Lãnh tụ với quần chúng

Lãnh tụ với quần chúng  (1930) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6283 (27.10.1930)

Quốc dân trách ông Bùi Quang Chiêu là phải, song cũng nên tự trách lấy mình

Bài Ông Bùi Quang Chiêu năm 1930 của bạn đồng nghiệp Phụ nữ tân văn mới ra vài bữa nay, ở nơi xa thì chưa biết, chớ ở nội Sài Gòn đây thật có ảnh hưởng rất lớn. Đi tới đâu cũng nghe người ta bàn bàn luận luận về sự đó. Thậm chí có người ra dáng ngây ngô, lấy làm lạ lắm, nói rằng : “Thật tôi không ngờ đâu cụ Bùi mà lại “bán mình” như vậy ! Nếu không có báo Phụ nữ nói thì chúng tôi làm sao biết được ?”

Coi ý nhiều người đối với bài công kích ông Bùi của báo Phụ nữ tỏ ra lòng tín nhiệm lắm, chớ không có nghi ngờ chi hết. Ấy là vì một cái hiện trạng bày ra trước mắt mọi người, không phải là việc kín đáo chi mà hòng ngờ rằng nhà báo có thể đặt điều nói xấu được. Huống chi cái bài của bạn đồng nghiệp lời nghiêm nghĩa chánh, đủ làm cho xúc động lương tâm của ai nấy, thì đồng bang tín nhiệm là phải lắm.

Quốc dân ta trách ông Bùi là phải, tuy vậy còn phần chúng ta, há cũng chẳng nên tự trách lấy ta sao ?

Ở nước nào cũng vậy, quần chúng cần phải có người lãnh tụ để dẫn đường chỉ lối cho. Dầu một nước mà nhân dân đã tấn hóa lắm, trong nước lại được tự do bình đẳng nữa, như nước Pháp, cũng còn cần phải có năm ba tay lãnh tụ, huống chi là nước mình. Ở nước mình đây, trên đường chánh trị lại còn khó khăn hơn nữa, lại còn cần phải có kẻ dẫn đường chỉ lối hơn nữa.

Nhưng, những tay lãnh tụ ấy ở đâu mà ra ? Có lẽ nào An Nam đi rước một người Tây hay một người Tàu về làm lãnh tụ cho mình sao ? Không có thể như vậy được. Lãnh tụ của dân An Nam phải kén chọn từ trong quần chúng An Nam mà ra vậy.

Vậy thì, nếu quần chúng An Nam mà tốt hết thảy, thì kén chọn ở đó ra sẽ được người tốt. Còn nếu quần chúng An Nam mà xấu, thì người được kén chọn ở đó ra cũng sẽ là người xấu.

Quốc dân ta ngày nay trách ông Bùi là phải, vì ông Bùi có điều đáng trách. Song ở trong đám quần chúng nầy, ví dụ ngoại ông Bùi ra, chúng ta thôi đới người khác lên làm lãnh tụ, có dám chắc rằng sẽ tốt hơn ông Bùi chăng ? Chỗ đó, có lẽ trong đồng bang sẽ có nhiều người không dám lấy làm chắc cũng như chúng tôi đây.

Xin đồng bào ta chớ lấy sự đó làm lạ, mà phải ngẫm nghĩ cho ra cái nguyên nhơn rồi nên tự trách lấy mình.

Xứ ta từ lâu nay việc giáo dục rất là bơ thờ. Những trường học dạy cho biết ba cái chữ đó không đủ gọi là giáo dục được. Vì cái cớ không có giáo dục đúng đắn đó mà người ta không biết trọng danh dự, không biết chuộng khí tiết, không biết giữ nhân cách mình cho cao ; đã vậy thì cái lòng ham danh chuộng lợi nổi lên mà cai trị cả con người của chúng ta, tùy nó xui giục mình đi đâu thì đi đó, ấy là sự mà chúng ta không thể chối được. Coi kia, rất đỗi người học thức lão thành như ông Bùi mà còn không khỏi bị nhử bởi cái mối tài lợi, phương chi là kẻ khác !

