IX

Từ khi phá được Thuận-hóa, Bình đã có thư báo-tiệp đưa về cho chúa Tây-sơn. Trong thư cũng nói: « Lũ thần vâng theo mưu-mô của miếu-đường, đề binh ra đi, nhờ về oai trời thiêng-liêng, Thuận-hóa đã yên, thiên-hạ rung-động. Nay ở Bắc-hà, quân kiêu, tướng lười, thế có thể lấy, thần xin theo lẽ tiện-nghi, ủy cho Hữu-quân Nguyễn Chỉnh hãy đem tiền-bộ thủy-quân đi trước, thẳng tới Sơn-nam, thần đang thu-thập nhân-dân các xứ men bể, chọn lấy đinh-tráng, để thêm thế quân, hẹn trong ít ngày sẽ dẹp yên xứ Bắc-hà. Còn thành Thuận-hóa, hiện đã giao cho thần-đệ là Đông-định-công coi giữ. Vậy xin ban-cấp chiếu-chỉ, cho thần tuân theo. »

Chúa Tây-sơn coi bức thư đó cũng mừng rằng Bình thành công, nhưng lại ghét rằng Bình dám tự-chuyên. Vả lại chúa Tây-sơn vốn đã biết Bình là người khôn-ngoan giảo-quyệt, sợ Bình lấy được Bắc-hà trở về, chắc sẽ hợm-hĩnh, khó mà kiềm-chế, chúa Tây-sơn còn nghĩ: Nhà mình đời đời vẫn ở Nam-hà, được xứ Thuận-hóa là nơi đất cũ của nước mình, cũng đã đủ rồi, không muốn lấy thêm một nước lớn nữa làm gì. Vì sợ lấy được, nhưng không giữ được, vạn-nhất vấp ngã một cái, thì sự tai-hại không phải là nhỏ. Bởi vậy, chúa Tây-sơn mới hỏa-tốc sai đem người đem thư ngăn Bình đừng đi. Nhưng khi tới nơi, Bình đã tự cầm đại-quân thuận gió nam kéo ra Bắc rồi. Tiếp được tin ấy chúa Tây-sơn càng không yên lòng.

Ngày 20 tháng sáu, kinh-thành bị vỡ, Bình lại gửi thư về nước báo tin thắng trận. Trong thư đại-khái nói rằng: « Thần từ hôm trước vâng theo quyền tiện-nghi, ra giẹp Bắc-hà, nhờ về oai-thanh của vương-huynh, chỉ đánh một trận là yên. Ngày nay họ Trịnh đã diệt, thiên-hạ thu lại làm một, thần dựa theo ý muốn của người nước, phò dựng họ Lê cho yên lòng người. Bây giờ trong nước mới yên, thần xin nghỉ-ngơi quân lính tạm đóng tại nơi quốc-đô của họ, để chiêu-tập nhân-dân và xếp-đặt các việc khống-chế cho đâu vào đấy. Chờ đến thu-đông thuận gió, thần xin đem quân về nước... »

Thư ấy về đến Tây-sơn, nhằm ngày 14 tháng bảy, chúa Tây-sơn coi rồi, lấy làm lo ngại, bụng bảo dạ rằng: « Bình luôn luôn lập được chiến-công, đã đủ thêm sự kiêu-ngạo. Huống chi y lại tay cầm đại-quân, chuyên chế ở ngoài muôn dặm, Vũ Văn-Nhậm và Nguyễn Hữu-Chỉnh đều là bậc tướng trí-dũng, lại đều thuộc quyền sai khiến của y, nếu cứ để y lượn-lờ ở ngoài, lâu rồi ắt phải sinh ra nhiều việc không tốt. Nhưng sự thế của y đã vậy, không thể dùng một bức thư mà gọi được y về ngay. Nếu mình không thân-hành ra Bắc, bắt y phải về, ấy là thả hùm khỏi cũi, rồi sẽ không sao mà nhốt lại được ». Bởi thế, luôn trong bữa đó, chúa Tây-sơn tự đem năm trăm tên lính thị-vệ ra thẳng Phú-xuân, rồi lại lấy thêm hơn hai nghìn quân Phú-xuân, gấp đường đi ra kinh-sư. Quân đi lật-đật, cảnh-tượng cực-kỳ tiêu điều, người ta không thể nhận ra quân của quan nào.

Lúc tới cửa biển Hội-thống ở trấn Nghệ-an, dân quê có kẻ đem ít đồ bể xin vào yết-kiến, và nói:

— Chúng tôi thấy quan lớn đi qua, nhân có một chút quà mọn, gọi là tỏ tấm lòng thành...

