Lĩnh Nam dật sử/Tiền biên/Hồi thứ VI

HỒI THỨ VI

Lạc đầy tớ, Thổ-sơn bị khốn,
Ước ba việc, Mai Anh giải vây.

Nói về Lý công-chúa tiễn Phùng-Ngọc ra đến ngoài cửa ải-quan, đinh-ninh dặn Phùng-Ngọc đi thăm cô thế nào cũng trở về sơn-trại, rồi hãy khởi-trình về Nam. Phùng-Ngọc vâng lời từ-biệt, Công-chúa trở về Thuận-chính-đường. cho gọi Bả-tổng là Bàn Vi-Liên đến dặn bảo rằng:

— Ta giao cho ngươi hai phong thư và 200 lạng bạc, hai bức áo đoạn đại-hồng, cho ngươi đưa về trại Đào-hoa, làng Trình-hương, hiến cho ông bà Hoàng thái công, thái-bà ta, xong rồi ngươi cứ ở lại đó, đợi khi Hoàng chúa-công ta trở về, đón rước thái-công, thái-bà ta về sơn-trại này cung-dưỡng, đi dọc đường ngươi phải trông nom hầu hạ cho cẩn thận.

Bàn Bả tổng tuân-lịnh trở ra. đem theo hai tên lính hầu khỏe mạnh, vác một bọc khăn gói, chân đi giầy gai, lưng đeo giao găm, đi về Trình hương.

Nói về Phùng Ngọc từ biệt Công chúa rồi ba thầy tớ cứ theo con đường ra châu Đức-khánh mà đi, khi đi đến Quảng-lợi. Hoàng Hán hỏi rằng:

— Thưa tướng-công, nay tướng-công muốn đi đường bộ hay đáp thuyền đi đường thủy?

Phùng-Ngọc nói:

— Đường sông ngược nước, đáp thuyền đi chậm lắm, ta rất là nóng ruột, thời cứ theo đường bộ mà đi.

Ba thầy tớ bèn cứ theo đường bộ tiến đi, không đầy mấy ngày đi đến châu Đức khánh, thấy ở trong dặng chuối bên đường có một ông lão già đương cúi khom lưng cuốc đất Phùng Ngọc xuống ngựa cúi mình mà hỏi rằng:

— Dám thưa Trưởng-giả, từ đây đến Đại-hám-sơn, đường xá hãy còn phải đi xa hay gần?

Ông lão-già ngửng đầu lên nhìn kỹ Phùng-Ngọc mà rằng:

— Tướng-công cần đến Đại-hám-sơn có việc chi đó?

— Thưa Trưởng-giả, vãn-sinh có bà cô ở đó, muốn đi đến hỏi thăm.

Ông lão lắc đầu mà rằng:

— Xa thời không xa chi mấy

Phùng-Ngọc cả mừng mà rằng:

— Chẳng hay đi về đường nào, xin phiền Trưởng-giả trỏ bảo cho.

Ông lão giơ tay trỏ mà rằng:

— Cứ đi về mé tây kia độ vài mươi dặm, đến núi Cẩm-thạch qua góc bể đến sông Nam-giang, theo cửa sông Lục-đô, đi độ 30 dặm đến Thạch-giáp-sào qua Vân-hãm, đó tức là Đại-hám-sơn song đá nhấp nhô, cây rậm rạp đường đi rất là hiểm nghèo.

Phùng-Ngọc giã ơn từ tạ rồi trông về núi Cẩm-thạch mà đi đường đi rẫy núi kéo dài đi độ vài mươi dặm. chợt trông thấy một cái cột đá cao trót-vót, đến hơn trăm trượng, hình như ngọn giáo đâu-mâu, không có bấu víu vào đâu cả, nghìn hoa muôn nhị đỏ ối như hồng-hà Phùng-Ngọc cầm roi trỏ mà rằng:

— Kia hẳn là núi Cẩm-thạch!

Thông, Hán hai người ngửng đầu trông lên thời thấy như ngọc truốt vàng tô, năm vẻ rỡ-rệt. Hoàng Hán xem hồi lâu rồi lấy làm kỳ-dị mà rằng:

— Chẳng hay ngọn núi nào mà khắp chốn hang khe đều trồng hoa cả, đẹp biết là chừng nào!

Phùng-Ngọc nói:

— Nguyên xưa có sự tích thế này: Lúc đời Hán có sai quan Đại-phu Lục-Giả sang sứ nước Nam-Việt ta, qua núi Quế-lĩnh, đến đấy bắt giải gấm làm đường đi lên núi để cầu đảo sơn-linh, hứa rằng hễ dụ được Úy Đà về hàng-phục, thời xin lấy gấm để đền ơn. Sau Úy Đà quả nhiên về hàng, bỏ đế hiệu, chịu phong làm Nam-Việt vương, cùng với Lục Giả bơi thuyền chơi sông Châu-giang, qua Tường-kha lên chơi núi này, bắt lấy gấm trải trên mặt đá núi, gấm không đủ thời trồng các thức hoa để thay gấm, vì thế cây hoa rất nhiều, cả năm như mùa xuân, có người hái lấy cũng không biết được hết tên các thứ hoa; ấy là sự tích như vậy, ta vốn mộ tiếng Lục-Giả, không ngờ nay được thưởng ngoạn di-tích, cũng là một sự khoái-chí bình-sinh.

Hoàng Thông trỏ mà rằng:

— Kìa xem như phiến đá cao kia hình như có ba chữ đại-tự.

Phùng-Ngọc cười mà rằng:

— Ta nghe ông Lê Dao-thạch có đề ba chữ đại-tự: « Hoa-biểu-thạch 華 表 石 » ở đây, ai cũng lấy làm tốt. đấy tất hẳn là ba chữ ấy.

Hoàng Thông nghe nói bước rảo lên và mươi bước trông xem, vỗ tay cả cười mà rằng:

— Tướng-công nói thật quả là không sai.

