi phía trước mà kiếm cha nó. Cặp-rằng Mậu day lại thấy vợ con thì cười, coi bộ không lo sợ buồn rầu chi hết.

Lần lần người ta vô càng thêm đông, chen lấn nhau mà ngồi. Quan chưởng-Lý, quan Lục-Sự, Trưởng-Tòa và Trạng-Sư cũng đều tựu đủ.

Đồng hồ gõ 8 giờ, kế nghe tiếng chuông run ở trong, rồi ba quan Tòa bận áo đỏ với ba ông Hội-Đồng thẩm án Việt-Nam bận áo dài, bịt khăn đen, mở cửa phía trong mà bước ra. Ông Trưởng-Tòa hô một tiếng lớn, ai nấy đều đứng dậy hết thảy.

Các quan Tòa ngồi hàng giữa ngó ra phía ngoài, một bên thì quan Chưởng-Lý, còn một bên thì quan Lục-Sự với thầy thông-ngôn ngồi. Các quan Trạng-Sư ông thì đứng, ông thì ngồi tại hai cái bàn trước. Trong phòng xử đều lặng trang, cái không khí oai nghiêm làm cho người hung dữ đến đây thế nào cũng phải khiếp sợ.

Thằng Hiệp hồi hộp trong lòng, lấy tay cào Ba Trâm mà nói nhỏ rằng: “Tôi ghê quá dì”. Ba Trâm cũng sợ, nên hất tay nó và lắc đầu, tỏ dấu biểu đừng nói chuyện.

Quan Lục-Sự kêu tên Lý-trường-Mậu và Lê-văn-Thiệt, và đọc một tờ dài lắm. Chừng đọc dứt rồi, thầy Thông-ngôn mới kêu Mậu đứng dậy biểu đưa tay lên mà thề khai thiệt, rồi hỏi tên họ gì, mấy tuổi, sanh đẻ ở đâu, làm nghề nghiệp gì, nhà cửa ở đâu, có vợ hay không.

Cặp-rằng Mậu trả lời rõ ràng rằng: "Tôi tên Lý-trường-Mậu, 40 tuổi, sanh đẻ ở Sàigòn, làm Cặp-rằng phụ cho hãng vận-tải tại Xóm-Chiếu, nhà ở dựa kinh Dérivation, có vợ và có hai đứa con."

Tòa hỏi: Anh giúp việc cho hãng vận-tải được bao lâu?

Mậu đáp: Hơn ba năm rồi.

Tòa hỏi: Anh ăn lương mỗi tháng bao nhiêu?

Mậu đáp: Hai mươi lăm đồng.

Thầy thông ngôn nói: Anh bị cáo trong đêm 12 tháng ba Tây năm nay, lối chừng mười giờ tối, anh hiệp với tên Tám Thiệt, là người làm việc một sở với anh, mà núp dựa mé đường Chasseloup-Laubat nối dài vô Chợlớn, nơi khoảng vắng vẻ không có nhà, tay lại có cầm khí giới, rồi chận xe kéo của người khách-trú tên Mái-Chín Cúng mà giựt cái cặp da, trong ấy có đựng 25 ngàn đồng bạc giấy. Theo hồ sơ thì chính mình anh giựt cái cặp ấy mà chạy. Mái-Chín Cúng chạy theo níu anh mà la. Tên Tám Thiệt nhảy đến chém Mái-Chín Cúng hai dao té quị, rồi hai người mới chạy vô đồng Tập-trận mà thoát thân. Tài chủ và anh xa phu đã nhìn anh một cách quả quyết mà cò bót lại lấy được hai cái xe máy trong đồng Tập-trận, gần chỗ cướp giựt ấy, một cái plaque khắc tên họ anh rõ ràng. Anh có nhận các điều mới nói, sự thiệt hay không? Hay là anh có điều chi để chữa mình thì khai hết cho Tòa nghe.

Mậu đứng êm một chút rồi tằng hắng và đáp rằng: "Bẩm quan Tòa, những điều Tòa mới nói đó thiệt tôi không hay biết chút nào hết. Tôi vô can mà. Mái-Chín Cúng với tên Năm là người kéo xe lại nhìn mặt và khai quả quyết tôi giựt bạc. Thiệt đêm 12 tháng ba, tôi ngủ tại nhà Tám Thiệt bên Xóm-Chiếu. Đêm ấy tên Tân lại chơi và nói chuyện với tôi và Tám Thiệt quá mười một giờ khuya, rồi mới về. Nếu mười một giờ tôi còn ở nhà Tám Thiệt bên Xóm-Chiếu thì làm sao mà hồi mười giờ tôi đón Mái-Chín Cúng tại Bàn-Cờ cách Xóm-Chiếu ba bốn cây số ngàn mà giựt bạc cho được. Xin Tòa thẩm xét lại kẻo oan cho tôi tội nghiệp."

