Lý luận của tôi  (1936) 
của Phan Khôi

Các bài đăng trong mục "Lý luận của tôi" trên Sông Hương, Huế, số 4 (22 Août 1936), trang 2; số 5 (29 Août 1936), trang 2; số 6 (5 Septembre 1936), trang 2; số 7 (12 Septembre 1936), trang 2; số 8 (19 Septembre 1936), tr. 2; số 11 (10 Octobre 1936), trang 2; số 18 (28 Novembre 1936), trang 3; số 21 (19 Décembre 1936), trang 3.

NHẴN MẶT

Trong phong tục ta có một điều thuở xưa lấy làm cấm kỵ lớn lắm mà ngày nay ai ai cũng mắc phải một loạt như nhau, ấy là sự nhẵn mặt.

Mà nhẵn mặt là bởi cạo mặt. Không cạo thì mặt đâu có nhẵn?

Đôi ba mươi năm về trước, hàng các cụ thấy con em nhẵn mặt, đánh cho nát xương, không cũng mắng cho vuốt mặt không kịp. Nhưng bây giờ thì chính hàng các cụ, mặt cũng lại đã nhẵn rồi.

Mày râu nhẵn nhụi, cái bản mặt ấy buổi trước chỉ bọn Mã Giám Sanh, Sở Khanh mới có. Mà nay thì từ ông quan đầu triều trở xuống cho đến cậu học trò, thảy đều nhẵn nhụi.

Mặt nhẵn như thế, buổi trước cho là mặt "nịnh", mặt "ăn chơi". Người đời bây giờ có phải nịnh cả đâu, ăn chơi cả đâu, nhưng ai nấy cứ nhẵn như thường.

Mọi người đều có hớt tóc thì mọi người đều có cạo mặt, cho nên mặt mọi người đều nhẵn.

Cái kiểu hễ hớt tóc là có cạo mặt ở xứ ta đây là bắt chước theo người Pháp. Nguyên người Pháp nhiều râu, râu đầy cả mặt, nên mỗi lần hớt là mỗi lần cạo. Người mình tuy ít râu, hoặc có người không râu nữa, nhưng thợ hớt tóc đã quen rồi, hễ hớt thì phải cạo luôn. Thành thử cái mặt nào cũng như mới bôi dầu, láng bóng có ngời. Mà rồi ai ai cũng coi là thường, không cho là một điều cấm kỵ nữa, không cho là một điều đáng khinh bỉ nữa.

Nếu ông cha chúng ta sống dậy giữa chúng ta, hơi nào mà đánh, hơi nào mà mắng, vì thấy cái mặt nào cũng như cái mặt nào.

Cho biết sự đổi thói dời tục là mạnh đến thế. Nó dời đổi cho đến cái thói tục sau trái với cái thói tục trước.

Bây giờ muốn sửa tục lại cho người ta trông vào khỏi tưởng rằng người An Nam người nào cũng nịnh hết, cũng ăn chơi hết, thì phải ra một lệnh cấm: hễ mặt ai không có râu, không được cạo.

Nếu có vậy thì cái lệnh cấm phải thi hành từ các cụ đại thần trước, vì phần nhiều các cụ không có lấy một sợi râu.

K.

CŨNG ĐÁNG PHÀN NÀN

Có nhiều giáo sư trường công ở tỉnh Bình Định viết thơ cho báo Sông Hương mà phàn nàn một việc kể ra cũng đáng phàn nàn.

Họ nói họ bị bớt lương hai năm nay. Lương hai năm nay thì ai chẳng bị bớt, hơi nào mà nói?

Nhưng họ nói là tại có một hạng người cùng làm thầy giáo như họ mà lương lại khỏi bị bớt.

Ấy là các thầy giáo ở các trường làng mà Bộ Giáo dục đã ban cho cái tên tốt đẹp là trường “liên hương”.

