Hiện tình chánh phủ Nam Kinh
Quân Nhựt vào gần đến Sơn Hải Quan mà trung ương còn chưa có người chịu trách nhiệm
Bên Tàu từ khi đảng Ninh (Nam Kinh) với đảng Việt (Quảng Đông) mở cuộc hội nghị hòa bình tại Thượng Hải, lâu lắm mới thâu xếp mọi sự được yên, và sản sanh ra chánh phủ thống nhứt; Lâm Sum tạm làm quốc phủ chủ tịch, thế cho Tưởng Trung Chánh, vì Tưởng đã từ chức và hạ giả rồi.
Tuy Tưởng từ chức mặc lòng, nhắm công việc nước Tàu ngày nay mà không có va cũng chẳng dễ gì sở được. Ngoài Tưởng ra còn có Uông Tinh Vệ và Hồ Hán Dân, hai người cũng vào hạng trọng yếu nhứt. Bởi vậy cả ba đều được công cử làm thường vụ uỷ viên ở trung ương chánh trị hội nghị.
Thế mà, hay lắm! ba người đó từ khi được công cử, nhận cũng chẳng nói rõ là nhận, từ cũng chẳng nói rõ là từ, cứ lu lơ thả đù đưa vậy thôi. Tưởng thì cắp vợ về quê, vào trong núi sâu mà ở, còn Uông và Hồ, thì một người ở Thượng Hải, một thì ở Hồng Kông, đều khai mình là có bịnh.
Bởi vậy ở hành chánh viện của chánh phủ mới, trăm việc đều bê trễ, vì không có người đảm đương. Tôn Khoa với Trần Minh Khu là chánh trưởng và thứ trưởng của viện ấy thì đều thoái thác, nói rằng những việc tầm thường thì họ làm đặng, chớ còn về những việc lớn quan hệ thì họ không dám chuyên quyền. Cái hiện tình nội trị như thế, coi thật dễ buồn!
Cứ như lời một tờ báo Tàu nói thì mấy cha nầy sở dĩ tháo vát như thế chẳng qua là thấy khó mà tránh trút đó thôi. Nghe nói vấn đề khó nhứt của chánh phủ Nam Kinh bây giờ là vấn đề tài chánh. Hiện trong kho nhà nước sạch trơn, chẳng còn biết xoay xở vào ngõ nào. Tưởng thì làm ra bộ lẫy, có ý lợi dụng cái dịp họ công kích mình, yêu cầu mình hạ giả mà đi cho rảnh chưn, để đó coi ai giỏi làm gì mặc họ! Còn Hồ và Uông thì khi trước nằng nằng bắt Tưởng phải hạ giả, song bây giờ rõ ra việc nước nhiều bề gút mắc quá, nếu mình có gánh cũng gánh chẳng kham cho nên cứ giả đau nằm lì ở nhà thương mà không chịu về Nam Kinh cung chức.
Trong khi trung ương chánh phủ không ai chịu trách nhiệm, thì ở ngoài kia địch quốc lại càng làm hung. Trong một số trước, Trung lập có nói quân Nhựt đã kéo vào đánh Nhiệt Hà thì quả như vậy. Vào tới Nhiệt Hà rồi, tức là đã gần với Sơn Hải quan, chỗ nầy là một cái cửa ải ngăn cách nội địa với Đông tam tỉnh. Nếu quân Nhựt vào tới đó thì chẳng khác nào vào tới chỗ tâm phúc rồi vậy.
Thấy Nhựt làm tới như vậy, các tay tướng soái ở miền Bắc hình như có ý tỉnh ngộ rồi, nên mới bắt đầu phản đối cái thuyết "bất để kháng" của Trương Học Lương, bọn Hà Thành Tuấn đã liên hiệp nhau lại mà toan ra tay chống lại với quân Nhựt. Nghe nói họ đã hiệp nhau đánh điện tín cho Nam Kinh, yêu cầu mời cho được Tưởng Giới Thạch lại ra chủ trương việc quốc phòng. Phỏng như cái kế hoạch của bọn võ nhân nầy mà không có điều gì trở ngại và họ thiệt hành ra được, thì thế nào cũng không khỏi có cuộc chiến tranh lớn.
Nói về quốc phủ Quảng Đông thì trước kia hứa rằng khi nào chánh phủ thống nhứt đã sản sanh thì họ sẽ thủ tiêu cái cơ quan ấy liền. Nhưng từ bấy đến nay, sau khi chánh phủ thống nhứt sản sanh đã lâu mà họ chẳng thủ tiêu gì hết. Việc đó Trung lập chúng tôi đã có vài lần nói tới rồi. Hiện nay bên cánh Việt, họ lại còn muốn liên lạc với Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây mà tính việc chi chi nữa kia, hình như toan cát cứ nội miền Nam nước Tàu mà lập riêng một nước hay sao chẳng biết. Mới rồi các yếu nhân cánh Việt có mở một cuộc hội nghị lớn, kêu là “hội nghị Yên Đường", trong đó thảo luận ròng những vấn đề tổ chức chánh trị chớ chưa hề nói đến việc thủ tiêu Quốc phủ Quảng Đông.
Coi tình hình nước Tàu như vậy, thì chẳng biết họ còn có ngày giờ nào, lòng dạ nào, sức lực nào mà đối phó với Nhựt Bổn về vụ Mãn Châu. Bởi vì những ngày giờ, lòng dạ, sức lực của họ, họ đem mà dùng vào việc đánh đổ nhau, chia rẽ nhau, giữ miếng nhau hết cả rồi. Trước kia cứ trông cho thống nhứt được để dễ bề đối ngoại; bây giờ thống nhứt rồi mà cũng vẫn chẳng có chước gì đối ngoại như trước kia. Ấy chỉ vì ai nấy vẫn nhìn nhau, không có ai chịu đứng ra mà gánh vác hết.
T. R.