Lĩnh Nam dật sử/Hậu biên/Hồi thứ XVI

HỒI THỨ XVI.

Giả trợ-chiến, một trận liền giải vây,
Thực giảng-hòa, ba quân đều cổi giáp.

Nói về binh-mã đại-đội trại Gia-quế kéo đi được hai ngày thời tiên-phong Đặng Bưu truyền lịnh đóng quân lại để đợi Lý công-chúa đến thương-nghị. Khi Công-chúa đến nơi, Đặng Bưu vào thưa rằng:

— Nay quan-quân họp cả quân toàn-tỉnh và mươi vạn chia giữ các nơi yếu-hại; nếu ta phân-binh ra mà đánh thì không đánh nổi; hợp-binh lại đánh thì lại sợ bên quan-quân trước sau ứng-cứu, tả hữu giáp-công, thời mình thành ra thế-cô không thể chống lại được. Cứ như ý tiểu-tướng thời ta nên giả-danh đến trợ-chiến, để cho ý họ không ngờ, rồi ta tiến binh lên đóng xát vào trại quan-quân. Vả tôi nghe Đồng Miêu-Công đóng quân ở Liên-châu, ta nên mật sai người đến ước-định, bảo y thừa khi ban đêm đem quân đi tắt đến đánh Phật-lĩnh, rồi liền kéo đến đánh Ân Chính-Mậu; hễ Đới tuần-phủ nghe tin ấy thời tất đem quân đi cứu-viện, Công-chúa thời thừa lúc đương điều-bát quân-sĩ, khởi-binh đánh ập vào, như thế thì chỉ một trận là giải vây cho Mai Anh được.

Công-chúa cả mừng mà rằng:

— Thúc-phụ bày kế ấy rất diệu! Nhưng phải kén lấy một người sứ-giả nói năng hoạt-bát, thời mới nói lừa được hắn; thúc-phụ thử xét xem ai có thể sai đi sứ được?

Đặng Bưu nói:

— Nay có tì-tướng Đặng Kế-Luân có thể sai đi được.

Công-chúa liền cho gọi Đặng Kế-Luân vào hầu, dặn bảo ý-tứ rồi cho đem lễ-vật sang trại quan-quân. Đới tuần-phủ nghe tin báo, cho đòi Kế-Luân vào trại trung-quân, Kế-Luân bái-yết xong, dâng lễ vật lên bẩm rằng:

— Tiểu-tướng phụng-mệnh Lý công-chúa đến đây thưa với đại-nhân biết cho rằng quân giặc Thiên-mã vốn có thâm-thù với Công-chúa tôi, nay nghe nó dám đem binh đến phạm tỉnh-thành, vậy Công-chúa tôi thống-suất ba mươi vạn quân, tình-nguyện xin làm tiên-phong, quyết ra tay chém giết quân cường-tặc ấy để rửa cái hờn trước; bởi vậy sai tiểu-tướng đến đây tỏ tình hòa-hiếu bẩm lên đại nhân lượng biết cho.

Đới tuần-phủ nghe nói trong bụng nghĩ thầm có ý kinh-nghi, bèn truyền hãy cho Kế-Luân lui ra, liền họp các quan lại thương-nghị mà rằng:

— Nay Lý công-chúa không đợi có mệnh-lệnh điều khiển mà tự thống-binh đến đây, sợ rằng có ý trá-ngụy gì chăng, chẳng hay các ngài có kế-sách gì để cấm chỉ được không?

Chỉ-huy-thiêm-sự Vương Kính thưa rằng:

— Lý công-chúa ở trại Gia-quế từ khi hàng-phục đến giờ; vẫn giữ theo phép-tắc triều-đình. Tháng chín năm ngoái vì sự cựu-thù có đem quân đến đánh trại Thiên-mã khi ấy quan Ngô đại-nhân có trợ-cấp cho vừa lớn vừa nhỏ một nghìn chiếc thuyền; không ngờ quân Thiên-mã hung-cường đánh cho đại-bại: vì thế trại Gia-quế đã mấy lần cho người đến quân-môn để xin quân đi đánh báo thù, song quan Súc đại-nhân không cho, khi ấy các quan tam-ti đã từng vì Lý công-chúa mà xin binh hộ; nay y lại trợ-chiến tưởng cũng không có ý gì khác đâu.

Khi ấy có quan Tham-nghị Triệu Khả-Hoài ngồi ở bên ngảnh về quan Đới tuần-phủ mà thưa rằng:

— Quan Ngô đại-nhân vẫn có lòng tin Lý công-chúa, tưởng cũng chẳng có ý gì khác.

