Lý với thế trước Hội Vạn Quốc
Bởi bắt nó làm cái việc nó không thể làm được
Từ vụ Nhật-Hoa xung đột ở Mãn Châu xảy ra, chánh phủ Tàu cứ giữ một mực bất để kháng mà trông cậy ở sự bài giải của Vạn Quốc hội.[1] Mà theo lời minh ước, Vạn Quốc hội can thiệp vào vụ nầy là rất phải. Bởi vậy, cả thế giới ai cũng ngước mắt chờ xem Vạn quốc hội xử trí ra sao.
Trong vụ xung đột đó, người Tàu họ tự cho phần khúc về bên Nhật và phần trực về bên họ, cho nên họ kể chắc mười mươi rằng bề nào hễ Vạn Quốc hội đã can thiệp thì người Nhật cũng phải khuất phục mà bên Tàu được thắng lợi về sau. Có vậy, Trương Học Lương và Tưởng Giới Thạch, cầm trong tay ngót trăm vạn binh, mới đành thả xuôi hai tay mà giao cái vận mệnh Đông tam tỉnh cho nhà ngoại giao Thi Thiệu Cơ cứ nói miệng ở giữa Vạn quốc hội.
Cái lẽ phải dầu ở giữa thế kỷ máu và sắt này nó cũng không đến nỗi tiêu diệt cả đâu. Vạn Quốc hội từ ban đầu cũng đã mặc nhận cho Trung Hoa được phần trực mà biểu đồng tình cùng họ. Bởi đó, ở giữa hội nghị đã được thông qua cái nghị án bắt Nhật rút binh, và ở Tô Kiêu, người ta cũng đã nhận được tờ thông điệp bắt phải rút binh khỏi Mãn Châu, đến ngày 16 Novembre cho hết.
Thế mà, ngày 16 Novembre đã qua rồi, ngày 16 Décembre cũng lại đã qua rồi nữa, quân Nhật chẳng những không rút đi mà lại còn kéo tới thêm. Họ lấy cớ rằng ở Mãn Châu còn nhiều thổ phỉ, họ còn phải đóng quân ở đó để bảo hộ kiều dân của họ.
Nếu vậy, Vạn Quốc hội đối với các nước, kêu lên, không còn ai thèm dạ nữa sao? Cái cơ quan thần thánh ấy đã mất cả uy tín và hiệu lực rồi sao? Nếu vậy Vạn Quốc hội còn đứng đó làm gì? Đứng đó làm gì, một năm tốn hết mấy chục triệu của các dân trên thế giới mà chẳng được việc gì hết?
Ai đem những lời ấy mà trách nhau, ấy là chưa biết cái chân tướng của Vạn Quốc hội. Phải tùy sức nó. Bắt nó làm cái việc nó không thể làm được, rồi trách nó, há chẳng phải là oan sao ?
Trước vụ xung đột này, có vụ xung đột khác đã nhờ Vạn Quốc hội bài giải cho mà được hoà bình liễu kết[2], coi đó thì biết Vạn Quốc hội há phải cái cơ quan lập ra mà vô ích? Nhưng ta phải biết rằng đó là việc mà theo sức Vạn Quốc hội làm được.
Năm 1925, Grec với Bulgarie xung đột nhau. Quân đội của Grec thình lình xâm vào bờ cõi Bulgarie. Sáng hôm sau, chánh phủ Bulgarie liền cầu cứu với Vạn Quốc hội. Bấy giờ, ông Briand đương làm chủ tịch Hành chánh viện ở Vạn Quốc hội; trước khi vời nhóm đại biểu các nước để mở hội, ông đánh điện tín cho cả hai nước mà bắt phải rút binh. Sau đó hai ngày, hội bắt đầu nhóm, đại biểu của Grec phát ngôn, xin thảo luận ai phải ai quấy trong vụ xung đột nầy. Thế mà ông Briand lấy quyền chủ tịch cấm không cho phát ngôn, ông nói rằng bây giờ việc thứ nhất đem ra bàn là việc rút binh, chớ còn sự ai phải ai quấy, cái đó chưa nói tới. Tức thì, Hành chánh viện bèn bắt cả Grec và Bulgarie đều ra lệnh rút binh trong 24 giờ đồng hồ, và trong 60 giờ phải rút cho hết, ở đâu về ở đó. Liền đó, Vạn Quốc hội uỷ cho ba nước Anh, Pháp, Ý, phái quan binh đi tới chỗ gây việc mà tra xét và báo cáo cho Hội về cái tình hình hai nước rút binh ra sao. Trong sáu ngày, hai nước đều phụng mạng mà rút binh hết. Nhờ đó, vụ xung đột ấy khỏi sinh ra chiến tranh; bằng không thì, trận Âu chiến thứ hai đã xảy ra từ đó.