Họ kể ra, họ bị bớt mười phần trăm từ năm 1934. Người ăn 18$00 còn 16$20, người ăn 16$00 còn 14$40. Đã vậy mà sau mấy tháng trong năm ấy, quan Đốc học bản tỉnh còn ngắt thêm mấy con số lẻ nữa: 16$20 chỉ trả 16$00, 14$40 chỉ trả 14$00.

Từ năm 1934 đến nay, các giáo sư trường công phải chịu luôn luôn sự thiệt hại ấy. Mà trong khi ấy thì các giáo sư trường "liên hương" cùng ở tỉnh Bình Định với họ lại được lãnh nguyên lương.

Cùng làm giáo sư, cùng ăn lương một ngân sách hàng tỉnh, mà sao kẻ thế nọ, người thế kia, cho nên họ tức.

Tức, họ muốn kêu.

Không phải kêu để nhà nước cũng bớt lương các giáo sư trường “liên hương” cho đồng với họ; nhưng kêu để nhà nước trả đủ cho họ mà đừng bớt nữa như đã trả đủ cho các giáo sư trường "liên hương" vậy.

Huống chi dạo này thấy các báo đăng tin: các công chức sẽ được hoàn lại số lương bị giảm vì cớ khủng hoảng năm 1934, thì họ ao ước lắm: ao ước họ cũng được trả số bị giảm lại như các công chức khác.

Họ hứa với báo Sông Hương, hễ kêu mà được trả lại số tiền bị giảm ấy, thì họ sẽ đem mua nó hết.

Chuyện ấy không chắc. Ai lại có bắt lươn đầu đuôi bao giờ!

Gặp việc đáng lý luận thì lý luận. Nếu vì lời hứa ấy mà động ngòi bút thì cái lý luận của tôi chẳng đã vứt đi đâu rồi?

K.

VĂN VẦN MÀ KHÔNG CÓ VẦN

Đức Khổng Tử đã có một lần phàn nàn về cái cách kêu tên của thời đại ngài: Lẽ ra cái cô phải có khía mới gọi được là cô. Thế mà thuở đó, cái cô không có khía người ta cũng gọi là cô nên ngài than thở mà rằng: “Cũng kêu là cô được ư? Cũng kêu là cô được ư?”.

Đời bây giờ, tiến hóa hơn buổi đức Khổng nhiều, song cái thói ấy người ta vẫn không bỏ.

Đời bây giờ, những bài văn gọi là văn vần thì thường là không có vần, thế mà người ta cũng gọi bằng văn vần được đi.

Trong Sông Hương mới rồi đã có người chỉ trích một bài thơ của ông Nam Trân: một bài thơ hay thì có hay mà mấy câu đầu bỏ vần lạc hết.

Nếu chỉ một ông Nam Trân thôi thì chẳng nói. Đáng nói là vì còn có nhiều lắm. Còn có bài văn vần chạm vào đá để đời mà cũng chẳng thèm bỏ vần kia.

Thấy trên một tờ báo, bài ca lục bát chạm vào bia, tụng công đức ông Trần Nhật Tán dựng tại làng Thạch Lũy ở Quảng Bình, có những câu mà một vần ở trên trời, một vần ở dưới đất, làm tôi càng ngứa miệng muốn nói.

Những gì ở trên, rồi tiếp tới:

Bước ra thư ký bước đầu,
Nhà buôn, tục lộ, gian nan quản gì...

Rồi đến:

Lượt này mong thưởng huy chương,
Long tinh hạng ngũ, kim tiền hạng tam.

Một bài dài mà người ta chỉ lục có mấy câu. Trong mấy câu thì tôi thấy được hai câu lạc vần như trên đó.

“Đầu” mà vần với “Nan”, “Chương” mà vần với “Tiền”, thì vần thế quái nào được chớ? Như thế thì sao gọi là văn vần được chớ?

Hễ đã là văn vần thì phải có vần. Không được lấy những câu từa tựa như thế này để cãi: “Người ta đi kéo gỗ, ai cần vần”; hay là: “Mược họ làm, họ có bỏ vần hay không, ai biết”.

