Khóc thầm/Chương V
Một buổi chiều, ăn cơm rồi mà mặt trời chưa lặn. Vợ chồng thầy Hội đồng Chánh lục đục ở phía sau, còn Vĩnh Thái với Công Cẩn thì dắt nhau đi chơi theo bờ lộ.
Thu Hà xách một cái ghế mây đem để dựa mấy bụi bông lài rồi ngồi ngắm cỏ cây cảnh vật trong vườn chơi. Bông huệ với bông lài cũng còn đua nở, mùi thơm bát ngát, cây cam với cây lý cũng còn giành tươi, đơm lá xanh dờn. Bông hoa cây cỏ cũng sởn[1] đẹp đẽ như lóng trước, nhưng mà Thu Hà nhìn xem thì trong lòng không vui vẻ như khi thi đậu mới về. Cô ngồi tại đây mà trí cô tưởng việc ở đâu, cô suy nghĩ một hồi rồi cô cứ cúi mặt xuống đất hoài, đến nỗi gió quật nhánh lài chùm bông đụng tay cô mà cô cũng không thèm day lại.
Cô ngồi chưa được bao lâu thì thấy Vĩnh Thái với Công Cẩn đi chơi về, hai chàng bước vô cửa ngõ, nói chuyện om sòm. Vĩnh Thái đi lại chỗ cô ngồi, rồi hỏi rằng:
- Mình ngồi suy nghĩ việc gì đó?
Thu Hà chúm chím cười mà đáp rằng:
- Suy nghĩ việc đời chơi, chớ có chi đâu.
Vĩnh Thái thấy Công Cẩn đi thẳng vô nhà, chàng cũng đi theo, song vô tới nhà rồi chàng lại xách một cái ghế trở ra, để gần một bên vợ và ngồi vịn vai vợ mà hỏi rằng:
- Mình suy nghĩ việc đời là việc gì đâu, mình nói cho tôi nghe thử coi.
Thu Hà tay kéo vạt áo, mắt ngó xuống đất, cô dụ dự một chút rồi mới đáp rằng:
- Tôi tính coi bây giờ làm việc chi cho có ích, chớ ở không mà chơi hoài hay sao.
- Làm việc gì bây giờ?
- Làm việc gì cũng được, miễn có làm mới vui chớ ở không mà chơi hoài thì vô ích cho đời, coi buồn quá.
- Phải. Mình nghĩ như vậy thì lầm lắm. Phải lo làm ăn chớ ở không mà xài của cha mẹ hoài hay sao.
Thu Hà nghe mấy lời, biết chồng không thấu hiểu ý của cô, nên cô châu mày ngó chồng mà đáp rằng:
- Mình tưởng trí tôi đê tiện đến nỗi sợ mình ở không, ăn xài hao tốn của cha mẹ tôi hay sao, nên mình nói vậy? Nếu mình tưởng như vậy thì mình lầm nhiều lắm. Vợ chồng mình đều có học thức. Tôi nói mình phải lo làm là làm những việc gì có ích cho nhà nước, có ích cho xã hội kia chớ. Sánh với dân các nước, thì người Việt Nam mình thua sút người ta hết thảy mọi bề, về phương diện tri thức cũng thua, về phương diện tài nghệ cũng thua, mà về phương diện kinh tế cũng thua. Vậy bọn tân học phải lo làm sao mà dìu dắt nguời mình lên đường tấn hóa đặng đi cho kịp người ta. Chớ nếu mang cái danh tân học mà cứ lo sung sướng tấm thân, không thèm lo khai hóa dân tộc, thì đối với mình có tội nhiều lắm.
Vĩnh Thái cười ngất rồi ngó vợ mà nói giọng pha lửng rằng:
- Chà chà, đàn bà con gái Việt Nam bây giờ cũng biết lo việc đời, cũng biết nói khai hóa đó nữa há!
- Ðàn bà con gái Việt lo việc đời, lo khai hóa, làm như vậy là bậy lắm hay sao mà mình cười?
- Việc đó là việc đàn ông con trai người ta lo, đàn bà con gái biết gì mà nói.
