Kẻ làm người chịu của Hồ Biểu Chánh
Chương V
TRAI ĐÒI VỢ, GÁI MUỐN CHỒNG

Chánh Tâm là con cưng, từ nhỏ chí lớn bất luận việc gì hễ chàng muốn thì chàng đòi liền, mà thuở nay chưa có việc gì chàng đòi mà không được. Lúc nầy chàng muốn có một việc ngặt vì việc ấy là việc quan hệ mà lại khó nói ra quá, bởi vậy càng ôm ấp trong lòng lấy làm khó chịu không biết chừng nào.

Qua lễ tết rồi, có một đêm nọ, Tố Nga lên lầu mở tủ kiếm một bộ truyện mà đọc cho giải buồn, Chánh Tâm cầm chị ở nán nói chuyện chơi. Chàng nói dông dài một hồi rồi chàng hỏi rằng:

- Tại sao mà coi bộ chị thương cô hai Cẩm Vân dữ vậy chị?

- Tại tính nết nó ở vừa ý chị, nên chị thương chớ có tại sao đâu.

Chánh Tâm ngồi châu mày suy nghĩ một hồi rồi hỏi nữa: “Ví như má nói má cưới cô cho tôi, không biết cô ưng hay không chị?”

Tố Nga ngó sửng Chánh Tâm rồi hỏi lại rằng:

- Em thương con Cẩm Vân lắm hay sao?

Chánh Tâm cúi mặt xuống và ứa nước mắt mà đáp nhỏ rằng: “Em thương lắm. Không biết tại sao mà từ ngày em gặp cô cho đến bây giờ, hễ vắng mặt cô thì em buồn bực thương nhớ hoài.”

Tố Nga ngồi lặng im một hồi rồi nàng nói rằng:

- Nếu em đi nói thì nó ưng liền chớ gì. Mà dầu nó có dục dặc chị nói vô, cũng phải được. Ngặt vì có một việc khó lắm.

- Việc gì?

- Em muốn em nói như vậy, chớ chắc má không chịu.

- Không chịu giống gì?

- Má không chịu cưới con Cẩm Vân cho em đâu.

- Sao vậy?

- Má chê nó lắm; má chê nó là con chệch khách không xứng đáng.

- Ủa, con ai thì con, miễn là tử tế thì thôi chớ.

- Phải. Chị cũng biết như vậy. Tuy con Cẩm Vân nó là con chệch, tuy nó nghèo hơn mình, nhưng mà con nhà giàu sang cũng khó hơn nó được. Em mà có vợ như vậy thì có phước lắm. Chị sợ má muốn kiếm chỗ giàu có sang trọng hơn mà làm sui, nên má không chịu con Cẩm Vân chớ.

- Chị làm ơn nói giùm với má thử coi. Chừng nào má không chịu rồi sẽ hay.

Tố Nga cười rồi ôm bộ truyện mà đi xuống.

Sáng bữa sau bà Tổng Hiền đương ngồi tại bộ ván mà ăn trầu, còn Chánh Tâm thì thơ thẩn ở ngoài sân. Tố Nga thỏ thẻ thuật lại cho mẹ hay rằng, Chánh Tâm muốn Cẩm Vân và xin mẹ đi nói mà cưới cho chàng.

Bà Tổng nghe nói bà chưng hửng. Bà ngó Tố Nga rồi bà lấy xấp trầu mà cắt cuống, cứ ngồi lặng thinh, không nói chi hết. Cách một hồi lâu bà mới nói với Tố Nga rằng:

- Bộ mầy ưa con Cẩm Vân rồi mầy bày chuyện chớ thằng ba nó còn khờ lắm, nó biết giống gì mà đòi vợ.

- Ai mà bày chuyện! Bày làm gì. Thôi má kêu nó má hỏi thử coi tại nó muốn hay tại con bày đặt.

- Nó đâu?

- Nó đứng ngoài sân kia.