Nói mà chơi chứ cái bài bia ấy của ông Trần Nhật Tán, có vần hay không có vần, cũng không đủ kể. Vì nó sẽ không có nữa.

Thế nghĩa là những tấm bia người ta lập lấy hay bắt kẻ khác lập để tụng công đức cho mình, thì, từ xưa đến nay, không bị trời đánh, cũng bị bọn chân trâu xô ngã, và nó sẽ không còn. Chuyện như thế trong sách đã có rồi mà đương đời ta đây cũng không hiếm, chẳng lấy gì làm lạ.

Ta chưa thấy cái tấm bia ở Thạch Lũy chỉ thấy cái bài bia, cũng đủ biết rằng nó rồi đây sẽ bị trời đánh hay chân trâu xô ngã. Thế thì có vần hay không có vần cũng nên để mặc kệ nó.

K.

TRỜI BẮT ĐẦU PHÁ LUẬT

Theo tôi thấy, mọi người ở trong nước Nam nầy, nên, hư, sang, hèn, đều do Trời định, chẳng phải mình muốn mà được.

Câu thành ngữ “Trời không đóng cửa ai” là câu nói bậy. Có thật anh thách Trời đóng cửa anh không? Nầy, nếu Trời muốn đóng cửa thì chẳng những đóng một mình anh mà đóng tới cả họ nhà anh nữa.

Còn Trời muốn cho phất thì cho cả họ đều phất.

Chẳng vậy mà họ Lê, họ Nguyễn thì cứ làm vua?

Chẳng vậy mà họ Hồ Đắc thì cứ làm quan nhất phẩm, lấy vợ giàu, lại đi nửa lừng trời?

Chẳng vậy mà họ Phạm ở Bắc Kỳ thì cứ được vời về Huế làm quan lớn?

Cũng như họ Phan thì cứ làm giặc, làm cách mạng.

Họ Phan ở trong nước Nam là một họ hay khuấy rối. Đời nào cũng có mọc lên một vài anh để phá đám ít lâu rồi bị chém, bị đầy hay nằm một xó rục xương.

Nào xem: Phan Bá Vành cũng như Phan Đình Phùng, Phan Đình Phùng cũng như Phan Xích Long, Phan Xích Long cũng như Phan Thành Tài... cho đến Phan Bội Châu cũng như Phan Châu Trinh, Phan Châu Trinh cũng chẳng khác nào Phan Bá Hòe hay Phan Thúc Duyện.

Nhưng đó chẳng qua là Trời để dành phần cho những người ấy. Nếu họ muốn thoát khỏi cái số phận ấy thì duy có họ đừng đẻ ra trong cửa tộc Phan.

Tại Nam Kỳ có một nhà Hồ Đắc mà anh em chú cháu đều đậu cử nhân luật và lấy vợ giàu. Một người trong bọn ký tên mình bằng Hồ Đắt mỗ (bạn đọc chú ý chữ Đắt), nói rằng để phân biệt với Hồ Đắc ở Huế.

Nói mới buồn cười chớ! Đậu cử nhân luật, lại lấy vợ giàu thì cũng một môn với làm quan nhất phẩm; Trời định như thế, phân biệt với Trời được sao?

Ông Hồ Đắc Cung ở Sài Gòn không sang trọng như hai nhà Hồ Đắc kia thì lại cỡi máy bay đi nửa lừng trời. Ngồi trên đầu người ta với đi nửa lừng trời thì cũng sướng như nhau.

Nói đến họ Phạm lại càng thấy sự Trời định là rõ ràng chắc chắn hơn nữa.

Ông Phạm Quý Thích đương là di lão nhà Lê, chợt một cái, đức Gia Long vời về làm Thị trung học sĩ. Ông Phạm Văn Thụ đương là Tổng đốc Nam Định, thình lình đức Khải Định vời về làm Thượng thư Bộ Hộ. Rồi đến đức Bảo Đại vời một ông họ Phạm nữa mới rồi.[1]

Thiếu gì người mà vua không vời, lại vời ba người cùng họ Phạm? Có phải Trời đã lập luật, hễ họ Phạm thì được hưởng cái phần phước ấy không?