- Phải, mở mang trí thức cho dân tộc, binh vực lợi quyền cho nước nhà, ấy là phận sự của đàn ông con trai. Việc ấy tôi cũng biết như vậy, tôi có cãi bao giờ đâu. Chớ chi đàn ông con trai, hễ có tri thức ít nhiều mỗi người đều biết lo làm cho tròn phận sự thì đàn bà con gái cũng nên chui trong bếp mà nấu cơm, cũng nên thụt trong buồng mà cho con bú, có lý nào dám chường mặt ra ngoài mà nói chuyện khai hóa. Ngặt vì đàn ông con trai của mình bây giờ coi tệ quá. Có lẽ mình cũng ngó thấy chớ, phần nhiều họ chỉ cầu danh ham lợi chớ có mấy người lo công ích đâu. Nếu đàn bà con gái không can dự vào đặng giúp với mấy người đàn ông biết lo đó, thì đồng bào ta biết đời nào mới mở mắt.
Vĩnh Thái nghe vợ nói như vậy thì ngồi lặng thinh mà suy nghĩ. Chàng thò tay ngắt một cái bông lài mà hửi rồi mới nói rằng:
- Mình nói phải lắm. Ðàn ông con trai của nước mình là đồ bỏ cả. Chẳng kể chi mấy người học tham lam ở bên này, thậm chí họ đi du học bên Pháp về, phần nhiều cũng không ra cóc rác gì hết. Tôi thấy đời như vậy thiệt tôi ngán quá, nên hết muốn tính việc gì nữa.
- Sao mà ngán? Ðời tệ thì mình phải lo sửa lại, chớ ngán nỗi gì?
- Thiên hạ họ đấu tranh giàu sang, nếu mình chăm lo làm công ích thì mình dại hơn họ quá.
- Mình nói như vậy sao phải. Ai có thói đê tiện, ham giàu sang mặc ai. Mình phải giữ cái tánh cao thượng, cứ lo giúp ích cho đồng bào. Bọn đê tiện ấy dẫu có được giàu sang cho mấy đi nữa, thấy mình chúng cũng hổ thẹn, chớ đâu dám chê mình dại.
- Ối! Ðời này họ kể gì là phải quấy, hể giàu sang là cao, còn nghèo hèn thì thấp. Dân còn ngu quá, họ có hiểu ai là người giúp ích cho họ, ai là người hãm hại họ đâu. Mình làm phải với họ cho mấy đi nữa, họ cũng không biết công ơn, mà sợ e họ còn khinh bỉ mình nữa chớ.
- Phong tục tồi tệ, thì mình ăn ở cho cao thượng, đặng làm gương tốt cho người ta bắt chước mà làm theo. Dân trí còn u ám, thì mình phải khai hóa đặng cho người ta biết đường ngay mà theo, nẻo dại mà chừa.
- Sửa phong tục, khai dân trí, là hai điều khó lắm, một mình lo sao nổi.
- Hễ mình đề xướng lên thì ắt có người khác giúp với mình chớ.
- Theo ý mình bây giờ phải làm thế nào đâu, mình nói cho tôi nghe thử coi.
- Mình học giỏi, mà mình là đàn ông nữa, việc ấy mình thông thạo nhiều, tôi trí thức bao nhiêu mà dám nói.
- Ậy, giả đò như tôi là thằng chồng ngu, không biết việc chi hết. Bây giờ mình dạy cho tôi biết cách giúp ích cho đời vậy mà.
Mấy lời nói ấy, ý thì khiêm, mà giọng thì ngạo, bởi vậy Thu Hà nghe rồi cô mắc cỡ, cúi đầu lặng thinh.
Vĩnh Thái cười và nói rằng:
- Nãy giờ tôi muổn cãi với mình chơi, chớ phải tôi là thằng vô dụng như bọn tân học bây giờ đó đâu. Tôi lo giúp ích cho đời từ hồi tôi còn nhỏ kia. Vì tôi muốn giúp ích cho đời nên tôi mới đi du học. Ở bên Pháp mấy năm tôi lo tính hết sức, tôi quyết chí hễ học thành tài trở về quê hương, thì tôi sẽ hy sinh cái thân của tôi cho xã hội mà lo khai hóa đồng bào. Mà về tới xứ sở mấy tháng nay, tôi dòm thấy công cuộc trong nước, tôi thám dò thái độ của người mình, thì tôi bắt ngao ngán trong lòng không biết chừng nào. Tôi vắng mặt mấy năm tưởng là trình độ học thức của người mình ở nhà đã được nhắc lên cao chút ít, té ra trình độ cũng vẫn như cũ, mà tâm đức coi ra lại còn sụt thấp hơn xưa. Cái óc dân tộc mình hư rồi, khó mà sửa cho nên lại được. Mấy tháng nay tôi tính gần nát trí khôn, mà cũng chưa tìm được cái phương châm nào có thể giúp cho người mình tấn hóa được. Nên chơi thì chơi tôi buồn lắm. Tôi tức quá. Chớ chi tôi giàu, có một hai triệu đồng bạc, tôi sẽ làm cho họ coi.