Đương khi đàm-đạo vui cười, không ngờ đã đến cửa bể. bèn thuê đò qua sang cửa sông Nam-Giang, rồi lên bờ, trên bờ có toà tửu-lâu cực-kỳ rộng rãi. Phùng-Ngọc nói:

— Nay trời đã xế chiều. hãy vào đây nghỉ, ngày mai ta hãy đi.

Hoàng Hán nói:

— Tướng-công bảo thế cũng phải.

Ba người cùng bước vào trong điếm. Điếm-chủ nhìn không chớp mắt, trông Phùng-Ngọc một hồi lâu rồi chắp tay mà hỏi rằng:

— Dám hỏi tướng-công, đâu lại qua tới đây?

Phùng-Ngọc nói:

— Tiểu-sinh muốn đến Đại-hám-sơn để hỏi thăm người thân thích, xin hỏi chủ-nhân đây đến Đại-hám-sơn đi đường nào. còn chừng bao nhiêu dặm đường nữa?

Điếm-chủ đáp:

— Cứ đi về hướng tây độ 30 dặm nữa đến Lục-khê, rồi rẽ về hướng Nam độ 30 dặm nữa đi đến Giáp-thạch, lại đi 30 dặm nữa thời đến Đại hám-sơn, cứ từ tiểu-điếm tôi ra đi độ hai ngày nữa thời đến nơi.

Phùng-Ngọc cả mừng, ngày hôm sau trở dậy cứ theo lời nói chủ-điếm trông về hướng tây mà đi, đi độ hai ba mươi dặm thời mặt trời dần dần nóng nực. Hoàng Hán quảy gánh hành-trang mồ-hôi ra nhễ-nhại, đi lên không được. Phùng-Ngọc cứ phải chờ đợi mãi lấy làm phiền lắm, ngảnh lại bảo hai người rằng:

— Hai chúng ngươi cứ đi thong thả để ta đi lên trước, xem chỗ nào mát mẻ ngồi đó đợi các ngươi nhé.

Hai người vâng lời. Phùng-Ngọc bèn quất roi ngựa theo thẳng đường cái lớn mà tế lên, đi qua mấy dặng chân núi, đến chỗ núi lóm vào thấy thò ra một cái đình, Phùng-Ngọc bèn xuống ngựa, vào ngồi trong đình ấy hóng mát để đợi hai tên đầy-tớ, ngồi mãi thấy mặt trời đã quá trưa, hai tên đầy-tớ mãi không thấy đến. Phùng-Ngọc nóng ruột, nói rằng:

— Bây giờ là bao giờ mà mãi chúng nó không thấy đến nơi, hay là chúng nó đi lầm đường chăng?

Phùng-Ngọc nói rồi bèn đứng dậy, chạy ra cái gò đàng sau đình trèo lên trên cao ngóng trông thời không thấy bóng người nào cả. Phùng-Ngọc bấy giờ mới hoảng-hốt bước xuống dưới gò nhẩy lên ngựa chạy vòng đảo lại đường cũ, vừa đi vừa chiêm-tả cố-hữu, đi chừng được độ bảy tám dặm đường, thấy một chỗ có con đường ngã ba, lúc trước đi qua không lưu-ý nhận, bấy giờ nhận kỹ ra, có con đường về phía bên tả so với con đường đi trước lại rộng-rãi dễ đi hơn, bụng bảo dạ rằng: « Dễ thường hai đứa nó đi ra đường này, ta thử chạy lên xem, » bèn tế ngựa chạy lên, đi độ một hồi, chợt thấy đàng trước đường có một người đội nón mặc áo tơi đi trước hình như Hoàng Thông, Phùng-Ngọc bèn vội vàng xuống ngựa trông xem thời quả là Hoàng Thông thật, trong bụng cả mừng mà rằng:

— À, hai đứa ra nó đi đàng này, phải chạy lên gọi nó trở lại, nếu ta cứ ngồi ngây ở đình, thời đêm hôm nay hai đàng lạc nhau còn biết đâu mà tìm.

Phùng-Ngọc vừa nghĩ như thế, vừa tế ngựa chạy, chợt nghe trong rừng rúc lên một tiếng còi nhẩy ra đến hàng trăm tên lâu-la, trăng hàng chữ nhất, một tên cưỡi ngựa đứng đầu thét lên rằng:

— Tên nào chạy ngựa kia, phải xuống ngay lập-tức, để ngựa lại đó.

Nói rồi liền vác đao xông lại toan chém. Phùng-Ngọc cả kinh vội vàng rút gươm ra đỡ, giao-chiến đến vài mươi hợp. Phùng-Ngọc bấy giờ tinh-thần phấn-chấn, múa gươm chém tên giặc ra làm hai đoạn, những tên tiểu-lâu-la sợ chay tan mất cả.

Thực là:

Bóng tà giục khách chân dồn bước,
Đường hẻm săn người giặc những toan.

Phùng-Ngọc dẫu thắng được một trận, nhưng trong bụng hoang-mang không kịp đoái tìm đến hai tên đầy tớ nữa, lại vội vàng quay đầu ngựa chạy, chạy độ năm sáu dặm, chợt nghe một tiếng súng nổ, còi trống vang lừng, có một đám quân chợt đâu đâm ngang ra, viên tướng đi đầu thời mặt đỏ như phún huyết, mắt tròn như nấm chiêng, tay cầm tràng-đao, tế ngựa xông ra, tiếng to như sấm, thét lên rằng:

— Tên nào đi kia phải để ngựa lại đó ngay lập-tức!

Phùng-Ngọc chạy không kịp, phải rút gươm ra nghênh-địch đánh nhau hơn 20 hợp, trong bụng đã thấy đói mà người đã hoảng hốt, khí-lực không được phấn-chấn, bèn quay ngựa chạy lạc-lõng. Tướng giặc thét lớn lên đuổi theo, Phùng-Ngọc đang lúc hoang-mang lại nghe thấy tiếng súng nổ, thời trông thấy một tướng thiếu-niên đầu đội mũ kim-khôi, mình mặc áo ngân-khải, tay cầm kích phương-thiên, đem một cánh quân tự mặt trong núi xông ra, thét to lên rằng:

— Mày có bay lên trời, cứ xông vào đây mà chơi!

