Lĩnh Nam dật sử/Tiền biên/Hồi thứ II

HỒI THỨ II

Gặp người đẹp thăm hoa tới chốn
Nghe giặc tới hoá-phép trừ-hung.

Phùng-Ngọc từ khi vịnh thơ ở núi Trường-nhĩ trở về, thanh-danh lừng lẫy, nhiều người đến xin chữ viết suốt ngày, thấm-thoắt đã mấy năm trời, một hôm Tư-Trai gọi Phùng-Ngọc bảo rằng:

— Cô mày từ khi thiên-cư đến ở Tùng-hoá thường có thư-tín gửi về, mười năm nay không có tin-tức gì cả, không biết tình cảnh ra làm sao, nghe có hai thằng con hư lắm, cô mày thường uất lên vì con, ta muốn cho mày đi thăm cô xem để khỏi lòng ta áy náy, ý mày nghĩ sao?

Phùng-Ngọc thưa:

— Cha đã dạy, con xin đi; con nghe gần đó có núi La-phù là nơi cổ-tích tự đời nhà Đường, có 432 ngọn núi hơn 980 suối nước bộc-bố, ở trong có nhà Ngọc-quỳnh, đài Ngọc-dao, bếp luyện-đan lò nấu-thuốc, thắng-cảnh rất nhiều, con muốn qua chơi một lần để cho thỏa chí. cha nghĩ có nên cho con đi tới nơi ngoạn-cảnh chăng?

Tư-Trai nói:

— Đi chơi ngoạn-kỳ lãm-thắng, là về phần người cao nhân chí-sĩ, sao lại không nên. Chớ như con đầu còn xanh tuổi còn trẻ, sợ không quen những sự mạo-hiểm đăng-nguy được chăng?

Phùng Ngọc thưa:

— Xưa kia Lý Tồn-Húc mới 12 tuổi, mà đã theo cha đi đánh phá được Vương Hành-Du, hiến-tiệp về chốn kinh-đô; Khấu Bình-Đà mới lên tám tuổi, mà đã lên chơi núi Họa ngâm thơ, không sợ gì nguy-hiểm. Huống chi con nay đã 16 tuổi, dẫu không dám ví như Lý Tồn Húc trên trận xông-pha, Khấu Bình Đà lên cao ngâm-vịnh. song con đi cũng chẳng sợ gì, xin cha chớ ngại.

Tư-Trai nghe nói cả mừng mà rằng:

— À, con ta kiến-thức cũng khá, ta cũng chẳng cấm làm chi. Ngày mai là ngày hoàng-đạo, đi xuất hành cũng hay, ta cho Hoàng Thông với Hoàng Hán theo hầu con đi thăm cô-nương. qua chơi La-phù, rồi liệu mà trở về cho sớm.

Liền gọi hai tên người nhà là Hoàng Thông với Hoàng Hán đến mà dặn rằng:

— Ngày mai ta cho Phùng-Ngọc nó đi Tùng hóa thăm bà cô rồi tiện đường qua chơi núi La-phù, hai người nên sắp sửa hành-lý theo con ta đi, dọc đường hầu-hạ trông nom, phải cho cẩn-thận, khi về ta sẽ ban cho trọng thưởng.

Hai người vâng lời đi sắm sửa để chực theo hầu. Tư-Trai dắt Phùng-Ngọc vào nhà trong, sai bày rượu để tiễn con đi, lại dặn đi dặn lại những lúc đi đường phải cho cẩn-thận, rồi đi ngủ. Sớm hôm sau trở dậy cơm xong, Phùng-Ngọc bái-biệt xin khởi-trình ra đi. Tư-Trai cùng vợ là Sa-thị đưa ra cửa, Hoàng Hán gánh đồ hành-trang, Hoàng Thông dắt một con ngựa hồng đến để chực theo hầu. Sa-thị cầm tay Phùng-Ngọc mà rằng:

— Con đi liệu chóng-chóng trở về. đừng để mẹ già hôm mai dựa cửa trông đợi. Trong bao ta có gửi hai cái khăn tay bằng lụa dệt hoa gấm để làm quà cho cô-nương, con tỏ ý ân-cần với cô cho mẹ nhé.

Phùng-Ngọc thưa:

— Thưa mẹ, con đi lâu là ba tháng, chóng ra thời chỉ trong hai tháng là trở về, xin mẹ chớ buồn rầu, những lời mẹ dặn con xin ghi nhớ.

Nói đoạn bái-từ ra đi.

Vậy xin lục trong Tì-bà ký có hai bài ca-từ như sau này

1.— Điệu Giang-thủy-nhi:

Dưới gối con xa cách,
Trên thềm mẹ ngẩn ngơ.
Lúc đi may áo cho con mặc,
Mắt mờ mờ,
Dặm trường trông xa lắc.
Lạnh lùng thay!
Tựa cửa mong mỏi mắt,
Lòng mẹ sao cho đành được?
Xiết nỗi nhớ thương!
Tin nhàn mong đợi hỏi thăm sau trước.

