Kinh Dịch/Chu Dịch thượng kinh/Quẻ Mông

   

QUẺ MÔNG

Cấn trên
Khảm dưới

Truyện của Trình Di. - Quẻ Mông, Tự quái nói rằng: Truân tức là đầy, Truân là các vật mới sinh. Các vật sinh ra thì phải đội lên, cho nên tiếp đến quẻ Mông. Mông nghĩa là đội, tức là vật hãy còn non. Truân là các vật mới sinh, các vật mới sinh thì còn non bé, mờ tối, chưa phát ra được, cho nên quẻ Mông mới nối quẻ Truân. Nó là quẻ Cấn trên Khảm dưới. Cấn là núi, là đỗ, Khảm là nước, là hiểm, dưới núi có chỗ hiểm; gặp chỗ hiểm thì đỗ, không biết đi đâu, đó là tượng của quẻ Mông. Nước là vật phải đi, mới ra chưa đi đâu, cho nên là mông. Tới khi nó tiến thì là nghĩa hanh.


LỜI KINH

蒙亨, 匪我求童蒙, 童蒙求我. 初筮吿, 再三瀆, 瀆則不吿, 利貞.

Dịch âm. - Mông hanh, phỉ ngã cầu đồng mông, đồng mông cầu ngã. Sơ phệ cốc, tái tam độc, độc tắc bất cốc, lợi trinh.

Dịch nghĩa. - Quẻ Mông hanh, chẳng phải ta tìm trẻ thơ[1], trẻ thơ tìm ta. Mới bói bảo: hai, ba lần nhàm, không bảo. Lợi về sự chính.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Chữ “mông” có lẽ khai phát, tức là nghĩa hanh. Quẻ này có tài thời trung, chính là cái đạo làm đến hanh thông. Hào Sáu Năm là chủ quẻ Mông, mà hào Chín Hai là người mở mang sự mờ tối. “Ta” là hào Hai. Hào Hai không phải là chủ quẻ Mông, hào Năm đã nhún thuận vào hào Hai, hào Hai bèn mở mang sự mờ tối cho nó. Cho nên mới lấy hào Hai làm chủ mà nói: “Chẳng phải ta tìm trẻ thơ, trẻ thơ tìm ta”. Hào Năm ở ngôi tôn, có đức nhu thuận, mà đương ở hồi trẻ thơ, chính ứng với hào Hai, mà đức “trung” lại cũng giống nhau, có thể dùng đạo của hào Hai để mở mang sự mờ tối. Hào Hai lấy đức cương trung, ở dưới, được vua tìm theo, phải nên lấy đạo tự giữ, đợi vua chí thành cầu mình mà sau mới ứng, thì có thể dùng được đạo của mình, đó là “không phải ta tìm trẻ thơ, trẻ thơ tìm ta”. Bói là xem để quyết đoán. Mới bói, bảo, nghĩa là thật lòng, dốc ý để tìm mình thì mình bảo họ, đến hai, ba lần thì là nhảm nhí, cho nên không bảo. Cái đạo mở mang kẻ mờ tối, chỉ lợi về sự chính đính. Vả lại, hào Hai tuy là cương trung, nhưng ở ngôi Âm, cho nên, nên có răn bảo.

Bản nghĩa của Chu Hy. - Cấn cũng là tên quẻ ba vạch, một hào Dương đỗ ở trên hai hào Âm, cho nên đức nó là đỗ, tượng nó là núi. Mông nghĩa là tối, các vật mới sinh, mờ tối chưa sáng. Quẻ này là Khảm gặp Cấn, dưới núi[2] có chỗ hiểm[3], tức là cái đất mờ tối; trong hiểm ngoài đỗ[4] tức là cái ý mờ tối, cho nên đặt tên là Mông. Từ chữ 亨 (hanh) trở xuống là lời Chiêm, Hào Chín Hai là chủ quẻ trong, tính cứng, ở giữa, có thể mở mang sự mờ tối cho người ta, mà với hào Sáu Hai Âm Dương ứng nhau, cho nên hễ gặp quẻ này thì có đạo hanh thông. “Ta” là hào Hai, “trẻ thơ” là kẻ trứng nước tối tăm, chỉ vào hào Năm. Kẻ bói là bậc sáng thì người ta nên đến tìm mình mà sự hanh thông ở người ta, kẻ bói là hạng tối, thì mình nên đi tìm người, mà sự hanh thông ở mình. Người ta tìm mình, thì mình nên xem lẽ nên chăng mà ứng với họ. Mình tìm người ta thì nên hết lòng trung thành chuyên nhất mà hỏi. Bậc sáng láng nuôi kẻ tối tăm và kẻ tối tăm tự nuôi lấy mình lại đều lợi về sự chính đính.