Tố Nga kêu Chánh Tâm vô. Bà Tổng biểu chàng lại gần rồi bà hỏi rằng:

- Con còn học một năm mới thi ra trường mà con muốn cưới vợ chi sớm vậy con? Con cưới vợ rồi làm sao mà học?

- Cưới vợ thì cưới, còn học thì học chớ.

- Má muốn để con học lấy được bằng cấp rồi má sẽ lo vợ cho con. Nhà mình giàu lớn, nếu con học giỏi nữa, thì thiếu gì kẻ giàu có sang trọng họ cầy họ gả con.

- Giàu có sang trọng mà làm gì?

- Thì con nhà giàu có sang trọng mới tử tế chớ.

- Má nói như vậy té ra con nhà nghèo, con dân dã họ hư hết hay sao, nên phải lựa trong nhà sang giàu mới có gái tử tế.

- Như con muốn cưới vợ, thì cũng thủng thẳng đợi má lựa chỗ cho xứng đáng rồi má nói má cưới cho con, chớ gấp quá không nên đâu.

- Tôi không thèm chỗ khác nào hết.

- Tại sao vậy?

- Tại tôi không thèm chỗ khác, chớ có tại sao đâu.

- Nếu vậy con chí quyết cưới con Cẩm Vân chớ con không chịu chỗ náo khác phải hôn?

- Dạ.

Bà Tổng không nói nữa. Bà cứ ngồi lui cui cắt cuống trầu mà gấp vào ô. Chánh Tâm bỏ lại ghế ngồi chống tay lên trán mà ngó dưới gạch. Thình lình bà Tổng hỏi rằng: “Tại sao mà mê con Cẩm Vân không biết. Con đó tao coi bộ không được”.

Chánh Tâm day lại nói với mẹ rằng:

- Bộ người ta như vậy mà má chê. Đâu má chỉ người nào hơn nó cho tôi coi thử coi.

- Không. Bộ tịch nó thì coi lịch sự thiệt. Mà cưới vợ cần kiếm chỗ thiệt thà hiền hậu, chớ kiếm đồ lịch sự mà làm gì con.

- Con Cẩm Vân dữ hay sao? Người ăn nói êm ái quá mà dữ giống gì. Tôi cưới vợ tui kén lịch sự, ai muốn nói giống gì thì nói. Má bảo tui cưới thứ đồ mắt lé xẹ, hoặc răng hô hốc, hoặc đen thui như lọ nồi hay sao?

Bà Tổng nghe con nói như vậy thì bà tức cười. Tố Nga ngồi một bên nàng cũng cười ngất. Bà Tổng nói nữa rằng:

- Nầy con, con còn khờ dại, con không biết, để má nói cho con nghe. Thầy con tuy mất rồi mặc dầu, nhưng mà nhà mình đây là nhà danh tiếng, chớ không phải tầm thường. Con là con ông Tổng. Gia tài của con đây dẫu ngày sau con có chia cho chị hai con đi nữa, thì phần của con vẫn còn nhiều lắm. Con phải để cho má kiếm chỗ xứng đáng, hoặc là con ông Hội đồng quản hạt, hoặc con ông đốc Phủ, hoặc con ông Phủ má nói má cưới cho con, chớ con Cẩm Vân má nghe chị hai con nói nó có ít căn phố lầu gì đó mà thôi, lại nó là con chệch khách, con cưới vợ như vậy coi sao cho xứng.

- Người ta là con ông Bang mà.

- Ông Bang cũng là chệc chớ gì.

- Thì ông Tổng cũng người Việt Nam vậy.

- Con muốn rồi con nói nghe kỳ cục quá. Ông Bang khác ông Tổng khác chớ.

- Cũng người ta vậy, chớ khác giống gì.

- Cũng là người ta, mà đều khác.

- Thôi con hỏi má vậy chớ má chê Cẩm Vân tại sao đâu?

- Má chê nó một là con chệch, hai là tại nó lịch sự, má sợ nó không tử tế.