Nói rồi, liền cầm kích nhằm đâm một nhát, Phùng-Ngọc vội vàng gạt ra, đánh nhau độ vài hợp thời tên tướng ở mặt sau đã đuổi theo lên gần kịp chực xông lại đánh. Phùng Ngọc đối địch không nổi, trong bụng kinh hãi nghĩ rằng: « Thôi ta chết ở đây rồi!» chợt đâu con ngựa của tướng ấy cưỡi sa-tiền vấp ngã. Phùng-Ngọc thừa được lúc ấy chạy rẽ ngang nhẩy vót ra ngoài vòng, chạy trốn, quân giặc đuổi theo kíp, trời đã gần tối, liệu rằng chạy cũng không thoát được, trông đàng trước có một cái núi đất bèn tế ngựa chạy lên, thấy trên núi có một cái miếu thờ thần, ngoài cửa miếu có một cái lô-hương bằng đá, đầy một lô-hương nước trong, Phùng-Ngọc bấy giờ cấp-bách, trí-khôn nghĩ ngay ra nhớ đến lời Thạch-thiền-sư dặn, nghĩ đến câu thần chú đã hiển-hiện thần-linh ở thôn Mai-hoa, có lẽ nào ở đây lại không được thần hiệu, nghĩ vậy bèn nhẩy xuống ngựa cầm lưỡi gươm soi lên trên mặt nước lô hương cứ theo lời thần-chú mười bốn chữ niệm một hồi. rồi đặt lưỡi gươm lên trên mặt lô: tay dắt ngựa đến trước cửa miếu buộc lại rồi vào trong miếu để nghe tin tức.

Nói về tướng thiếu-niên đuổi theo đến nơi sai quân-sĩ vây kín cả núi Thổ-sơn, truyền lịnh chư-quân kéo tràn lên núi mà bắt, quân-sĩ reo ầm lên một tiếng đua nhau nhẩy lên núi. Chợt thấy trên núi sóng gió ầm ầm, người không lên được, chư-tướng ngơ ngác bảo nhau rằng:

— Đàng sau núi này có nước đâu, sao mà hốt-nhiên sinh ra nước lớn?

Tướng thiếu-niên chạy gần đến xem một hồi, bụng nghĩ thầm rằng: « Hay là cái người này có phép-thuật gì chăng? ». Bèn phân-phó chư-tướng mà rằng:

— Các ngươi phải cố vây cho kín, để đợi sáng mai sẽ hay.

Quân-sĩ theo lệnh vây xung-quanh núi kín mít.

Nói về tướng thiếu-niên sai quân vây Phùng Ngọc đó nguyên là chúa Mán ở núi Thiên-mã đất La-Bàng tên là Mai Anh, chính là đầu đảng giặc Ngũ-hoa có tiếng. Chẳng hay tên tì-tướng của Lý công-chúa ở núi Quế-lĩnh, trước kia đi hỏi thăm làm sao không được thực. để khiến cho Phùng-Ngọc đi tìm đến chốn này, khác nào đưa thịt đến miệng hùm, tài nào không bị khốn. Nguyên đất La-bàng này thiên-lý mênh-mông, vạn-sơn trùng-điệp xưa kia tướng quân Trần Lân thường bảo rằng: nếu đến chỗ này thời người không dám lìa giáp, ngựa không dám hạ yên. Người Mán Mèo cũng có câu phong-dao rằng: « Bên quan có hàng vạn quân, bên ta có hàng vạn núi, quan-quân lại thời ta đi, quan-quân đi thì ta tới. » Người Mán Mèo lại khỏe mạnh nhanh nhẹn, trèo núi qua đồi nhanh như con vượn, hễ khi ra chiến-trận, thời lưng đeo ba mũi đoản-đao, cầm nỏ cứng, mộc gỗ, lại cầm mỗi người một cây tre, hễ lúc sang đò, thời ghép tre lại làm bè để sang, đánh đâu cũng không ai địch nổi; lại khéo nấp phục-binh, quan-quân kéo đến thời đều lui về giữ trại. sai binh vòng ra đàng sau quan-quân, hễ quan-quân lui ra, thời ở hang núi Cửu-tinh, rúc còi làm hiệu hay là đánh trống đá rầm lên để hiệu-triệu quân-chúng đuổi theo quan-quân. hễ quan-quân qua đến chỗ phục-binh, quân phục binh nổi lên đánh thời trước sau đều kéo lại giáp-công, vì thế quan-quân thường phải bị thua, vậy người Mán Mèo lại có câu ca-dao rằng:

Thùng thùng trống đà nổi lên,
Quan-quân muôn vạn mắc liền tay ta.
Tiếng còi nổi hiệu lâu-la,
Quân ta muôn vạn xông ra đánh liền.

Lại thường gọi núi Cẩm-thạch là một vị tướng-quân, hễ khi nào ra chiến-trận thì đứng ở bên bờ sông gọi to lên, hễ nghe tiếng ứng lại thời cát; nếu không nghe tiếng ứng lại thời hung, có nhiều điều quái lạ như thế, cho nên người Mán Mèo hùng-cường chiếm giữ các nơi hiểm-yếu lập ra hơn tám mươi trại, chủ trại Thiên-mã là Mai Anh mới 18 tuổi, mà dũng-mạnh phi-thường, muôn người khôn-địch, cho nên người Mán qui-phục đều tôn làm Đà-vương. Lại có một người chị gái tên là Mai Ánh-Tuyết hơn Mai Anh một tuổi, không những là sinh ra có vẻ chầm-ngư lạc-nhạn, bế-nguyệt tu-hoa, mà lại có tài sử một cây thiên-phương họa-kích nhanh nhẹn như thần-xuất quỉ-một, không biết đâu mà lường. Lại luyện được một pháp-thuật kinh-nhân. hay ném đậu ra làm đạn súng bắn trước ngực đeo một túi gấm đựng ba bốn thưng hột đậu vàng, lúc giao-chiến thường hay giả cách thua chạy, nếu ai đuổi theo thời thò tay vào túi lấy đậu ra nắm bốc ở tay rồi xoay mình lại nhằm vào người mà ném, tiếng nổ ra như hàng trăm viên đạn nổ vào trên mặt người ta, sưng thũng ngay lên lập tức, chỉ có dùng nước rỉ sắt bôi thì khỏi, nếu không biết phép giải-cứu thời trăm người tin phải chết cả trăm, có mưu hiểm-độc như thế cho nên quan-quân trông thấy phải tránh cho xa; dân sự nghe thấy tên ba chữ: «Ngũ-hoa-tặc» thời kinh sợ hồn vía lên mây.