LỜI KINH

彖曰: 蒙, 山下有險, 險而止, 蒙.

Dịch âm. - Thoán viết: Mông, sơn hạ hữu hiểm, hiểm nhi chỉ, Mông.

Dịch nghĩa. - Lời Thoán nói rằng: Quẻ Mông, dưới núi có chỗ hiểm, hiểm mà đỗ, là Mông.

GIẢI NGHĨA

Bản nghĩa của Chu Hy. - Đây dùng tượng quẻ, đức quẻ để thích tên quẻ có hai nghĩa.

Lời bàn của Tiên Nho. - Chu Hy nói rằng: Dưới núi có chỗ hiểm là tượng của quẻ, hiểm mà đỗ là đức của quẻ. Quẻ Mông có hai nghĩa. Hiểm mà đỗ là hiểm ở trong, đỗ ở ngoài, trong nhà đã không yên ổn, mặt ngoài lại đi không được, đó là cái tượng tối tăm.


LỜI KINH

蒙亨, 以亨行時中也. 匪我求童蒙, 童蒙求我, 志應也.

Dịch âm. - Mông hanh dĩ hanh hành thì trung dã. Phỉ ngã cầu đồng mông, đồng mông cầu ngã, chí ứng dã.

Dịch nghĩa. - Quẻ Mông hanh, dùng lẽ hành mà làm cho đúng mực giữa của thời vậy. Chẳng phải ta tìm trẻ thơ, trẻ thơ tìm ra, chí ứng nhau vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Dưới núi có chỗ hiểm, trong đã hiểm không thể ở, đỗ ở ngoài lại không thể tiến, chưa biết làm gì, cho nên mới là cái nghĩa tối tăm. Quẻ Mông hanh thông, vì nó dùng lẽ hanh thông để làm cho đúng mực giữa của thời. Thời là được vua hưởng ứng, giữa là ở được chỗ giữa. Được chỗ giữa thì là phải thời. Chẳng phải ta tìm trẻ thơ, trẻ thơ tìm ta, chí ứng nhau vậy. Hào Hai là người hiền cương minh ở dưới, hào Năm là hạng trẻ thơ ở trên, không phải là hào Hai tìm hào Năm, là chí hào Năm ứng với hào Hai. Người hiền ở dưới, há lại có thể tự mình tiến lên để đi tìm vua. Nếu mà tự tìm, ắt không có lẽ mà không được tin dùng. Người đời xưa sở dĩ phải đợi ông vua hết lòng kính lễ mà sau mới đi, không phải là tự tôn đại. Là vì người ta tôn đức vui đạo, không như thế thì không thể cùng nhau làm việc.


LỜI KINH

初筮, 吿, 以剛中也. 再三瀆, 瀆則不吿, 瀆蒙也.

Dịch âm. - Sơ phệ, cốc, dĩ cương trung dã; tái tam độc, độc tắc bất cốc, độc mông dã.

Dịch nghĩa. - Mới bói, bảo, vì cứng giữa vậy; hai ba lần, nhàm, nhàm thì không bảo, vì làm nhàm trẻ thơ vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Mới bói, nghĩa là thành tâm chuyên nhất mà lại, cầu để quyết sự mờ tối, thì nên lấy đạo cương trung mà bảo, để mở mang cho họ. Hai ba lần thì là phiền nhiễu, cái ý đến bói đã là phiền nhiễu mà không thành tâm chuyên nhất, thì là nhảm nhí khinh nhờn, không nên bảo nữa. Bảo họ, họ cũng không thể tin nhận, chỉ làm phiền nhàm, cho nên nói là nhàm trẻ thơ. Kẻ tìm, kẻ bảo đều là phiền nhàm tất cả.