Đới tuần-phủ nghe lời bèn trọng-thưởng cho Đặng Kế-Luân rồi cho trở về. Lý công-chúa được tin ấy cả mừng, liền thống-lĩnh đại-binh kéo thẳng đến núi Bạch-vân, Đặng Bưu lại xui Lý công-chúa thân đến yết-kiến quan Đới tuần-phủ nói tỏ cái sự tình oán-giận giặc Thiên-mã, nay xin đến phá giặc để trước là báo ơn triều-đình, sau là tiết cái lòng tư-phẫn. Đới tuần-phủ thấy Lý công-chúa dung-nhan từ-khí có vẻ hiền lành trung-hậu, bèn không có ý ngờ vực gì cả. Ngày hôm sau Lý công-chúa đem tướng-sĩ đến núi Bạch-vân khiêu-chiến. Trông lên núi thời thấy: Khí thiêng nghi ngút, mây trắng phất-phơ, khe Qui-long nước phun trắng xóa. đài Thư-hạc bóng xế mập mờ; đỉnh núi tron-von, xanh biếc một mầu xa ngất bóng, lá ngô bát-ngát, đỏ ngòn nghìn dặm nức bay hương; dấu cổ mây mờ, nhà tiên bóng khuất; rõ ràng ngọn kỳ-phong đệ-nhất, thực là nơi thắng-địa vô-song.

Khi ấy Mai Anh bị vây ở trên núi Bạch-vân, lương-thảo đã hết, ngày ngày sai người lên đỉnh núi Ma-tinh trông ngóng cứu-binh, thì chẳng thấy tăm hơi gì cả, trong bụng đã hoang-mang. Chợt thấy tên tiểu-hiệu chạy lên phi báo rằng:

— Bẩm, dưới núi có một toán quân, kéo hiệu cờ quân trại Gia-quế, kéo đến khiêu-chiến với đại-vương.

Mai Anh nghe nói cả mừng, liền thúc trang lên ngựa chạy tế xuống núi, thời thấy Lý công chúa kìm ngựa đứng ở trước cửa cờ, cầm roi trỏ Mai Anh mắng rằng:

— Bớ quân giặc kia, dám thị-cường đến đây, có muốn chết không?

Công-chúa thét mắng rồi liền ngoảnh lại tả hữu mà rằng:

— Chư-tướng, ra bắt tên tặc-nô kia cho ta, đem băm thây nó ra, để vì ta rửa hận!

Nói vừa rứt lời, Nguyệt-Nga liền nhẩy ngựa múa gươm ra xung-sát. Mai Anh vội vàng đối địch, hai bên đấu nhau đến một trăm hiệp không phân thắng phụ; đôi bên quân-sĩ đều vỗ tay reo lên. Mai Anh trong bụng cũng khen thầm là người kỳ-nữ, lại xông vào đánh hơn hai mươi hiệp nữa. Nguyệt-Nga giả cách vỗ đôi gươm rồi quay ngựa chạy. Mai Anh phi ngựa đuổi theo chừng gần đến nơi. Nguyệt-Nga bắn bật ra một mũi tên. Mai Anh vội nghiênh mình tránh thời mũi tên ấy tin xóc vào yên ngựa. Mai Anh nhổ tên lên xem thời thấy khắc ba chữ: « Mai Ánh-Tuyết » Mai Anh cả mừng, liền giả cách thua, quay ngựa chạy, Lý công-chúa bèn vung roi lên trỏ bảo, quân-sĩ liền xung sát xông lên, tiến vào giáp trận. Mai Anh vội vàng sai quân-sĩ vứt áo giáp bỏ đồ binh mà chạy. Lý công-chúa thúc-quân đuổi đến dưới chân núi, rồi hồi trống đắc-thắng mà trở về. Đới tuần-phủ nghe tin thắng-trận ấy bèn sai người trọng-thưởng cho Nguyệt-Nga. Chợt lại thấy thám-mã chạy về báo rằng: «Đồng Miêu-Công đã đánh phá mất Phật-lĩnh, đương xung-sát đánh vào tả-doanh ». Đới tuần-phủ vội vàng sai Tham-tướng Lý Ứng-Tường, Du-kích Trần Dần đem quân đi ứng-cứu. Lại chợt nghe thấy báo tin: « Binh-mã trại Gia-quế đương khua trống hò reo, khói lửa bốc ngất trời ». Đới tuần-phủ đương lúc kinh-nghi hoảng-hốt, lại thấy tên tiểu-hiệu chạy vào báo rằng: « Trại Gia-quế phát hỏa! » Nói chửa rứt lời, thời liền nghe tiếng súng nổ, binh mã trại Gia-quế đã xô-xát kéo ập vào đến nơi, quan quân thất-kinh, ồn ào rối loạn cả lên. Giám-quân là Cố Dưỡng-Khiêm lật-đật bỏ trại mà chạy. Quân lính trông thấy ngỡ là Đới tuần-phủ. bèn cả kêu lên rằng: « Ôi thôi! Chủ-súy trốn đi mất rồi! » Trong quân đều kêu khóc ầm cả lên, đổ xô nhau mà trốn chạy, giầy séo lẫn cả lên nhau. Đới tuần-phủ không thể nào ngăn lại được. Lý Ứng-Tường nghe tiếng hò reo rậy đất, ngoảnh lại trông về quân-trại, thời thấy ngọn lửa bốc lên sáng rực trời, mới biết là phải quân Dao-man đánh úp mất quân-trại. Liền cùng với Trần Dần quay binh trở lại cứu-ứng, đánh xông vào trung-quân tiếp đón Đới tuần-phủ, rồi liều chết đánh rẽ ra lấy một đường bảo-hộ Đới tuần-phủ vừa đánh vừa tháo lui chạy về đến tỉnh thành. Đới tuần-phủ liền phân phó cho hai tướng đóng đồn lại ở Tam-nguyên để tiếp-ứng cho các cánh bại quân. Đới tuần-phủ thời tự ra trận để bảo-thủ lấy thành-trì. Rạng sáng hôm sau. Lý, Trần hai tướng thu được và vạn bại-binh kéo về thành. Còn Ân Chính-Mậu thì kéo quân chạy về Huệ-châu. Thực là:

Công đã gần nên lại hóa tàn,
Giám-quân trách kẻ bỏ quân tan.
Binh chưa giao-chiến đà thua chạy,
Hờ-hững vì chưng mắc kế gian.

Nói về Mai Anh được Nguyệt-Nga thông tin cho biết, bèn trở về trên núi, phân-phó cho quân-sĩ sắp sửa đâu đấy, chỉ đợi nghe hiệu lịnh sau này thì chia quân ra xung-đột đánh xuống Trống canh hai đêm hôm ấy, chợt thấy dưới núi lửa bốc rực trời, tiếng reo rậy đất. Mai Anh liền thúc quân-sĩ hò reo đánh xông xuống núi, sau lưng trước mặt hai đàng giáp công; quan-quân thua chạy chết lăn ra như rạ. Quan-quân đã thua chạy đi rồi, Mai Anh bèn thu quân lại, đem tướng-sĩ đến trại quân Gia-quế bái tạ Lý công chúa. Ngày hôm sau, hai trại quân đều chia binh-mã kéo ra hai ngả đều đến vây tỉnh-thành. Đánh luôn ba ngày ròng rã. Đới tuần-phủ tùy cơ ứng-biến, phòng-bị nghiêm-mật không thể sao phá được. Gia-Cát Đồng cả giận hăng lên truyền lịnh cho quân-sĩ cứ mỗi một tên quân đêm nay phải dự-bị một đấu đất lớn, hẹn đến giờ thìn ngày mai đem đến nộp ở phía thành cửa đông, nếu không thì chém lập tức. Chí kỳ, Gia-Cát Đồng thân cầm một túi đất, sai Đồng Miêu-Công nhằm vào chỗ đầu mũi tên ở dưới thành, vứt ném cái thổ-nang vào đó. Chư-quân trông thấy đều reo ầm lên đổ xô lại đem thổ-nang chất đầy dưới thành, vụt chốc thổ-nang chồng lên từng bậc, cao vót hơn thành, Chư-quân hò reo đánh trống nhẩy lên. Đới tuần-phủ cả kinh, liền hô quân bắn súng ra. Song đã phải Vạn Nhân-Địch nhẩy vào trong thành, quân-sĩ thất-kinh điên-đảo, không kịp đốt lửa bắn súng ra. May đâu Lý Ứng-Tường nghe tin ấy, liền đem năm nghìn tay súng Qua-oa đến bắn nổ ra ầm trời. Quân Dao man mới chịu lui rãn ra; quân trong thành cũng mỏi mệt hết sức.

Lý công-chúa thấy sắp phá được tỉnh-thành, trong bụng buồn rầu không vui Đặng Bưu hỏi rằng:

— Tỉnh-thành sắp phá được nay mai, chẳng hay Công chúa cớ sao lại không vui lòng vậy?

Công-chúa nói:

— Tôi từ khi qui-thuận triều-đình, vẫn thề một lòng giữ đạo trung-thuận Nay chỉ vì Súc Nục làm khốn-khổ Hoàng-lang không ra tay cứu không được. Nhưng mà phá thành nhà vua, giết quan nhà vua, kẻ trung-thuận nào lại làm như thế bao giờ! chẳng hay thúc-phụ có kế sách gì hay, khiến cho tôi khỏi sai lạc mất lòng trung thuận, thời mới là diệu sách?