Tòa nói: Phải, theo lời khai chứng của anh, là tên Tân, thì hồi 11 giờ anh với Tám Thiệt còn ở tại Xóm-Chiếu. Song lời khai ấy không tin được là vì tên Tân là bạn hữu làm chung một sở với anh, có lẽ là tên Tân khai như vậy đặng cứu anh.

Mậu đáp: Bẩm, tôi có tội hay là vô tội là do lời khai của tên Tân. Vả lại tên Tân có ngồi nói chuyện chơi với tôi tới 11 giờ, nên nó khai sự thiệt như vậy, mà Tòa muốn xử tôi cách nào tôi cũng cúi đầu vưng chịu hết.

Tòa nói: Anh đừng nói vậy. Nếu xét ra mà anh vô tội thì Tòa có lẽ đâu lại làm tội anh. Tiếc vì lời khai của chứng anh là một bằng cớ mỏng mảnh quá, không đủ chỉ rõ anh vô tội, còn có nhiều việc khác làm cho Tòa quả quyết anh có tội kia mà. Sở cảnh-sát lấy được cái xe máy của anh gần chỗ Mái-Chín Cúng bị cướp giựt, đó là một cái bằng cớ chắc chắn quá, anh có thế nào mà cãi được.

Mậu đáp: Bẩm quan Tòa, vụ cái xe máy thì tôi đã khai với quan Thẩm-Án rằng tôi bị người ta ăn cắp mấy bữa trước. Người ăn cắp xe của tôi rồi đi cướp giựt người khác, tôi cũng phải bị liên can về sự cướp giựt đó hay sao? Tôi chắc Tòa chẳng bao giờ gắt gao đến thế.

Tòa nói: Anh bị người ta ăn cắp xe máy mà anh không có cớ Cò bót. Bây giờ đổ bể, anh khai như vậy, làm sao Tòa tin anh cho được. Huống chi anh ở chung một nhà với Tám Thiệt...

Mậu chận mà cãi: Bẩm, tôi có nhà riêng, tôi có vợ con; thuở nay tôi ở nhà tôi, chớ không phải ở chung với Tám Thiệt, vì tôi có việc xích mích với vợ tôi, nên tôi lại ở với Tám Thiệt có ba bốn ngày mà thôi.

Tòa nói: Phải. Tòa muốn nói trong lúc Mái-Chín Cúng bị giựt bạc và bị chém thì anh ở một nhà với Tám Thiệt, mà chừng Cò bắt anh thì anh cũng còn ở đó. Anh với Tám Thiệt ở chung một nhà, sở cảnh-sát lấy được cái xe máy của anh với một cái xe máy khác nữa gần chỗ Mái-Chín Cúng bị cướp, lại tìm được gần nhà Tám Thiệt năm ngàn đồng bạc, những việc ấy há không đủ cớ cho Tòa đoán quyết anh với Tám Thiệt hiệp nhau mà cướp giựt hay sao?

Mậu đáp: Bẩm, Cò bót xét lấy năm ngàn đồng bạc gần nhà Tám Thiệt, chớ không phải trong nhà.

Tòa nói: Anh dụng tâm mà cãi như vậy không hay. Cách cãi như vậy thì làm cho Tòa thấy anh kiếm lời chữa mình, chớ không phải nhận anh vô tội đâu.

Mậu đáp: Mà dầu kiếm được năm ngàn đồng bạc đó trong nhà đi nữa, tôi cũng không có tội bởi vì nếu tôi có giựt bạc thì tôi đem về nhà tôi giấu, mà ông Cò xét nhà tôi không có một đồng bạc nào hết.

Tòa nói: Anh chữa mình thật là khôn lanh. Dầu anh nói giống gì, cũng không khỏi Tòa nghi anh giựt bạc, anh chia cho Tám Thiệt năm ngàn, còn hai chục ngàn anh giấu chỗ khác.

Mậu đáp: Cái “nghi” của Tòa tôi không thế nào cãi được. Tôi chỉ lạy Tòa kiếm cho đủ bằng cớ rồi sẽ làm tội tôi, chớ không có bằng cớ, cứ dùng cái “nghi” mà kêu án thì oan cho một người vô tội.