Chúa Tây-sơn tính vốn thật-thà, không quen nói giọng văn-hoa, khi thấy người ấy nói vậy, liền đáp:

— Tôi không phải là quan lớn, tôi là họ ngoại của Chúa Nam-hà[1] vẫn quen gọi là Biện-Nhạc đấy! Các người hậu-tình, thấy tôi đi xa, lương khô, ăn nhạt, mà đem những món ngon lành biếu tôi, cám ơn cám ơn!

Rồi lại tất-tả đi luôn.

Chợt thấy một bọn độ vài chục người, ai nấy lưng đóng khố bện, tay cầm một chiếc đòn ống, cởi trần trùng-trục đứng ở ven đường. Chờ Chúa Tây-sơn đi qua, bọn đó hô lớn lên rằng:

Chúng tôi về Nam, bị Chưởng-Tiến đòi mãi-lộ, cướp hết của cải...

Chúa Tây-sơn hỏi:

— Nó ở đâu?

Bọn đó đáp:

— Nó được của rồi, vội-vàng chạy vào trong dẫy núi kia!

Chúa Tây-sơn liền sai quân lính đi đuổi. Vừa đến một chỗ núi hiểm mấy chục người đó đều rút đao nhọn trong đòn ống ra và reo:

— Mày biết chúng tao hay chưa? Chúng tao đều là các bậc đàn anh trong đám thủ-hạ Chưởng-Tiến, cho nên đến đây để chặt cái đầu tóc đó của chúng bay.

Vừa reo, họ vừa xông lại đâm chém, mấy chục dao nhọn chĩa lên tua-tủa, quân Nam phải chạy tán-loạn một trận, mới được sống sót.

Từ đó, Chúa Tây-sơn, khi ở dọc đường, không dám ngủ ở nhà dân, tới đâu, giương màn ra giữa cánh đồng mà nằm ở đó, quân-sĩ đều ngủ lộ-thiên. Bởi vậy, khi tới kinh-sư, đám quân chỉ là đoàn người mặt mũi hốc-hác, coi không ra bộ quân của vua chúa.

Thấy chúa Tây-sơn tới nơi một cách tiều-tụy, thiên-hạ nhiều người đồ non đồ già, kẻ bảo thành Tây-sơn đã bị nhà Nguyễn đánh vỡ, ông ta vì sự thất-thủ mới phải ra đây; người thì nói rằng: Bình dùng quỉ kế, mượn một người khác giả làm vua anh để thêm thanh-thế của mình. Hào-kiệt thiên-hạ và kẻ coi giữ châu-quận nuôi ngầm binh-mã đều muốn dò xem sự thật thế nào, để tìm cách lấy lại, nhưng mà không ai biết rõ tình-hình.

Lúc chúa Tây-sơn mới đến kinh-sư, Bình ra ngoài ô đón tiếp và tạ cái tội tự-chuyên của mình. Chúa Tây-sơn nói:

Tưởng ở bên ngoài, nếu gặp có việc ích-lợi cho nước nhà thì cứ tự-chuyên cũng được, Bắc-hà có thể lấy, ông lấy ngay được, đó là chỗ thần-diệu trong việc dụng-binh. Vả lại, ông trèo đèo vượt suối đi hàng muôn dặm, mở mang bờ cõi, khiến cho đất nước rộng thêm, thật là thủ-đoạn anh-hùng, anh không thể kịp... Nhưng mà mình đi đánh nước người ta, đã kéo quân vào sâu xứ họ, lại làm nước họ một chốc thay đổi hết nền-nếp cũ, chắc là muôn họ đều thù mình. Anh chỉ lo rằng hoặc có sự gì xẩy ra, ý mình không thể nghĩ tới, nên phải lật-đật ra đây để nghĩ đỡ ông.

Rồi hai anh em gióng xe vào thành. Tới phủ, Bình đưa Ngọc-Hân công-chúa ra chào và nói tất cả tình thật với anh. Chúa Tây-sơn khen:

— Ừ, em vua Tây-sơn, làm rể vua nước Nam, môn-hộ rất xứng-đáng, mối nhân-duyên này đẹp quá!

Và bảo công-chúa:

— Người như thế này, đáng làm em dâu nhà ta!

Trong lúc trò-chuyện, kẻ hỏi người đáp, cực-kỳ ôn-tồn, y như anh em các nhà thường-dân.

Lâu lâu, Công-chúa cáo-từ lui ra, Bình sai quây màn ở nhà chính-tẩm, mời anh vào nghỉ, tự mình lui xuống ngủ ở Lân-các.

Trước đó, quân của Bình lĩnh, đội ngũ đều đã thay đổi một lượt, lúc ấy Bình cũng đem binh-phù lên nộp. Chúa Tây-sơn tuy đã nắm được binh-quyền trong tay, nhưng các đội ngũ vẫn cứ xếp đặt như cũ, còn những cơ ngũ mà Bình mới đổi, thì đều giả vờ như không biết đến. Bao nhiêu tướng-sĩ đều nghe theo mệnh-lệnh của ông « vua cả ».