Đặng Bưu nói:

— Nếu như thế thời chỉ có kế giảng-hòa mà thôi.

Công-chúa nói:

— Trước đã xin trợ-chiến để đánh lừa Đới tuần-phủ; nay lại nói xin giảng-hòa, sợ họ không tin chăng, thì làm thế nào?

Đặng Bưu nói:

— Tuy trước có nói dối họ thật nhưng vẫn chưa nói rõ cái tình-tiết Hoàng-lang. Nay nếu Công-chúa sai được người nói giỏi, đến nơi Đới tuần-phủ thuyết-minh cái căn-do Súc Nục trước sau căm tức, và cái tình-tiết Hoàng lang bị vu oan. Rồi xin tha cho Hoàng-lang để dụ hàng quân Thiên-mã. Đới tuần-phủ là người trung-chính liêm minh, đã biết rõ cái sự khiêu-hấn nhưỡng-tranh là bởi tại Súc Nục cả, thời tất là tha cho Hoàng-lang để giảng-hòa.

Công-chúa nói:

— Phải, song đi sang đó thuyết minh, phi thúc-phụ thời không được. Xin thúc-phụ chớ từ khó nhọc, vì cháu đi hộ chuyến này.

Đặng Bưu nhận lời ra đi. Lý công-chúa bèn mời Mai tiểu-thư lại thương-nghị, truyền đem binh-mã hãy tạm kéo lui. Đặng Bưu một mình một ngựa đi đến dưới thành, gọi quân-sĩ thủ-thành mà bảo rằng:

— Hỡi quân thủ-thành! Ta đây là Gia-quế trại Tiễu-tổng Đặng Bưu có việc đến mời tuần phủ đại-nhân ra tương-kiến, xin nhờ thông báo hộ cho.

Đới tuần-phủ nghe tin báo, truyền quân-sĩ lấy dây giòng đem Đặng Bưu lên mặt thành; thi-lễ tương-kiến xong, Đới tuần-phủ hỏi:

— Chẳng hay túc-hạ yết-kiến ta có việc gì?

Đặng Bưu nói:

— Tôi nghe: Người nhân-giả đãi người, không hay ghi nhớ cái oán nhỏ, trước kia chủ tôi là Lý công-chúa, nhân vì đi cứu cha là Đô-bối đại-vương, đem ba trăm nữ-binh đánh phá hai mươi vạn quân của Súc đại-nhân ở Lệ-tử, và đánh Súc đại nhân phải bị-thương ở đùi; khi ấy chủ tôi vì thiết-tình phụ-tử, dẫu thân mình cũng chẳng tiếc, nữa là nghĩ gì đến Súc đại-nhân. Thế mà Súc đại nhân cứ căm tức để bụng không nói ra, trước kia đã không muốn cho Công-chúa tôi về hàng, cố sức gạt lời Ngô-hầu đi, sau lại sai Dương Kiệt đến sơn-trại làm cho tàn-ngược. Song Công-chúa tôi vẫn chịu nhẫn-nhục, cốt giữ cho trọn thần-tiết. Tháng mười một năm ngoái, nhân chồng Công-chúa tôi là Hoàng Phùng-Ngọc có việc đến khiếu-oan ở quân-môn, Súc đại-nhân chẳng hỏi xét gì cả, liền đem giải Phùng-Ngọc đến Nam-hải, nghiêm-hình tra-khảo bắt ép chiêu-xưng phải nhận là bạn nghịch, kết thành án đem tống giam. Tôi thiết tưởng như nhà họ Mai ở Thiên-mã không phụng chính-sóc, không thuộc bản-đồ, như thế mà gọi là bạn nghịch thì ai còn dám cãi nữa. Chớ như chủ tôi từ khi về hàng đến nay, vẫn dốc một niềm trung-thuận, nhân-dân bốn huyện vẫn yên ổn cả không thấy có xẩy ra điều gì; thế mà Súc đại-nhân đổ oan cho là giặc, buộc cho cái danh bạn-nghịch; cố giết chết chồng chủ tôi, để tiết cái lòng tức giận xưa nay thì mới là sướng. Như thế thời dưới bóng thiên nhật này lại không dung cho lũ chúng tôi cải-quá tự-tân hay sao? Cúi xin đại-nhân rửa cái oan ấy đi cho, mà tha cho chồng chủ tôi, lũ chúng tôi xin đi dụ hàng quân Thiên-mã, để trước là đền ơn nhà nước, sau là báo nghĩa đại-nhân, xin đại-nhân lượng xét.

Đới tuần-phủ nói:

— Xin mời túc-hạ hãy tạm đợi ở nơi quán-dịch, để bản-chức tra hỏi đầu đuôi sẽ hay.