Tòa nói: Tòa sẽ cho anh thấy bằng cớ.

Quan Chánh Tòa dạy Mậu trở lại chỗ cũ mà ngồi, rồi kêu Mái-Chín Cúng đứng lên trước mặt Tòa mà khai.

Mái-Chín Cúng đứt mất một cái tai bên trái, tại màng-tang lại có một cái thẹo rất lớn vừa mới lành. Lời khai của chú giống in như lời của quan Chánh-Tòa nói hồi nãy. Tòa dạy chú chỉ trong đám tội nhơn coi người nào giựt cặp da đựng bạc, người nào chém. Chú Mái-Chín day lại, ngó qua đám tội nhơn rồi chỉ Lý-trường-Mậu nói quả quyết rằng tên ấy giựt cái cặp da, lại chỉ Tám Thiệt mà nói tên đó chém chú.

Tòa kêu tên Năm, là người kéo xe cho Mái-Chín Cúng, lên mà hỏi thì người nầy khai và chỉ tội nhơn y như Mái-Chín Cúng.

Trong phòng xử im lìm, dường như có một luồng gió làm lạnh hết thảy trong lòng dạ của những người ngồi trong đó.

Một vị Trạng-sư đứng dậy nói: Tôi rất cung kính xin Tòa hỏi Mái-Chín Cúng với tên Năm coi thuở nay có biết mặt tên Mậu và tên Thiệt hay không.

Quan Chánh-Tòa nói: Theo hồ sơ thì hai người nầy đã có khai tại phòng Thẩm-án rằng: trước vụ cướp giựt thì chẳng hề gặp Mậu và Thiệt lần nào. Như Trạng-sư muốn hỏi thêm Tòa sẵn lòng nhậm lời xin.

Quan Chánh-Tòa hỏi Mái-Chín Cúng với tên Năm thì hai người đều khai trước vụ cướp giựt hai người không quen biết với Mậu và Thiệt.

Trạng-sư nói: Xin Tòa nhớ giùm lời khai nầy cho bị cáo nhờ. Mái-Chín Cúng ăn cơm với vợ Việt-Nam, thế nào cũng có uống rượu chút đỉnh. Ngồi xe kéo trở về Sàigòn lúc mười giờ tối, trời trong gió mát, tự nhiên trong lòng khỏe khoắn, cặp mắt lim dim. Còn tên Năm kéo xe, chạy đường dài tự nhiên phải mệt thân thể, lả mồ hôi, cặp mắt đổ hào quang. Thình lình bọn cướp chận đường, chủ ngồi trên xe, tớ kéo ở dưới, tự nhiên cả hai đều phải hết hồn mất vía. Đã vậy mà cái thời gian giựt cặp da và chém, nó ngắn ngủn mau lẹ như nháy mắt, phần ban đêm tăm tối, có lẽ nào Cúng với Năm nhớ mặt kẻ cướp cho được.

Quan Chưởng-lý chận mà nói: Tôi xin cãi với ông Trạng-sư rằng chỗ “cướp giựt” đó không phải tăm tối. Đường có đèn khí sáng quắc.

Trạng-sư cười và đáp: Tôi vẫn biết đường ấy có đèn khí. Nhưng tôi xin cãi lại rằng nhà nước cắm đèn khí tới năm chục thước mới có một ngọn, bọn cướp không dại gì núp dưới ngọn đèn mà chờ đặng chận đường, tự nhiên chúng nó núp cho xa ngọn đèn, nghĩa là cách 25 thước, thì làm sao thấy rõ gương mặt chúng nó được.

Quan Chánh-Tòa hỏi: Quan Chưởng-lý chưa buộc tội mà sao ông lại cãi?

Trạng-sư đáp: Không. Tôi chưa cãi. Tôi chỉ xin Tòa ghi nhớ mấy khoản tôi đã vạch ra đó mà thôi.

Quan Chánh-Tòa gặt đầu rồi kêu Lý-trường-Mậu đứng dậy mà nói: Anh muốn có bằng cớ, thì Mái-Chín Cúng với anh Năm là bằng cớ hiển hiện đây, anh vừa lòng chưa?

Mậu đáp: Bẩm đó là chứng, chớ không phải bằng cớ. Nếu Tòa tin lời chứng đó, thì tôi xin cũng tin lời chứng của tôi với.

Quan Chánh-Tòa nói: Tòa sẽ hỏi chứng của anh.

Quan Chánh-Tòa biểu kêu tên chứng, là tên Tân. Ngài dạy tên Tân đưa tay mặt lên mà thề rồi hỏi tên Tân đêm mười hai tháng ba có nói chuyện với Mậu và Thiệt hay không, nói ở đâu, từ giờ nào tới giờ nào?