2. — Điệu Viên-lâm-hảo:

Nay con đi,
Cha mẹ chớ phiền ngại nỗi chi.
Nay con đi.
Sẽ trở về tức thì.
Chỉ mong sao, song-thân khang-kiên,
Dưới thềm về lạy có khi,
Dưới thềm về lạy có khi.

Lúc ấy vừa độ trung-tuần tháng hai cỏ rợn mầu xanh, hoa phô sắc thắm, Phùng-Ngọc lên ngựa từ từ mà đi, được hai ba ngày đến cầu Trạng-nguyên, Hoàng-Hán hỏi rằng:

— Nay đến đây, công-tử muốn đi đường thủy hay là cứ theo đường bộ mà đi?

Phùng-Ngọc nói:

— Đi thuyền thời buồn lắm thôi cứ theo đường bộ mà đi.

Hoàng Hán nói:

— Nếu đi đường bộ thời chốc nữa phải sang đò, rồi tự đất Trường-sa lên Đường-hồ, qua núi Kỳ-lĩnh xuyên sang Hải-phong đến núi Dương-đề rồi tới Nga-phụ là gần hơn cả. Nếu đi đường Lam-quan thời khó đi mà xa lắm.

Phùng-Ngọc nghe nói cả mừng mà rằng:

— Ta muốn nhân thể ngoạn-cảnh núi Kỳ-đầu và núi Dương-đề, thôi cứ đường ấy mà đi là phải.

Từ đó sang đò qua sông rồi cứ theo đường qua đất Trường-sa tiến lên. Phùng-Ngọc ra đi nguyên không có sự gì cần-cấp, nên vừa đi dọc đường vừa ngoạn-cảnh, hễ gặp non sông cảnh lạ tức phóng-hoài đề vịnh, không biết bao nhiêu thơ từ mà kể, không mấy ngày đi đến núi Dương-đề, núi ấy cao vót như bình-phong ngăn cách huyện Hải-phong với huyện Qui thiện ra làm hai. Khi trước Việt-vương Đà có đào xuyên ở giữa đỉnh núi khai một cửa ải-quan, đóng quân ở đó canh giữ, gọi là cửa ải Dương-đề. Cứ từ chân núi về bên huyện Hải-phong lên đến trên đỉnh độ hai mươi dặm thời hãy còn bằng-phẳng. Còn từ chân núi về bên huyện Qui thiện lên đến trên đỉnh độ mười dặm thời hình núi bích-lập không thể đi thẳng lên được, ở đó đã có con đường chữ chi, đi vòng quanh mãi mới lên được, thực là một cái ải-quan hiểm-cố một người chống được muôn người. Phùng-Ngọc lên đến trên đỉnh núi, khoát-nhãn trông xem hồi lâu, tình-hoài sảng-khoái, bèn gọi Hoàng Thông đem bút lại, vạch rêu viết lên trên thạch-bích một bài thơ:

Núi ngất lưng trời tựa bậc thang,
Lên cao cao vót mấy mươi ngàn.
Ngờ như mặt giếng nhô lên khỏi,
Đọ với từng mây đứng xểnh xang.
Nguyệt chếch hùng-quan then khóa chặt,
Rêu phong cổ-thụ cửa chen ngang.
Cũng toan vạch đá đề thơ khắp,
Cho chú sơn-tinh sợ khiếp gan.

Phùng-Ngọc viết xong, lại đề lạc-khoản mấy chữ rằng: « Cổ mai Hoàng Quỳnh đề ». Đề xong rồi lại ngâm đi ngâm lại, hân-nhiên tự-đắc, bồi-hồi quanh-quẩn mãi ở đấy. Hoàng Hán giục bảo rằng:

— Xin cậu cho cất nghiên bút đi, rồi đi xuống chớ! Đây đến Nga-phụ còn 20 dặm đường nữa, mà nay sắc trời mù mịt, sợ sắp có mưa chăng!

Hoàng-Thông vội-vàng thu nhặt nghiên bút, dắt ngựa đi trước, Phùng-Ngọc mới trở gót đi xuống núi. Đi độ vài hôm chợt đến một chỗ, xem ra sườn đồi chân núi, bên suối cạnh khe, trồng toàn cây mai cả, không hở một chỗ nào, bấy giờ vừa độ thượng-tuần tháng ba, lá tươi rợp bóng, quả chín đầy cành đi rấn bước lên thời rợp trời toàn là bóng mai cổ-thụ; ở giữa có một dòng suối nước trong như lọc, đôi bên suối có độ vài mươi nóc nhà, rào trúc mái tranh, bóng mai lấp lánh, coi ra chiều phong-nhã lắm, đi qua khỏi dịp cầu đá sực thấy có một cái đình, ở giữa đình có hai bản thạch-bàn nhẵn bóng như ngọc. Phùng-Ngọc xuống ngựa ngồi nghỉ ở đó, trông lên trên đỉnh thấy có cái biển đề bốn chữ đại-tự: « Sư-Hùng mộng xứ 師 雄 夢 處» Phùng-Ngọc xem thấy rồi gật đầu mà rằng:

— À thế ra ở chỗ này...