Lời bàn của Tiên Nho. - Lã Đông Lai nói rằng: “Mới bói bảo, vì là cứng giữa. Hào Chín Hai là người mở mang trẻ thơ. Chín là cứng, Hai là giữa, cứng giữa là toàn thể của hào Chín Hai. Đương lúc kẻ học mới lại hỏi, lòng họ thành thật chuyên nhất, cho nên đem luôn toàn thể mà bảo. “Hai ba lần nhàm, nhàm thì không bảo, vì nhàm trẻ thơ”, hai ba lần là nhàm, đó là trẻ thơ làm nhàm người mở mang trẻ thơ. Nay không nói “làm nhàm người mở mang trẻ thơ”, mà lại nói “nhàm trẻ thơ” là sao? Bởi vì thánh nhân dạy người không mỏi há lại chán kẻ trẻ thơ làm nhàm mình? Sở dĩ hai ba lần nhàm mà không bảo, là tại chí lý không thể so sánh bàn bạc, sau một lời nói, thì phải nhận hiểu tức thì; nếu chưa nhận hiểu ta cứ bỏ đó không bảo, kẻ kia tuy là chưa đạt mà cái lẽ trời ở trong bụng hắn vẫn còn nguyên vẹn không động. Nếu hai ba lần nhàm mà còn bảo họ, thì họ sẽ phải sánh bàn, đồ đoán, lại là làm nhàm lẽ trời của họ. Vì vậy mới nói là “nhàm trẻ thơ”.


LỜI KINH

蒙以養正, 聖功也.

Dịch âm. - Mông dĩ dưỡng chính, thánh công dã.

Dịch nghĩa. - Trẻ thơ để nuôi sự chính đính, công bậc thánh vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Lời quẻ nói “lợi trinh”, lời Thoán lại nhắc cho rõ nghĩa để tỏ bất chính là điều đáng răn trong ở hào Hai, thật là đạo nuôi trẻ thơ vậy. Chưa được mở mang gọi là trẻ thơ; hạng trẻ thơ hãy còn thuần nhất chưa mở mang mà nuôi lấy sự chính đính, ấy là cái công làm nên bậc thánh. Nếu đã mở mang mà sau mới cấm, thì nó ngăn cách mà khó thắng được. Nuôi sự chính đính từ thuở trẻ thơ là cách rất khéo trong việc học. Trong sáu hào quẻ Mông, hai hào Dương là người trị sự mờ tối, bốn hào Âm là người ở cảnh mờ tối.

Bản nghĩa của Chu Hy. - Lời Thoán này dùng thể quẻ để thích lời quẻ. Hào Chín Hai đem cái đạo có thể hanh thông, mở mang sự tối tăm cho người khác, mà lại hợp với mực giữa của thời, (tức vào những việc nói ở đoạn dưới), đều là dùng đạo hanh thông mà làm, mà nhằm với lẽ nên phải vậy. Chí ứng nghĩa là hào Hai cứng sáng, hào Năm mềm tối, cho nên hào Hai không tìm hào Năm mà hào Năm phải tìm hào Hai, cái chí của nó tự nhiên ứng nhau. Dĩ cương trung, nghĩa là đã cứng lại giữa, cho nên biết cách giảng bảo mà có chừng độ. Nhàm, nghĩa là bói đến hai ba lần thì kẻ hỏi vẫn nhàm mà kẻ bảo cũng nhàm. Trẻ thơ để nuôi sự chính đính, tức là cái công làm nên thánh nhân, câu đó là để thích nghĩa hai chữ “lợi trinh”.


LỜI KINH

象曰: 山下出泉, 蒙, 君子以果行, 育德.

Dịch âm. - Tượng viết: Sơn hạ xuất tuyền, Mông, quân tử dĩ quả hạnh, dục đức.

Dịch nghĩa. - Lời Tượng nói rằng: Dưới núi ra suối, là quẻ Mông, đấng quân tử coi đó mà quyết việc làm, nuôi lấy đức.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Dưới núi ra suối, ra mà gặp phải chỗ hiểm, chưa đi, đó là tượng quẻ Mông, ví như người ta trẻ thơ, chưa hề đến đâu. Đấng quân tử xem tượng quẻ Mông mà quyết việc làm, nuôi lấy đức, nghĩa là coi nó chảy ra mà chưa thể thông đi, để mình quả quyết việc của mình làm; coi nó mới ra mà chưa thể ngảnh về đâu, để mình nuôi lấy cái mình sở đắc vậy.