Tên Tân khai rõ ràng đêm ấy nó ghé nhà thăm Tám Thiệt hồi tám giờ tối, có Cặp-rằng Mậu ở đó. Ba người ngồi nói chuyện chơi tới mười một giờ khuya nó buồn ngủ nên mới từ giã mà về nhà. Hồi nó ra về thì Mậu đương giăng mùng sửa soạn ngủ.

Tòa hỏi: Anh thấy trong nhà Tám Thiệt có đồng hồ hay không?

Tân đáp: Tôi không để ý đến sự đó.

Tòa hỏi: Bữa đó anh có đồng hồ trái quít trong túi anh hay không?

Tân đáp: Tôi không có sắm đồng hồ nhỏ.

Tòa nói: Nếu anh không có đồng hồ mà anh cũng không thấy đồng hồ trong nhà Tám Thiệt, thì sao anh dám chắc hồi anh lại là tám giờ và quá mười một giờ anh mới về.

Tân đáp: Bẩm, tôi nhắm chừng.

Tòa nói: Tòa cũng nhắm chừng anh lại đó hồi sáu giờ rồi bảy giờ anh về cũng được vậy. Mà thôi, Tòa chỉ hỏi thêm anh một câu nầy nữa: theo lời khai của anh, thì đêm ấy anh ở nhà Tám Thiệt trên ba giờ đồng hồ. Anh nói chuyện gì mà ngồi lâu dữ vậy, anh thuật lại cho Tòa nghe thử coi.

Tên Tân đứng lơ-láo một hồi lâu, không trả lời.

Tòa thúc: Khai đi?

Tân đáp: Tôi không nhớ hôm đó nói chuyện gì.

Tòa hỏi: Mới hai tháng nay, có lẽ nào anh quên hết?

Tân đáp: Tôi không nhớ được.

Quan Chánh-Tòa dạy Tân ra ngoài rồi kêu bị cáo là Tám Thiệt ra đứng trước mặt Tòa. Ngài dạy đưa tay mặt lên mà thề rồi hỏi tên, họ, tuổi, nghề nghiệp, nhà cửa, vợ con.

Tám Thiệt cao lớn, mạnh dạn, đứng khai rằng: Tôi tên Lê-văn-Thiệt, hai mươi tám tuổi, sanh đẻ tại Chợlớn, chưa có vợ, làm cu-li trong hãng Vận-tải, nhà ở tại Xóm-Chiếu.

Quan Chánh-Tòa cũng nói y như mấy lời ngài nói với Lý-trường-Mậu hồi nãy và hỏi Tám Thiệt chịu nhìn nhận tội ác của mình làm hay không?

Tám Thiệt lắc đầu đáp rằng: Tôi không có cướp giựt tiền bạc của ai hết.

Tòa nói: Tài chủ Mái-Chín Cúng với chứng là tên Năm đồng khai quyết cho anh và chánh anh cầm dao chém Mài-Chín Cúng, anh còn chối gì nữa?

Thiệt đáp: Họ khai gian.

Tòa nói: Sở cảnh-sát lại có xét lấy được năm ngàn đồng bạc, anh bỏ vào hộp bánh mì mà chôn dựa bên hè anh. Phải số bạc ấy là phần của tên Mậu chia cho anh hay không?

Thiệt đáp: Không. Ai lén đem chôn bạc ở đó tôi không hay.

Tòa hỏi: Đã có bằng cớ và chứng khai hẳn hòi, như vậy mà anh cứ chối hoài hay sao?

Thiệt đáp: Tôi không có ăn cướp, làm sao mà tôi chịu có cho được.

Quan Chánh-Tòa rùn vai rồi khoát tay biểu Tám Thiệt trở về chỗ mà ngồi.

Quan Chưởng-lý đứng dậy buộc tội, bác bẻ mấy lẽ của Lý-trường-Mậu và Lê-văn-Thiệt viện lẽ mà chữa mình, nói hai bị cáo đã cướp giựt một số bạc rất lớn mà lại còn gần giết một mạng người, luận những lời chối là một cách chữa mình rất vô lý, xin Tòa phải vì cuộc an cư lạc nghiệp của xã-hội mà trừng trị hai bị cáo thiệt nặng nề, để cho kẻ khác kiêng nể, không dám cướp giựt nữa.

Nghe lời buộc tội gắt gao nghiêm nghị ấy, thì trong phòng lặng trang, ai cũng chắc bị cáo sẽ bị án.