Bấy giờ vua Tây-sơn mới cùng với Bình bàn đến chuyện về. Cố-nhiên Bình phải vâng theo ý anh. Nhưng việc này hai người giữ rất bí-mật, trong đám các tướng, có Vũ Văn-Nhậm là được dự nghe, còn Nguyễn Hữu-Chỉnh thì không hay biết chi hết.

Là vì Bình tin lời Nhậm, có ý ngờ Chỉnh.

Từ khi tới kinh, Chỉnh và Nhậm đều ở trong lầu Ngũ-long, Nhậm đóng trước lầu, Chỉnh đóng sau lầu.

Bởi Chỉnh là người bản-quốc, nhiều kẻ quen thuộc, cho nên người nước chỉ biết có Chỉnh. Quan-lại, sĩ-thứ tới thăm, chỉ vào cửa Chỉnh. Sau lầu thường đông như chợ, mà phía trước lầu, nơi của Nhậm ở, không có người nào lai vãng. Thấy thế, Nhậm đã có vẻ không thích. Chỉnh phải sai một tên « lại », mời vào làm việc, suốt ngày ngồi ở cửa Nhậm để mời khách đến chỗ Nhậm, nhưng khách vẫn cứ không đến. Chỉnh bất-đắc-dĩ, hễ ai đã vào thăm mình, sau khi tiếp-đãi đủ lệ, lại sắp một món đồ lễ bắt người đưa sang cửa Nhậm. Nhưng Nhậm vẫn không bằng lòng. Chỉnh cũng biết vậy, mới dời sang chùa Tiên-tích.

Nhậm bèn nói với Bình rằng:

— Hắn là một kẻ trốn tội, chạy về với ta, muốn mượn sức của mình, trả thù cho thày để hả cái lòng căm hờn nước cũ. Mình lật-đật đi hàng muôn dặm, đưa hắn về nước, vẽ mày vẽ mặt cho hắn, thế mà khi hắn đắc-chí, những người trong nước su-phụ với hắn, có kẻ lại đem hai câu: « Hổ tự Tây-sơn xuất, long tòng Đông-hải lai »[2] của nhà Nguyễn ở chùa Thiên-mỗ để bảo ông là hổ, bảo hắn là rồng. Ấy là họ muốn nói « hổ lìa núi thì thất thế, rồng ra khỏi bể thì vẫy-vùng. Thế là chẳng những hắn không để mình dùng hắn, mà còn có chí kia khác nữa đấy. » Nay mình giam mấy muôn người ngồi mà ăn không ở đây để giúp cho hắn được thành cục-thế, thật là khờ-dại. Tôi nghe người trong nước này oán hắn ghê lắm, sở-dĩ họ chưa nổi lên, là vì sợ mình đó thôi.

Nếu mình bỏ hắn mà đi, người trong nước hắn, chắc sẽ tranh nhau mà ăn thịt hắn. Vả, hắn đã nói: « nhân-tài Bắc-hà chỉ có mình hắn, hắn chết, mình lấy Bắc-hà lại càng yên-ổn.

Bình cho lời Nhậm là đúng, nên đối với Chỉnh, ngoài mặt tuy vẫn như thường, nhưng trong bụng thì rất ngờ-vực.

Quân Nam vì phải đi xa cũng rất oán Chỉnh. Họ biết thế nào Bình cũng đưa Chỉnh đến chỗ chết, nên đã khinh Chỉnh ra miệng. Một hôm, trong bọn người nước vào hùa với Chỉnh, có kẻ đem quân Chỉnh đi vào một nơi cấm-địa, khi bị quân Nam gạn hỏi, người ấy đáp:

— Tôi có ấn-tín của quan Hữu-quân ở đây!

Quân Nam hỏi lại:

— Hữu-quân là ai? Có phải Nguyễn Chỉnh hay không? Rồi nửa tháng nữa, mày xem quan Hữu-quân của mày.

Chỉnh nghe câu đó, bèn có nhị-tâm với Bình, Chỉnh cũng biết rằng dù sớm dù muộn, thế nào Bình cũng phải đi. Mà Bình đã đi thì mình cũng không thể ở kinh-sư một mình. Vì vậy, Chỉnh mới có ý muốn chiếm lấy trấn Nghệ-an. Chỉnh đã nói ngầm với hoàng-thượng rằng:

— Tôi đem hắn ra, chỉ vì có việc tôn-phù. Bây giờ việc ấy đã xong rồi, tôi quyết không theo hắn nữa. Chắc hắn thế nào cũng về. Mà khi hắn đã về rồi, thì trấn Nghệ-an tức là một bức phên tường của giống sài-lang. Vậy xin bệ-hạ cho tôi vào đó trấn-thủ. Một mặt Nam-hà tôi xin đương cả.