Hoàng Thông hỏi:

— Chỗ này là thuộc về sở-tại nào vậy?

Phùng-Ngọc nói:

— Đây là thôn Mai-hoa, nguyên trước có người nữ đạo-nhân ở La-phù tên là Tố-Nguyệt, thường trồng đến hàng nghìn cây mai ở đây, cho nên gọi là Mai-hoa thôn; năm Khai-Hoàng đời nhà Tùy có ông Triệu Sư-Hùng đi chơi La-phù qua tới đây, gặp một người gái đẹp mặc áo trắng rất trang-nhã ra đón rước. Sư-Hùng hỏi truyện thời thấy nói năng thanh nhã, hương-khí thơm-tho, bèn cùng nhau đến tửu-lâu uống rượu, thời thấy có một tiểu-đồng mặc áo xanh vừa múa vừa hát đứng hầu. Sư-Hùng không ngờ rượu uống say quá, bèn cùng dắt mĩ nhân đi nằm sáng ngày tỉnh dậy, thời chỉ thấy một mình ngồi ở dưới gốc cây mai chim kêu véo von, bóng mặt trăng tà tà đã gần lặn mà thôi, chẳng thấy mĩ nhân với đồng tử nào cả. Sư-Hùng buồn bã trở về, người đời sau truyền làm vận-sự, nên mới đề biển bốn chữ như thế để làm di-tích. Ta thường xem La-phù chí, thôn Mai-hoa ở ngoài cửa La-thủy, nay đã đến thôn Mai hoa thời còn cách La-phù không xa mấy nữa.

Phùng-Ngọc nói rồi có ý cả mừng, bước ra ngoài đình, ngoạn xem phong-cảnh, chợt thấy bên phía bắc đình trong bóng cây xanh, thò ra một cành Thạch-lựu, thấp thoáng đôi ba cành lửa lựu lập loè đâm bông, đỏ đỏ hồng hồng, cảnh-trí thiên-nhiên rất là thú vị, Phùng-Ngọc cứ thuận bước bước lên, đương thử ngửa trông cành hoa lựu, chợt nghe tiếng vòng xuyến như có người thoảng qua. Phùng-Ngọc vội ngoảnh trông theo chưa rõ, sau theo ngắm kỹ ra, không ngờ mê tít người, hồn vía bay lên mây cả. Nguyên là một ả mĩ-nhân tuổi vừa đôi tám, đứng bên trong cầm cành tre nhỏ đương với lấy cành hoa, chợt thấy Phùng-Ngọc đến, vội-vàng bỏ cành tre, trở bước lui về. Phùng Ngọc giảo bước lên xem, thời thực là mày vẽ xuân-sơn, nhỡn quang thu-thủy, lưng như lưng dương-liễu mềm-mại chiều xuân, má như má đào-hoa hây-hây mầu đỏ, xem ra trang-trọng mà yêu-kiều, rõ thật phong lưu mà ôn-nhã; không ngờ người đâu của lạ, thật là nghiêng nước nghiêng thành, Phùng-Ngọc theo hút mãi ngóng xem, thời xa xa trông thấy mĩ-nhân vào một nhà ngoài cửa tường xây bằng vỏ mẫu-lệ. Phùng-Ngọc bấy giờ hình như mất của báu ngọc gì tiếc vơ tiếc vẩn, đứng ngẩn đứng ngơ, bùi ngùi mà than rằng:

— Tiên hay là người? thực hay là mộng? quái lạ thay!

Đương lúc ngơ ngẩn, chợt thấy trong nhà có một ông già bước ra, áo thâm khăn lượt, đạo-mạo xâm-nghiêm, bỏ quặt tay ra đàng sau lưng ngửa mặt lên trông trời. Phùng-Ngọc nghĩ ngay ra một mẹo liền xông tay áo bước tới trước mặt vái chào lão-ông mà nói rằng:

— Thưa lạy cụ, vãn-sinh chúng tôi ba thầy tớ, nhân đi chơi La phù đường qua quí-hạt, vì mải xem rừng mai không ngờ trời gần tối, sợ đi lên nữa không biết ngủ vào đâu, muốn ngủ nhờ quí-trang một đêm, sớm mai xin để tiền thù-báo lại, không biết trưởng-giả có dung cho không?