- Thây kệ, má cưới đại cho con đi. Tử tế hay là không tử tế mặc con.

- Không được đâu con. Việc vợ chồng là việc trăm năm con đừng có nói liều mạng không nên đâu.

- Con biết mà. Má nói lăng xăng mà thiệt ý má muốn kiếm con nhà giàu có sang trọng mà cưới chớ không có chi lạ, đó, chị hai đó. Hồi trước thầy cũng tính gả chỉ cho con nhà giàu có sang trọng, nên bây giờ chị mới vậy đó.....

Tố Nga châu mài nói rằng: “Em đừng có nói quấy. Phận chị khác, Phận em khác so sánh sao được.“

Chánh Tâm đứng dậy ngoe nguẩy bỏ đi lên lầu. Bà Tổng thấy ý con quả quyết bà khuyên giải không được nên bà ngồi buồn hiu. Bà xuối Tố Nga phải lập thế mà an ủi, đừng để Chánh Tâm buồn rầu, vì chừng ấy mà bà cũng còn tưởng hễ nói riết thì có lẽ Chánh Tâm phải xiêu lòng không cần cố đến Cẩm Vân nữa.

Nào dè ý của Chánh Tâm cứng như sắt, tình của Chánh Tâm nặng như đá. Tối lại Tố Nga lên lầu mà chơi, nàng chưa dỡ chuyện ấy ra mà nói thì Chánh Tâm đã khởi đầu nói rằng, nếu mẹ không nói mà cưới Cẩm Vân cho chàng thì chàng sẽ bỏ học, mà có lẽ chàng bỏ nhà mà đi nữa, bởi vì chàng không được kết tóc trăm năm với Cẩm Vân thì chẳng còn trông mong chi nữa mà học, chẳng còn vui sướng chi nữa mà ở nhà.

Tố Nga đem sự buồn rầu thất chí của em mà tỏ lại cho mẹ nghe. Bà Tổng có một đứa con trai nên bà cưng, bà thấy con buồn rầu bà nghe con thất chí thì bà lo sợ, bởi vậy tuy ban đầu bà chống cự, mà lần lần trong ba bốn bữa rồi bà siêu lòng, bà hứa chắc bà sẽ đi nói Câm Vân mà cưới theo như ý con muốn.

Cách vài ngày bà Tổng biểu Tố Nga dắt bà vô nhà Cẩm Vân, trước bà coi bề ăn ở của nàng ra thế nào, sau bà làm quen với cô ba Hài rồi bà sẽ nói chuyện hôn nhân. Cẩm Vân tuy không rõ ý bà Tổng, song nàng thấy bà vô nhà thì nàng mừng rỡ vô cùng. Nàng lăng xăng lít xít, trải chiếu bông mới, khui thùng trà ngon, lựa bửa cau giầy, lau chén nội phủ mà đãi khách. Cô ba Hài cũng niềm nở lắm, cứ theo khen bà Tổng có phước trong nhà có đủ con gái con trai. Bà Tổng ngồi nói chuyện mà mắt bà láo liêng ngó cùng trong nhà, không sót chỗ nào hết. Cẩm Vân đã ra nhà bà mà chơi nhiều lần rồi, tuy vậy mà bà cũng hay liếc ngó nàng hoài, dường như thuở nay bà mới gặp nàng lần thứ nhứt.

Tố Nga ngồi chơi với Cẩm Vân một hồi rồi nàng muốn để cho mẹ nói chuyện với cô ba Hài cho thong thả, nên nàng xin phép mẹ và rủ Cẩm Vân đi chợ mua đồ, hai nàng đi rồi cô ba Hài mới nói rằng:

- Hai chị em nó ưa nhau quá. Hễ cô hai vắng vô chừng hai ba bữa con cháu tôi nó nhắc nhở cô hoài.

- Con hai tôi nó ưa con cháu trong nầy chẳng nói làm chi, thậm chí thằng ba tôi nó cũng ưa nữa, mới báo cho chớ.

