Tinh mơ hôm sau, Hoài Văn đã trở dậy. Thế Lộc nai nịt gọn ghẽ theo Hoài Văn ra khỏi động. Ngoài động, các tráng sĩ áo chàm tấp nập đặt thêm những bẫy đá. Họ reo hò lăn thử những tảng đá cực kì to lớn xuống chân núi. Đá lăn ầm ầm như sấm động gió gào. Thế Lộc chỉ những cây cối gãy ngổn ngang và nói:

- Giặc có khỏe bằng mấy cây kia không?

Hoài Văn ngắm nghía từng cái bẫy, luôn miệng khen ngợi người tráng sĩ của nơi rừng xanh núi đỏ. Chợt lại thấy mấy người Mán ngồi bện một hình người cỏ, Hoài Văn hỏi Thế Lộc:

- Bện làm gì đấy?

- Mày làm tướng mà không biết gì cả. Quân tao ít thì tao phải làm người cỏ cho nó nhiều chứ!

Hoài Văn say sưa ngắm nhìn người cỏ trong cái thế đang giương cung định bắn. Bện xong hình người cỏ, mấy tráng sĩ Mán đem đặt sau một lùm cây rậm. Họ giật dây, hình người cỏ cử động như người thật vậy. Hoài Văn càng thêm hào hứng, quay bảo người tướng già: - Ngày xưa, nước ta có Lý Ông Trọng là một thần tướng thân cao mười trượng. Ngài được cử sang giúp nhà Tần dẹp loạn Hung Nô. Hễ trông thấy Ngài là quân Hung Nô mất vía. Khi Ngài mất, nhà Tần thương tiếc sai làm tượng to lớn như người thật. Quân Hung Nô lại sang, vua nhà Tần cho khiêng tượng tới. Giặc tưởng Ngài còn sống, chạy như chuột. Nay ta cũng nên bện một hình nhân to lớn như đức Thánh Chèm, giặc Nguyên trông thấy tất phải vỡ mật.

Người tướng già nói:

- Vương tử nói rất hợp ý tôi. Tôi biết giặc Nguyên cần cỏ cho ngựa như cần lương thực. Cánh đồng Ma Lục nhiều cỏ, thế nào chúng cũng mò đến. Ta dử chúng vào đấy, dùng mưu mà đánh. Nhất định thắng to. Ta nên làm như thế này...

Người tướng già rỉ tai nói thầm với Hoài Văn và Thế Lộc. Hoài Văn gật đầu, cười lớn:

- Phải đấy. Phải đấy.

Tức thì quân sĩ của Hoài Văn Hầu và các tráng sĩ của Thế Lộc vào rừng đốn gỗ, đốn tre nứa. Họ xúm vào đan một hình thần tướng, cao hơn vựa thóc, lớn hai người ôm. Mặt thần tướng đen như lòng chảo, râu xồm quai nón, mắt ốc nhồi mở trừng trừng nhìn xuống cánh đồng. Thần tướng giương một cái nỏ to như một thuyền nan, mũi tên dài như ngọn giáo. Đứng ở dưới cánh đồng nhìn lên, thấy thần tướng sát khí đằng đằng, tướng mạo kì quái, dữ tợn.

Thế Lộc bỗng chỉ một cây đa cổ thụ ở dưới cánh đồng, cành lá xùm xòa vùng ra chung quanh rộng như cái ao lớn. Thế Lộc nói với Hoài Văn:

- Tao bàn thế này với mày. Có thần tướng kia, thì phải có tên thần, mới đánh lừa được cái thằng giặc lố.

Hoài Văn mừng rỡ, tay vỗ mạnh vào lưng người Mán:

- Ta có ngờ đâu, nơi sơn dã cũng ẩn những tướng tài. Thế Lộc giỏi! Thế Lộc giỏi lắm!

Người ta leo lên ngọn cây đa cao chót vót, đục thủng một cành lớn đến một người ôm không xuể. Người ta luồn qua lỗ đục một khúc gỗ đẽo thành hình một mũi tên khổng lồ. Sáu bảy cây cổ thụ khác dưới cánh đồng đều bị những mũi tên thần xuyên thủng như vậy. Sáu trăm gã và những tráng sĩ Mán say sưa hết nhìn thần tướng trên núi lại ngắm những mũi tên xuyên thủng những cây cổ thụ hàng trăm năm.

Bỗng từ dưới chân núi có một người hớt hải chạy lên. Thế Lộc nói với Hoài Văn:

- Em tao là Nguyễn Lĩnh, đóng ở trại ngoài, về đây chắc có việc gì.

Nguyễn Lĩnh đã bước vào động. Lĩnh giống Thế Lộc như đúc, chỉ khác là cằm nhẵn không râu. Nguyễn Lĩnh nói:

- Giặc nó vào đấy!

Thế Lộc hỏi:

- Bao nhiêu thằng?

- Năm trăm, thằng nào cũng cưỡi ngựa.

- Ngựa thì ngựa. Nó vào thì đánh bỏ mẹ, cần gì.

Hoài Văn xoa tay sung sướng:

- Chúng nó đến nộp mạng cho chúng ta rồi. Lệnh cho mọi người không để cho một thằng giặc chạy thoát!