Đặng Bưu vâng lời cáo-thoái. Đới tuần-phủ họp cả các quan lại thương-nghị. Tham-nghị Triệu Khả-Hoài nói:

— Nay nếu tha một Hoàng Phùng-Ngọc mà hay hàng phục được quân cường-tặc mấy mươi năm, đó cũng là cái công to để lưu trăm đời. Duy chỉ có một điều là nó lấy binh-lực áp-chế ta thời cũng đáng tiếc cho thể-thống triều-đình lắm! Bây giờ chỉ nên tra cứu đầu đuôi cái sự-trạng Hoàng Phùng-Ngọc, nếu quả là chân-tình đáng-tội, thời cũng không thể thâu-an một lúc mà phóng-xá để hoại mất phép tắc triều-đình. Nếu xét ra quả là oan-uổng, thời mới tha cho được.

Đới tuần-phủ nói:

— Lời quan Tham-nghị nói phải.

Lập-tức sai người đến huyện Nam-hải đòi huyện-quan Hồng Nhất-Giáp lại chất-vấn mà rằng:

— Chẳng hay nhà thày tra hỏi Hoàng Phùng-Ngọc nó cung-xưng là phản-nghịch có đích thực không?

Hồng Nhất-Giáp trước kia vẫn cảm lời tiên-nữ mách-bảo, biết Phùng-Ngọc sau này tất là một người dị-nhân, vẫn có bụng muốn nhân dịp để cứu gỡ cho. Nay thấy quan Đới tuần-phủ hỏi đến, bèn nói tỏ sự đầu đuôi Súc Nục xui bảo và bắt ép phải chiêu-xưng là bạn-nghịch, và sự Phùng-Ngọc kêu trời kêu đất, thề chết thề sống không chịu chiêu xưng, sau có bảo Phùng-Ngọc cứ tạm cung-nhận, để sau này sẽ thân-lý v v. Sự-tình thế nào đều cứ thực nói ra cả chớ không giấu điều gì. Đới tuần-phủ nghe xong liền quát mắng Nhất-Giáp đuổi ra. Liền sai người mời Đặng Bưu vào cho ngồi ở bên mà rằng:

— Bản-chức đã tra được đầu đuôi sự Hoàng Phùng-Ngọc rồi, quả thực là bị oan. Song chẳng hay túc-hạ làm thế nào mà dụ quân Thiên-mã về hàng được?

Đặng Bưu nói:

— Nguyên trại Thiên-mã có nàng Mai tiểu-thư vốn yêu tài-mạo Hoàng-lang, bắt ép Hoàng-lang lấy làm chồng. Song Hoàng-lang ghét rằng quân Thiên-mã không theo giáo-hóa nhà vua, bèn bỏ mà trốn đi. Thế mà Mai tiểu-thư cũng bỏ cả dân-chúng và mươi vạn, liền theo đi tìm Hoàng lang, chỉ một niềm giữ tiết bố-kinh cho phải đạo; suy cái tâm ấy thì biết nhà họ Mai không phải chỉ là hung-hăng tàn-bạo đâu. Lòng trinh-thuận ấy chính là đạo làm vợ, mà chính là đạo làm tôi, xem như nàng đã không nỡ phụ Hoàng-lang, lẽ nào lại nỡ phụ triều-đình hay sao? Bởi thế tôi mới biết rằng quân Thiên-mã có thể dụ hàng được.

Đới tuần-phủ cả mừng mà rằng:

— Nếu như vậy thì nhờ túc-hạ đi dụ hàng cho mới xong.

Đặng Bưu nhận lời cáo-từ xin lui, bèn lại giòng dây đưa xuống dưới thành, trở về binh-trại, Đặng Bưu bèn thuật chuyện lại cho Lý công-chúa nghe; rồi lại đến trại Mai tiểu-thư, cùng với Mai Anh thi-lễ xong, Đặng Bưu lại đem những lời quan Tuần-phủ nói, thuật-chuyện lại một lượt, chúng nghe nói đều mừng rỡ xin đầu hàng. Lý công-chúa bèn cùng với Mai Anh thương-nghị, đem cả binh-mã hai trại lui về đóng ở Hoa-huyện. Mai tiểu-thư xin Lý công chúa làm hộ cho tờ biểu-chương để dâng lên xin nộp thuế cống. Lại sai Tống Kim-Cương cùng đi với Đặng Bưu vào thành dâng nộp. Đới tuần-phủ bước xuống thềm đón rước, bày tiệc khoản-đãi, lấy lời nói uý-lạo hai tướng mà rằng:

— Nay chư túc-hạ đã qui-thuận triều-đình, thời tức là thần-tử triều-đình. Bản-chức sẽ tâu lên xin phong chức cho chư túc-hạ.