Nói về nàng Mai tiểu-thư đương ngồi ở trong trại mãi không thấy em trở về, bỗng thấy tên tiểu-hiệu trở về bẩm rằng:

— Bẩm tiểu-thư, đêm hôm trước có tên đầu-mục ở trên điếm Nam-giang sai người về báo tin rằng: Có một người khách cưỡi một con ngựa thiên-lý, đem theo hai tên đầy-tớ hầu. Hỏi thăm đường vào núi Đại-hám, biết rằng y hẳn qua tới sơn-trại, cho nên không giết, xin chủ trại cho người ra đón đường mà bắt lấy, vì thế chủ trại sai chủ đỗng núi Vân-lãm là Thạch Thung-Cữu đem binh ra phục ở cửa núi để đón bắt. Lại sai tên tiểu-đầu-mục ra cửa rừng đàng trước mặt đón đường, có bắt được hai tên đầy-tớ, đến khi người cưỡi ngựa ấy chạy lại thời hắn hăng lắm không bắt được, giết mất tên tiểu-đầu-mục của trại ta, vì thế chủ trại cả giận, thân đem binh ra đuổi đánh, người cưỡi ngựa ấy phải Thạch tướng-quân đánh thua, chạy tạt lên núi, nên chủ trại tôi hiện đương vây ở trên núi, không ngờ người cưỡi ngựa ấy lại có pháp-thuật, tự-nhiên bình-địa làm nổi cơn phong-ba, người cưỡi ngựa ấy cứ ở trên đỉnh núi đất không ai lên được, nên chủ trại truyền quân-sĩ bổ vây kín, đợi đến sáng mai sẽ hay.

Mai tiểu-thư vội vàng hỏi rằng:

— Thế thời hai tên đầy tớ bắt được bây giờ ở đâu?

Tiểu Hiệu thưa:

— Bẩm hiện trói ở đàng gốc cây kia.

Mai tiểu-thư nói:

— Mày ra điệu nó vào đây để ta hỏi.

Tiểu-Hiệu vội vàng ra đi, trói điệu hai tên đầy tớ là Thông, Hán lại hầu, bắt quì ở trước mặt tiểu-thư. Mai tiểu-Thư hỏi:

— Hai tên kia tên họ là chi? người ở đâu mà đến núi Đại-hám này làm gì, người cưỡi ngựa đó mày gọi là gì? mày phải nói cho minh-bạch ta sẽ tha cho mày trở về.

Khi bấy giờ Hoàng Thông sợ thất-đảm hình như phải điệu ra pháp-trường để chịu chém, nói không ra hơi. Chỉ Hoàng Hán là còn có can-đảm, rỏ nước mắt mà thưa rằng:

— Chúng con là người Trình-hương họ Hoàng, tháng ba năm ngoái chúng tôi cùng với thày tôi là Hoàng Phùng-Ngọc vâng mệnh ông cụ tôi cho đi đến Tùng-hóa để thăm cô, không ngờ bà cô lại di-cư đến núi Đại-hám này, nên chúng tôi theo thày tôi đi đến. người cưỡi ngựa đó chính là thày chúng tôi, cúi xin chủ-trại tha cho tính-mệnh ba thầy tớ chúng tôi, chúng tôi đội ơn muôn vàn!

Mai tiểu-thư nghe nói thét lên mà rằng:

— À những tên này ở trước mặt tao còn dám nói dối à!

Hoàng Hán liền lạy rập đầu mà rằng:

— Chúng con quả là thật thà, trước mặt người khác chúng con cũng không dám nói dối huống chi là ở trước mặt chủ trại đây, chúng con đâu lại dám nói càn.

Tiểu-thư nói:

— Mày nói tự tháng ba năm ngoái ở Trình-hương ra đi, đến đây độ bao nhiêu đường đất mà phải đi đến một hai năm mới tới. thế chẳng phải nói dối là gì?

Hoàng Hán bèn thuật chuyện lại từ khi ở Mai-hoa thôn cứu Trương tiểu-thư ra làm sao, thế nào mà Trương thái-công gả con gái cho Phùng-Ngọc, cùng là khi đến núi Gia-quế gặp Lý công-chúa ra làm sao, Lý công-chúa ép duyên Phùng-Ngọc làm sao, đều thuật lại kỹ càng cả. Mai tiểu-thư nghe nói cả mừng, liền sai tiểu-hiệu mau mau cởi trói cho Hoàng quản-gia, rồi ngoảnh trông vào Hoàng Hán cười khanh-khách mà rằng:

— Chú không việc chi mà sợ. đã có ta bảo-hộ cho không việc chi.

Nói rồi, liền ngoảnh lại bảo Tiểu-Hiệu rằng:

— Mau mau đi lấy cơm rượu để khoản đãi hai chú quản-gia cho khỏi kinh sợ nhọc mệt.