- Á, câu ba cũng theo cô hai vô chơi mấy lần. Cậu cũng vui vẻ quá.

- Tại nó vô ra, nó thấy con cháu trong nầy, rồi nó phải lòng, nó cứ biểu tôi phải nói mà cưới cho nó, bất nhơn quá! Nó còn học một năm nữa mới ra trường. Bây giờ cưới vợ cho nó rồi làm sao?

- Cậu còn học thì phải để cho cậu học chớ.

- Tôi cũng nói như vậy đã. Tôi nói hết sức mà nó không chịu, cứ sòng sòng quyết một phải cưới vợ cho nó. Tôi có một mình nó là con trai tôi cưng nên nó đỏng đảnh quá.

- Tưởng là còn lâu, chờ có một năm nữa mà gấp làm chi.

- Tôi nói hết sức mà không được, nó nhứt định hễ tôi không cưới vợ cho nó thì nó bỏ học, rồi cũng bỏ nhà đi nữa.

Cô ba Hài cười. Bà Tổng têm một miếng trầu mà ăn rồi bà nói nữa rằng: ”Bởi ý thằng nhỏ tôi nó muốn con cháu trong nầy quá, vậy nên tôi vô thưa với chị coi được không. Con cháu ra nhà chơi thường có lẽ nó cũng biết, nhờ trời phật phù hộ nên tôi có đủ cơm ăn. Ruộng đất của tôi ở dưới Trà Vinh mỗi năm tôi thâu huê lợi cũng được vài chục ngàn giạ. Chị cũng hiểu rường sức tôi như vậy, mà thằng nhỏ tôi nó học cũng khá, nếu tôi kiếm chỗ quan quyền giàu có lớn mà nói vợ cho nó thì thiếu gì chỗ tử tế họ gả. Cái nầy cũng tại trời khiến duyên nợ của nó, nó thấy con cháu trong nầy nó phải lòng. Tôi nghĩ ôi thôi nó đành đâu thì tôi cưới phứt cho rồi, làm vậy cho nó khỏi buồn rầu, chớ chỗ nó đành mình không chịu, mình đi cưới chỗ nó không muốn, rủi vợ chồng nó cắng đắng với nhau, càng khổ cho mình nữa, phải hôn chị”.

Cô ba Hài hồi nãy thì bãi buôi vui vẻ lắm, mà chừng cô nghe bà Tổng nói tới việc hôn nhân thì cô đã hết vui mà lại có sắc buồn. Cô cũng cứ ngồi đó, nhưng mà cô không trả lời. Bà Tổng nhai trầu nhóc nhách một hồi rồi bà nói rằng:

- Con cháu nó mấy tuổi? Tuổi gì vậy chị?

- Nó tuổi mẹo, mười tám tuổi từ tết tới giờ.

- Thằng ba tôi nó tuổi dần, nếu vậy thì nó lớn hơn con nầy một tuổi. Con cọp với con mèo không xung khắc gì chị hả?

- Cái đó tôi không hiểu.

- Sao? Việc tôi nói đó, chị tính sao? Xin chị cho tôi biết coi.

Cô ba Hài ngồi trầm ngâm một lát rồi cười mà đáp rằng:

- Chị có lòng chiếu cố đến dì cháu tôi, chị không chê dì cháu tôi nghèo hèn, nên chị muốn nói mà cưới con cháu tôi cho cậu ba, thiệt dì cháu tôi cảm tình chị lắm. Cháu tôi mà nó được vào làm dâu nhà chị, thì nó có phước biết chừng nào. Ngặt vì nó vốn con chệch khách không biết lễ nghĩa chi hết. Đã vậy mà cha mẹ nó khuất sớm, không ai dạy nó nấu nướng may vá, nên mọi việc trong nhà nó bạch tuột hết thảy. Tôi sợ nó không xứng đáng vào nhà chị, mà không đủ sức làm dâu nhà chị nữa.