Thế nhưng đến khi nghe chúa Tây-sơn ra đây, Chỉnh ngờ thế nào chúa Tây-sơn cũng cướp ngôi chiếm lấy nước này. Muốn dựa vào chúa Tây-sơn để tránh tai-vạ, Chỉnh bèn khuyên sẵn hoàng-thượng nên đem ngọc-tỷ ra hàng và giục triều-thần thảo gấp một tờ hàng-biểu. Triều-đình bàn-bạc, mấy ngày chưa quyết, không ai dám hạ bút thảo trước. Đánh đùng một cái, thấy chúa Tây-sơn tới nơi, hoàng thượng bèn tự ra đón ở phía Nam-giao. Lúc ấy hoàng-thượng đứng trong cửa ô, sai hoàng-thân là Thanh-phái-hầu quì ở bên tả đường đi, để nói thay lời hoàng-thượng. Chúa Tây-sơn khi tới cửa ô không hề trả lời, vội-vàng giục ngựa đi thẳng, rồi cho người lại đáp rằng:

— Đấng quả-quân tôi thấy đấng Tự-hoàng qua lễ, sợ rằng xa-giá đi chậm hoặc-giả làm phiền quí-thể quì lạy, để sự thất-lễ cho quả-quân. Bởi vậy, quả-quân phải vội đi ngay. Vậy xin ngự-giá về cung, ngày khác thong-thả sẽ cùng gặp nhau.

Thấy vậy, hoàng-thượng biết chúa Tây-sơn vẫn còn trọng-mình, khi về cung, ngài không bàn đến việc « hàng » nữa.

Hôm sau chúa Tây-sơn sai bày phủ-đường làm ba chỗ ngồi: chiếc sập của chúa Tây-sơn kê ở chính giữa, phía tả là ghế hoàng-thượng, phía hữu thì ghế của Bình, hai bên hai hàng giáp-sĩ đứng hầu, nghi-vệ cực-kỳ nghiêm-chỉnh.

Lễ này theo lệ hai vua gặp nhau không ai phải lạy ai.

Xa-giá hoàng-thượng vào đến cửa phủ, chúa Tây-sơn cắt viên quan hầu ra đón, Hoàng-thượng đi bộ vào trước bệ, chúa Tây-sơn ở sập xuống đất và đứng ra phía cạnh sập, tỏ ý kính lễ, rồi sai Bình xuống dưới thềm nghênh-tiếp và mời hoàng-thượng vào ghế. Mọi người ngồi đoạn, chúa Tây-sơn hỏi:

— Tự-hoàng năm nay xuân-thu bao nhiêu?

Một viên tụng-thần đáp thay hoàng-thượng, rồi tiếp:

— Đấng quốc-quân họ Lê chúng tôi gặp phải họ Trịnh tiến quyền cướp thế, mũ giáp lộn ngược đã lâu. May nhờ thánh-thượng là bậc chí-nhân đại-nghĩa, sai tướng ra quân, vì đấng quốc-quân chúng tôi mà chỉnh-đốn lại nếp hoàng-đồ. Hiện nay đất cát nhân-dân nước Nam đều do thánh-thượng gây lại. Nếu như thánh-chỉ sẵn lòng thu nhận một vài quận quốc làm món khao thưởng quân lính thì đấng quốc-quân chúng tôi xin kính vâng mệnh.

Chúa Tây-sơn đáp:

— Tôi nghe ngày xưa đức Thái-tổ mở-mang ra nước Nam-Việt, công-đức thật là tày trời. Tuy tôi ở lánh trong khu biển Nam, song cũng là đất của đức Thái-tổ khai-thác. Tôi vì giận kẻ cường-thần hiếp-chế nhà vua, nên phải làm việc tôn-phù. Nếu là đất của họ Trịnh, một tấc tôi cũng không để, nhưng là đất của nhà Lê, thì một tấc tôi cũng không lấy. Tôi nghĩ quí-quốc mới giẹp xong, còn có nhiều việc cần phải sửa-sang, nên phải ra đây giúp đỡ. Sau khi bốn phương bình-định, anh em tôi lại về nước tôi. Chỉ mong Tự-hoàng nhức-nhổ giường-mối triều-đình, giữ yên bờ-cõi, để cùng nước tôi đời đời kết nghĩa láng giềng, đó là phúc của hai nước.