Mai tiểu-thư nói rồi liền đi vào trong trại, sắm sửa chỉnh-tề, lên ngựa ra đi, đem Thông, Hán hai người cùng theo xuống núi, tiến vào trong quân-trướng cùng em là Mai Anh thi lễ cùng ngồi, vừa toan nói chuyện, thời Tiểu-Hiệu vào báo có quân-sư lai-đáo. Hai chị em vội vàng ra ngoài cửa trại nghênh-tiếp. Lạ thay tướng-mạo quân-sư! dài không đầy ba thước, lớn có đến và vầng, trông xa tròn như quả dưa gang, đến gần ngó như cái đẫy vải, xồm-xoàm mọc bộ râu xoăn, hình như cụ Tô-Nhiêm râu quai nón; chằng-chịt nổi văn quỉ quái, ngờ như chàng Khắc-Dụng dạ hiểm sâu; không phải ở Ngọa-long-cương, mà tay cầm vũ-phiến, không phải giúp Lưu Huyền-Đức, mà đầu đội luân-cân. Nguyên là họ Gia-Cát tên là Đồng người châu Đà-bắc ở về ngọn sông Lô-giang nước Việt. Đương lúc đời Tam-quốc nhà Hán, Nam-man Mạnh Hoạch nổi loạn, Gia-Cát Võ Hương-hầu phụng chiếu sang đánh phương nam, người nam cảm ân đức nhiều, thường gọi là Cha-cha, dựng sinh-từ để thờ, về đời sau nhiều người đổi theo họ Gia-Cát. Gia-Cát Đồng sinh ra dáng người cổ-quái, lại lắm cơ-mưu; lúc còn ở trong núi đọc sách, gặp được người dị-nhân truyền bảo cho phép thuật-số kỳ-dị. Mai Anh đón làm quân-sư, mấy phen đánh phá quan-quân đều là mưu-lược quân-sư cả. Đêm hôm nay xuống núi chơi, vừa vào cùng với chị em Mai Anh thi-lễ cùng ngồi. Mai Anh nói:

— Bẩm quân-sư người xuống đây hôm nay vừa hay, chẳng hay ở ngoài kia có một người ở đâu chạy lại, phải quân tôi đuổi đánh, chạy lên đỉnh núi đất, không biết hắn dùng phép-thuật gì mà làm nổi nước lớn lên, rồi hắn cứ ở trên núi, nã bắt mãi không được. Dám nhờ quân-sư ra tay pháp-lực phá tan phép nó đi, để tôi bắt lấy nó báo thù cho tên Tiểu-đầu-mục.

Quân-sư nói:

— Bất-tài chính là vì việc đó mà lại đây, vừa rồi tôi độn xem một quẻ, thời xem ra lang-quân ấy có duyên với tiểu-thư, không nên giết hại.

Mai Anh nói:

— Nếu không bắt được mà giữ lại, thời chỉ sợ hắn dùng phép thuật khác mà trốn đi mất thì làm sao?

Quân-sư nói:

— Hắn nếu có phép độn thời trốn đi từ bao giờ rồi.

Mai Anh nói:

— Xem như tài-mạo với niên-kỷ hắn thực là tốt đôi với tiểu-thư tôi, song phải làm thế nào phá tan phép của hắn đi thời mới mời ra nói chuyện được.

Quân-sư lặng nghĩ một hồi rồi hỏi rằng:

— Y có người nào đi theo hầu không?

Mai Anh nói:

— Buổi sớm ngày có bắt được hai tên đầy tớ.

Quân-sư nói:

— Hai tên đầy tớ bây giờ ở đâu?

Mai tiểu-thư nói:

— Tôi có đem theo nó lại ở đây.

Quân-sư liền bảo tả hữu đem hai tên đầy tớ vào hầu, hỏi rằng:

— Mày tên họ là gì? chủ mày tên họ là gì mà là người ở đâu?

Hoàng Hán thưa:

— Bẩm quân-sư, thày chúng con họ là Hoàng tên là Phùng-Ngọc người ở Trình-hương. Chúng con họ là Hoàng tên là Hán.

Quân-sư nói:

— Ta muốn tha cho mày để đến tương-kiến với thày mày, mày có chịu đi không?

Hoàng Hán nói:

— Nếu nhờ lượng quân-sư tha chúng tôi cho đến tương-kiến với thày tôi, tôi sao lại không dám đi.

— Song chủ mày còn dùng phép để ngăn giữ, mày vào yết-kiến y sao được?

— Bẩm quân-sư, phép của thày tôi, người ở ngoài trông vào mặt trong thời không thấy gì cả; song ở trong trông ra thời thấy cả mặt ngoài; quân-sư nếu tha tôi ra cho tôi đến dưới chân núi, thời thày tôi trông thấy tôi, tất là thu hết phép lại.

Quân-sư cả mừng mà rằng:

— Nếu được như thế, ta sẽ có một việc để bàn định với ngươi.

Nói rồi liền trỏ vào Mai tiểu-thư mà rằng:

— Vị tiểu-thư này, năm nay mới 19 tuổi, nhan-sắc thời ngươi đã coi thấy đó, lại còn có tài võ-nghệ không ai bằng, tất cả hàng nghìn, hàng vạn kẻ anh-hùng ở La-bàng này, đều phải chịu thua y cả, không có ai là đáng sánh đôi được. Mới rồi ta có độn xem một quẻ, thời hợp sánh đôi với chủ nhà ngươi vậy ta nhờ ngươi làm mối, nếu ngươi nói sao cho chủ ngươi nghe theo lời kết-thân này, thời không những là khỏi cái nạn táng-thân, mà lại được phú-quí không biết đến đâu nữa.

Hoàng Hán cúi đầu mà rằng:

— Chúng con xin đi nói được.