Bản nghĩa của Chu Hy. - Suối là nước mới chảy ra, tất nhiên phải đi, mà đi dần dần.


LỜI KINH

初六: 發蒙, 利用刑人, 用說桎梏, 以往, 吝.

Dịch âm. - Sơ Lục: Phát mông, lợi dụng hình nhân, dụng thoát chất cốc, dĩ vãng, lận.

Dịch nghĩa. - Hào Sáu Đầu: Mở mang trẻ thơ, lợi dùng về sự hình phạt người ta[5] để thoát gông cùm, đi thì hối tiếc.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Hào Đầu là Âm tối, ở dưới, ấy là kẻ dân mờ tối; hào này nói cách mở mang cho họ. Mở mang sự mờ tối cho kẻ dân, thì tỏ rõ hình cấm[5] với họ, khiến họ biết sợ, rồi sau mới theo đó mà dạy bảo họ. Từ xưa các đấng thánh vương làm việc chính trị, phải đặt ra hình phạt để làm cho dân chúng nhất tề, tỏ rõ giáo hoá để làm cho phong tục lành phải; hình phạt lập rồi, giáo hoá mới thực hiện được. Dù mà thánh nhân chỉ chuộng đức hoá không chuộng hình phạt, nhưng cũng chưa từng bỏ riêng đàng nào. Cho nên lúc mới dựng nền chính trị, phải lập phép luật trước đã, lúc mới trị kẻ tối tăm phải doạ họ bằng hình phạt, để trút những cái gông cùm về sự mờ mịt của họ (?), gông cùm tức là trói buộc, không bỏ được những gông cùm về sự mờ mịt, thì thiện giáo không có đường nào mà vào. Đã dùng hình cấm dắt họ, dầu mà bụng họ chưa thể hiểu được, nhưng họ cũng phải sợ oai mà theo, không dám thả động cái lòng ham muốn mờ mịt, rồi mới có thể dần dần hiểu biết đạo phải mà đổi cái bụng, thì mới có thể thay đổi thói tục. Nếu chỉ chuyên dùng hình phạt để làm việc, thì kẻ tối tăm tuy là có sợ, nhưng rút lại vẫn không thể mở mang, họ chỉ cẩu thả tránh cho khỏi tội mà không còn có liêm sỉ, trị hoá không thể thành được. Cho nên hễ dùng kiểu đó mà đi, thì là đáng tiếc.

Bản nghĩa của Chu Hy. - Là Âm ở dưới, đó là tối tăm quá đỗi. Kẻ xem gặp hào đó thì nên mở mang sự tối tăm của mình. Nhưng cách mở mang sự tối tăm đó, cần phải trừng giới một cách thống thiết mà tạm bỏ đó[5] để coi về sau, nếu cứ đi mà không chịu bỏ, thì sẽ đến phải hổ thẹn hối tiếc. Đó là răn kẻ xem phải nên như thế.

Lời bàn của Tiên Nho. - Chu Hy nói rằng: “Phát mông” nghĩa là tự mình mờ tối, được người mở mang cho, hoặc là người ta mờ tối, được mình mở mang cho. “Lợi dụng hình nhân, dụng thoát chất cốc”: nói cách thô thiển thì như ngày nay người ta đánh tù, phải tháo gông cùm mới được, nếu cứ một mực cùm hẳn thì không thể được. Nhược bằng một mực cùm hẳn, thì là “dĩ vãng lận”. Đây chỉ nói về cách trị kẻ tối tăm, cần nên rộng rãi chầy chậm, phép phải như thế.


LỜI KINH

象曰: 利用刑人, 以正法也.

Dịch âm. - Tượng viết: Lợi dụng hình nhân, dĩ chính pháp dã.

Dịch nghĩa. - Lời Tượng nói rằng: Lợi dùng hình phạt người, để chính pháp vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Lúc mới trị kẻ mờ tối, phải dựng bờ ngăn, tỏ rõ tội phạt của họ, thế là làm chính pháp luật, khiến họ cứ đó mà noi, dần dần đến phải biến hoá. Có người ngờ rằng: lúc mới mở mang kẻ mờ tối, đã vội hình phạt người ta, há chẳng là “không dạy mà giết” hay sao? Ngờ vậy là không biết rằng: trong việc lập ra pháp chế, hình phạt là để dạy bảo. Về sau những người bàn về hình phạt, đều không biết có giáo hoá ở trong.