Viên tụng-quan lại thay hoàng-thượng đáp lại:

— Thánh-thượng nghĩ đến công-đức của Tiên-hoàng-đế, mở lòng giúp-đỡ, khiến cho nền mối của các vị Tiên-hoàng-đế không đến nỗi đứt, ơn của thánh-thượng ban cho thật là vô-cùng. Quốc-quân chúng tôi xin đời đời giữ lễ lân-bang không dám sai trái.

Chúa Tây-sơn bèn sai trà-đồng pha trà đệ lên các ghế.

Hồi lâu, hoàng-thượng có lời xin về.

Chúa Tây-sơn đứng dậy từ-biệt. Bình tiễn hoàng-thượng xuống thềm, chúa Tây-sơn cũng đi theo sau. Khi đã cúi chào hoàng-thượng, chúa Tây-sơn bước lùi trở vào, rồi sai quan hầu đi hầu hoàng-thượng ra khỏi cửa phủ.

Hoàng-thượng lên kiệu về cung, và sai quan triều vào phủ chào chúa Tây-sơn.

Chúa Tây-sơn lần lượt hỏi hết quan chức tên họ từng người. Các quan thưa gửi xong rồi, chúa Tây-sơn nói:

— Tôi nghe ở nước An-nam, ông Nghè là bậc rất quý. Các ông có phải là ông Nghè chăng? Tôi sắp nói với Tự-hoàng xin cho mấy ông đem về nước tôi để dạy người nước. Các ông có chịu đi theo tôi không?

Các quan đều thưa:

— Quốc-quân chúng tôi sai sao chúng tôi phải nghe làm vậy. Dẫu rằng sang Đông, sang Tây, sang Nam, sang Bắc, đi đâu chúng tôi cũng không dám chối.

Chúa Tây-sơn hỏi:

— Các ông khi mới thấy tôi đột-nhiên ra đây, có ai ngờ tôi hay không?

Các quan đều thưa:

— Thánh-thượng đã sai quan Thượng-công phò-dựng nhà Lê, việc ấy rõ-ràng lắm rồi! chúng tôi đâu dám còn ngờ!

Chúa Tây-sơn nói:

— Ai mà ngờ tôi là ngu! Chúa Trịnh bắt quân đi hàng muôn dặm, cố chiếm lấy đất Thuận-hóa, lấy nước lớn làm hại nước nhỏ, mới có cái vạ ngày nay. Gương ấy hãy còn rành rành. Tôi, nếu tham đất nước Nam, lấy nước nhỏ làm hại nước lớn, còn mong lâu bền sao được? Giả-sử đời tôi giữ được đi nữa, thì đến đời con cháu tôi cũng không thể nào giữ nổi. Tôi có ngu gì mà còn gây cái mầm vạ ấy? Chẳng bao lâu nữa, anh em tôi sẽ về, các ông nên giúp đỡ nhà vua cho yên thiên-hạ, hai nước kết nghĩa láng giềng, giữ mãi lấy tình hòa hiếu, để cùng hưởng phúc thái-bình!

Các quan đều khen:

Trong sách có nói « Thánh-nhân bất cần viễn lược ». Thánh-thượng nghĩ tới chỗ đó, thật là cao hơn người thường hàng muôn vạn tầng! Nhưng quốc quân chúng tôi hiện còn trẻ tuổi, chưa quen nhiều việc, lũ tôi lại đều là kẻ tài hèn, thánh-thượng đã để nước tôi được còn, xin hãy tạm lưu lại đây, để cho vua tôi nước tôi được nhờ oai-lực. Bao giờ bốn phương đều yên, giường mối đều dựng lại, bấy giờ ngự giá hãy về, cũng chưa muộn gì.

Chúa Tây-sơn nói:

— Có về cũng còn hàng năm hàng tháng, chứ phải hàng tuần hàng ngày hay sao? Các ông đừng lo.

Các quan lạy tạ lui ra. Rồi thì mấy người bàn riêng với nhau. Kẻ cho hắn nói là thật, người bảo hắn nói là giả. Đại-để cũng chỉ phỏng-đoán hắn ở hay đi, rút lại chẳng ai biết rõ sự thật.

Nhưng các người nước biết hay không biết, chúa Tây-sơn đều không kỳ quản Cái người đáng khiến cho ông ta quan-tâm hơn hết, chỉ có Nguyễn Hữu-Chỉnh.

Bởi Chỉnh là người trong bọn, lại hay giảo-quyệt, nên chúa Tây-sơn vẫn phải giá-ngự bằng đủ mọi cách.

Lúc ấy, ý chúa Tây-sơn đã đương nóng nẩy muốn về, nhưng mà bề ngoài vẫn tỏ ra bộ ung-dung. Sau bữa tiếp-kiến hoàng-thượng, ông ta sai Chỉnh xem ngày để mình vào nhà Thái-miếu làm lễ. Chỉnh xin chờ đến sau tết trung-thu, ông ta bằng lòng. Có lúc nhân nói đến chuyện hôn-nhân của Bình, ông ta bảo Chỉnh:

— Chú hai ra đây, ngươi làm mối cho người vợ đẹp. Riêng ta lại không!