- Chị nói khiêm nhường chi vậy. Tôi biết nó lắm mà. Nó có nói chuyện nhà của nó cho con hai tôi nghe hết rồi. Tuy cha mẹ không để ruộng vườn cho nó song cũng có năm căn phố lầu, vậy cũng khá, chớ nghèo là sao. Còn công ăn việc làm, thì nó cũng biết thêu thùa với người ta, vậy cũng là giỏi lắm chớ. Chị đừng có ngại không sao đâu.

- Bây giờ nó còn có một mình tôi đây, nên quyền gả bán thiệt về phần tôi liệu định. Tuy vậy mà cháu nó đã lớn rồi, lại tôi là dì chớ không phải là mẹ, nên tôi không dám ép nó. Vậy chị nói vậy thì hay vậy, để tôi hỏi lại nó coi, chớ nó đành thì tôi gả, còn như nó không thì thôi.

- Chắc nó ưng mà. Có lý nào nó chê thằng nhỏ tôi hay sao.

- Nó đâu dám chê. Tôi sợ nó nghĩ phận nó con chệch thấp hèn quá, nó không dám đèo bồng trèo cao chớ.

- Thôi, chị hỏi lại nó, rồi bữa nào rãnh chị ra nhà tôi chơi, hay là con hai tôi nó vào trong nầy, chị trả lời cho tôi biết cũng được.

Hai bà nói vừa dứt chuyện, thì hai nàng đi chợ vừa về tới. Cẩm Vân xách hai ba gói bánh trong tay, nàng bước vô rồi kêu con Ngó lấy dĩa ra mà sấp bánh. Nàng bưng lại một dĩa mà mời bà Tổng với cô ba Hài ăn, còn một dĩa thì nàng để riêng trên bàn phía trước mặt đặng ăn với Tố Nga.

Bà Tổng không ăn bánh, lại biểu Tố Nga sửa soản về. Tố Nga chưa kịp ăn bánh nên nàng lấy bốn năm cái gói lại, nói rằng để đem về nhà rồi sẽ ăn. Cẩm Vân nài nỉ biểu gói thêm cho nhiều. Tố Nga nói:

- Chi nhiều dữ vậy ?

- Chị đem về đi mà, đem về để thầy ba thẩy ăn với, chớ chị lấy có vài cái đủ chị ăn, rồi thẩy phiền chị đa.

Tố Nga cười, mà bà Tổng cũng ngó cô ba Hài mà cười.

Xe chạy tuốt rồi cô ba Hài trở vô nhà, cô kêu Cẩm Vân lại đứng gần mà hỏi rằng:

- Nầy cháu, cháu biết bà Tổng vô nhà mình làm chi đó hay không?

- Vô thăm chơi, vậy chớ vô làm chi.

- Không phải.

- Vậy dì nói vô chi đó?

- Bả vô bả nói với dì đặng cưới cháu cho con bả là cậu ba đó, chớ không phải đi chơi đâu, cháu ưng hay không?

Cẩm Vân bỏ đi lại ghế mà ngồi. Nàng lặng thinh cứ ngó ngay ra tấm sáo treo trước cửa, nét mặt coi có vẻ hân hoan mà cũng có sắc lo ra. Cô ba Hài thấy vậy cô cũng đi theo lại ghế mà ngồi rồi cô hỏi nữa rằng:

- Xưa nay cháu ra nhà bà Tổng chơi nhiều lần vậy mà cháu biết tánh ý bả hay không?

- Thưa, không biết. Bà ít hay nói chuyện lắm.

- Dì nói chuyện với bả có một lát, mà dì biết ý bả rồi. Tánh bả hay khoe giàu, mà bả hay khinh thị người ta lắm, phải vậy hay không?

- Thưa, cái đó cháu không biết được. Cháu ra chơi thì chơi với chị hai, có nghe bà nói chuyện chi đâu mà biết.