Bản nghĩa của Chu Hy. - Lúc mới mở mang cho kẻ mờ tối, phải trừng giới ngay, là để làm cho pháp luật được đúng.


LỜI KINH

九二: 包蒙,吉. 納婦吉, 子克家.

Dịch âm. - Cửu Nhị: Bao Mông, cát! Nạp phụ, cát. Tử khắc gia.

Dịch nghĩa. - Hào Chín Hai: Bao dung trẻ thơ, tốt! Nộp vợ[6], tốt! Con trị nhà!

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Bao là bao dung. Hào Hai ở đời mờ tối có tài cương minh, cùng ông vua ở hào Sáu Năm ứng nhau, các đức trung chính giống nhau, tức là người đảm đang nhiệm vụ của đời, ắt phải rộng lượng bao dung, thương kẻ ngu tối, thì có thể mở mang sự tối tăm của thiên hạ mà làm nên việc “trị kẻ tối tăm”; đạo phải cho rộng, đức phải cho khắp, như thế thì tốt. Quẻ này có hai hào Dương, hào Chín Trên thì cứng mà thái quá, chỉ hào Chín Hai có đức cứng và trung chính, lại ứng với hào Năm, tức là kẻ được dùng với đời, mà chỉ riêng mình sáng suốt vậy. Nếu cậy sáng suốt mà chuyên tự nhiệm, thì đức không rộng, cho nên dù hạng đàn bà yếu đuối tối tăm, cũng nên nghe theo điều thiện của nó, thì sự sáng suốt của mình mới rộng rãi. Vả lại, vì rằng các hào đều thuộc về Âm, cho nên gọi là đàn bà. Thành như Nghiêu, Thuấn, thiên hạ không ai kịp, mà còn nói rằng: “rộng hỏi kẻ dân”, “lấy điều thiện của người làm điều thiện của mình”, hào Hai biết bao nạp, thì có thể làm nên công việc của vua, cũng như người con làm nổi công việc của nhà. Hào Năm đã là Âm nhu, cho nên cái công mở mang sự tối tăm, đều ở hào Hai. Nói về gia đình, thì Năm là cha, Hai là con, hào Hai chủ trương được công việc của nhà, ấy là con người trị được gia đình vậy.

Bản nghĩa của Chu Hy. - Hào Chín Hai lấy tư cách Dương cương làm chủ quẻ trong, tóm coi các hào Âm, tức là người gánh cái nhiệm vụ mở mang kẻ tối tăm. Nhưng hạng người mà nó phải trị thì rộng, mà tính loài người lại không nhất luật như nhau, không thể nhất khái quyết định, mà đức hào ấy lại cứng mà không thái quá, tức là cái tượng có sự bao dung. Vả lại, nó là Dương mà tiếp nhận các hào Âm, cho nên lại là cái tượng “nghe vợ”. Hơn nữa, nó ở ngôi dưới, mà có thể gánh việc trên, tức là cái tượng người con trị được gia đình. Cho nên kẻ xem, hễ có đức ấy mà gánh việc ấy thì nên như thế là tốt.


LỜI KINH

象曰: 子克家, 剛接柔也.

Dịch âm. - Tượng viết: Tử khắc gia, cương tiếp nhu dã.

Dịch nghĩa. - Lời Tượng nói rằng: Coi trị được nhà, cứng tiếp mềm vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Con mà trị nổi nhà là nhờ về sự tin dùng của cha chuyên nhất. Hào Hai chủ trương được công việc mở mang kẻ tối tăm, là nhờ về sự tin dùng của hào Năm chuyên nhất. Hai và Năm, cái tính cứng mềm tiếp nhau, cho nên đúng đạo cương trung, làm nên công việc mở mang kẻ mờ tối. Nếu tình trên dưới mà không tiếp nhau, thì hào Hai tuy là cương trung, cũng không có thể làm chủ công việc.

Bản nghĩa của Chu Hy. - Đây là chỉ về hào Hai hào Năm ứng nhau.


LỜI KINH

六三: 勿用取女, 見金夫, 不有躬, 无攸利.

Dịch âm. - Lục Tam: Vật dụng thủ nữ, kiến kim phu, bất hữu cung, vô du lợi.