Hai tướng đều đứng dậy cảm tạ. Đặng Bưu nói rằng:

— Tiểu-tướng chúng tôi nhờ ơn đại-nhân che chở cho, rất lấy làm cảm tạ. Còn như chồng Công-chúa tôi là Phùng-Ngọc xin đại-nhân sớm phóng xá cho để cho yên ủi lòng mong đợi của nhân-dân hai trại.

Đới tuần-phủ nói:

— Xin túc-hạ hãy trở về, bản-chức sẽ sắp lễ-nghi đưa Phùng-Ngọc về sơn-trại.

Hai tướng bái tạ rồi trở ra về. Thực là:

Cửa công nếu được quan Tuần khá,
Cõi bể can chi giặc nổi nhiều.

Nói về Phùng-Ngọc bị-giam ở Nam-hải, Hồng Nhất-Giáp thường thường sai người đến thăm nom; lại được Mai tiểu-thư sai Hoàng Thông với Chí-Long hai người đem nghìn vàng đến đó để tiêu dùng chi-cấp, nên mua được lòng những quân ngục-tốt đều phải phục dịch cả. Phùng-Ngọc cả ngày rồi dài vô-sự, song chỉ thời-thường thương đau Lý công-chúa bị chết nỗi thảm cực, và nhớ Trương tiểu-thư không biết sống chết dường nào, lòng đau như cắt, lắm lúc ngất đi, lại lắm lúc buồn bã không thể giải được, thời chỉ ngượi-ngâm thê thảm; khiến cho cả người trong ngục-thất ai nghe cũng rỏ nước mắt. Một hôm, ngủ ngày, mơ màng thấy cùng với Trương tiểu-thư đi về nhà; trông thấy mẫu-thân Sa phu-nhân ra tiếp đón. Đương lúc bâng-khuâng nửa phần thương đau, nửa phần mừng rỡ; thời sực đâu cơn mưa gió kéo đến ầm-ầm, quân ngục-tốt hô-hoán, thời sực tỉnh giấc dậy, trong lòng buồn bã, bèn cầm bút viết một bài Giang-thành mai-hoa-dẫn để giải muộn rằng:

Ngày dài tỉnh giấc luống bâng khuâng,
Ngồi tựa cửa, cánh tường ngăn.
Thổn thức lòng này, khôn xiết nỗi băn-khoăn!
Nỗi băn-khoăn, dạ đau như rần.
Giận không ngần, nghĩ lại thêm càng!
Mối sầu cắt không đứt, mộng hồn sao an.
Chỉ nguyện song-thân ngày vui vẻ,
Nỗi con chớ nghĩ để thêm phiền;
May ra lòng con nguôi bớt một vài phân.

Phùng-Ngọc viết rồi, đương lúc trầm-ngâm thê-thảm, chợ nghe tiếng ngục tốt chạy vào gọi ầm lên rằng:

— Nào Hoàng-công ở đâu, Tuần-phủ đại-nhân có sai quan đến tiếp rước đó!

Phùng-Ngọc nghe tiếng gọi, bụng nghĩ thầm rằng: Chẳng hay quan Tuần-phủ nào lại đến tiếp rước mình làm chi vậy. Nghĩ rồi từ từ bước ra, thời thấy ngục-tốt vội vàng chạy lại tiếp đón, liền tháo gông, cổi bỏ xiềng xích, đưa ra ngoài cửa ngục. Thời thấy có một quan tướng-quân đưa đến một bộ áo bào, một bộ mũ, một đôi giầy: sau lưng lại thấy một tên lính dắt một con ngựa đến. Quan tướng-quân ấy khi trông thấy Phùng-Ngọc cúi mình mà thưa rằng:

— Hạ-quan phụng mệnh quan Tuần-phủ đại-nhân, đến nói với lịnh-công thay áo mũ, rồi mời đến nha-môn tương-kiến.

Phùng-Ngọc nghe nói không biết duyên-cớ làm sao, chưa chịu thay áo vội, nói rằng:

— Phùng-Ngọc này chưa biết cái lệnh đại-nhân phóng-thích ra làm sao sao dám thay bỏ áo tù đi vội.

Đương lúc dùng-dằng chưa chịu thay áo thời chợt thấy Hoàng Thông và Chí-Long cầm lược cầm khăn tự phía bên đông chạy lại cười ha-hả, dắt tay Phùng-Ngọc đứng lại một bên, rồi ghé tai mà rằng:

— Mai tiểu-thư nay lui binh đến đóng ở Hoa-huyện, đã sai người vào thành để giảng-hòa với quan Tuần-phủ rồi.

Chí-Long thời liền nhận lấy áo mũ nói với quan tướng-quân ấy rằng:

— Xin tướng-quân cứ về trước để anh tôi chải đầu rửa mặt rồi sẽ lại hầu ngay.

