Khi được tha về
của Nguyễn Hữu Huân

Theo Định Tường Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tiểu truyện (sách cũ, không rõ tác giả) thì bài này do ông làm lúc bị giam cầm ở đảo Cayenne, và có đầu đề là: Tư (nhớ) quê hương. Tuy nhiên theo nghiên cứu của các tác giả sách Nguyễn Hữu Huân: nhà yêu nước kiên cường, nhà thơ bất khuất, thì bài này phải được sáng tác lúc ông được thả về Việt Nam. Vì lẽ đó, nhóm tác giả sách đã đặt tên cho bài thơ như trên.

Tùng cúc ngày xưa thấy đặng còn
Thân này chẳng thẹn với sông non.
Miếu đường[1] xa cách niềm tôi chúa,
Gia thất buộc ràng nghĩa vợ con.
Áo Hán[2] mười phần thay cách lạ,
Rượu Hồ[3]một mực đắm mùi ngon.
Giang Đông vẫn biết nhiều anh tuấn,
Cuốn đất kìa ai dám hỏi don.[4]

Nguồn: Nguyễn Hữu Huân: nhà yêu nước kiên cường, nhà thơ bất khuất do nhóm tác giả: Phạm Thiều-Cao Tự Thanh-Lê Minh Đức biên soạn. Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1986, tr. 93-94.

   




Chú thích

  1. Miếu đường: chỉ triều đình.
  2. Áo hán: dịch chữ Hán y quan. Câu này ý nói phong tục ở Nam Kỳ đã bị thay đổi dưới ách thống trị của ngoại bang.
  3. Hồ là từ chỉ chung các dân tộc phía Bắc, đã nhiều lần xâm lấn Trung Quốc. Câu này ý nói có nhiều người bị mê hoặc bởi bã vật chất của quân xâm lược.
  4. Hai câu cuối lấy ý câu trong bài Đề Ô giang đình của Đỗ Mục (dịch): "Con em đất Giang Đông nhiều người tài giỏi, nếu cuốn đất quay trở lại thì chưa biết như thế nào", tức là có tiếc cho Hạng Vũ. "Hỏi don" là hỏi với vẻ sốt sắng.

 

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.