THAY LỜI TỰA


Làm đĩ là một thiên tả-chân tiểu-thuyết mục đích là hô-hào nhà đạo-đức và bậc làm cha mẹ chăm lo đến hạnh-phúc của con cái phải để ý đến cái sự mà những thành kiến hủ bại vẫn coi là điều bẩn thỉu, tức là cái sự dâm.

Sở dĩ tác-giả không theo phái người ưa văn hoa bay bướm gọi cái sự ấy là Ái-Tình, không theo hạng người rụt rè gọi nó là tình dục, nhưng lại gọi nó ra đây bằng cái tên tục của nó, ấy là vì tác-giả có cái quan-niệm rất chắc-chắn rằng sự ấy gần xác thịt hơn là gần linh-hồn, chia nó ra là hai cũng được, gom nó vào làm một càng đúng lẽ sinh-lý, hai cái điều hoà tương trợ lẫn nhau, và khi sự khao khát của xác thịt có thoả-mãn thì ái-tình tinh-thần mới bền chặt được. Nói đến ái-tình lý-tưởng mà không đếm xỉa đến cái dâm, đó chỉ là việc của hạng mơ-mộng hão huyền.

Một thiên tiểu-thuyết phụng-sự cái dâm?

Xin các nhà đạo-đức hãy khoan buộc tội! Cái dâm tự nó không những nó không xấu, mà nó còn là cái điều cao thượng, đẹp đẽ và linh thiêng vô cùng, vì nhờ nó mà loài người không tiêu diệt, nhờ nó mà có chúng ta đây. Tác giả xin đề Freud, Goethe, Schiller, Yên-đổ, Nguyễn-công-Trứ, cắt nghĩa cho các ngài nghe rằng sự dâm có là điều bẩn thỉu không đáng nói đến chăng, tưởng cũng đã đủ. Vậy thì, thưa các ngài - ôi! hỡi người đọc ta, phường đạo đức giả mà giống hệt ta, như anh em ta! - tại làm sao cái điều ấy, cái điều mà người tự cho mình là đứng đắn, đạo đức không dám nói ra miệng bao giờ, thì lại chính là cái điều mà bất cứ lúc nào người ấy cũng có thể phải nghĩ thầm trong bụng?

Cái dâm thuộc về quyền sinh lý học, chứ luân-lý không kiềm chế nổi nó.

Tình dục đã cần cho xác thịt cũng như sự ăn uống thì ái tình cao thượng chỉ là một thứ ái-tình mà trong đó sự ham muốn của xác thịt không được thoả mãn nghĩa là nói tóm lại, thì đó chỉ là thứ ái tình thất vọng mà thôi! Nó bị thất vọng thì người ta gọi nó là ái tình cao thượng, ái tình trong sạch, yêu trong lý tưởng, yêu bằng tinh thần!

Ở các nước văn minh, người ta không kiêng nói đến cái dâm. Trái lại, người ta còn đem cái dâm ra mà nghiên cứu, phân tích, để dạy cho nhau nên dâm như thế nào... Bao nhiêu công nghiên cứu, kinh-nghiệm, học hành của những nhà bác học đã bạc đầu chung quanh một vấn đề dâm để cho xã hội biết nâng nó lên một trình độ tận thiện, tận mỹ! Những sách, vở, những cuộc đăng đàn diễn thuyết đã cứu vớt khỏi vòng truỵ lạc biết bao nhiêu nam-nữ thiếu-niên... Vậy mà vấn đề giáo-dục cái dâm quan trọng đến nỗi bao nhiêu giấy mực rồi cũng chưa là đủ. Một giáo-sư trường Đại-Học ở Berlin ông W. Liepmann đã phải nói:

« Tuổi trẻ với ái tình, vấn đề ấy còn có thể gọi là tấn đại bi-kịch của ái tình, vì rằng, cứ theo hiện tình, do sự ngu dốt và nền giáo-dục sai lầm, cái sự khoái lạc cao thượng nhất của loài người đã trải qua bao nhiêu điều ác hại rồi mới đến lúc được đem ra tận hưởng, nếu không sớm bị liệt nhược và bị hắt xuống cống rãnh. »

Chúng ta ngày nay đã đến lúc phải quan tâm đến điều ấy rồi đó.

Sự gặp gỡ của Đông Tây trên giải đất này đã ảnh-hưởng rất mạnh vào đời vật chất của chúng ta. Còn gì vô lý bằng đã công nhận cuộc tân-sinh-hoạt trong đó có rạp hát, rạp chiếu bóng, những mốt y phục tân thời, nhà khiêu-vũ, nước hoa, phấn sáp, là những điều kiện làm cho loài người càng ngày càng tăng mãi cái dâm đãng lên, mà lại đồng thời không công nhận vấn-đề giáo-dục cái sự dâm là cần đem ra truyền bá, ngõ hầu chỉ bảo cho bọn hậu sinh biết cách dâm cho có luân-lý, dâm cho lương thiện, dâm cho khỏi hại giống nòi?

Xã-hội Việt-Nam này, thật vậy, đã bắt đầu loạn dâm!

Sự làm giàu đùng đùng của những thầy lang chữa bệnh hoa liễu, sự phát đạt của những tiệm khiêu vũ, sự tăng số của bọn giang hồ, nan hoang-thai, những vụ án mạng vì tình mà hàng ngày các báo đăng lên mục tin đặc-biệt, sự chán đời đến tự tử của một số nam-nữ thiếu-niên, nạn hiếp dâm, vân vân, đã đủ dẫn chứng cho lời than ấy.

Đứng trước tình thế ấy mà chỉ có khoanh tay kêu «Ôi, phong hoá suy đồi!» thì nào có ích gì cho ai?

Tìm một nền luân-lý cho sự dâm, giáo hoá cho thiếu niên biết rõ tình dục là những gì, đó là những việc phải làm ngay vậy.

Vấn đề nam-nữ giao-hợp phải đem ra giảng cho tuổi trẻ.

Nam-nữ thiếu-niên, vào lúc dậy thì, vào lúc xác thịt rạo rực lên vì sự biến đổi âm thầm và sự phát triển của những cơ quan sinh dục, là rất dễ lầm-lỗi, là rất dễ hư hỏng, nếu không được bậc cha mẹ chỉ bảo những điều cần biết và đề phòng mọi hoàn-cảnh xấu hộ cho.

Sao người ta lại coi tình dục là không quan trọng, là điều nhơ bẩn? Sao người ta lại cam tâm ngu dốt như thế, lại đạo-đức giả đến như thế? Sao lại không dám nói đến cái sự nó vẫn ám ảnh hết thảy mọi hạng người? Sao lại không dám vứt bỏ cái sự hổ thẹn vô-lý để giảng dạy về những bộ phận sinh-dục là những cái mà đấng Thượng Đế dám ban cho nhân-loại mà không hổ thẹn?

Nói hay im, bảo cho nhau biết điều-hoà cái dâm để tô điểm cuộc đời, hay là cứ mặc quách để cái dâm của loài người làm loạn loài người, ấy chỉ do đẻ mà ra sự thịnh, suy của nòi giống.

Vì những lẽ ấy, chuyện «Làm Đĩ» ra đời.

Nó sẽ làm cho bọn đạo-đức «không phải đường» phải nhăn mặt.

Nó sẽ làm cho hạng người không muốn hiểu biết gì cả sẽ kêu xuông: «Ôi phong-hoá suy đồi!»

Nhưng tác-giả còn hy vọng ở những người biết nghĩ...

VŨ-TRỌNG-PHỤNG