Tướng-quân nói:

— Quan lớn tôi đợi để tương-kiến, xin mời ngài đến mau mau cho!

Hai người liền rửa chải thay mũ áo cho Phùng-Ngọc xong rồi cùng đi đến nha-môn quan Tuần-phủ. Bộ-tướng trông thấy Phùng-Ngọc đến nơi liền đưa vào quị ở trước công-đường. Đới tuần-phủ trông thấy vội vàng đứng dậy tương-kiến; Phùng-Ngọc khấu đầu đứng dậy; quan Tuần-phủ mời ngồi ở bên cạnh. Quân lính hiến trà xong Đới tuần-phủ nói:

— Bản-chức đã tra xét rõ sự hiền-thai oan uổng, đã làm tờ tâu để biện-oan cho hiền-thai rồi. Nàng tri-kỷ của hiền-thai ít lâu nay, vẫn phụng-mệnh triều đình, hiền-thai có đến đó, nên khuyên bảo giữ lấy lòng trung thuận, một bề làm tôi nhà vua, chớ sinh lòng phản-trắc. Bản-chức muốn mời hiền-thai ở lại xơi rượu, nhưng sợ rằng nàng tri-kỷ của hiền-thai mong đợi đã lâu, hiền-thai nên trở về ngay cho khỏi mong đợi.

Quan Tuần-phủ nói rồi lại trỏ con ngựa trắng đã thắng yên cương tử-tế ở dưới thềm mà rằng:

— Xin tặng hiền-thai con ngựa đó, gọi là chút biểu tấm lòng.

Phùng-Ngọc không hiểu rõ đầu đuôi, không biết đáp lại sao, chỉ là vâng lời rồi cáo-từ trở ra. Hoàng Thông, Chí-Long liền tiếp đón cùng đi ra ngoài cửa thành, vòng quanh đến Hoa-huyện. Phía đàng xa đã có quân thám-mã trông thấy chạy về phi-báo hai trại. Lý công-chúa và Mai tiểu thư được tin liền đem tướng-sĩ ra ngoài thành nghênh-tiếp. Phùng-Ngọc trông thấy vội vàng xuống ngựa. Lý công-chúa và Mai tiểu-thư chạy lại đón rước, ôm đầu cả khóc. Phùng-Ngọc nguyên chỉ biết rằng Mai tiểu-thư lại cứu mình, còn cái đoạn phải cầu cứu Lý công-chúa, thời vì trong thành tuần-phòng nghiêm-mật quá, không ai dám lộ ra, nên Phùng-Ngọc không hiểu rõ ra sao. Nay chợt thấy Lý công chúa chạy ra đón Phùng-Ngọc phải ngừng giọt lệ lại không khóc lên được nữa, bèn trừng mắt nhìn rồi nói rằng:

— Chẳng hay tiểu-sinh với Công-chúa sao lại được gặp nhau đây? Tựa hồ như giấc chiêm-bao làm vậy!

Công-chúa khóc mà rằng:

— Thiếp có chết ở đâu, cái xác mà lang-quân chôn đó, là nữ-tướng Hứa Ngọc-Anh đấy.

Phùng-Ngọc liền rỏ nước mắt mà rằng:

— Tiểu-sinh vẫn nghĩ là đã cùng với Công-chúa quyết-biệt rồi, ai ngờ lại còn có ngày nay nữa. Song nếu không gặp được Hứa phu-nhân hai lần cứu cho, thời tiểu-sinh chẳng chết đuối như Khuất Nguyên, cũng phải chết ở dưới trượng tra-tấn của bọn tham-quan khốc-lại!

Mọi người nghe nói đều hỏi Hứa phu-nhân cứu hộ ra làm sao? Phùng-Ngọc bèn đem sự Ngọc-Anh hai lần hiển-linh cứu hộ thuật chuyện lại cho mọi người nghe, chúng đều ta-thán nức nở. Mai Anh liền mời Phùng-Ngọc lên ngựa trở về trại Lý công-chúa. Phùng-Ngọc tiếp-kiến chư-tướng đều nói ân-cần cảm-tạ cái ơn cứu-hoạt. Lý công-chúa sai bày tiệc khánh-hạ. Đêm hôm ấy Mai tiểu-thư phải nhường Phùng-Ngọc nghỉ bên trại Lý công-chúa. Trướng tô giáp mặt hoa đào, càng âu duyên mới càng dào tình xưa; tình ân-ái buổi trùng-phùng này tỉ với buổi sơ-hôn kia, lại càng keo sơn khăng-khít. Vậy có thơ rằng:

Mảnh gương tan lại hợp,
Giấc mộng luống mơ màng.
Chung gối thâu đêm chuyện,
Tương-tư giãi đoạn tràng.