Bả vô bả nói với dì rằng, cậu ba thấy cháu cậu muốn nên cậu biểu bả phải cưới cháu cho cậu nếu không cưới thì cậu bỏ học bỏ nhà mà đi. Dì nghe hơi bả nói chuyện thì dì biết ý bả lựa chỗ giàu sang mà làm sui, ngặt vì con bả nó thương cháu, nên cực chẳng đã bả phải đi nói mà cưới cháu chớ không phải ý bả muốn như vậy. Bả thiệt là giàu có lớn, bả khoe huê lợi của bả mỗi năm tới mấy chục ngàn. Cháu biết gia đạo của bả, mà cháu cũng thấy con bả nữa. Vậy cháu liệu coi ưng hay không, thì tự ý cháu, chớ dì không dám ép. Bả có dặn dì hỏi cháu rồi trả lời cho bả biết. Vậy cháu tính lẽ nào thì nói cho dì biết, đặng dì trả lòi cho bả.

- Dì liệu sao thì dì liệu, chớ cháu có biết đâu.

- Cháu đã lớn rồi, mà việc vợ chồng là việc trăm năm của cháu. Vậy cháu suy xét cho kỹ rồi cháu liệu lấy, chớ dì biết sao mà liệu.

- Dì liệu thế nào cũng được hết.

Cô ba Hài ngồi buồn hiu. Cô đứng dậy đi nhả trầu rồi cô trở lại ngồi nói rằng: ”Theo ý của dì, cháu là con các chú, thà là cháu ưng chúa tàu, mái chín nào đó, làm như vậy phải hơn. Lấy chồng Việt Nam cháu phải hầu hạ, phải làm dâu, cực khổ lắm. Lời tục có câu: ”Hễ trèo cao thì té nặng”. Cháu có vốn liếng chút đỉnh, bề nào cháu cũng không đói rách mà lo. Ham ăn cho nhiều, mà và khóc và ăn thì khổ thân, chớ không vui sướng gì”.

Cảm Vân ôm cái gối thêu, hai tay vò quay gối, mặt cúi xuống nháy lia, nàng nghe dì nói như vậy thì nàng thở ra rồi nói nhỏ nhỏ rằng:

- Chớ chi cháu muốn lấy chồng các chú, thì hồi năm ngoái cháu đã ưng mấy chỗ họ nói cháu đó rồi.

- Cháu là con các chú mà cháu muốn lấy chồng Việt Nam hay sao?

- Cháu không chịu lấy chồng các chú.

- Tại sao vậy?

- Họ có vợ Tàu, rồi họ hủy hoại mình, vậy dì không thấy con ông Bang Xường đó sao?

- Cháu nghĩ như vậy cũng phải. Lấy chồng Việt Nam cũng tốt. Cháu tính lẽ nào tự ý cháu.

Cô ba Hài đứng dậy đi ra sau nhà bếp mà coi cho con Ngó nó nấu ăn. Cô lục đục ở sau, gần một giờ đồng hồ, mà chừng cô trở ra cô cũng còn thấy Cẩm Vân ngồi tại ghế, tay ôm cái gối thêu để trước ngực mà suy nghĩ.

Đêm ấy Cẩm Vân nằm một mình trên lầu trằn trọc, lăn qua lộn lại, suy tới nghĩ lui hoài, ngủ không được. Lời của dì nói xét lại cũng phải lắm. Trèo cao thì té nặng, đèo bồng mà làm chi. Tuy mình là con chệch khách song từ nhỏ tới lớn, mình ăn rồi chơi chẳng hề khi nào cầm lấy cây chổi mà quét nhà, hay là vào trong bếp mà nấu nước. Nếu mình lấy chồng Việt Nam; ví dầu chồng mình giàu có sang trọng đến bực nào đi nữa, mình cũng phải làm dâu. Làm dâu phải làm những việc gì? Điều ấy thuở nay mình nghe nói, chớ chưa biết, thế thì làm sao mà làm cho được. Khó lắm! Chi bằng mình con chệch, thì lấy chồng chệch; mình xí xô xí xào với nó cho qua ngày tháng. Tuy nó không biết nói ngon nói ngọt như Việt Nam, song nó cũng biết ơn nghĩa, nó cũng biết quấy phải. Đã biết chồng chệch nó hay cưới vợ Tàu, mà nó có vợ Tàu thì mặc nó, có hại gì mình đâu mà sợ. Lấy chồng chệch mình khỏi hầu hạ nó, mình khỏi làm dâu, mình cứ ăn no rồi húng hính vui chơi, mọi việc trong nhà nó lo hết; nó buôn bán lời lỗ mặc nó mình chẳng cần biết tới làm gì.