Đợi đến khi trời sáng rõ, Mai Anh sai tả hữu dẫn Hán, Thông hai người đến dưới núi xem, thời thấy lưng chừng núi như là ba-đào hùng-dũng, bích-lập như thành, Hoàng Hán trông lên chỗ sóng nước khóc oà lên. Khi ấy Phùng-Ngọc đang ngồi ở trong miếu ngẫm nghĩ, thấy quân đuổi theo không trèo lên được, biết rằng phép mình đã linh-nghiệm, song đã phải xông-đột đến nửa ngày mà lại không được ăn, thân-thể mỏi mệt quá, bèn lấy viên đá làm gối gối đầu, cả gan nằm liều ra đó ngủ đi một giấc, lúc tỉnh dậy mới nghĩ rằng: lũ chúng nó dẫu không trèo lên đây được, nhưng ta làm thế nào mà trốn đi cho thoát? Đương lúc nghĩ ngợi chợt nghe tiếng khóc, lắng tai nghe kỹ thời rõ như tiếng Hoàng Hán, bèn đứng dậy trèo lên góc núi trông xem thời quả là hai tên đầy tớ, mới cúi đầu nghĩ rằng cứ dùng phép này thời không bao giờ xong, gì bằng hãy thu phép lại, gọi hai chúng nó lên bàn tính rồi sẽ liệu. Phùng-Ngọc nghĩ vậy bèn thu phép lại, Hoàng Hán đương ở dưới núi khóc-lóc, thời chợt thấy gió lặng sóng yên, hiện ra một toà thổ-sơn, ngửa mặt lên trông thời quả thấy thày mình đứng ở trên đỉnh núi, hai người cả mừng liền chạy xồng-xộc lên núi ôm lấy Phùng-Ngọc khóc ầm lên, Phùng-Ngọc cũng khóc một hồi, rồi đỡ hai tên đầy tớ dậy mà rằng:

— Nay sự-thế đã lỡ đến thế này, dẫu khóc cũng vô ích song ta hỏi hai ngươi bị nó bắt từ bao giờ?

Hoàng Hán bèn thuật lại một hồi.

Phùng Ngọc nói:

— Sao nó lại tha cho mày để đến tương-kiến với ta?

Hoàng Hán lại đem lời quân-sư nói thuật lại đầu đuôi và bảo rằng:

— Nay đã mắc vào trong vòng họ, dẫu chắp cánh cũng khôn bay, tôi thiết nghĩ toàn lấy tính-mệnh là hơn, chẳng gì bằng hãy theo lời họ.

Phùng-Ngọc vùng lên cả giận mà rằng:

— Phùng-Ngọc này là con nhà danh-giá, dân nước Tổ-Việt, chết thì chết chớ lại đi theo giặc à! Hai chúng bay sợ chết thời mau mau xuống núi mà theo giặc, Phùng-Ngọc này đành chết ở đây đây!

Nói rồi liền rút gươm lên ngựa, muốn xông thẳng xuống núi, Hoàng Hán liều mình ôm giữ lại khóc lóc kêu van mà rằng:

— Hai chúng tôi nhờ Thái-công cùng Tướng-công coi thân như xương thịt. Tướng-công đã không muốn sống, Hoàng Hán này còn tiếc gì một chết! Song tôi thường nghe Tướng công nói chết cũng có lúc trọng như núi Thái cũng có lúc khinh như lông hồng. Tướng-công sao nỡ khinh thân chết như thế vậy.

Phùng-Ngọc nói:

— Thân ta như ngọc bích trắng, ta giữ cho trọn vẹn, không chịu để cho quân giặc nó làm dơ, nào có phải là khinh-sinh mà liều chết.

Hoàng Hán nói:

— Tôi nghe: lúc thường thủ-kinh, lúc biến thời phải hành-quyền; Tướng-công lại quên lời nói của Thái-bà lúc tiễn-biệt rỏ nước mắt mà dặn bảo hay sao? Vả lại Trương. Lý hai nàng đã thác, thân nhờ Tướng-công, dẫu là con gái mà cũng biết lễ-nghĩa; Tướng-công sao lại mộ cái tiếng tiết-liệt một thời. mà nỡ coi thân như cỏ rác, tôi sợ hai nàng ấy không hóa ra đá vọng-phu, thời cũng liều như người đàn bà gieo mình sa xuống gác, Tướng-công sao nỡ để đến nỗi thế. Gì bằng ngày nay hãy cứ nhân kế người để lập kế ta, hãy cứ thuận theo lời, rồi xem có cơ-hội sẽ trốn đi, như thế thời mình không muốn liên-hôn với họ bỏ đi càng có danh; lại không chịu nhơ-nhuốc, trốn đi là hẳn được, đó chính là hành-quyền mà không trái kinh, Tướng-công sao không nghĩ đến thế?

Phùng-Ngọc nghe lời Hoàng Hán nói rõ hiểu thấu, lại thấy Hoàng Thông quị ở trước mặt kêu van khóc lóc bèn rỏ nước mắt mà rằng:

— Nhà ngươi nói cũng phải, song nó lấy oai cường-bạo hiếp ta mà ta phải cúi đầu quặp tai, vẫy đuôi van vỉ thời ta quyết không chịu được. Vả lại ta trước ở Mai-hoa-thôn có lấy ba việc giao ước; đến núi Quế-lĩnh cũng lấy ba việc chống cự, nay ta cũng lấy ba việc giao ước, nếu họ chịu theo thời ta mới nghe lời, nếu họ không chịu theo, ta thà rằng chết nát như bun lầy, chớ quyết không cùng sống với bọn giặc này vậy.

Hoàng Hán nói:

— Ba việc ấy là gì, xin Tướng-công nói cho biết? để tôi nói với hắn.

Phùng-Ngọc nói:

— Một là: ước hắn phải về hàng triều-đình thâu lương nộp thuế. Hai là: Lý-công-chúa đã thân-vinh nhất-phẩm mà cũng xin làm thứ hai ở dưới Trương-thị, hay hèn hắn cũng phải ở dưới hàng Lý-công-chúa. Ba là: hễ làm lễ thành-thân xong độ mười ngày hay nửa tháng, thời phải để cho ta về phụng-dưỡng cha mẹ, trong ba điều ấy nếu một điều không nghe thời quyết là chiến-tử.

Hoàng Hán nói:

— Thưa để cho tôi xin đi nói.

Hoàng Hán vội vàng trở vào trong trại ngồi quị xuống đất. Quân-sư hỏi:

— Ngươi đã về đấy à? Chủ nhà ngươi nói làm sao?