Nhưng xem chừng như bắt đầu từ nay Trời đã muốn phá luật rồi.

Ông Hồ Đắc Cung bị rơi máy bay ở Gia Rây, không còn đi nửa lừng trời nữa.

Ông Nguyễn Tiến Lãng được bổ về Huế làm ở Ngự tiền văn phòng, cái phần ấy hình như không dành riêng cho con cháu họ Phạm nữa.

Mà dòng dõi họ Phan thấy Phan Khôi cũng được làm chủ một tờ báo, chắc mừng cho chúng nó rày về sau không làm giặc, không còn bị chém và đi đầy![2]

K.

CÁI NHÂN CÁCH ĐÁNG NGỜ

Cái thực tình đôi khi nó là một hại. Cũng như cái thật thà đôi khi nó là cha cái dại. Thực tình quá, không nên.

Ông tới nhà bạn ông, gặp bữa cơm, bạn ông mời ông ăn. Ông nhận lời. Rồi ở nhà ông ăn ba bát, đến đây ông cũng ăn ba bát. Ông tự nghĩ là ông ăn thực tình. Bạn ông cũng phục cái chỗ thực tình của ông. Nhưng, tôi xin nhắc chừng ông: ông hãy để ý đến một người khác.

Một người khác ấy tức là bà vợ của bạn ông. Bà ấy thấy ông ăn như thế, có thể ngờ cho ông đói đâu từ ba hôm trước.

Đó, ăn thực tình đã có hại; mà làm thực tình còn có hại hơn.

Báo Khuyến học,[3] bạn đồng nghiệp của chúng tôi ở Hà Thành, vừa rồi đã làm một việc thực tình.

Trong số 25, ra ngày mồng một tháng chín, nơi bài đăng đầu, báo ấy tự khoe mình là trong sạch: "trong sạch về tư tưởng, trong sạch về nhân cách".

Cái tư tưởng có trong sạch hay không, thật là khó biết. Nhưng đến cái nhân cách thì nó sờ sờ ra đó, thiên hạ trông vào khắc biết ngay.

Tuy vậy, báo Khuyến học lâu nay nói gì, làm gì, tôi dám chắc người ta cũng ít để ý đến. Bây giờ nghe nói cái nhân cách nó trong sạch, người ta phải lục xem.

Cũng số 25 ấy, lật ra đến trang 8, thấy có cái lời rao thế nầy:

"Sắp đăng bài điều tra về một ông giáo học trong Nam và ông chủ sự nhà giây thép ngoài Bắc nay nghiễm nhiên là ông lang thuốc cứu nhân độ thế, phát minh nhiều thứ thuốc hay như thuốc thánh ở huyện Cẩm Giàng".

Đọc cái lời rao ấy, chắc ai nấy phải lấy làm lạ. Vì nó không phải một lời rao đứng đắn mà giống như cách dọa để ăn tiền.

Thường thường một tờ báo muốn cho bạn đọc để ý đến bài mình sắp ra thì hay rao trước cái đề mục của bài ấy và ngày nào số nào sẽ đăng nó.

Cái nầy Khuyến học không nói rõ ngày và số, chỉ nói "sắp ra"; cũng không chép trọn đầu đề, chỉ nói cái giọng nửa úp nửa mở. Mà cứ như cái giọng ấy thì duy có những người trong cuộc biết với nhau mà thôi, còn người ngoài chẳng ai biết đó vào đâu.

Không lạ gì, cũng đã có người làm như thế để hai ông kia nếu có chột dạ, đem tiền tới đút là nhà báo không đăng cái bài điều tra ấy nữa.

Cách ấy trong tiếng ta chưa có tiếng gì để chỉ nó, nhưng theo tiếng Pháp thì gọi là "chantage".[4]

Có lẽ nào trong sạch cả tư tưởng đến nhân cách như báo Khuyến học lại đi trổ cái ngón ấy bao giờ.