Thu Hà nghe chồng nói vậy, tưởng chồng thiệt có lòng nhiệt thành, nhưng giận thế tình ám muội nên thán oán, bởi vậy cô ngó chồng rồi hỏi rằng:
- Làm sao mà có đến một hai triệu cho được?
- Vậy chớ muốn làm việc công ích mà không có tiền, thì làm sao được?
- Vả cuộc khai hóa không phải sức một người mà lo cho nổi, mà cũng không phải làm một ngày mà rồi hết được. Những người có lòng lo việc công ích, ai tùy theo sức nấy mà làm. Một người lo một việc, một ngày làm một chút, nhờ sức đông người, nhờ công nhiều người, mới mong thành tựu được. Ấy vậy, cuộc khai hóa mình phải thong thả mà làm, song làm thì phải làm cho có tuần có tự, hốt tốc lắm cũng không nên. Bây giờ mình phải liệu sức mình và coi chỗ nào cần ích gấp hơn hết thì làm trước, chớ thấy cuộc đời rồi chán ngán không chịu làm, thì ai gọi mình là người có chí, còn làm hốt tốc quá thì không thành tựu được, mình đã thất công lại vô ích nữa.
- Bây giờ mình muốn cho tôi làm việc gì?
- Kỳ xưa tôi lén tôi nghe mình tỏ cái chương trình khai hóa với ba, thiệt tôi phục quá. Nếu mình do theo cái chương trình đó thì hay biết chừng nào.
- Hứ, nói nghe mà chơi thì dễ, chớ xướng ra mà làm, thì có dễ gì sao? Kỳ xưa, tôi nói cái chương trình khai hóa chia ra làm ba đoạn phải hôn? Bây giờ phải làm đoạn nào? Phải lo khai hóa trí thức, hay phải lo chấn hưng kinh tế, hay là phải lo tài bồi đạo đức?
- Theo ý tôi bây giờ cần phải lo quảng khai dân trí.
- Quảng khai dân trí phải làm sao?
- Cái đó tự ý mình liệu, mình muốn lập học đường hay mở nhựt báo, hay là lập ấn quán gì cũng được.
Vĩnh Thái lắc đầu, nhắm mắt trề môi mà nói rằng:
- Muốn làm việc đó, mỗi việc phải có vốn một trăm ngàn làm mới được. Mình có tiền hay không?
Thu Hà day mặt ngó ngay chồng mà đáp rằng:
- Hễ mình làm việc phải thì ba giúp tiền, chớ tôi làm giống gì mà có. Mà có làm việc gì thì chừng năm mười ngàn vậy được, chớ cả trăm ngàn ba giúp sao cho nổi.
- Nếu có làm thì phải làm cho hẳn hoi, chớ làm lôi thôi ai thèm. Năm mười ngàn đồng bạc mà làm cái gì, lập trường dạy con nít trong xóm học A B phải hôn? Hay là lập nhà in để in giấy tiền? Thôi đừng có nói chuyện khai hóa, đừng có tính việc công ích nữa, nghe ghét lắm. Phải lo làm cho có tiền đã rồi sẽ hay.
Vĩnh Thái nói chưa dứt lời thì chàng đứng dậy, rồi chắp tay sau đít, huỡn đãi đi vòng trong vườn bông. Trời đã chạng vạng tối, mà lại mây giăng mù mịt trên nhành lá cây lợt sắc, trong vườn hoa quả phai màu. Thu Hà ngồi ngó theo chồng mà thở dài, rồi cô đứng dậy xách hai cái ghế đi vô nhà, mặt buồn xo, mắt ứa lụy.
Thu Hà gần chồng có mấy bữa thì thấy tánh ý chồng trái hẳn với tánh ý của cô. Hôm nay ngồi đàm luận việc công ích với nhau, lại thêm thấy khí phách của chồng không giống khí phách của cậu Tú tài đến nhà cô hồi tháng trước. Tuy cô buồn nhưng mà có Công Cẩn ở nhà, tối ngày cô theo nói chuyện chơi với em, nên sự buồn của cô còn có khuây lảng được chút đỉnh.
Cách ít bữa sau, tới khai trường Công Cẩn đi học rồi, Thu Hà không còn người thân thiết mà hủ hỉ nữa, tự nhiên phải nói chuyện với chồng. Cô gần gũi chồng chừng nào, cô buồn duyên tủi phận chừng nấy. Vợ thì nắm chặt lòng thành thiệt, chồng thì chuốt ngót tiếng phỉnh phờ, vợ thì ăn một đọi[2] nói một lời, chồng thì nói một đường tính một ngã. Vợ chồng dường ấy, làm sao mà gọi là loan phụng hòa minh.