Hoàng Hán thưa:

— Bẩm thày chúng tôi nghe nói rất mừng song có ba việc này ước trước với quân-sư, xin quân-sư rộng lượng hải-hà nghe theo lời ước.

Mai-Anh hỏi:

— Ước ba điều chi hở bay?

Hoàng Hán nói:

— Một là xin Đại-vương về hàng triều-đình.

Mai Anh nghe nói chưa kịp trả lời, thời quân-sư gật đầu mà rằng:

— Việc đó là chính đáng lắm, nghe theo cũng là phải.

Hoàng Hán nói:

— Điều thứ hai là vì thày tôi trước đã cưới lấy Trương tiểu-thư, sau lại gặp Lý-công-chúa tự xin làm thứ hai ở dưới Trương tiểu-thư; nay muốn ước với tiểu-thư đây cũng khiêm nhường như Lý-công-chúa, chịu kém ở dưới bậc Lý-công-chúa.

Mai tiểu-thư nghe nói chưa kịp trả lời. quân-sư lại gật đầu liền mà rằng:

— Cái điều đó vẫn là lẽ tự-nhiên rồi....! Còn điều thứ ba là gì.

Hoàng Hán nói:

— Điều thứ ba là thày chúng tôi hẹn rằng: vì nhà có cha mẹ già đều bảy tám mươi tuổi cả, hễ sau khi thành-thân rồi độ mười ngày hay nửa tháng, ước với tiểu-thư phải để cho thày chúng tôi trở về nhà để phụng-dưỡng cha mẹ.

Mai tiểu-thư liền nói lên rằng:

— Việc ấy thời không thể nghe theo được.

Quân-sư liền vội vàng mà rằng:

— Đó chính là phận-sự người hiếu-tử, lẽ nào lại không nghe theo được. Ngươi cứ tới trình lại chủ ngươi rằng: ba điều ước ấy xin y theo cả.

Hoàng Hán cả mừng, lại trở ra bước đi như bay. Mai tiểu-thư nói:

— Thưa quân-sư. việc liên-hôn với tôi, không phải là lòng y sở nguyện, nếu cho y trở về, y không lại nữa, bấy giờ bên trời góc bể, bảo tôi đi đâu tìm cho thấy được y.

Quân-sư cả cười mà rằng:

— Chỉ sợ y không chịu liên-thân với tiểu-thư, nếu chịu liên-thân với tiểu-thư thời rước y vào trong trại ta, bấy giờ buông ra hay không buông ra là quyền ở tiểu-thư, y còn bay đi đâu nữa mà sợ.

Mai tiểu thư mới tỉnh-ngộ ra mà rằng:

— Ý-kiến quân-sư, người ta không biết đâu mà dò được.

Hai chị em Mai Anh và quân-sư ngồi trong trại đàm-luận với nhau để đợi tin.

Nói về Hoàng Hán chạy tế lên núi, nét mặt tươi cười mà rằng:

— Chúa Dao-man đều y ước cả, xin Tướng-công xuống núi để tương-kiến.

Phùng-ngọc nói:

— Tất phải bảo y triệt-binh đi, lấy lễ-nghĩa tiếp-kiến, thời ta mới chịu xuống.

Hoàng Hán lại phải xuống núi để nói Quân-sư bảo rằng:

— Phải lắm! phải lắm!

Liền truyền cho quân-sĩ triệt lui về trại. Mai tiểu-thư tự lui về trước. Mai Anh đổi mặc lễ-phục đem chư-tướng đến dưới núi đi bộ mà lên. Hoàng Hán chạy lên báo, Phùng-Ngọc ra đón mà rằng:

— Tôi giao ước có ba điều, mà đại-vương đã hứa thuận theo cả, thời xin đại-vương giữ theo vàng đá một lời.

Mai Anh nói:

— Tôi đang muốn tỏ nghĩa lớn ra với thiên-hạ có lẽ nào lại không thực-ngôn

Quân tả hữu hiến trà xong, rồi mời Phùng-Ngọc về tiền-trại, bày yến khoản đãi, trần-thiết cực-kỳ hoa-mĩ. Ngày hôm sau, Mai Anh ở đàng sau trại dùng toàn những cành hoa thơm kết thành một cái nhà, gọi là hoa-liêu chọn ngày tốt đem phường-nhạc đón rước Phùng-Ngọc và Mai tiểu-thư vào ở trong nhà ấy gọi là lễ « nhập-liêu ». Phùng-Ngọc vào ở trong hoa-liêu thấy vài mươi tên Thị-nữ đều mặc quần thâm, bên quần đều lấy phấn trắng vẽ thành hoa cỏ và văn thủy-ba, tóc vẽ ra làm mấy món, kết thành trái đào hai bên, chùm một cái khăn gấm, áo mặc hoặc xanh hoặc đỏ, đều thêu hoa ngũ-sắc, cổ đeo vòng nhạc và chuỗi ngân-tiền tiếng nói líu-lo, không hiểu rõ là gì, chỉ có Mai tiểu-thư trang-sức giống như người Hán, tiếng nói rõ ràng Phùng Ngọc trông thấy thế có ý buồn bã, miễn-cưỡng cùng tiểu-thư uống và chén rượu. rồi thoái thác chối từ không uống nữa. Mai tiểu-thư liếc mắt nhìn Phùng-Ngọc thời thấy nhan sắc đẹp như châu ngọc, lấy làm mừng lắm. Song thấy y buồn bã không chịu uống rượu, bèn gọi Thị-nữ cổi bớt đồ trang-sức cho mình, rồi bảo lui cả ra, chỉ một mình mặc một cái áo lụa mỏng mùi vàng nhợt, cổ áo thêu gấm hoa tự mình pha lấy một chén nước chè lấy khăn hoa gạt bỏ những bọt nước ở trên miệng chén, làm ra bộ yêu-kiều, thì-mị, mỉm cười đưa đến trước mặt Phùng-Ngọc mà rằng:

— Thiếp dẫu con gái Mán Mèo, song cũng hơi biết lễ-nghĩa, không dám để điếm-nhục lang-quân, xin lang quân khoan-tâm, những điều hẹn ước thiếp xin tùng-mệnh cả.