Nhưng báo Khuyến học vì đã thực tình quá mà làm việc này. Trong ý cho rằng có hai người như thế, mình sẽ có bài điều tra như thế thì cứ rao như thế. Cũng như ông nọ, ở nhà ăn ba bát thì đến nhà bạn cứ ăn ba bát.

Nhưng mà thực tình, tôi đã nói, đôi khi là một cái hại. Có thể vì cái lời rao đó mà nhân cách của báo Khuyến học thành ra cái nhân cách đáng ngờ.

K.

CỌNG SẢN THEO NGHĨA KHÁC

Ai thấy Hải Triều cứ mỗi năm ngày 1er Mai bị soát nhà một lần mà bảo va làm cọng sản là oan cho va.

Hải Triều chả phải là cọng sản theo chủ nghĩa Mã-khắc-tư.

Ở một cái nhà lầu giữa phố Paul Bert, cửa hàng buôn bán có trên dưới ngàn bạc, Hải Triều chẳng lao công mà cũng chẳng vô sản.

Tôi ở cái nhà trệt đường Gia Hội, có cái lưng vốn trên dưới ngàn bạc làm báo Sông Hương, mà Hải Triều kêu tôi là phú hào. Hễ tôi mà phú hào thì Hải Triều ít nữa cũng phải phú hào như tôi.

Họ giả dối cả.

Chính họ tự khai sự giả dối ấy ra trước mặt tôi.

Hôm hội nghị 20 Septembre ở Viện Dân biểu, một người bạn của Hải Triều lên diễn đàn, bắt đầu phân biệt ra phú hào với bình dân. Tôi hò lại, nói: "Ở đây chỉ có người Trung Kỳ mà thôi, chớ không có chia ra bình dân, phú hào gì cả".

Sau khi người ấy xuống diễn đàn, chạy lại nói nhỏ với tôi rằng: "Nói vậy mà chơi, chứ chính tôi đây là con quan lớn, ở nhà ngói, cày đất tư, cũng chẳng bình dân gì đâu ông ạ!".

Nói vậy rồi còn điểm thêm vài nụ cười tình tứ nữa, tôi mới dễ ghê cho!

Người ấy khai ra như vậy, chẳng những cho mình, mà luôn tiện, cũng cho Hải Triều, bạn của mình.

Thế mà cọng sản ư?...

Hải Triều có cọng sản chăng là cọng sản trong một nghĩa khác.

Cuốn sách Duy vật hay duy tâm Hải Triều in ra, bán được mấy trăm đồng bạc. Trong đó, va lấy bài của tôi đến già nửa, còn của va có non nửa. Thế mà bán xong, va chẳng chia cho tôi một xu nào. Rất đỗi trước khi in va cũng chẳng hề xin phép tôi. Hải Triều không biết có quyền tác giả. Hải Triều không biết phân biệt của người với của ta. Coi của người khác là của mình, lấy của người khác làm của mình, hưởng cái lợi tức của công phu người khác riêng về mình: Ấy đó là cái chân tướng cọng sản của Hải Triều.

Hải Triều mà gọi là cọng sản họa chỉ có thế. Thế mà gọi là cọng sản cũng khi oan.

Bởi vậy vừa rồi Hải Triều có viết bài khiêu chiến với tôi mà tôi còn ngần ngại chưa vội trả lời. Tôi còn nghĩ thử có nên bút chiến với ông cọng sản ấy lần nữa để làm dịp phát tài cho ông không. Vì tôi nghe người ta nói Hải Triều chực xuất bản cuốn Toàn kỳ hội nghị nữa đây.

PHAN KHÔI[5]

CŨNG LÀ MỘT DỊP

Vừa rồi báo Sông Hương ‒ hẳn cũng như các báo khác ‒ có tiếp được một bức thư của ông Phạm Tá, dân biểu Bắc Kỳ ở Hà Nội, nói về sự xin chính phủ can thiệp vào việc những người An Nam bị bắn ở bên Xiêm.