Vinh dự thay là Vạn Quốc hội hồi đó! Oai nghiêm thay là Vạn Quốc hội năm 1925, trong việc Grec với Bulgarie xung đột nhau!
Đến năm nay, năm 1931 này, việc Hoa-Nhật có khác gì việc ấy đâu? Mà cũng Vạn Quốc hội đó, cũng ông Briand đó, sao cái kết quả của sự hành vi lại khác ?
Có người nói Vạn Quốc hội có ý bênh Nhật Bản. Ấy là nói bướng, không phải đâu. Trong hai vụ này mà cái hiệu lực của Vạn Quốc hội khác nhau là chỉ tại lý với thế mà thôi. Vạn Quốc hội là chỗ nói lý. Khi cái lý nói được thì nói ra có hiệu lực; mà khi cái lý đã bị cái thế đè lên rồi, thì nói nó ra, chẳng ăn thua gì, chẳng còn có hiệu lực gì. Bởi đó mà Vạn Quốc hội xử vụ Hoa-Nhật không trôi.
Vạn Quốc hội không phải là cái chánh phủ "sắp nóc", ở trên hết các chánh phủ các nước đâu. Trái lại, nó chỉ là cái cơ quan do các cường quốc lập ra, các cường quốc giúp người giúp của cho nó được thành lập. Nó không có một đồng tiền trong tay, không có một đạo binh để sai đánh đâu thì đánh đấy, vậy thì nó có quyền gì mà nói cho ai nghe được?
Song le, đối với những nước nhỏ, như Grec với Bulgarie đó, thì Vạn Quốc hội có quyền. Nói rằng Vạn Quốc hội có quyền, chứ kỳ thực là các cường quốc lập ra Vạn Quốc hội có quyền. Dùng cái quyền ấy mà phán đoán lý khúc trực thì tự nhiên cái lý được mạnh. Bờ cõi Bulgarie, người Grec vô cớ không được xâm nhập, ấy là lý đó. Vạn Quốc hội cứ theo lý ấy mà bắt hai nước phải rút binh; họ là nước nhỏ và yếu, không nghe không được, họ phải rút binh.
Chứ còn việc Mãn Châu ngày nay, kẻ gây ra việc ấy là Nhật Bản, là nước mạnh, là một cường quốc đứng khai sanh cho Vạn Quốc hội như mấy cường quốc kia, thì Vạn Quốc hội muốn nói lý với họ, có dễ gì? Ngày nay, Vạn Quốc hội cũng có thể nói như hồi trước, rằng bờ cõi Tàu, người Nhật vô cớ không được xâm nhập; nhưng nói vậy mà họ không nghe cũng thôi, vì họ mạnh, cái thế của họ đè trên lý, họ không như Grec và Bulgarie mà bảo rằng nói gì nghe nấy được? Vạn Quốc hội hơn một tháng nay coi bộ lúng túng, muốn bó tay như chàng Thúc, là vì cớ ấy.
Nói không biết nghe thì đánh. Lý sự trong thiên hạ chỉ có vậy mà thôi. Nhưng, Vạn Quốc hội mà đánh ai? Tiền không có một đồng dính tay, binh chỉ có vài tên đủ canh cửa, thì lấy gì mà đánh?
Bởi vậy, chúng ta là kẻ đứng ngoài vòng, xem việc đời như xem hát, phải biết "màu tuồng". Ai trách Vạn Quốc hội thế này thế kia, là không biết rõ cái chân tướng của Vạn Quốc hội, không biết chỗ đáo đầu của cái lý với cái thế.
PHAN KHÔI
Chú thích
- ▲ Hội Vạn Quốc nói trong bài là Hội Quốc Liên (chữ Pháp Société des Nations, chữ Anh League of Nations) tổ chức quốc tế được thành lập sau Thế chiến thứ nhất tại Hội nghị Hoà bình Paris năm 1919; tổ chức này đã thất bại vì không ngăn được thế chiến thứ hai. Sau thế chiến hai, 1945, Liên Hiệp Quốc được thành lập, thay thế cho Hội Quốc Liên.
- ▲ Liễu kết: xong việc, kết thúc (theo Đào Duy Anh, sđd.)