Lão-ông thấy Phùng Ngọc tuổi trẻ người đẹp, mà cử-chỉ phong lưu, ngôn-từ nhã-nhặn liền đáp lại rằng:

— Thảo-mao tệ sá, chỉ sợ hẹp hòi, công-tử nếu không nề-hà chi, tạm nghỉ lại đây thời xin vâng có ngại gì.

Phùng-Ngọc nghe lời liền vẫy gọi hai tên đầy-tớ đem đồ hành lý lại, lão-ông đón vào nhà thảo đường phân ngôi chủ khách mời ngồi, gọi tên tiểu-đồng ra pha chè. Phùng-Ngọc đứng dậy cúi mình vái tạ mà rằng:

— Vãn sinh hôm nay xuýt nữa cùng-đồ, may nhờ cụ dung-nạp, thực là cảm lòng ân-đức, song chưa được rõ lão-tiên-sinh quí-tính đại-danh là gì? xin cụ chỉ giáo cho biết.

Lão-ông đáp:

— Lão-phu họ Trương tên Hãn, hiệu là Thu-cốc. Dám hỏi quí-công-tử đại-danh là gì? Quê quán ở đâu mà nay nhàn đi chơi đâu, có việc gì?

Phùng-Ngọc thưa:

— Vãn sinh vốn người ở thôn Đào hoa. huyện Trình hương thuộc phủ Phong châu đất Lạc thành, họ Hoàng tên là Phùng Ngọc, năm nay 16 tuổi, từ khi nhỏ vốn theo học tập Thi Thư, tính ham ngoạn cổ, nghe đất La-phù là nơi sơn xuyên danh thắng, cảnh-trí rất nhiều, vẫn có chí muốn đi thưởng-ngoạn, song chưa được dịp nào. Nay nhân cha tôi sai tôi đi đến Tùng-hóa thăm cô tôi, vậy muốn tiện đường qua chơi luôn thể, nhân đi qua quí-hương thấy có cái đình đề biển sự-tích Sư-Hùng, biết quí-địa đây là nơi danh thắng, vì thế ham mê thưởng-ngoạn, thành ra chậm trễ cả hành trình, may nhờ cụ dung-nạp, khỏi đến nỗi cùng-đồ, ba thầy tớ chúng tôi thật là vạn-hạnh!

Trương-lão thấy Phùng-Ngọc thông-minh mẫn-đạt, trong bụng rất mừng liền vào nhà trong bảo làm cơm rượu để khoản-đãi. Vụt chốc tên tiểu-đồng ra bày tiệc. Trương-lão mời Phùng-Ngọc tới ngồi. Phùng-Ngọc hai ba lần khiêm-tốn không được, phải ngồi dự tiệc. Trương-lão ân-cần mời rượu, trong lúc uống rượu Trương-lão cùng Phùng-Ngọc đàm-luận, thời văn-thơ từ-phú, Phùng-Ngọc đều tinh-thông cả, hỏi một điều đáp lại mười điều, trôi trát như nước chẩy thao-thao bất-tuyệt, Trương lão càng lấy làm kính-phục. Phùng Ngọc chối từ rằng không kham được tửu-lực, song Trương lão cứ ân cần mời uống mãi không thôi. vậy có thơ rằng:

Người tài may gặp được ông hay,
Gặp được ông hay thỏa dạ này!
Đuốc ngắn đêm dài tình gặp gỡ,
Ân-cần chuốc chén nhớ đêm nay.

Bấy giờ gần đến canh hai, Trương-lão chợt thấy người coi trâu ngoài trại hô-hoán ầm lên, chạy vào nói:

— Nguy đến nơi rồi!!, ông mau mau chạy trốn đi không thì chết cả!

Trương-lão, Phùng-Ngọc đều vội-vàng đứng dậy hỏi rằng:

— Việc nguy cấp gì đó?

Người thủ-trại nói:

— Nay có quân giặc Hỏa-đái kéo đến bốn năm trăm quân vào cướp ở trại ngoài kia, nay đã sấn vào đến cửa trại thôn ta rồi!

Trương-lão nghe nói mặt xám xanh như gà cắt tiết, vội gọi đầy tớ đóng chặt cửa trại lại, rồi quay lại bảo Phùng-Ngọc rằng :

— Thôi, quí-công-tử cứ tự tiện lẻn đi, lão-phu còn phải vào đem tiện-nội và tiểu-nữ đi trốn, không dám bồi tiếp nữa.

Nói rồi, toan chạy vào nhà trong. Phùng-Ngọc lúc mới nghe ngẩn người ra không biết truyện gì rồi nghe thấy Trương-lão nói đến hai tiếng «tiểu-nữ» chợt nhớ đến lời Thạch Thiền-sư dặn, chạy lại nắm lấy tay Trương lão bảo rằng:

— Xin lão tiên-sinh đừng hoảng sợ, vãn-sinh đã có phép đuổi tan được giặc.