Cẩm Vân nghĩ như vậy rồi nàng vén mùng bước ra, đi lại bàn rót nước mà uống. Nàng đứng uống nước, bỗng thấy hình dung của nàng nó dọi trong kiếng càng lớn treo dựa vách. Nàng dứng nhắm hình dung nàng một hồi rồi nàng châu mày, kéo ghế mà ngồi.

Đồng hồ gõ mười hai giờ. Cẩm Vân ngồi chống tay trên bàn mà tư tưởng. Một lát nghe chú bán mì thánh gõ lắc cắc cụp ở đàng ngã tư, rồi một lát nữa lại nghe tiếng xe song mã chạy rần rần ngang cửa. Cẩm Vân nghĩ lại hình dung mình như vậy, cái công mình học chữ học thêu dầy lắm, nếu mình lấy một người chồng chệch thì uổng biết chùng nào! Huống chi thầy ba Chánh Tâm sánh vói mình thì xứng đôi vừa lứa lắm. Tuy tánh thầy hay vụt chạc, thầy hay nói ngang tàng nhưng mà làm vụt chạc coi vui, nói ngang tàng nghe ngộ quá. Mình mới quen với thầy chừng một tháng nay mà coi bộ thầy ưa mình lắm, lại không biết tại sao hễ mình thấy thầy thì mình mắc cỡ quá, mà trong lòng khấp khởi chớ không phải thấy như người thường. Chắc là thầy thương mình lắm, nên thầy năn nỉ với bà Tổng đi nói mình. Cha chả! Nếu mình không ưng đây, chắc thẩy giận, thẩy không thèm bước chân tới nhà mình nữa.

Cẩm Vân nghĩ tới đó thì chúm chím cười rồi đứng dậy đi vô mùng. Nàng nằm nhắm mắt mà nàng thấy hình dạng Chánh Tâm ở trước mặt nàng hoài. Nàng thấy chàng cười, nàng nghe tiếng chàng nói nàng tưởng tượng chàng ngồi một bên, chàng nằm chung gối, mà nói chuyện với chàng rồi chẳng hiểu vì cớ nào trong lòng nàng bắt khoan khoái nhớ chàng đến nỗi nàng chảy nước mắt.

Đêm ấy nàng không ngủ được. Mà sáng ngày nàng cũng lơ lửng biếng nói biếng cười, biếng gỡ đầu, biếng thay áo.

Cách ba ngày sau, Tố Nga vô nhà Cẩm Vân; mà lần nầy nàng đi có một mình, chớ không có Chánh Tâm. Hai nàng ngồi nói chuyện chơi một hồi, rồi Cẩm Vân lên lầu đặng lấy cặp mặt gối đương thêu cho Tố Nga coi. Tố Nga nhơn dịp ấy mới bước lại nói nhỏ nhỏ với cô ba Hài rằng: “Má tôi biểu tôi đi vô mời dì ra nhà chơi và luôn dịp hỏi dì coi chuyện má tôi nói với dì bữa hổm đó, vậy mà đã xong rồi hay chưa, xin dì cho má tôi biết”.