Trong một xã hội, hay có cái thói ngó mặt nhau. Người nầy làm một việc xấu, rồi nhiều người khác thấy mà phân bì : Sức như ông ấy đó mà còn làm vậy, huống chi mình, - rồi thì tập nhau mà thành quen, chẳng ai lấy làm chướng tai gai mắt hết.

Kể ra thì quần chúng An Nam ta ngày nay cũng đã khôn lên nhiều. Việc như việc ông Bùi làm đó, xưa nay đã xảy ra biết mấy lần, mà chừng như chưa có lần nào bị công kích hết. Lần nầy quốc dân ta biết trách ông Bùi, biết công kích một vị lãnh tụ của mình, như vậy cũng đã khá lắm.

Song những người đứng lên nói vầy nói khác, chế báng ông Bùi đó, nếu đem ra cho thay vào cái địa vị của ông thì sẽ ra sao ? Chắc độc giả cũng như chúng tôi, không dám vội tin rằng người thế cho ông đó sẽ hơn ông được, vì người ấy cũng vẫn thở chung một cái không khí với đám quần chúng nầy.

Chúng ta trách ông Bùi vì một tháng tám trăm đồng bạc mà bán mình, song chúng tôi đây chưa chắc đã là không bán. Sự dễ thấy nhứt là trong quần chúng An Nam luôn luôn có kẻ bán cái ý kiến của mình, bán cái quyền lợi của mình. Không xa đâu, một vài tháng nữa đây sẽ thấy.

Ấy là chúng tôi định nói chuyện cử Hội đồng quản hạt. Hoài hoài chớ chẳng phải một lần, từ trước đến nay, cứ hễ đến khóa cử hội đồng, ấy là có người mua từ[1] lá thăm cho được đắc cử. Tại sao có người đi mua ? Ấy là vì có người chịu bán.

Việc bầu cử nghị viên là một việc quan hệ với chính mình nhân dân chúng ta. Chúng ta muốn bỏ thăm cho người nào mà mình cho là đáng thì chúng ta cứ việc bỏ thăm cho người ấy. Cái đó là do ýkiến của mình, mình tự chủ lấy ; cũng là quyền lợi của mình, không ai bắt ép mình được. Vậy mà chỉ vì một số bạc, cao tay là hai chục đồng, mà bán rẻ cái ý kiến cái quyền lợi mình đi, thì có đáng trách chăng ?

Khi chúng ta còn làm cử tri, chúng ta dám bán ý kiến quyền lợi mình với số tiền 20 đồng bạc thì đến khi ra làm nghị viên, chúng ta sẽ vì tám trăm đồng mà bán mình đi, có khó chi !

Cốt là tại lòng liêm sỉ của con người. Nếu không có cái lòng ấy thì cái nhỏ có thể bán mà cái lớn rồi cũng có thể bán.

Đã biết rằng vì thiếu thốn sự giáo dục mà ngày nay quốc dân ta ở trong cái hoàn cảnh xấu xa này. Song le, dầu biết vậy nữa, chúng ta có quyền đâu mà sửa sang sự giáo dục cho vừa ý mình được ? Trong khi chưa làm được việc cải lương ấy, chúng ta chỉ cậy ở sự tỉnh biết của mình thôi.

Bây giờ đây, ai nấy đã hiểu rõ sự làm vai lãnh tụ mà bán mình đi là một điều sỉ nhục, vậy thì cũng nên biết luôn rằng làm một người cử tri mà bán ý kiến mình, bán quyền lợi mình đi cũng là sỉ nhục như nhau. Hễ biết vậy rồi thì phải chừa đi. Chúng tôi rất trông mong ở kỳ tuyển cử tới đây. Đến đó sẽ nghiệm thấy cái lòng liêm sỉ quốc dân ta là thế nào.

Bao giờ trong quần chúng mà được phần đông là người tốt thì bấy giờ vai lãnh tụ sẽ là người tốt.

TRUNG LẬP

   




Chú thích

  1. Từ : như “từng