Trương-lão hắt tay ra nói:

— Phép với chẳng phép, quân cường-tặc nó đổ xô vào thời chết cả bây giờ, công-tử buông tay tôi ra, tính-mệnh tôi nguy đến thời làm sao!

Phùng-Ngọc cố giữ lại nói:

— Tính mệnh vãn-sinh này lại chẳng sợ hay sao, xin cụ cứ chấn tĩnh, tôi xin bảo-hộ cả nhà vô-sự.

Vừa nói vừa dắt Trương-lão lại ngồi ở ghế, liền gọi Hoàng Hán đem triệt bỏ cả bôi-bàn, lau bàn đi cho sạch, lại bảo tên tiểu-đồng hầu đó vào nhà trong lấy cái bát sạch múc một bát nước trong đem ra; lại gọi Hoàng Thông lấy đôi gươm ra, Phùng-Ngọc cầm lưỡi gươm đưa lên trên bát nước, y-pháp niệm thần-chú 14 chữ, niệm xong đem bát nước để trên bàn, dặn cả đồng-bộc không được om-xòm kinh-quái, cứ yên tĩnh mà nghe, rồi giặc tự phải lui Lại ngảnh lại nói với Trương-lão rằng:

— Tiên-sinh cứ lặng mà xem, không lầm lỡ chi mà sợ.

Trương-lão nói:

— Xin nhờ công-tử, xin nhờ...!

Trương-lão vừa nói vừa run, chửa rứt lời. tiếng reo đâu đã rầm-rầm, đuốc sáng rực trời. Phùng-Ngọc vội vàng nhảy lên bàn ngồi xếp bằng tròn cầm đôi thanh gươm. Bên ngoài thời nghe tiếng khóc dậy đất. Trương-lão bấy giờ trống ngực đánh thình thình. Tên tiểu-đồng nhà Trương-ông sẽ vẫy Hoàng Thông đến gần ghé tai nói:

— Chúng ta sẽ ngó xem bên ngoài ra làm sao đi

Hoàng Thông nói:

— Ngó chỗ nào mà trông thấy được?

Tiểu đồng nói:

— Để tôi đi lấy thang.

Nói rồi liền đi rón chân rón tay vào buồng lấy thang, rồi dựng lên tường mẫu lệ, hai đứa sẽ bước lên thang trông ra ngoài tường, thời thấy quân giặc vô vàn, nào là khăn đỏ quàng đầu giầy gai bịt gót, hầm-hầm như hổ rược lang-bôn nhao-nhao lên đông-xung tây-đột, đao múa bay sương, thây chết đầy khe nước, khói bùng bật lửa, gió táp sém rừng mai, nhà tranh vách sậy vụt chốc thiêu-hoá tro than gái đẹp trai lành chớp mắt biến ra hồn quốc. Đương lúc trông ra, thấy trước mặt dưới gốc cây mai có một người chạy ra hất-hơ hất-hải tìm đường chạy trốn, nhận kỹ ra thời giống như anh Lý Đại, đàng sau có một tên giặc trần mình đuổi theo, tay cầm thanh đao mã-tấu cực to, chạy đi như bay, qua đến cầu đá, người kia bị rễ mai vướng phải chân vấp ngã xuống đất vừa trở dậy toan chạy, thời bị tên giặc đuổi kịp chém một nhát đao, đứt đôi làm hai đoạn. Hai người ở trên đầu tường trông thấy sợ run lên, hàm răng đánh cằm cặp, chợt lại nghe thấy tiếng reo, hàng mấy trăm quân giặc đã kéo đến trước trại như đàn ong, hai người thất kinh, xuýt nữa sa chân ngã xuống thang, phải vịn nép vào tường không dám động đậy. Nhưng quái sao quân giặc xô xát đến trước đến cửa lại không xông vào được, hình như quân đèn-cù chỉ quanh ở ngoài cửa trại chực nhảy xông vào, rồi lại giật lùi ra đứng ngây ở bên ngoài; chúng lại reo ầm lên cố nhẩy xông vào đua nhau nhảy vào được mấy bước, lại phải lui ra, đứng trông nhau ngơ ngác. Tên tiểu-đồng sẽ ghé tại bảo Hoàng Thông rằng:

— Dễ thường phép thuật của chủ-nhân nhà anh linh thật!

Hoàng Thông nói:

— Im đi, để xem chúng nó nói gì.

Hai người bèn lẳng-lặng nghe chúng nó nói, thời thấy một tên giặc cầm đao trỏ lên tường mà rằng:

— Rõ ràng là một khu trại tường nhà kia, sao chúng mình xông vào, lại không trông thấy, chỉ thấy hình như là một cái hồ nước lớn sóng nổi quần-quận, hay là chúng ta hoa mắt chăng?

Lại có một tên giặc nữa nói:

— Chúng ta lại xông vào xem sao nào.