Tố Nga nói tới đó thì Cẩm Vân ở trên lầu đi xuống cũng vừa tới. Cô ba Hài cười và nói với Tố Nga rằng: “Cô hỏi nó coi nó chịu không. Hổm nay tôi hỏi nó thì nó cứ lặng thinh hoài. Con kỳ quá! Nó ưng hay không không biết mà nó không ư hử gì hết”.

Cẩm Vân đưa cặp mặt gối cho Tố Nga coi. Tố Nga cầm coi một hồi, hai chị em dắt nhau lên lầu. Tố Nga dòm coi ý Cẩm Vân buồn, ít nói ít cười, chớ không vui vẻ bãi buôi như mọi lần. Nàng kéo ghế ngồi dựa cái bàn rồi biểu Cẩm Vân ngồi một bên. Nàng ngó Cẩm Vân và cười và nói rằng:

- Hổm nay dì ba có nói chuyện má qua nói với dì hôm đó cho em nghe hay không?

- Thưa có.

- Em tính sao? Em nói cho qua nghe một chút.

Cẩm Vân ngồi cắn móng tay, mắt cúi ngó xuống và không trả lời. Tố Nga đợi một hồi rồi nàng nói rằng: "Chị em mình chớ phải người xa lạ gì hay sao mà em mắc cỡ. Qua muốn hỏi em cho ắt chất[1], chớ qua cũng biết không lẽ em chê thằng ba. Thiệt hồi chị em mình làm quen với nhau, qua không dè ngày sau thành ra việc hôn nhơn như vầy. Từ hôm bữa thằng ba nó tỏ thiệt với qua rằng, nó thương em, nó biểu phải nói má cưới em cho nó, thì qua mừng không biết chừng nào. Được như vậy thì chị em mình ở chung một nhà, càng vui vẻ hơn nữa. Thằng ba nó thương nhớ em lắm, nó muốn cưới nội trong tháng nầy. Qua nói cưới vợ thì phải chờ năm ba tháng. Mà nó không chịu, thằng thiệt khó quá. Má qua cưng nó rồi nó muốn ngang nào được ngang nấy."

Cẩm Vân cứ ngồi lặng thinh, mà hai hàng nước mắt chảy ròng ròng. Tố Nga lấy làm lạ nên hỏi rằng:

- Tại sao em buồn. Đâu em nói thiệt cho qua nghe thử coi.

- Em buồn lung lắm. Hổm nay em khóc hoài. Không lẽ em giấu chị, thầy thương em thì em cũng thương thầy ba vậy chớ. Em được làm vợ chồng với thầy, em ở một nhà với chị thì em có phước biết chừng nào. Ngặt vì em nghĩ phận em là con chệch khách phần thì ba má em khuất sớm, không ai dạy biểu, bởi vậy thuở nay em bơ thờ, việc nữ công nữ hạnh em không biết chi hết. Bây giờ em lấy chồng Việt Nam em biết làm sao mà làm dâu.

- Oái! Tưởng là việc gì, chớ việc đó mà em ngại giống gì. Em đừng có lo. Nhà mình giàu có, mọi việc đều có trẻ nó làm. Cưới em về mà chơi chớ làm dâu giống gì. Qua làm sao thì em làm như vậy, ai bắt em gánh nước hay bửa củi hay sao mà em sợ. Trời ôi! Thằng ba nó thương em lắm, ai bắt vợ nó làm công việc cực khổ nó phá nhà chớ. Việc làm dâu, em để cho nó bảo lãnh cho. Thôi, để qua tính với dì ba lo may áo quần, sắm đồ đạt chút đỉnh cho em. Hễ má coi ngày nào tháng nào cưới được thì qua cho em hay nghé.

- Dạ.

Tố Nga cười rồi từ giã mà về. Xuống từng dưới nàng nói với cô ba Hài rằng: “Tôi hỏi rồi. Nó chịu, nầy dì biết tại sao mà hổm nay nó dục dặc đó hay không? Nó sợ làm dâu. Con thiệt thà quá!“

   




Chú thích

  1. Rõ ràng, đúng hẳn