Bức thư ông Tá, đại ý nói ông thấy các báo đăng tin rằng những người đồng bang ta ở bên Xiêm vừa rồi có tổ chức cuộc biểu tình, bị cảnh sát Xiêm bắn chết hai người, và bắt giam 80 người. Vì đó ông có yêu cầu ông Viện trưởng Dân viện Bắc Kỳ đứng xin chính phủ ta can thiệp vào việc ấy; luôn thể ông cũng đánh điện tín cho các báo Nam Kỳ kêu gào các đoàn thể dân cử giúp sức. Cuối bức thư có lục cả bức điện tín.

Kế đó, báo trong Nam gửi ra, có mấy tờ đăng bức điện tín của ông Tá cũng như báo ngoài Bắc. Thành ra nhân việc nầy, cái tên ông Phạm Tá thấy nhan nhản trên các báo từ Bắc chí Nam.

Đó cũng là một dịp cho mấy ông viện trưởng có chuyện để mà nói năng với chính phủ; lại cũng là một dịp cho mấy ông dân biểu hữu tâm như ông Phạm Tá có việc để mà đánh điện và gởi thư.

Còn thực sự: có ích gì không?

Tôi tưởng chừng như không ích gì cả.

Đã đành rằng chính phủ thì phải có nghĩa vụ bảo hộ dân của mình ở ngoại quốc: Gặp khi một chính phủ khác giết hại dân của mình thì mình phải can thiệp. Nhưng, thường thường mỗi khi như thế, người ta cũng phải hỏi tại sao mà giết và tại sao mà bị giết.

Việc nầy không đợi hỏi, chính phủ Xiêm đã tuyên bố rằng Việt kiều ở bên ấy làm cọng sản, biểu tình, khuấy rối cuộc trị an của họ, cho nên họ bắn.

Nếu quả vậy thì chính phủ Đông Pháp sẽ không can thiệp được dù có muốn can thiệp. Vì mấy năm trước đây, chính phủ Đông Pháp cũng đã bắn dân của mình khi họ làm cọng sản, biểu tình.

Muốn can thiệp, trước hết ta phải đừng bắn cọng sản.

Nhưng cái đó khó lắm. Làm được điều ấy, trên thế giới hiện nay, duy có chính phủ Mốt Cu[6].

K.

GIÁO HIẾU

Sách Nho hay nói: “Thánh vương đời xưa lấy hiếu trị thiên hạ”. Như thế cũng gọi là “giáo hiếu”. Nghĩa là dạy dân ở thảo với cha mẹ.

Xứ Nam Kỳ thuở trước thuộc về vua ta thì vua ta dạy cho dân ở thảo với cha mẹ họ. Nhưng bây giờ thuộc về nước Pháp thì sự giáo hiếu là phần việc của quan Thống đốc Pagès.

Mới đây ngài dạy được hai tên dân của ngài.

Một là Diệp Văn Kỳ. Tên nầy có bà mẹ ở cạnh sông Hương, năm nay niên ngoại thất tuần. Kỳ hồi nhỏ ở luôn với mẹ. Thế mà, lớn lên y về Nam cưới vợ rồi ở miết với vợ y trong ấy.

Chẳng những thế, Kỳ còn có cho đến hai vợ. Hết ở với vợ lớn, đến ở với vợ nhỏ, Kỳ vẫn để mẹ mình ở một chắc bên cạnh sông Hương.

Quan Thống đốc bèn ra lệnh trục xuất Diệp Văn Kỳ ra khỏi đất Nam Kỳ trong 24 giờ.

Thấy ngài làm thế, thiên hạ bảo rằng vì cớ này cớ nọ, nhưng không biết chủ ý quan Thống đốc là muốn Kỳ về Huế ở ít lâu hầu cho trọn đạo làm con.

Hai là Bùi Thế Mỹ. Tên này cũng đáng dạy như tên kia.