Rồi chúng lại reo ầm lên quanh cả ngoài cửa trại nhẩy xông vào hai ba lần, rồi vẫn thấy giật lùi ra như trước. Bấy giờ Hoàng Thông với tiểu-đồng hai người trong bụng mới khỏi sợ, cứ nấp ở trên tường cuời với nhau mà rằng:

— Xông vào nữa đi, đã nhược chưa!

Chợt lại thấy một tên giặc nữa nói:

— Cái nhà kia dễ thường là miếu thờ thần, sợ chúng ta xông vào làm phá-hoại, cho nên biến phép thần thông ngăn chúng ta lại chăng?

Lại nghe thấy tên khác nói:

— Anh nói phải rồi, thôi chúng ta kéo quân về.

Bèn bảo nhau kéo ra ngoài cửa trại. Hoàng Thông với tên tiểu-đồng bước xuống thang sẽ mở cửa ra đi dò đến hai ba dặm đường thấy quân giặc thực là tan đi cả rồi mừng rỡ chạy trở về nhà nội-đường báo tin. Khi ấy Trương-lão ở nhà sợ phát sốt rét lên hai tên chạy về nói:

— Thưa ông quân giặc đã đi rồi ạ!

Trương-lão bấy giờ mới hơi định thần hỏi sao nó lại lui đi. Hai tên bèn thuật truyện lúc đứng ở đầu tường xem và những lời nghe thấy chúng nó nói, và đã đi hai ba dạm theo hút xem thời quả quân giặc đã đi xa rồi chỉ những nhà cửa ở trong thôn trại này bị chúng nó phá đốt sạch cả. Trương lão nghe nói rồi liền nghoảnh lại Phùng Ngọc mà ràng:

— Cả nhà chúng tôi mà khỏi phải cái tai-nạn tàn phá này, thực là nhờ ơn quí công-tử tái-sinh tái tạo cho vậy!

Trương-lão vừa nói vừa toan cúi đầu xuống lạy bấy giờ Phùng Ngọc đã thu phép lại rồi, vội vàng đỡ Trương-lão dậy mà rằng:

— Đó là nhờ hồng-phúc của lão tiên-sinh, chớ vãn-sinh có tài cán gì đâu.

Lúc bấy giờ cả nhà kinh hoảng mới tỉnh, mọi người sợ khiếp đều tê dại cả người đi, Phùng Ngọc cũng mỏi mệt muốn đi nghỉ Trương-lão liền gọi tên tiểu-bộc đem chăn đệm, rồi tự mình trang chải mở ra. đưa Phùng-Ngọc tới khách-phòng yên nghỉ; và dặn bảo tên tiểu bộc dọn dẹp đâu đấy, rồi lui vào nhà trong cùng vợ với con gái nói truyện cám ơn Phùng-Ngọc một hồi rồi mới đi nghỉ. Vậy có câu rằng:

Ví không yêu khách sẵn lòng,
Nàn này ai cứu thoát vòng gian-nguy.
Cho hay gặp gỡ cũng kỳ,
Mượn duyên chén rượu tiếc gì với ai.

Nói về Trương-lão kinh hoảng quá và nằm trong giường trằn trọc mãi không ngủ được, nghĩ đến Phùng-Ngọc là người hùng-tài biện bác như Tần Bật, băng thanh ngọc nhuận như Vệ Giới và lại anh-khí phát hiện lưu lộ ra ngoài mày mặt ai thấy cũng phải yêu, mới được độ một tí tuổi mà sát-thoát được quân cường-tặc, không có một chút gì kinh hoảng, thực là thủ-đoạn anh-hùng ngộ-nạn cũng chẳng kinh, nếu ta muốn kén rể cho con, bỏ qua mất người này sao gọi là khôn được. Song y ở Trình hương, con gái mình gả cho y thời tất đem về, như thế thì lại không nỡ cắt đoạn phân-ly được, vì thế trằn-trọc nghĩ mãi nửa đêm, lại tưởng đến nỗi quân giặc Hỏa-đái, càng ngày càng tứ-ngược, quan tỉnh thời đều sợ khiếp, chỉ chủ-nghị chiêu-hàng. hễ ai kháng-cự với giặc thời cho là khích-biến, nếu ai bị phải giặc cướp phá thời không biết kêu vào đâu, tình cảnh như thế thời còn quyến-luyến chỗ này làm gì nữa. Ví như đêm hôm nay may gặp anh học trò này cứu thoát được nhà ta, nếu không gặp y thời cũng như anh Lý Đại hóa làm ma ở dưới lưỡi đao rồi, nghĩ đi cho cùng, chỗ này ở không được nữa, gì bằng đem đứa con gái gả cho y, đợi y đi Tùng-hóa trở về rồi đem cả nhà theo y đến ở tạm làng Trình-hương, để đợi cho yên tĩnh đã sẽ hay. Như thế thời cha con không phải cách biệt nhau, vả lại tránh được nạn giặc, thực là lưỡng-tiện. Song không biết anh học trò này đã lấy vợ chưa, nếu đã lấy rồi con gái ta cũng xin làm thứ vậy. Chủ-ý đã định, đợi đến sáng ngày ra sẽ nói chuyện.