Dịch nghĩa. - Hào Sáu Ba: Chớ dùng lấy gái, thấy chồng vàng không có mình, không thửa lợi.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Hào Ba là Âm nhu ở chỗ tối tăm, tức là cái hạng con gái bất trung bất chính mà hay động càn, chính ứng ở trên, không thể đi xa mà theo; gần thấy hào Chín Hai được các kẻ tối tăm theo về, và lại cực kỳ được thời, cho nên nó mới bỏ nơi chính ứng mà theo hào đó, đó là con gái chỉ thấy chồng vàng. Con gái theo người phải có chính lễ, vậy mà người này thấy kẻ nhiều tiền mà theo, không thể giữ được thân mình, thì không đi đâu được lợi.

Bản nghĩa của Chu Hy. - Hào Sáu Ba là hào Âm nhu, chẳng trung chẳng chính, ấy là cái tượng con gái trông thấy chồng vàng mà không tự chủ được mình. Kẻ xem gặp hào đó, thì hẳn lấy vợ, ắt được cái người như thế, không còn lợi gì. Chồng vàng, tức là đàn ông lấy vàng đút mình mà chòng ghẹo mình, như việc làm của chàng Thu Hồ nước Lỗ[7].

Lời bàn của Tiên Nho. - Hồ Quảng nói rằng: Hai chữ “Kim phu” sách Bản nghĩa giải không bó sát với tượng của hào. Trình truyện cho “Kim phu” là hào Chín Hai, nhưng hào Chín Hai là chủ việc mở mang kẻ tối tăm, nếu hào Ba mà biết theo nó, thì cũng hợp với nghĩa của câu “trẻ thơ tìm ta” ở lời Thoán, không nên cho là bất thuận. Nghĩa là, theo lệ Kinh Dịch: hào Âm ở thể dưới, mà có cầu cạnh với ngôi trên, thì đều hung, thuyết của họ Vương gần phải.


LỜI KINH

象曰: 勿用取女, 行不順也.

Dịch âm. - Tượng viết: Vật dụng thủ nữ, hạnh bất thuận dã.

Dịch nghĩa. - Lời Tượng nói rằng: Chớ dùng lấy gái, nết không thuận vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Con gái như thế, nết họ cong queo không thuận, không thể lấy được.

Bản nghĩa của Chu Hy. - Chữ 順 nên đổi ra làm chữ 慎 (thậncẩn thận), tiếng cổ, chữ 順 (thuận)"' chữ 慎 (thận) vẫn dùng lẫn lộn. “Nết không cẩn thận” với ý kinh càng bén sát hơn.


LỜI KINH

六四: 困蒙, 吝.

Dịch âm. - Lục Tứ: Khốn mông, lận.

Dịch nghĩa. - Hào Sáu Tư: Khốn về tăm tối, hối tiếc.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Hào Tư là Âm nhu mà tối tăm, không có bậc cương minh giúp đỡ, chẳng có lối nào mở mang sự tối tăm của mình, nên mới bị khốn về sự tối tăm, đáng hối tiếc lắm.

Bản nghĩa của Chu Hy. - Đã xa hào Dương, lại không có hào chính ứng, đó là cái tượng bị khốn về sự tối tăm. Kẻ xem như thế là đáng hổ thẹn hối tiếc. Biết tìm những kẻ cương minh mà gần gũi với họ, thì có thể khôn.


LỜI KINH

象曰: 困蒙之吝, 獨遠實也.

Dịch âm. - Tượng viết: Khốn mông chi lận, độc viễn thật dã.

Dịch nghĩa. - Lời Tượng nói rằng: Sự hối tiếc của kẻ khốn về tối tăm, một mình xa sự thật (?) vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Trong thời tối tăm, Dương cương là kẻ mở mang sự tối tăm, hào Tư là Âm nhu mà rất xa với Dương cương, tức là một hạng ngu tối mà không được gần người hiền, không bởi đâu mà được sáng, cho nên phải khốn về sự tối tăm. Đáng thẹn tiếc, là vì riêng nó phải xa người hiền minh. Không được gần người hiền đến nỗi phải khốn, đáng thẹn tiếc lắm. “Thật” tức là Dương minh vậy.


LỜI KINH

六五: 童蒙, 吉!

Dịch âm. - Lục Ngũ: Đồng mông, cát!

Dịch nghĩa. - Hào Sáu Năm: Trẻ thơ, tốt!