Chỉnh thưa:

— Chỉ sợ táhnh-thượng chê gái Bắc-hà quê mùa mà thôi. Nếu như thánh-thượng rộng lượng bao-dong, sự đó kể cũng không khó.

Chúa Tây-sơn cười:

— Thế thì ngươi còn nợ ta đấy. Phải trả mau đi!

Chỉnh thấy lời lẽ của chúa Tây-sơn có vẻ nhàn-hạ, thì cũng yên lòng, bèn xin lui về.

Nhằm ngày mười bảy tháng ấy, chúa Tây-sơn mật sai các quân đều phải sắm sửa nai nịt, để chờ hiệu-lệnh. Sợ Chỉnh ở ngoài thấy rõ tình-hình sinh ngờ, chúa Tây-sơn bèn cho đòi Chỉnh vào hầu, bắt ở từ sáng đến tối, người ngoài không được tới gần, tin ngoài không được đưa vào, công việc bên ngoài Chỉnh đều không biết gì hết. Đến khuya, chúa Tây sơn mới thả Chỉnh ra. Lúc về đến nhà, người nhà có kẻ bảo cho Chỉnh biết chúa Tây-sơn sắp về, Chỉnh còn nửa tin nửa ngờ và nói:

— Ta suốt ngày ngồi hầu, trò chuyện vẫn rất nhàn-hạ. Sao lại có sự lật-đật như vậy?

Canh hai đêm ấy, chúa Tây-sơn sai người vào gõ cửa điện, từ-biệt hoàng-thượng, nói là sớm mai rút quân về Nam, Chỉnh vẫn không biết.

Trước đó mười ngày, mỗi đêm cứ đến canh một, trong trại quân Nam, chiêng trống vang trời, sang canh hai chỉ còn thưa-thớt vài tiếng, từ canh ba trở đi, tuyệt-nhiên không có tiếng nào. Mấy đêm đầu, trong kinh tưởng là quân Tây đã đi từ lúc nửa đêm, đến sáng ra lại thấy dinh trại vẫn y nguyên. Rồi đó ai nấy cho là sự thường, không hề để ý. Những người nghe lắng trống canh, đều không biết lấy gì làm chuẩn.

Phép quân Tây-sơn, lệnh cấm ban đêm rất nghiêm, thám-tử của Chỉnh mọi đêm đều không được ra ngoài. Đêm ấy, vào khoảng canh năm họ mới liều mạng thử đi qua mấy điếm canh, vừa đi vừa nghe, hết thẩy không có tiếng người. Quanh đến cửa phủ, nghe khắp bốn mặt, cũng chẳng thấy bóng người nào, mà gáo vỡ, nồi mẻ, lổng-chổng vất đầy trên đường. Bọn đó vội vàng đi ra bến sông, ở đó chỉ có trời nước mông-mênh, trăm vạn thuyền lầu hôm nọ, không biết đi đấu hết cả. Lập-tức mấy tên thám-tử về báo với Chỉnh. Chỉnh nghe tin đó, trong bụng cực-kỳ phân-vân: tự biết mình đã thất-thế, không dám ở lại, nhưng mà bỏ đi cũng khó, đường thủy không có thuyền, đường bộ không có quân, muốn trốn không có chỗ trốn, không biết nên đi đường nào. Trong lúc sống chết kinh-khủng như vậy. Chỉnh còn nói đùa mà rằng:

— Ta đã đi khắp chín châu bốn bể, đến lúc trở về xó bếp lại bị chuột-trù cắn chân. Không sợ! không sợ! Ta cứ ở đây xem sao.

Bấy giờ người nhà mới hơi vững dạ. Chỉnh bèn mật sai mấy tên thủ-túc ra bến Cơ-xá tìm thuyền. Sáng ra, kiếm được một chiếc thuyền buôn, họ liền về báo với Chỉnh, Chỉnh bèn đem cả mấy chục thủ-hạ cùng ra cửa ô Tây-long. Người ở kinh-đô tứ phía kéo ra đuổi bắt. Chỉnh tự vác gươm ra sức đuổi đánh, người kinh-đô, tản-tác chạy ra các ngả. Chỉnh liền cướp đường xuống đò, thả thuyền thuận giòng buông xuôi ra bể để theo quân Nam; còn xe ngựa, khí-giới và các đồ-đạc bỏ lại ở chùa Tiên-tích không biết bao nhiêu mà kể!