Nói về Phùng-Ngọc đã sát-thoát được quân cường-tặc rồi, trong bụng mừng thầm, nghĩ rằng: người mĩ-nhân gặp hôm qua quả là con gái ông này, thời lời của Thiền-sư dặn khi trước đã hơi nghiệm; song còn việc hôn nhân nếu vội vàng khải-xỉ nói ngay thời không tiện, phải nghĩ kế sách gì nói đả-động đến ông ấy để cho ông ấy tự nói ra thời mới tiện, nghĩ đi nghĩ lại không được mẹo gì, đến hơn hai trống canh. Lại chợt nghĩ ra nói rằng: như thế này thời cực-diệu! Liền đánh thức Hoàng Thông dậy bảo rằng:

— Ta nghe ông Trương lão có người con gái, đoan trang mĩ-lệ, tuyệt-thế vô-song, ta muốn hỏi lấy, song mới gặp gỡ mà nói ra ngay không tiện, mày giùm hộ tao cứ nói như thế... mày là người tôi tớ dẫu đường-đột nói ra cũng chẳng can sao.

Hoàng Thông vâng lời, sáng sớm thức dậy giả tảng vào nhà trong lấy nước ra để pha cho Phùng-Ngọc uống, chạy đến nhà giữa, thời thấy Trương lão đã thức dậy cùng với bà vợ ngồi ở nhà nội-đường đương bàn về truyện định gả con cho Phùng-Ngọc, và bảo nhỏ cho con gái biết, rồi sẽ tìm mối nói đánh tiếng với Phùng Ngọc, sực thấy Hoàng Thông bước vào. Trương-lão nói:

— Lão quản-gia dạy sớm mấy?

Hoàng Thông nói:

— Cậu tôi hay uống nước sớm, nên tôi vào gọi tên nhỏ để lấy nước.

Trương-lão nghe nói liền bảo tên nhỏ đến tủ chè lấy thứ chè ngon đem ra pha. Tên nhỏ lại bảo con xoa-hoàn vào thưa với cô cho thứ chè ngon để đem ra pha cho Hoàng công tử uống. Một lát thấy một cô-nương cầm phong chè đưa ra, Hoàng Thông giả tảng thất-kinh mà rằng:

— Ôi chà! đây là cô con gái yêu nhà cụ đấy ư? Tài mạo-đẹp thế này cũng giống như công-tử tôi, không biết cụ đã nhận trầu cau ở nơi nào chửa? Nếu chửa, mà cụ cho xánh đôi với công-tử tôi thời thực là giai nhân tài-tử tốt đôi quá.

Trương-lão mỉm cười mà rằng:

— Lão quản-gia nói thế cũng hay, nhưng không biết quí công-tử đã có vợ chưa?

Hoàng Thông nói:

— Công-tử tôi trước vẫn thề rằng nếu không gặp người tuyệt thế giai-nhân thời không lấy, ở nhà cũng có đôi ba nhà thế gia cự-tộc muốn gả con gái cho cậu tôi, song cậu tôi xem ra toàn là hạng nhi-nữ tầm-thường nên không thuận nơi nào cả, giá được người tài-mạo như cô-nương đây, hễ nói một lời là xong.

Trương-lão nói:

— Tôi cũng có ý thế, nhờ quản-gia nói dạo-đạt hộ cho xem thế nào.

Hoàng Thông nói:

— Thưa vâng, để tôi ra nói thử với cậu tôi xem sao.

Nói rứt lời, liền chạy ra nhà ngoài. Một hồi lâu lại trở vào nội đường. Trương-lão vội-vàng đứng dậy hỏi:

— Thế nào quản-gia, quí công-tử ý có ưng không?

Hoàng Thông nói:

— Thưa cụ, cậu tôi nghe thấy nói cô-nương nhan-sắc, lại được ý tốt cụ thuận cho, thời thực lấy làm mừng. Song cậu tôi nghĩ lại còn có ba điều này khó xử: 1° là chửa được mệnh cha mẹ không dám tự-chuyên; 2° là nhân đi chỗ lữ-thứ, lễ-vật không được đủ sẵn; 3° là lấy cô-nương thời phải cưới đem về Trình-hương sợ cụ không cho ly-biệt đi xa, phải làm rể ở đây, thời cậu tôi lại sợ ông bà tôi ở nhà mong nhớ, vì khó xử hóa nên không dám tùng mệnh.

Trương-lão cả cười mà rằng:

— Hai điều trên thời không cần, đã có tôi đây là đủ; còn một điều sau thời tôi đã tính rồi, công-tử không phải ngần ngại, để tôi ra nói chuyện.