Vị Trạng-sư cãi lẽ hồi nãy về sự Mái-Chín Cúng với tên Năm nhìn mặt Lý-trường-Mậu, bây giờ đứng dậy mà biện luận đặng cứu tên bị cáo ấy. Ban đầu ông nói chậm rãi nho nhỏ, lần lần ông cất giọng lên cao, lời nói hùng-hào, bộ tướng mạnh-mẽ, khi tha thiết như than, khi ồ ào làm giận, khi phĩnh-phờ kiêu ngạo, khi chúm chím miệng cười. Ông nói sự lấy xe máy tại đồng Tập-trận không phải là cái bằng-cớ chứng chắc tên Mậu ăn cướp, sự nhìn mặt của tài-chủ và của xa-phu không đúng. Ông nài xin phải tin lời khai của chứng là tên Tân. Chừng kết luận, ông xin Tòa hãy nghĩ Lý-trường-Mậu thuở nay là một người chân thật lo làm mướn mà nuôi vợ con, không có án tiết chi hết, hãy nghĩ xét nhà tên Mậu không kiếm được bạc, mà từ ấy đến nay sở Cảnh-sát thám dọ thì cũng không thấy vợ con Mậu ăn xài chơi bời; xin ông hãy lấy công tâm mà xét lại, tên Mậu bị lôi ra trước Tòa Đại-Hình về tội cướp giựt chỉ vì tình nghi mà thôi, chớ không có bằng-cớ chắc-chắn. Vậy Tòa phải tha bổng mới công bình, mới khỏi làm án lầm một tên vô tội.

Ông cãi rồi ông ngồi xuống. Thính giả đều thở ra phỉ dạ.

Một vị Trạng-sư khác đứng dậy biện luận giùm cho bị cáo Lê-văn-Thiệt. Ông nói nhỏ nhẹ, êm ái, ông không dùng khẩu khí, chỉ trưng lý luận mà bác bẻ tờ buộc tội. Ông cho lời quả quyết của tài-chủ và của tên Năm là lời cáo gian, bởi vì đến mười một giờ khuya mà Tám Thiệt còn nói chuyện với khách tại nhà, thì không thế nào hồi mười giờ mà chận đường cướp giựt Mái-Chín Cúng tại Bàn-Cờ cho được. Còn năm ngàn đồng bạc kiếm được gần hè Tám Thiệt, thì ông nói rằng Tám Thiệt mướn một căn nhà lá mà ở, theo luật Việt-Nam, thì ngoài căn nhà ấy, Thiệt không có quyền gì hết. Nếu nghi Thiệt cướp bạc về giấu tại đó, sao Tòa không nghi cho chủ đất, hoặc người căn phía bên kia cũng gần chỗ giấu đó mà lại nghi cho Thiệt. Ông xin Tòa xét chỗ đó mà tha bổng Lê-văn-Thiệt.

Trang-sư cãi xong rồi, quan Chánh-Tòa hỏi hai bị cáo còn muốn khai thên điều chi nữa. Các quan Tòa và Thẩm-án đồng đứng dậy đi vô phòng phía sau mà nghị án.

Cách nửa giờ, Tòa mới ra nhóm lại và quan Chánh-Tòa đọc án phạt:

1.- Lý-trường-Mậu, mười năm khổ sai.

2.- Lê-văn-Thiệt, mười hai năm khổ sai.

Thằng Hiệp nghe Tòa lên án cha nó mười năm khổ sai, thì nó bủn-rủn tay chân, vừa khóc vừa đứng dậy kéo tay Ba Trâm biểu đi về. Chừng mấy mẹ con đi ngang qua cửa khám lớn, thằng Hiệp đứng ngó vô khám, nhớ cha nó sẽ ở trong đó mười năm thì nó ngậm ngùi nên nước mắt nhỏ giọt.

Thình lình có tiếng ồn ào phía bên Tòa. Mấy mẹ con Ba Trâm day lại thì thấy lính Săn-Đầm đương dắt Trường-Mậu và Tám Thiệt xuống khám.

Cặp-rằng Mậu kêu vợ và nói rằng: “Má con Hào, ở nhà ráng dạy giùm hai đứa nhỏ, nghe không. Mười năm rồi tôi sẽ về”.

Lính xô Mậu đi riết, không cho nói nữa.

Thằng Hiệp đứng ngó theo đau-đớn như dao cắt ruột.

   




Chú thích

  1. Hay săng đá, săn đá: tiếng Pháp gendarme: cảnh sát