Sáng rõ, có người đem những việc đó tâu với hoàng-thượng. Hoàng-thượng vẫn không tin. Sau khi cho người đi xem và thấy báo là đúng sự thật, hoàng-thượng ra vẻ kinh-ngạc, lập-tức cho đòi các quan vào triều và hỏi:

— Anh em hắn cướp hết nước ta mà đi, để cái « nước không » lại đây cho ta. Nếu như có việc nguy-cấp thì lấy gì mà chống chế!

Các quan ngơ-ngác nhìn nhau, không biết nên nói thế nào. Tả hữu chợt có người tâu:

— Hôm qua vâng có chỉ truyền sớm nay đặt triều. Bây giờ ngự-giá đã tới, dám xin nhắc lại.

Hoàng-thượng lại hỏi các quan:

— Triều hãy thôi chăng?

Các quan đều nói:

— Hoàng-thượng ra triều để giáng chiếu-chỉ đổi niên-hiệu, đó là việc lớn, sao lại thôi?

Hoàng-thượng bèn ra coi triều, rồi ban tờ sắc công-bố việc đổi đầu năm, lấy năm sau tức năm Đinh-vị làm năm đầu của hiệu Chiêu-thống. Trong tờ sắc đó, một rằng nhờ quí-quốc vương, hai rằng nhờ quí-quốc-thượng-công, giọng văn đại-để đều là lời nói khi chúa Tây-sơn còn ở. Vả lại bên trong cũng có nhiều chỗ kể lỗi họ Trịnh, Lúc ấy có người bàn rằng: hắn đã về rồi thì những chỗ kia nên đổi lại cả. Song trong khi vội-vàng không thể đổi kịp, rồi cứ để nguyên như cũ.

Tan triều, hoàng-thượng lại bắt các quan họp ở triều-đường bàn việc.

Bởi vì hoàng-thượng là bậc anh-minh quả-quyết, vẫn tức về chuyện họ Trịnh hiếp-chế đã lâu, vả lại, ngài với Trịnh-Sâm lại có cái thù không đội trời chung[3], được chún Tây-sơn ra diệt họ Trịnh, ngài rất hả dạ. Lúc Trịnh-Tông chết, ngài đương ở ngôi Tự-tôn, tiên-đế sai ngài đem các hoàng-tử đến chỗ Bình ở tỏ lời chúc mừng, bấy giờ ngài đã bảo Bình như vầy:

= Tôi có thù cha vẫn chưa trả được, nay ông trả thay cho tôi, đời tôi không còn mong gì hơn thế. Nếu như thân tôi có phải chết ở quí-quốc, tôi cũng không hề phàn-nàn. Huống-chi ông lại phò dựng họ Lê, khiến tôi còn được phụng-thờ tôn-xã mãi mãi, công-đức ấy thật không nói sao cho xiết!

Bình đáp:

— Đạo trời vẫn hay đền bù. Đấng Thái-tử xưa đã bị hại, Hoàng-tôn chỉn nên hưởng phúc thái-bình nhất-thống.

Đến khi tiên-đế qua đời, ngài lên nối ngôi, liền hăng-hái tự gánh lấy việc nhất-thống. Vì muốn nhân dịp quân Nam tôn-phù, tự mình gây lấy oai-thế, cho nên trong khi quân Nam chưa về, ngài đã có ý nuôi ngầm vây cánh. Ngoài việc sai các hoàng-thân ai về quê ngoại của nấy chiêu-tập binh-mã phòng khi dùng đến, ngài còn cho người tìm kiếm các nho-sỹ, mời vào giúp việc cho mình. Hồi ấy, về mặt quan văn, ngoài đã có bọn Ngô Vi-Quý, Vũ Chinh, Nguyễn Nễ, đêm ngày cùng nhau bàn-bạc; bao nhiêu mưu-kế cần phải dùng đến trong lúc thảng-thốt, họ đều tính đến tất cả. Nhưng về võ-tướng thì vẫn còn thiếu.

Bấy giờ danh-tướng trong nước có Thạc quận-công Hoàng Phùng-Cơ, Liễn quận-công Đinh Tích-Nhưỡng và văn-thần mà có binh-lực là Dương Trọng-Tế.

Phùng-Cơ từ trận thua ở Thúy-ái, chạy về Sơn-tây, vẫn còn nấp náu chưa ra.

Tích-Nhưỡng từ khi bị tan đạo quân Sơn-nam liền về Cẩm-giàng đem hết cả họ chiếm luôn lấy trấn Hải-dương. Trấn này lúc trước chưa bị binh-đao, trong thành còn có năm bịch thóc công. Nhưỡng đem thóc ấy phân phát cho dân, chiêu-mộ được hơn nghìn dũng-sĩ, thanh-thế rất mạnh. Rồi đó một tướng cướp bể tên là Thiêm-Liên (?) cũng đem đồ-đảng theo Nhưỡng, thành ra Nhưỡng có tới vài vạn quân.