Nói rồi liền bước ra nhà ngoài. Phùng-Ngọc đón chào Trương lão mời cùng ngồi mà rằng:

— Lão-phu sinh ra được hai đứa con trai: thằng lớn là Chí-Long, từ khi nhỏ nó đã ra học buôn bán ở phủ Quế-lâm tỉnh Quảng-tây; thằng thứ hai là Phi-Long, vẫn theo ông Trung-Ly Tiết tiên-sinh học ở núi Dịch-sơn, đều không ở nhà cả; ở nhà chỉ có lão-phu với chuyết-nội tôi là Long-thị và tiểu-nữ là Quí-Nhi, với đứa tỳ-bộc mà thôi, trong nhà không có người đinh-tráng và lại ít họ-hàng thân-thuộc, mới rồi những quân giặc núi đi đến đâu là tàn-phá đến đấy, mà đất Long-đoàn với đất Qui-thiện này là tàn hại nhất; nếu cứ quyến luyến gốc dâu cỗi thị mà ở đây mãi, sợ cũng khó trọn vẹn được. Lão-phu muốn thiên-cư đi chỗ khác để tránh quân hung-bạo đã lâu, chỉ vì không biết đâu là bến Đào-nguyên mà tới. Nay nghe thấy quí huyện là nơi thanh danh văn vật, đức-chính ông Tăng Công-Phương hãy còn nhuần-thấm, di-phong ông Trình xử-xĩ hãy còn dấu thơm, thực là một chốn thanh bình phúc-địa, nếu công-tử không hề chi con nhà chất hằng phỉ-phong, thời tôi xin hiến tiểu nữ để nâng khăn sửa túi, đợi khi công-tử đi Tùng-hoá trở về, thời cả nhà tôi xin theo công-tử về Nam không biết công-tử có bằng lòng không?

Phùng-Ngọc nói:

— Thưa cụ, con chỉ sợ nơi rừng gai góc, không phải là chốn phụng đậu loan chơi; nếu lão tiên-sinh không hiềm hủ lậu thời nhà vãn-sinh sân vườn còn rộng, có thể tạm lưu xe ngựa được, vãn-sinh xin cầm roi theo hầu, còn đến như việc kết-thân lịnh-ái, thời vãn-sinh chưa bẩm mệnh song-đường, chưa sắm đủ lục-lễ đâu dám mong tên bắn tước-bình.

Trương-lão nói:

— Tôi nghe người quân tử nên sánh bậc giai-nhân, tiểu-nữ dẫu không dám ví như bậc hiền phi, song tài-tình chi-tiết cũng khác bọn dung-lưu, chấp-kinh cũng có lúc hành-quyền, có hề chi vậy. Còn như sính-lễ, thời tiểu-nữ may được dư-sinh thực là nhờ ơn công-tử, quyết không dám nhận, chỉ xin cho một vật gì làm tin là đủ.

Phùng-Ngọc nói:

— Nhờ được lão tiên-sinh quá yêu như vậy, lẽ nào vãn-sinh lại chẳng tuân theo, xin mời lão tiên-sinh lên ngồi, để Phùng-Ngọc cúi đầu làm lễ.

Nói rứt lời, liền kéo ghế ỷ lại để giữa nhà, mời Trương-lão ngồi lên, liền cúi đầu thụp xuống lạy. Trương-lão vội-vàng vái lại, bèn nhận là con rể. Phùng-Ngọc liền bước tới buồng khách lấy một cái khăn tay bằng lụa thêu gấm, nguyên là của mẹ gửi cho cô bèn đem ra, hai tay nâng đưa cho Trương-lão mà rằng:

— Tiểu-tế đương ở chốn đất khách không có vật gì để dùng làm tin, đây là cái khăn của mẹ tôi tự tay thêu dệt ra, xin mượn một cái để dâng nhạc-phụ làm sính-vật vậy

Trương-lão cầm lấy xem thời cái khăn ấy một mặt thêu một cây thông cổ thụ, mặt bên kia thêu tích thọ-đồ ông Quách Phần-dương. Trương-lão cả mừng mà rằng:

— Xem như cái khăn này thực là cái chưng triệu tốt lắm!

Liền đưa vào cho con gái nhận lấy, và rút lấy một cái kim-soa ở trên đầu con gái đem ra đưa cho Phùng-Ngọc nhận lấy, rồi sai mở tiệc vui mừng hai ngày. Xong rồi, Phùng-Ngọc cáo-từ xin khởi-trình ra đi, Trương-lão cầm lấy tay Phùng-Ngọc mà rằng:

— Hiền-tế hãy ở chơi một vài ngày nữa, lão-phu còn có câu truyện để nói với hiền-tế đây.

Thực là:

Tài-tử nổi danh vừa đẹp lứa.
Hung-nhân căm giận rắp mưu gian.

Không biết Trương-lão nói câu truyện gì về sau sẽ hiểu.