Cô Thu Hà lấy làm bực bội trong lòng, nhưng mà cô không biết tỏ với ai được. Ðã biết trong nhà có cha mẹ, mà nếu mình than thở với cha mẹ, thì làm cha mẹ buồn bực như mình nữa chớ không ích gì. Mà mình than thở làm chi? Mình than thở rồi sửa tánh ý chồng mình lại được hay sao mà than thở? Ôi thôi! mà hồng nhan bạc mạng, căn số vô duyên thì chịu, than thở làm gì.
Thu Hà tủi phận chưa nguôi, thì kế rầu nỗi mẹ nữa. Vừa qua mùa đông bịnh ho của cô Hội đồng Chánh phục phát, cô thổ huyết luôn ba bốn bữa rồi cô nằm liệt không dậy nổi. Thầy Hội đồng rước đủ thứ thầy chạy đủ thứ thuốc, mà bịnh cũng không thấy giảm. Thu Hà tuy mắc lo săn sóc mẹ, song không quên buồn nỗi chồng, mối sầu của cô lại càng rối lên, bởi vậy cô ăn ngủ không được, thân thể gầy mòn, nhan sắc mười phần giảm hết ba bốn.
Cô Hội đồng nhờ thầy hay thuốc tốt, nên níu sự sống của cô lại được ít ngày. Nhưng mà cô mang chứng bịnh hiểm nghèo, dầu thuốc tiên cũng khó mà cứu được, bởi vậy qua tháng mười một cô không thể chịu nổi nên phải nhắm mắt từ biệt chồng con mà về âm cảnh.
Thu Hà với Công Cẩn khóc than không ráo nước mắt, còn thầy Hội đồng Chánh đau lòng rối trí nên lơ lửng như kẻ không hồn. Trong đám tang nhờ có Hương chủ Lung với Vĩnh Thái coi sóc sắp đặt, chớ cha con thầy Hội đồng Chánh không biết tới sự việc chi hết.
Cuộc sống chung yên rồi, Công Cẩn trở lên trường mà học lại. Thầy Hội đồng buồn rầu hết muốn lo việc trong nhà nên giao cho rể coi thâu góp lúa ruộng.
Ðến ngày làm tuần bá nhựt cho vợ, có bà con tựu đủ mặt, thầy Hội đồng nhơn dịp ấy bèn giao hết sự sản cho con rể cai quản đặng thầy đi chơi. Ông Hương chủ Lung thấy cháu tính như vậy thì nhíu chơn mày mà nói rằng:
- Vợ chồng con Thu Hà là con nít, cháu giao hết cho chúng nó coi như vậy sao được. Cháu buồn thì đi chơi năm mười bữa rồi về, chớ bỏ phú việc nhà như vậy không nên.
Thầy Hội đồng đáp rằng:
- Cháu buồn quá nên tính đi du lịch ngoài Trung Kỳ, Bắc Kỳ chơi ít tháng, rồi sau cháu qua Hương Cảng, Thượng Hải nữa. Không hại gì, vợ chồng nó đã lớn rồi, thứ coi nhà coi ruộng có khó gì đâu mà sợ.
Ông Hương chủ Lung lặng thinh, không cản nữa, song coi bộ ông không vui.
Cúng tuần cho vợ xong rồi, thầy Hội đồng Chánh lấy năm ngàn đồng bạc bỏ vào lưng rồi từ giã con gái và con rể mà đi du lịch.
Thầy Hội đồng mới đi hồi sớm mai, kế chiều lại Vĩnh Thái kêu vợ biểu đưa chìa khóa tủ sắt cho chàng giữ. Thu Hà lấy làm bất bình, nhưng vì cô sợ trái ý chồng, nên riu ríu móc túi, lấy xâu chìa khóa mà đưa.
Vĩnh Thái ngó vợ cười mà nói rằng:
- Bây giờ ba giao cho tôi cai quản sự nghiệp, vậy để tôi làm công chuyện chơi.
- Làm công chuyện gì?
- Tôi thi hành chương trình khai hóa.
- Mắc coi nhà đây, đi đâu được mà khai hóa.
- Ủa, ở nhà lại làm không được hay sao? Ðể tôi chấn hưng kinh tế cho mình coi.
Thu Hà ngó quay mặt chồng rồi xây lưng đi xuống nhà sau, không nói nữa.
Chú thích