Khổng miếu mới lập trong Nam
Đất Nam Kỳ từ thuộc về nước Pháp, chữ Nho không thông dụng nữa, không đem dạy người nữa, cho nên đạo Nho cũng suy tàn, không còn có thờ phượng đức Khổng Tử như ở Trung Bắc. Các Khổng miếu ngày xưa ở trong đó, bây giờ hoang phế hết, chỉ còn ở Vĩnh Long một sở mà thôi.
Mới rồi, ở Mỏ Cày, có người xuất của riêng ra lập một Khổng miếu mới. Người ấy là ông Bùi Quang Trứ, anh ruột ông Bùi Quang Chiêu.
Cái Khổng miếu ông Trứ mới lập đây bằng nhà lầu, ba căn, giữa thờ đức Khổng, hai bên tòng tự những người tin theo đạo ngài mà vô hậu. Mỗi năm có tế Thánh hai kỳ, nhất định vào ngày rằm tháng ba và rằm tháng mười, đủ cả sinh tư,[1] lễ nhạc. Việc kinh phí trong miếu thì do ông Trứ trích ra một phần ruộng hương hỏa nhà ông mà cung cấp.
Sau khi lập miếu xong, ông Bùi Quang Trứ có tờ bố cáo về việc ấy đi khắp Nam Kỳ, thấy đăng trên báo Mai,[2] do đó chúng tôi đã lấy ra như trên những điều đại khái.
Người lập miếu lại đã ấn hành một cuốn sách nhan là Nho tôn nữa. Sách toàn nhặt những câu cách ngôn của đức Khổng cùng các nho gia đời xưa, chia ra mười mục, dạy về những sự tu thân xử thế.
Vài mươi năm nay, trong nước ta lắm người xướng lên cái thuyết duy trì Khổng giáo. Nhưng kể thực sự ra thì ai cũng nói phựu[3] hết; nay mới thấy ông Bùi Quang Trứ, người Nam Kỳ, làm nên việc là một.[4]
Chú thích
- ▲ Sinh tư: thú vật dùng để tế lễ.
- ▲ Mai: tuần báo, xuất bản tại Sài Gòn, ra số đầu vào ngày 5/8/1935; số cuối: số 108, vào tháng 10/1939; chủ nhiệm Đào Trinh Nhất. Sông Hương có quảng cáo cho tuần báo Mai.
- ▲ nói phựu: chưa thật rõ nghĩa; phải chăng “phựu” là một dạng của “phiêu” (= thoáng qua, ví dụ “ảnh hưởng phiêu phiêu”, theo H.T. Paulus Của, sđd.), ý là có nói thoáng qua nhưng không thực hiện; hoặc là một dạng khẩu ngữ, tương tự “phịa” (như “bịa”), ý là chỉ nói mà không thực hiện?
- ▲ Bài này không ký tên tác giả; dự đoán là bài của tòa soạn, tức là do chủ bút Phan Khôi viết.