Làm vậy không phải là "đạo văn"
Trả lời cho ông Mai Lan Quế
Trung lập số đặc biệt hôm Tết, có bài nói về sự "đạo văn". Đại ý cho ông Hồ Biểu Chánh cùng những người làm giống ông ấy, lột ý tiểu thuyết tây đem viết ra tiểu thuyết của mình, như vậy chẳng khác nào ăn trộm ăn cắp.
Tôi có thấy bài ấy thì tôi cho là lời nói quá đáng. Nhưng tôi không cãi làm chi. Cãi là phải, song tôi đã không cãi là vì có cớ.
Những sự người ta nói ngang nói bướng, đều nên đính chánh hết, nếu mình tin rằng mình biết đúng hơn họ. Tôi bình sanh nhìn cho sự đó là sự nên làm và cũng là sự phải làm, như là nghĩa vụ của mình vậy. Có điều hễ hay cãi lắm thì người ta nói mình "gây". Không ăn nhậu chi mà mang tiếng, lắm khi lại thành ra khó ở đối với họ nữa! Bởi vậy nên có nhiều cái, tôi thấy nó chướng mà cũng bỏ qua đi, chẳng cãi làm chi. Lại cũng có khi vui, hăng hứng thì cãi chơi, còn cũng có khi nó buồn như anh ghiền chưa được hút điếu nào, thì con gà bươi mâm cơm của mẹ bầy trẻ mới dọn lên, cũng thây kệ nó, chớ cãi làm gì!
Vì có ông Mai Lan Quế lấy làm lạ sao tôi không cãi, nên tôi mới dùng mấy lời trên đó tỏ ra cho ông ấy biết, cũng cho liệt vị độc giả biết nữa.
Kỳ thiệt cái việc như ông Hồ Biểu Chánh làm là không phải ăn trộm ăn cắp chi hết. Người lên án, dùng hai chữ "đạo văn" là chữ nho, nên tôi cũng dùng luôn mấy chữ nho nữa mà cắt nghĩa về việc ấy.
Trong văn chương chữ nho, khi nào lấy y cái bài của người ta, hoặc lấy một đoạn, mà làm của mình, thì kêu bằng "sanh thôn hoạt bát", nghĩa như "ăn tươi nuốt sống" trong tiếng An Nam mình. Còn lấy ý của một bài người khác mà đặt thành ra bài của mình, như thế kêu bằng "thoát thai". Nghĩa là như có mang rồi đẻ ra con người khác, chớ không phải là bợ trụm con người mà mình bỏ bụng đó.
Ông Hồ Biểu Chánh lấy ý trong tiểu thuyết tây viết thành tiểu thuyết của ông, cái đó là thoát thai, chớ không phải sanh thôn hoạt bát, thế thì cũng không phải đạo văn. Huống chi sự thoát thai là nói cùng một thứ chữ; cái nầy lấy ý chữ Tây mà đem qua chữ ta, thế lại còn nhẹ hơn thoát thai nữa kia.
Sự ông Hồ làm đó, trong tiếng Pháp kêu bằng "d'après". Có nhiều người tây quen làm như vậy, mà cũng chẳng ai hô lên là "ăn trộm! ăn trộm!" hết.
Làm như ông Hồ mà gia cho cái tiếng "đạo văn" thế thì cái người sửa sơ một hai chữ trong một bài của ai rồi đăng báo ký tên mình, mới gọi là gì được nữa? Thế cũng như những người mới vừa vừa chớ chưa chi mà đã kêu họ bằng "phản quốc", rồi đến sau nầy nếu có kẻ đồng mưu với ngoại quốc trở đánh lại đồng bào, mới kêu họ bằng cái tên gì? Gẫm lại không chi đó mà cũng đã quá ngang!
Về bên ông Hồ thì ta nên nói cùng ổng thế nầy là phải: Những khi làm như vậy, ông nên nói trong bài tựa rằng lấy ý của sách nào, của ai, để tỏ ra mình là thiệt thà, thời không ai nói gì được hết.
PHAN KHÔI