Khi Chỉnh mới đến kinh-sư, đã có viết thư dụ Nhưỡng. Vì Nhưỡng với Chỉnh cùng là môn-hạ quận Việp, hồi đó hai người vẫn rất tương-đắc. Nhưng lúc tiếp thư của Chỉnh, Nhưỡng chỉ viết thư trả lời kiếm cớ thoái-thác không đến. Chỉnh cũng không có thì giờ hỏi đến việc đó. Nhờ vậy Nhưỡng được chuyên-chế một « lộ », đêm ngày ra sức luyện-tập binh-lính.

Còn Dương Trọng-Tế thì vốn không thạo việc binh. Nhưng có người con nhà anh tên là Dương Vân, tính rất hung-tợn, vẫn thường tụ-tập những phường vô-lại, hoành-hành ở các làng xóm, ai cũng phải sợ. Lúc quân Nam ra, Vân có cho gọi thợ sắt rèn-đúc binh-khí. Khi Bình sai tìm thợ sắt, nghe biết tin đó, liền cho người về tróc-nã đồ-đảng của Vân.

Vân đóng cổng làng, bắt hết những người của Bình đem giết.

Trọng-Tế thấy vậy sợ quá, bất-đắc-dĩ mới phải khởi-binh, kéo cờ giữ huyện Gia-lâm.

Chỉ trong mười ngày, quân của Tế đã có đến hơn một vạn, du-binh Tây-sơn sang đánh không đổ.

Lúc quân Tây-sơn còn ở Kinh-sư, trong kinh nhiều người đồn rằng: Hai đạo đông nam đã cùng hợp quân làm một, bất-nhật sẽ tới dưới thành. Tới khi quân Nam lẻn về, trong trống-rỗng, các quan bàn nên gọi các hào-kiệt vào giữ hoàng-thành. Bấy giờ ai có người nào quen biết, đều xin nhà vua ban chỉ đi vời. Trong một ngày, chỉ-dụ đưa đi đến hơn 10 đạo. Nhưỡng và Tế cũng đều ở trong số người bị triệu. Hoàng-thượng cho rằng: Tế là quan văn, nghe thấy mệnh-lệnh tất-nhiên đến ngay. Nhưỡng là hạng võ, lại có danh-vọng, nếu không đối-đãi một cách long-trọng, vị-tất Nhưỡng đã chịu vào. Bởi vậy, hoàng-thượng mới sai thảo một tờ sắc, lời cực ôn-nhã, lại hứa để Nhưỡng vào bậc nguyên-huân, cùng hưởng phú-quí. Rồi sai người đem ra đưa Nhưỡng.

Nhưỡng đọc tờ sắc, vừa khóc vừa nói:

— Nhà tôi đến 18 đời quận-công, ơn nước thật không bạc gì. Trời che đất chở, tôi đâu dám quên? Ngày nay, tôi còn có năm, ba người đi theo, cũng nhờ về oai-đức nhà vua. Bây giờ đã có chiếu-mệnh ra đòi, đáng lẽ tôi phải lập-tức đến trước cửa khuyết. Nhưng vì tôi đương kiểm-điểm binh-mã, sắm-sửa hành-trang chưa xong, vậy xin hoãn lại chừng năm, ba ngày sẽ vào triều sau.

Rồi Nhưỡng sai thảo tờ tâu, cho người đi theo sứ-giả về Kinh dâng vua.

Lúc Nhưỡng chưa tới Kinh-sư, trong Kinh đồn rầm lên rằng: Nhưỡng đem thủy-binh đánh úp quân Nam, bắt được không biết bao nhiêu. Lại có tin nói: Nhưỡng đã bắt sống được Nguyễn Hữu-Chỉnh, chặt cả chân tay làm hình « lợn người », chỉ trong sớm tối sẽ đưa đến Kinh.

Cũng có kẻ nói: Con « lợn người » ấy hiện đã đưa đến Kinh rồi, Người ta tranh nhau đi xem.

Luôn trong mấy ngày, mỗi ngày đến bốn, năm lần ồn-ào như thế, Ai ai nghe thấy tên Nhưỡng cũng phải khiếp-phục, và không người nào mà không mong Nhưỡng đến nơi.

Hoàng-thượng nhận được tờ tâu của Nhưỡng, thấy lòng trung-quân ái-quốc chan-chứa ở ngoài lời nói, ngài có ý mừng, chắc Nhưỡng có thể tin-cậy, cho nên ngài cũng vững dạ.

  1. Tức là chúa Nguyễn.
  2. Hổ từ non Tây ra, rồng ở Bể Đông về,
  3. Trịnh Sâm giết Thái-tử Duy-Vĩ.