Ngày hôm sau, Mai Anh bày tiệc mời Phùng-Ngọc mở cuộc khánh-hạ, yến ẩm luôn hai ba hôm. Một hôm Gia-Cát Đồng bảo Mai Anh rằng:

— Tôi xem Đặng tiểu-thư Nguyệt-Nga, tài-mạo song-toàn, nếu đại-vương cầu lấy làm phối-ngẫu, có thể làm được một tay lương-tá ở chốn khuê-môn.

Mai Anh nói:

— Ta đã cưới lấy Tiền cô-nương rồi, sao lại lấy Đặng tiểu-thư nữa.

Gia-Cát Đồng cả cười mà rằng:

— Ông lão nhà quê được mùa thu thêm được và mươi hộc thóc, còn muốn lấy vợ lẽ, huống chi như Đại-vương, giàu có đến thiên-thặng, dẫu lấy thêm đến ba thiếp bảy nàng-hầu nữa lại không được hay sao?

Mai Anh nói:

— Quân-sư nói thế cũng là phải, song chẳng hay Đặng tướng-quân có đoái đến hay không?

Gia-Cát Đồng nói:

— Để bất-tài này xin đi nói thử xem thế nào.

Nói rồi, liền đi yết-kiến Lý công-chúa mà rằng:

— Nay Hoàng tướng-công đã cứu ra được rồi, lũ bất-tài chúng tôi đi vắng nơi sơn-trại đã lâu, muốn xin từ Công-chúa trở về. Cứ lẽ ra thì Mai tiểu-thư phải ở hầu Hoàng tướng-công ở bên Công-chúa đây là phải; song đấng tiên-đại-vương tôi sinh ra tiểu-thư, chỉ có hai chị em: nếu tiểu-thư đã phải ở bên Công-chúa này, thì chủ tôi thiếu mất một tay giúp đỡ, chủ tôi ý muốn xin cô tiểu-thư của Đặng tướng-quân để làm nội-trợ, xin Công-chúa vì tình Mai tiểu-thư mà nói giúp đỡ cho tôi một lời.

Lý công-chúa cả mừng mà rằng:

— Xá-muội tôi tài kém đức mỏng, chỉ sợ không đáng sánh đôi với đại-vương, nếu đại-vương muốn kén dùng, thì tôi xin vâng-mệnh để nói với Đặng tướng-quân cho được.

Gia Cát Đồng cả mừng, cáo từ trở ra về trại, nói với Mai Anh sắm sửa đồ thiên-kim sính-lễ, đệ đến trại Lý công-chúa để đưa cho Đặng Bưu thâu-nhận. Lý công-chúa sai người vào tỉnh hành sắm sửa đồ nữ-trang hai ba nghìn bạc chọn ngày tốt làm lễ thành-hôn ngay ở trong trại. Ngày hôm cưới âm-nhạc linh đình, lễ-nghi chỉnh-bị, rước đón Nguyệt-Nga đưa về trại Mai Anh làm lễ thành-hôn. Khi đón dâu vào đến trại sau, Mai Anh sẽ đỡ Nguyệt-Nga nâng bỏ cái khăn phủ đầu ra, thử ngắm nhìn xem, đôi bên đều ý-hợp tâm đầu mười phần hoan-hỉ. Tả hữu bày dàn tiệc yến, hai người giao-bôi uống rượu. Mai Anh nói:

— Hôm trước ở trận tiền gặp hiền-khanh trong lòng tôi lấy làm hâm-mộ lắm, không ngờ nay lại được sánh đôi loan phụng!

Nguyệt-Nga cúi đầu mỉm cười. Mai Anh tình càng lai láng, liền sai tả hữu triệt bỏ yến-tịch đi. Hai người đều duyên ưa cá nước, tình đặm mây mưa; gẫm duyên kỳ-ngộ xưa nay, chẳng duyên hồ dễ vào tay ai cầm!

Ngày hôm sau, hội họp cả tướng-sĩ, mở tiệc yến ẩm. Đới Tuần-phủ và các quan nghe tin đều sai người đến chúc mừng. Mai Anh đều khoản-đãi tử-tế cả. Cách và hôm sau, Mai Anh vì đã bỏ vắng sơn-trại lâu ngày không đành lòng, bèn cùng Nguyệt-Nga đến bái từ Lý công-chúa xin về sơn-trại. Lý công-chúa định sắp bày tiệc để tiễn-hành. Chợt đâu thấy một người lật-đật chạy lại trước dinh, trông vào Mai tiểu-thư quì xuống cất tiếng khóc oà lên. Chúng đều cả kinh, không biết là việc gì.