Phùng-Ngọc nói:

— Nếu được tiểu-thư nói ra mà không ăn lời, thời tôi còn cầu gì nữa.

Mai tiểu-thư trang-tác làm ra bộ yêu-kiều, một tay vịn lên vai bên hữu Phùng-Ngọc, một tay cầm chén nước, sẽ nâng đưa đến miệng Phùng-Ngọc mà rằng:

— Lang-quân ơi! lang-quân mà tin được lòng thiếp, thời thiếp mới đành lòng.

Phùng-Ngọc thấy nàng phong-lưu tiêu-sái, nói năng vui vẻ, nên cũng nguôi bớt cơn sầu, cầm lấy chén nước mà uống. Trai anh-húng gái thuyền-quyên, phỉ nguyền sánh phụng đẹp duyên cưỡi rồng...

Từ đó Mai tiểu-thư thừa thuận trăm chiều, phùng-nghênh hết ý, chỉ muốn cho Phùng-Ngọc vui-vẻ tươi-cười. Song Phùng-Ngọc lúc nào cũng nhớ đến cha đến mẹ thương đến Trương, Lý hai nàng, thấy Mai tiểu-thư càng thân nhiệt bao nhiêu thời trong bụng lại càng buồn-bã bấy nhiêu. Một hôm ruột đau như cắt, bèn cầm bút tả một khúc hát Cam-châu để thư lòng oán hận, hát rằng:

I

Lãng-du thấm thoắt bấy chầy,
Bên lòng luống những đắng cay thêm càng.
Ngờ đâu gặp bọn cường-lương,
Trêu ngươi thêm não can-trường lắm thay!
Cố-hương mờ mịt mây bay.
Xa trông khuất nẻo biết ngày nào nguôi?
Hồn quê đòi đoạn bồi hồi,
Ngày đêm vơ vẩn như người chiêm bao
Trông theo nào thấy đâu nào...

II

Cất ngọn bút giằn lòng an ủi.
Nhớ song-thân lại tủi phận mình.
Vì mình trôi giạt linh-đinh
Để thương để nhớ xót tình song-thân.
Thơ muốn tả thêm phần phiền-não,
Ruột như bào khôn thảo nên chương.
Hồn mơ mấy độ vẩn vương
Biết đâu là chốn cố-hương mà về.
Bâng khuâng như dại như mê...

Phùng-Ngọc viết xong rồi, ngâm đọc một lượt. không ngờ khóc oà lên. Mai tiểu-thư nguyên không biết chữ, chỉ thấy Phùng-Ngọc hễ viết ra một bài, thời lại ngẫm nghĩ mà khóc lóc, song không biết viết thơ từ nói ý-tứ gì, chỉ đến gần kiếm lời khuyên giải thiết tha khuyên giải không được cũng ngồi cạnh khóc sùi sụt.

Một đêm kia, đương lúc tình chung chăn gối, càng nồng tấm yêu. Mai tiểu-thư hai tay nâng đỡ ghé bên tai Phùng-Ngọc sẽ hỏi rằng:

— Lang quân ơi, lang-quân sao cứ hay khóc lóc cả ngày, chẳng hay là thương khóc ai vậy? vợ chồng với nhau có điều gì lại không nói với nhau được? sao không bảo thực cho thiếp hay, hoặc giả thiếp có phương giải muộn cho lang-quân được chẳng?

Phùng-Ngọc chỉ nói là nhớ cha mẹ ở nhà, muốn mong nàng buông tha ra để cho mình được xuống núi về thăm cha mẹ. Mai tiểu-thư hỏi gặng lại rằng:

— Chừng còn nhớ ai nữa chớ chẳng không?

Phùng-Ngọc nói:

— Quả thị có nhớ Lý công-chúa, nguyên tôi có hẹn với nàng rằng hễ đến núi Đại hám thời tôi lại lập tức trở về sơn-trại để nàng viết thư giao cho tôi đưa mời Trương-thị; nay đã mấy tháng rồi, mà hiền-thê cứ giữ tôi mãi không buông tha ra, như thế thời ai không nát ruột!

Nói rồi, đôi hàng nước mắt chảy ra ròng ròng, ướt cả sang má Mai tiểu-thư. Tiểu-thư nghe nói tự giận thầm rằng: Ta vẫn biết ý hắn còn quyến-luyến con yêu-tì này, nay rõ không sai Giận thay con yêu tì này làm cho Hoàng-lang mắc-míu, ta phải tìm kế mà trừ hắn đi, thời mới hay khiến Hoàng lang đành lòng chịu chết lưu ở với ta mãi được. Trong bụng nghĩ như vậy song ngoài mặt vẫn thuận chiều Phùng-Ngọc mà rằng:

— Thiếp không phải dám khổ-lưu lang-quân đâu, nguyên tục trong Mán tôi hễ vợ chồng vào hoa-liêu, phải đủ nghìn ngày mới được ra; nếu không đủ nghìn ngày thời vợ chồng không được tốt lành. Thiếp đã thác thân với lang-quân, cũng muốn bách-niên giai-lão, lẽ nào vì chút việc không cần mà làm hại một đời của thiếp? xin lang quân hãy khoan tâm đợi cho đến mãn kỳ, thiếp sẽ sai người đưa lang-quân đến núi Gia-quế ngay lập tức.

Tình-chung âu-yếm, đêm ngắn tình giài. Câu chuyện ái-tình khôn kể xiết được. Sớm hôm sau trở dậy. Mai tiểu-thư bước ra tiền-trại sai người mời quân-sư Gia-Cát Đồng đến thương-nghị, muốn dùng mưu kế hiểm độc để khiến cho Lý công-chúa ngọc tan từng mảnh, lại làm cho Hoàng Phùng-Ngọc kinh rẽ đôi nơi.

Thực là

Chồng chung chửa dễ ai nhường nhịn!
Ghen ngược khen thay cũng lạ đời.