Người ta nói cách đây hơn mười năm, Mỹ thi thành chung lần thứ ba ở trường Quốc học mà vẫn hỏng. Ông thân y ở Quảng Nam ra, mắng rằng:

‒ Mầy không lo, cứ để hỏng mãi, chỉ ôm một cái bằng bờ-ri-me[7] mà làm ông tướng chó gì?

‒ Cha để mặc con. Nhân sinh hà tất đíp-lôm?[8] Có tài thì một cái bằng bờ-ri-me cũng làm được long trời lở đất vậy chớ!

Nói thế rồi Mỹ không thèm về nhà mà đi tuốt vô Sài Gòn. Từ ấy đến nay đâu đã 12 năm, Mỹ tuy chưa làm đến long trời lở đất chứ cũng đã có danh lừng lẫy, gần trở nên một “cụ Bùi thứ hai”.

Vậy mà Mỹ chưa hề về qua nhà ở Quảng Nam, thừa hoan dưới gối ông thân bà thân y lấy một lần.

Ăn ở như thế, để làm gì chẳng dạy? Trong 24 giờ, quan Thống đốc cũng hạ lệnh cho Bùi Thế Mỹ phải ra khỏi Nam Kỳ về Quảng.

Chắc song thân của họ Bùi mừng rỡ và cảm ơn quan Thống đốc lắm cũng như bà cụ họ Diệp.

BÊ CA[9]

   




Chú thích

  1. Chỗ này ý nói việc Phạm Quỳnh được vua Bảo Đại chọn làm Thượng thư cùng với 4 người khác, khi vua Bảo Đại từ Pháp du học trở về nước, bắt đầu chấp chính (1932), tiến hành một số cải cách đối với bộ máy triều Nguyễn.
  2. Ý này chỉ mang tính chất hài hước, tự trào, là vì chức vụ chủ nhiệm một tờ báo đương thời ấy không do nhà nước bổ nhiệm, mà chỉ là người chủ việc kinh doanh, có vốn và có khả năng làm và xin được giấy phép của chính quyền là được làm; tất nhiên dám làm và làm được công việc này là rất đáng hãnh diện trước xã hội, trước dòng họ mình.
  3. Khuyến học – bán nguyệt san (xuất bản mỗi tháng 2 kỳ), số đầu ra ngày 1/9/1935; số cuối, bộ mới, ra tháng 4/1937; tòa soạn: 39 phố Hoàn Kiếm, Hà Nội, chủ nhiệm Nguyễn Xuân Thái (theo Nguyễn Thành: Từ điển thư tích báo chí Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Văn hóa thông tin, 2001, tr. 194.
  4. chantage (chữ Pháp): sự đe dọa tố giác, sự dọa tống tiền.
  5. Trong mục “Lý luận của tôi”, tác giả thường ký K.; riêng bài này ông ký rõ họ tên Phan Khôi, cho thấy một ý kiến thực chứ không phải một bài tiểu phẩm đùa cợt; tuy vậy, sự việc gắn với ý thức và ứng xử về tác quyền này, tác giả chỉ đưa vào mục nhỏ này, cho thấy ông cũng không có ý làm lớn chuyện.
  6. Moscou
  7. bờ-ri-me: phiên âm từ chữ Pháp primaire, tức là bằng sơ học (trong hệ trường Pháp-Việt ở Đông Dương đương thời)
  8. đíp-lôm: phiên âm từ chữ Pháp diplôme, trỏ một tấm văn bằng, chứng chỉ nào đó về học vấn.
  9. Từ kỳ này Phan Khôi viết bài trong mục này dưới bút danh Bê Ca (cách đọc Việt hóa hai từ viết tắt P.K.). Phan Khôi quen thân cả hai nhà báo Diệp Văn Kỳ và Bùi Thế Mỹ, nhân bàn việc hai ông bị trục xuất khỏi Nam Kỳ, ông nêu một số chi tiết về tiểu sử hai người này.