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Hào Năm lấy tư cách nhu thuận mà ở ngôi vua, phía dưới ứng với hào Hai là hạng lấy đức cương minh, dùng tài cương minh, để trị sự tối tăm của thiên hạ, cho nên mới tốt. “Trẻ thơ” là lấy cái nghĩa “chưa được mở mang, còn phải nhờ người”.

Bản nghĩa của Chu Hy. - Cứng mềm ở giữa, nhằm ngôi tôn, phía dưới ứng nhau với hào Chín Hai, giữ đức thuần nhất chưa mở mang để nghe người ta, cho nên tượng nó là hạng trẻ thơ, mà lời chiêm như thế thì tốt.


LỜI KINH

象曰: 童蒙之吉, 順以巽也.

Dịch âm. - Tượng viết: Đồng mông chi cát, thuận dĩ tốn dã.

Dịch nghĩa. - Lời Tượng nói rằng: Sự tốt của trẻ thơ, thuận và nhũn vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Bỏ mình theo người đó là thuận hạ chí mình mà tìm xuống dưới là nhún. Có thể như thế, tức là hơn cả thiên hạ.


LỜI KINH

上九: 擊蒙, 不利為寇, 利禦寇.

Dịch âm. - Thượng Cửu: Kích mông, bất lợi vi khấu, lợi ngự khấu.

Dịch nghĩa. - Hào Chín Trên: Đánh kẻ tối tăm, không lợi cho sự làm giặc, lợi cho sự chống giặc.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Ở sau quẻ Mông, là nhằm giữa lúc tối tăm đến cùng cực. Người ta tối tăm đến cùng cực thì như dân Miêu không theo đức hoá, làm giặc làm loạn, nên đánh dẹp nó. Nhưng hào Chín ở trên, cứng quá mà không được giữa, cho nên răn rằng: “Không lợi cho sự làm giặc”. Trị sự tối tăm của người ta, tức là chống giặc; tự do làm sự tham bạo, thì là làm giặc.

Bản nghĩa của Chu Hy. - Hào này là Dương cương, ở trên cùng, cho nên là tượng đánh kẻ tối tăm. Nhưng, cả quyết thái quá, đánh trị ngặt quá, thì ắt trở lại làm hại. Chỉ có ngăn sự cám dỗ bên ngoài, để làm cho cái tính chất chân thật thuần tuý của nó được nguyên vẹn, thì dù có quá nghiêm mật, cũng là hợp lẽ nên chăng, cho nên mới răn kẻ xem như thế. Việc gì cũng vậy, không phải một việc dạy người mà thôi.


LỜI KINH

象曰: 利用禦寇, 上下順也.

Dịch âm. - Tượng viết: Lợi dụng ngự khấu, thượng hạ thuận dã.

Dịch nghĩa. - Lời Tượng nói rằng: Lợi về sự chống giặc, trên dưới đều thuận vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Lợi về sự chống giặc, là vì kẻ trên người dưới đều được sự thuận của mình, người trên không làm dữ quá, kẻ dưới đánh đuổi được sự tối tăm của nó, đó là cái nghĩa chống giặc.

Bản nghĩa của Chu Hy. - Chống giặc bằng sự cương minh, kẻ trên người dưới đều đúng với đạo của mình.




Chú thích

  1. Chữ "mông" có nghĩa là trẻ thơ, cũng có nghĩa là tối tăm.
  2. Chỉ về Cấn.
  3. Chỉ về Khảm.
  4. Chỉ về Cấn.
  5. a ă â Coi lời bình phẩm ở cuối sách.
  6. Chữ 婦 (phụ), cũng có thể dịch là đàn bà.
  7. Cổ Nhạc Phủ chép rằng: Nước Lỗ có chàng Thu Hồ, lấy vợ năm ngày thì sang làm quan ở nước Trần. Năm năm mới về, giữa đường thấy người con gái hái dâu có sắc đẹp, chàng lấy làm thích, bèn xuống xe đưa vàng cho nàng để hòng ve vãn, nhưng nàng không nhận. Tới nhà, Thu Hồ đưa vàng cho mẹ, rồi gọi vợ lên, thì chính là người con gái hái dâu mà chàng toan tính cho vàng. Ghét chồng có nét bất chính, nàng bèn ra sông tự trầm.